Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHÂN DUNG MỘT NGƯỜI ...

Vũ Ngọc Tiến
Thứ tư ngày 24 tháng 8 năm 2011 5:32 AM
 
Anh tuổi Nhâm Ngọ, nếu tính cả tuổi mụ thì anh vừa tròn 70 tuổi, nhưng còn khá phong độ. Dáng người thấp đậm, gương mặt trẻ trung, phúc hậu và đôi mắt một mí biết cười. Lòng bàn tay anh đỏ hồng, đôi gò Kim Tinh  và Thái Âm dầy dặn, ấm nóng. Ngồi đối diện anh uống café, nếu dồn hết tinh lực mà dùng thuật Bát Sát trong sách xem tướng để quan sát toàn diện chừng dăm phút, tôi như thấy một viền sáng rất mảnh và trong suốt của thể Phách bao quanh thân hình. Tướng người như thế, gặp một lần là có thể tin ngay, yên tâm kết bạn lâu dài…
Bốn năm trước (2007), cũng vào một ngày tháng bảy mưa ngâu, có người bạn thân thiết của gia đình đưa anh đến làm quen với tôi. Nghe bạn mình giới thiệu, tôi biết anh là con nhà cách mạng nòi, nghỉ hưu với quân hàm Đại tá tình báo công an, từng làm tùy viên Đại sứ quán ta ở một đại cường quốc phương Tây… Tôi bỗng thấy chờn rợn, dè dặt trong từng lời nói. Dường như cảm nhận ra điều ấy nên anh chủ động phá đi không khí gượng gạo ban đầu, bông phèng vài câu chuyện tếu rồi bảo: “Mình đọc truyện ngắn và các bài báo của ông về giáo dục, tam nông thấy tâm đắc nên tìm gặp tác giả  tỏ lòng hâm mộ, thế thôi. Cùng cảnh bạn già về hưu trong cái “Hội ngồi bệt”, còn gì cách bức nữa đâu mà ông phải dè chừng, cảnh giác…” Cứ thế, chỉ sau một tuần trà, chúng tôi đã thành thân thiết, say sưa đàm đạo đủ thứ chuyện trên giời dưới bể, cổ kim, Đông- Tây. Trong anh có đủ sự tinh tế, sắc sảo của người tình báo và cả sự từng trải đi nhiều, hiểu rộng, nghĩ sâu về mọi mặt của đời sống xã hội thời mở cửa hội nhập với thế giới văn minh.
Bẵng đi một thời gian dài bận việc, tôi gặp lại anh trong cuộc biểu tình chống TQ xâm lược ngày chủ nhật 24/7/2011. Mấy bạn trẻ đứng gần bảo tôi: “Bác ấy lớn tuổi mà vẫn sôi nổi suốt mấy chủ nhật rồi, vừa đi vừa chụp hình, hô to khẩu hiệu nom khí thế hơn cả lũ thanh niên chúng cháu.” Sáng chủ nhật 7/8/2011, dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ, tôi giới thiệu anh với hai bậc trưởng lão làng văn Nguyên Ngọc và Huệ Chi.  Nghe tôi tóm tắt cái lý lịch đỏ như son, một cô giáo chừng 50 tuổi gần đó trầm trồ: “Người như bác ấy mà chủ nhật nào cũng nhiệt tình góp mặt thì chúng em không xuống đường sẽ thẹn với cụ Lý Công Uẩn lắm lắm!...” Khoảng 18h30’ ngày 19/8/2011, đang ngồi quán café Nhân ngắm nhìn trời mưa rả rích, tôi nghe được giọng anh qua điện thoại: “Ông đã đọc cái gọi là Thông báo cấm biểu tình của thành phố chưa, thấy thế nào?” Tôi đáp gọn thỏm: “Đọc rồi. Không chính danh.” Anh đồng tình: “Đúng, danh đã không chính thì ngôn làm sao thuận, nên nó vô giá trị. Chủ nhật tới, dù trời mưa hay nắng tôi vẫn cứ đi, còn