Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỒNG CẢM VỚI “THƠ VIẾT TRONG ALBUM” CỦA PHẠM QUỐC CA

Trần Huyền Nhung
Thứ ba ngày 23 tháng 8 năm 2011 6:59 PM


        “Thơ viết trong Album” (Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2010) có thể xem  là tuyển tập thơ tình yêu của Phạm Quốc Ca. Gần 70 trang, mỗi trang thơ như mỗi trang đời của thi nhân với những kỷ niệm tình yêu lấp lánh. Có “Bài thơ chưa gửi”, có “Tiếng trầm” làm xao xuyến lòng người, có “Tiếng hát” vấn vương, có “Mùa hoa năm ấy”, có “Đơn phương” một mối tình… Và cả những “Đêm trắng” đầy “Chát đắng”, “Ngậm ngùi” khi nghĩ về “Cổ tích buồn”… Có  “Hạnh phúc” khi “Đà Lạt có em”. Lòng nhà thơ hòa điệu với “Ngân nga Mimosa” và “Tình khúc Lang Bian”… Những ngày tháng “Xa cách”, những buổi “Chiều xanh” của một mối tình “Thời áo trắng”, chỉ còn “ Bình minh buồn” , “Dã quỳ héo úa”. Anh vẫn “ Đợi” trong “Hoàng hôn lạnh” bên “Nửa phần ghế đá”, hay dưới “Cơn mưa mạ vàng”…. Thật nhiều trạng huống, cung bậc của tình yêu đã được Phạm Quốc Ca ghi lại bằng những vần thơ, có hạnh phúc, có khổ đau, có ngọt ngào, chát đắng…giữa bộn bề của cuộc sống.
           Có những người làm thơ để phô diễn tài thơ. Có những người làm thơ để giãi bày cảm xúc. Thơ Phạm Quốc Ca không hướng vào kỹ xảo ngôn từ. Nhưng có thơ ca chân chính nào không phải qua nỗ lực lao động sáng tạo của thi nhân? Điều làm tôi trân trọng nhất trong thơ anh là sự chân tình trong cảm xúc, là vẻ đẹp tự nhiên của ngôn từ, không một chút phô trương, đánh bóng câu thơ. Làm thơ là một công việc tổn hao nhiều “tinh huyết” (Bích Khê) song cũng là một niềm hạnh phúc vô biên. Phạm Quốc Ca cũng đã từng có những phút giây hạnh phúc với thơ:“Nửa lung linh trong nước/ Nửa tự ngắm, tự say / Bên hồ, núi- thi sĩ / Thả hồn trắng mây bay” (Bên hồ, tr.29). Chính vẻ đẹp đạt đến độ tự nhiên này đã quyến rũ tôi và bao bạn đọc yêu thơ khác.
       Thơ Phạm Quốc Ca là thứ thơ thấm đẫm và trào dâng cảm xúc. Đọc “Thơ viết trong Album” tôi chợt nhớ tới lời khuyên của  Annie Dillard-một tác giả nổi tiếng từng đạt giải thưởng Pulitzer Prize: “Hãy chia sẻ hết tất cả, cho hết, sử dụng hết  tất cả, ngay tức thì, cho hết tất cả ngay bây giờ… Sẽ có những điều khác khởi lên về sau, những điều hay ho hơn. Chúng cũng như nước trong giếng, lại sẽ dâng đầy từ bên dưới”. Tôi nhận thấy ở Phạm Quốc Ca một hồn thơ muốn chia sẻ với đời những cảm xúc hết sức mãnh liệt. Người ta thường có một Album ảnh để thi thoảng mở ra xem khi nhớ về quá khứ. Phạm Quốc Ca có cả một Album thơ, trong đó có những giai điệu cuộc đời, lúc hoan ca, lúc trầm lắng. Người đọc như gặp mình trong từng khoảnh khắc câu thơ của anh. Khắc khoải, thổn thức với một bài thơ nào đó hay hân hoan với những vần thơ đầy dự cảm hạnh phúc: “Sáng ra là gặp em rồi /Còn đêm nay nữa, nằm ngồi không yên / Giọt sao rụng bỏng đêm đen /Nôn nao gà gáy trước thềm rạng đông”  (Đợi, tr.45).  Cảm giác đợi chờ trong tình yêu là thế đó. Là lần yêu thứ bao nhiêu thì con người ta vẫn nguyên vẹn cái cảm giác “nôn nao” mong gặp người yêu.