ông?” Cảm động trước tấm lòng tràn đầy nhiệt huyết của anh, tôi đáp một lèo không hề nghĩ ngợi: “Đi chứ! Là một công dân, tôi có trách nhiệm phải xuống đường, cùng mọi người thề giữ gìn chủ quyền biển đảo. Là thằng nhà văn, tôi có nhu cầu dấn thân vào đời sống xã hội để trang viết khỏi khô cứng, mờ nhạt. Là người ông trong gia đình, tôi không muốn sau này hổ thẹn với cháu nội, cháu ngoại của mình. Đơn giản thế thôi.” Đầu bên kia có tiếng anh cười ngả ngớn như muốn vỡ màng loa: “Nhà văn có khác. Tôi có phải ký giả phương Tây đến phỏng vấn đếch đâu mà ông nói hay như đang nhập đồng ngồi viết thế, haha!...” Thế đấy, chúng tôi xuống đường bằng nhu cầu tự thân, tuệ giác mẫn tiệp và sự mách bảo của con tim mỗi người, chứ đâu cần ai tổ chức, càng không thể có thế lực thù địch nào lôi kéo, kích động nổi những mẫu người như anh.
Sáng chủ nhật 21/8/2011, cơn mưa dai dẳng, lúc mau lúc thưa cứ níu giữ chân tôi ở quán café gần phở Thìn, trước cổng Sở “Văn- Thể- Du” của thành phố còn đang xây dựng ngổn ngang sắt thép. 8h25’ mưa tạnh. Sân khấu biểu diễn ca nhạc dưới chân tượng đài “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” bắt đầu chuẩn bị khai diễn, không có một bóng người dân hay khách du lịch, chỉ thấy chừng dăm chục cháu sinh viên thuộc khoa Công nghệ- Đại học Bách khoa mặc đồng phục xanh của thanh niên tình nguyện, đội mưa từ mờ sáng đứng vây quanh bên dưới. Tôi bước vội sang bên kia đường, men theo vỉa hè lát đá, lững thững bước về phía công viên Lý Thái Tổ. Ở đó cũng có một sân khấu biểu diễn văn nghệ “cây nhà lá vườn”, na ná như cái trò lố tôi vừa ngao ngán coi qua ở gần Sở “Văn- Thể- Du” ban nãy. Nghĩ mà thương các cháu sinh viên, buồn the thắt. Đối diện với sân khấu biểu diễn là nhóm người biểu tình chống TQ xâm lược cũng bắt đầu tụ tập đông dần quanh mấy chiếc ghế đá ven hồ. Từ xa, tôi đã nhìn thấy bạn mình trong nhóm người tiên phong của cuộc biểu tình hôm đó. Những biểu ngữ được căng ra, pa-nô, áp-phích giương cao và những tiếng hô khẩu hiệu yêu nước làm chấn động cả một góc Hồ Gươm thiêng liêng, giữa thủ đô ngàn năm văn hiến. Càng lại gần, tôi càng nhìn rõ cánh tay anh nắm chắc vung lên theo nhịp hô của đoàn người rền vang hưởng ứng lời hô của các chị Minh Hằng, chị Phương Bích, cháu Phương, cháu Đức… Đoàn người đi về phía phố Hàng Khay được chừng 15’ thì cuộc trấn áp biểu tình diễn ra quyết liệt, dồn bắt người lên xe Bus. Chiếc xe Bus đầu chở chị Minh Hằng và hơn 20 người vừa chạy khỏi hiện trường thì chiếc thứ hai rồ tới ngay tắp lự. 3 công an trẻ mặc thường phục hùng hổ vây quanh bạn tôi, một người nắm áo lôi đi đằng trước, còn hai người vừa xốc nách vừa đẩy anh từ phía sau. Tôi nhìn anh chân không chạm đất, tay chới với giơ cao chiếc máy ảnh, miệng vẫn quát “chúng mày quyền gì mà bắt tao” mà lòng như có kiến bò, muối xát. Chân tôi như có lực hút nam châm, nhảy vội xuống đường, muốn theo anh lên xe cho có bạn đi cùng, nhưng một cán bộ an ninh có cánh tay rắn như thép bóp chặt bờ vai, kéo tôi lại và bảo: “Thôi bác làm ơn quay về cho chúng cháu làm nhiệm vụ.” Ở mép vỉa hè bên trái tôi, một vị khách du lịch người Âu cao lênh khênh đang cố kiễng chân, giơ chiếc Camera lên cao quá đầu để ghi hình, có 2 chàng trai và 1 cô gái đeo băng đỏ xòe tay trước mặt ông ta để che ống kính mà không tới được. Cảnh tượng nom thật bi hài! Bạn đi rồi, tôi bần thần nhìn theo chiếc xe Bus tuyến Bờ Hồ- Cổ Nhuế được trưng dụng chở người biểu tình bị bắt vào trụ sở công an phường Mỹ Đình. Chẳng biết trong ống kính của vị khách du lịch kia có lưu được hình của anh lúc còn chới với nơi cửa xe ? Giữa đám đông ngơ ngác và nhốn nháo còn lại bên hồ, tôi chợt nhìn thấy cô gái mặc sắc phục cảnh sát đang cầm trên tay chiếc biển sắt tròn với dòng chữ “Cấm quay phim, chụp ảnh”. Hồ Gươm là danh thắng của thủ đô, du khách tha hồ tự do dạo mát, ngắm cảnh, quay phim và chụp ảnh. Chiếc biển cấm trên tay cô cảnh sát này là cái bẫy để tạo cớ bắt giữ công dân mình quay phim, chụp ảnh về cuộc biểu tình chăng? Tôi nán lại nơi xảy ra biểu tình đến 10h30’, thơ thẩn đi dưới những tán cây cổ thụ ven hồ, bồn chồn nghĩ về anh và hơn bốn chục người bị bắt đưa vào Mỹ Đình. Nhiều người đi biểu tình muộn nhận ra tôi vồ vập hỏi thăm hoặc xin cùng tôi chụp vài pô ảnh làm kỷ niệm. Thật lạ, có người từ Huế hoặc Nghệ An ra, từ Nam Định lên, từ Tuyên Quang xuống chưa hề gặp mặt mà vẫn biết anh, hỏi thăm anh qua tôi và nói những lời tốt đẹp về anh- một Đại tá công an nghỉ hưu đi biểu tình, bị bắt lúc 9h12’ ngày 21/8/2011…
Đêm tôi vào mạng, mừng vì biết anh cùng nhiều người khác được tha về lúc 14h30’ trong ngày. Chợt tôi lại đắng lòng khi mờ sáng hôm sau (22/8/2011) đọc bài viết của một Nhà thơ- PGS- TS mỹ học trên báo Hà Nội Mới. Tác giả này tôi biết, thậm chí khá thân thiết với gia đình bởi anh là học trò cũ của bác tôi, khi cụ còn làm Hiệu trưởng một trường THPT ở vùng đồi núi trung du những năm 60 của thế kỷ trước. Sau khi vô cớ lên án gay gắt “những hành vi vi phạm pháp luật thất bại và trở nên lố bịch” của các trí thức, văn nghệ sĩ, tác giả còn lạnh lùng kết luận như dao chém đá: “Hành động vi phạm pháp luật, gây rối trật tự công cộng của họ đã bị các lực lượng chức năng xử lý trong sự đồng tình của những người thật sự yêu nước.” (!?) Giữa hai người tôi quen biết, một Nhà thơ- PGS- TS mỹ học, một  Đại tá tình báo công an có chân dung vừa phác họa, cả hai đều đã rời ghế quyền lực, hạ cánh an toàn thì ai thật lòng yêu nước đây? Câu trả lời nhường cho bạn đọc và lịch sử sau cùng phán xét…
Hà Nội đêm 23/8/2011
VNT