          Thơ Phạm Quốc Ca không nằm ngoài quy luật của tình cảm. Đó là sự đồng điệu của những tấm lòng và là mối giao cảm của tri âm, tri kỷ. Ngay cả khi thơ viết về những cảm xúc rất riêng tư, “một mình mình biết, một mình mình hay”:  “Chẳng được quyền có em giã biệt / Mưa bay lạnh buốt giờ xa/Mắt đêm đèn phố rưng rưng lệ / Thổn thức còi tàu/Nghẹn sân ga / Xuyên khuya vắng / Con tàu đi lầm lũi / Mình ta đưa tiễn một mình ta “ ( Đêm xa, tr.35. Nhạc điệu của bài thơ đã góp phần thể hiện tâm trạng xót xa, ngậm ngùi đến xao xuyến lòng kẻ ở - người đi…Bạn đọc yêu thơ sẽ phải thổn thức trước những dòng thơ đầy tâm trạng. Có lẽ “em” đã thuộc về người khác nên anh “chẳng được quyền có em giã biệt”. Đây là cuộc chia ly khi hai người không thể đến được với nhau và nhân vật trữ tình là “một người làm cả cuộc chia ly” (Nguyễn Bính). Tâm trạng của nhân vật trữ tình là tận cùng cô độc, cô đơn: “Mình ta đưa tiễn một mình ta”. Khi viết “Chẳng được quyền” nhà thơ đã xác định ranh giới của  tình cảm. Vì người yêu, anh đành ngậm ngùi một mình trong cái “đêm xa” khi con tàu “lầm lũi” chuyển bánh. Đó là trạng huống “một mảnh tình riêng ta với ta” (Bà Huyện Thanh Quan). Tôi coi đây là những vần thơ được tinh lọc, “lấp lánh dưới ánh mặt trời”( Sóng Hồng).         
         Giọng điệu thơ Phạm Quốc Ca có lúc như những lời tâm tình, làm sống dậy trong lòng ta những kỷ niệm vui, buồn của quá khứ xa xăm…  Có những câu thơ nói với ta bằng giọng điệu ngọt ngào của nam nữ khi yêu, bằng giọng đắm say của hạnh phúc, lại có lúc cay đắng, xót xa…Tất cả thấm sâu vào lòng ta, thức dậy những tình cảm cao đẹp. Với thơ, con người có thể chiến thắng thời gian, vĩnh cửu hóa những giây phút bằng cách phổ tâm hồn mình vào đó. Cũng bởi lẽ này mà tôi yêu những vần thơ của Phạm Quốc Ca. Chỉ khi yêu cuộc sống tha thiết, sống thật với lòng mình, thơ mới bật ra được những lời chân thành. Thơ sinh ra bởi con người nặng tình với cuộc sống. Có những “đêm trắng” Phạm Quốc Ca tự mình độc thoại với mưa rơi: “Ríu rít bao ngày…/ Em về xứ / Mưa lạnh đất trời / Mưa chứa chan / Anh một mình ngồi đốt đêm thành khói / Tro tương tư đầy trắng gạt tàn” / (Đêm trắng, tr. 59).
        Có thể thấy trong thơ tình yêu, Phạm Quốc Ca đã chân thực đến đáy lòng. Có những câu thơ “ngậm ngùi” đến quặn thắt :“Người buồn ta cũng chẳng vui / Nụ hôn là nụ ngậm ngùi tặng nhau / Tặng nhau đôi trái tim rầu / Nhận thương xót ấy, cho đau đớn này” ( Ngậm ngùi, tr.63). “Thơ viết trong Album” vừa có cái vui ríu ran của hạnh phúc, vừa có những vần thơ quằn quại nỗi đau, nỗi “Chát đắng”:“Em tặng làm chi trái hồng mới ửng / Vị ngọt chưa thành / Chát đắng ngày xanh…/ Trái tim yêu chưa thành ngọn lửa / Sao đã vội vàng hai tiếng yêu anh”? (Chát đắng, tr.60).
        Không né tránh buồn đau, chát đắng nhưng bằng cảm xúc chân thành, mãnh liệt, thơ tình yêu của Phạm Quốc Ca  luôn vươn tới cái đẹp, tin vào cuộc đời, bởi vì “dù người ta có nói với bạn điều gì đi nữa, bạn cũng hãy tin rằng, cuộc sống là kỳ diệu, là đẹp đẽ”( Pautovsky). Bởi lẽ đó mà thơ anh giàu lòng yêu thương và có tính nhân văn cao. Thơ tình yêu trong chiến tranh của Phạm Quốc Ca cũng có một vẻ đẹp riêng. Giữa cuộc hành quân, người lính làm thơ là anh vẫn mở hồn mình để cảm nhận vẻ đẹp của mùa xuân đất nước:“Đường hành quân ríu rít tiếng chim / Lá giòn vỡ dưới bàn chân xao xác / Rừng đã rụng cả mùa khô xuống đất / Ngành ngạnh nảy chồi lá mướt cánh ong”. Và thật lãng mạn là hình ảnh: “Bướm trắng bay đôi dọc đường ra phía trước”  (Thấp thoáng bình minh, tr.14).
           Tình yêu là một tình cảm say mê. Thơ tình Phạm Quốc Ca bốc lên thứ men rượu nồng nàn và huyền ảo: “Riêng anh có một Phan Rang đằm thắm / Nho đầu mùa / Lịm ngọt môi em / Biển Ninh Chữ một chiều sóng trắng / Đã hớp hồn anh cặp mắt đen /  Và anh nhập đất trời huyền ảo / Chiêm nữ đội vò nhấp nhánh sao đêm / Lặng lẽ sông Dinh ánh vàng, ánh bạc / Phan Rang là rười rượi trăng, em…” / ( Phan Rang, tr19). Ở cái nơi nổi bật lên là nắng, gió, cát, Phạm Quốc Ca đã viết nên những câu thơ tuyệt đẹp, say lòng bởi cái tình với cảnh, với người Phan Rang.
“Thơ viết trong Album” của Phạm Quốc Ca đa dạng về cung bậc cảm xúc. Nhưng ấn tượng để lại trong tôi sâu đậm nhất vẫn là cái buồn đến da diết của chia ly, dang dở,cách xa. Tôi cứ bị vương vấn và buồn lây nỗi lòng của tác giả: “Hồn đã theo người phía tím mây / Tim ai đập rộn ở ngực này,/ Em ơi, yêu mến trong xa cách / Hạnh phúc hay là đau khổ đây?” ( Xa cách, tr.37). Trong tình yêu, có lẽ có cả hạnh phúc và đau khổ khi xa cách, bởi vì nói như Xuân Diệu: “Được khổ vì nhau hạnh phúc bao nhiêu!”. Có nỗi buồn lại xuất phát từ dự cảm mơ hồ trước một tình yêu quá đẹp vì thế mà khó thành hiện thực: “Những gì tươi đẹp quá / Không có thật trong đời / Em chỉ là ảo ảnh / Trong cõi buồn của tôi” ( Ảo ảnh, tr.55).
       Cùng với nỗi buồn là nỗi nhớ. Phạm Quốc Ca đã làm tôi xao xuyến, trái tim đập bồi hồi theo nhịp của vần thơ: “ Trời đang rực nắng ban trưa / Bóng mây loáng sáng cơn mưa mạ vàng / Chợt nghe tim nhói xốn xang / Nhớ ai cùng ướt giữa đàng năm xưa”  ( Cơn mưa mạ vàng, tr.57). Đã có nhiều cách nói về mưa bóng mây nhưng Phạm Quốc Ca vẫn tìm ra cách nói thật độc đáo: “Cơn mưa mạ vàng”. Câu thơ đẹp một vẻ đẹp sang trọng chỉ có trong kỷ niệm tình yêu trong sáng.
 Xuyên xuốt tập thơ của Phạm Quốc Ca là âm hưởng trữ tình. Anh tha thiết yêu đất, yêu người, yêu sự sống. Ta nhận ra trong thơ anh cả một bề dày với tình yêu quê mẹ Nghệ An và  thành phố Đà Lạt mộng mơ. Phạm Quốc Ca đã giành tình cảm sâu nặng cho cả hai quê. Quê mẹ nơi anh đến với tình yêu đầu đời chỉ còn là kỷ niệm”“Bây giờ ở phía chân mây /  Ơi con sông Bùng tuổi nhỏ / Anh khát chân trời từ đó / Hồn thơ theo cánh buồm nâu” ( Đà Lạt có em, tr.27). Và hiện tại là tổ ấm gia đình nơi quê mới:  “Anh đưa em về Đà Lạt /Thực mơ thành phố cao nguyên / Dưới tháp sao trường Đại học / Có căn phòng nhỏ chúng mình” ( Đà Lạt có em, tr.27).
      Đà Lạt đẹp đến nỗi bao nhiêu năm rồi sống giữa lòng thành phố ngàn hoa mà Phạm Quốc Ca vẫn cứ ngỡ ngàng: “Đêm vai ngọc /Đêm môi xinh/ Một Đà Lạt ảo lung linh đáy hồ / Thông reo nhạc / Trăng dãi thơ… /Thật đây mà ngỡ huyền hồ chiêm bao” (Đà Lạt đêm, tr.34).
    Bên cạnh đó những suy ngẫm về cuộc đời, những triết lý về nhân sinh được Phạm Quốc Ca gửi gắm ở “Thơ viết trong Album” đã tạo nên một phong cách trữ tình có chiều sâu. Điều này thể hiện ngay ở bài lấy tên cho cả tập “Thơ viết trong Album”: “Hồng dại bên đường không ai hái / Phong lan đỉnh núi lắm người tầm / Thương mến hỡi, xin em đừng buồn nản / Lặng im cây gió nên trầm”. Quan niệm về “hạnh phúc” của Phạm Quốc Ca rất đơn giản mà sâu thẳm:“ Hạnh phúc là gì? / Tôi hỏi một hiền nhân / Sống với người mình yêu / Làm công việc mình thích” (Hạnh phúc, tr.67).
      Đối diện với thơ ta như đối diện với một đại dương mênh mông cảm xúc … Biển sống động, bồi hồi, có lúc tưởng chừng như phẳng lặng mà lại chứa bao đợt sóng ngầm trong lòng nó, có lúc lại ào ạt, mãnh liệt. Biển thơ nâng con thuyền- tâm hồn lên bằng muôn cánh sóng. Thơ cho ta vị ngọt của đời, giúp ta thấy rõ rằng: “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp hơn câu chuyện do chính cuộc sống viết ra” ( Anđécxen). “ “Thơ viết trong Album” của  Phạm Quốc Ca khiến tôi liên tưởng tới những điều đó…
Sài Gòn, ngày 20/8/2011