Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LÀNG NGHĨA ĐÔ – CHỢ BƯỞI SỐ PHẬN - ĐỜI NGƯỜI

BS Lại Công Hiệp
Thứ ba ngày 23 tháng 8 năm 2011 8:56 PM

        Chợ huyện một tháng sáu phiên 
        Gặp cô hàng xén kết duyên Châu Trần
                    Ca dao                                                   

1 - Mẹ tôi sinh tôi ra ở nhà thương Phủ Doãn ( bây giờ là bệnh viện hữu nghị Việt –Đức Hà nội }. Nghe nói trước đây là nhà thương thí do thực dân Pháp xây , Hà nội chỉ là một thành phố nhỏ được Pháp bảo hộ , không như Sài gòn là một thành phố thuộc địa của Pháp , như thế đủ biết nó khác nhau hoàn toàn . Thế mà Pháp nó lại xây cho Hà nội những mấy cái nhà thương thí . Lúc đó nghe nói Pháp nó qui hoạch Hà nội chỉ có năm ngàn dân , còn Sài gòn gấp mười lần , là năm mươi ngàn . Chỉ tính riêng trong nội thành Hà nội bây giờ có tới mấy triệu cái con người , mà bệnh viện đó vẫn còn sài được , thật là phi thường . Quả đáng tội mấy năm gần đây bệnh viện cũng được cơi nới ì xèo...
   Bây giờ có một vài người nghèo biết chuyện , lại ước mơ hão huyền là nếu có một cái nhà thương thí , để cho họ khỏi phải đóng tiền mỗi khi ốm đau bệnh tật …
   Rồi bất thình lình – toàn dân Việt Nam đứng lên đánh Pháp , chiến tranh bùng nổ , người Hà nội đi tản cư , tôi được bố mẹ cho về quê , quê tôi ở làng Nghĩa Đô , ngay sát chợ Bưởi , thời Pháp thuộc là quận 5 , tuổi thơ của tôi đả trôi qua ở đây …
2.                                  Chợ Bưởi một tháng sáu phiên
                                  Ngày tư ngày chín cho duyên đèo bòng
                                                                               Ca dao
Năm … , hồi CCRĐ chợ Bưởi là nơi đấu tố địa chủ rất ác liệt …
Ngày xưa cứ đến phiên chợ Bưởi là người ta ngồi tràn cả ra mặt đường , tấp nập người buôn kẻ bán  , thật là  một nơi kỳ thú ồn ào náo nhiệt tuyệt luân ,thật là hiếm có vì nó nửa thành thị nửa nông thôn , mà nó lại nằm ngay giũa lòng thủ đô muôn năm cũ kỹ . Người ta mua bán không thiếu thứ gì ở trên đời này, từ con giun con dế , từ con nhái con cóc đến con trâu con bò , vàng bạc nữ trang  nhẫn quí ,  ……. rau cỏ thanh bông hoa quả bốn mùa XUÂN HẠ THU ĐÔNG, cây cảnh phong lan , chim muông sáo sậu bồ câu , của ngon vật lạ , thượng vàng hạ cám , chu vi bán kính hàng chục cây số cũng được người ta đổ dồn về  đây , Rồi thì ăn mày , hát xẩm , Sơn Đông mãi võ dầu cao con hổ nổi thuốc xỉa răng đen , làm xiếc chiếu phim ,  bánh chưng bánh xèo bún riêu bún ốc , các loại phở tái , chín ,  nạm gầu …măng miến …bia đen con Cọp , rượu tây  rượu ta , bánh khoai bánh bò,  bánh tây ( bánh mì ) nóng ròn pate  phết bơ nhỏ thêm mấy giọt ma zi xáng sáu mùi vị thơm tho ,… khuyến rũ tôi cho tới tận ngày nay …….
   Ở đó có mấy ông bán thịt chó , nghe nói có ông là kẻ dừng  bước chân giang hồ , hậu duệ mấy đời ,con cháu của kẻ đại anh hùng… múa võ dương oai …ông này mắt như bị chột , trong một trận huyết chiến thư hùng anh chị , để giải cứu cho một mỹ nữ ông đã bị thương , mãnh hổ nan địch quần hồ , để cho ông ôm một mối hận nghìn thu …một năm có bốn mùa thì có tới ba mùa Xuân -Hè -Thu lúc nào ông cũng chỉ mặc một cái quần“ lá tọa ”bằng lụa trắng ngà  đã ngả sang màu cháo lòng độc nhất vô nhị , người ta có thể …..nhìn thấy cả con c…ông , to , treo lủng lẳng,…
 
3 .                             Cô kia thắt lưng bao xanh
                                 Có về làng Bưởi với anh thì về
                                 Làng anh có ruộng tứ bề
                                 Có sông tắm mát có nghề quay tơ
                                                                       Ca dao
Từ chợ Bưởi có một con đường đất đi mấy bước chân là tới làng Bưởi - Nghĩa Đô  , làng có nghề quay tơ dệt lụa , có nhà thờ Tổ của một chi họ Lại , dòng dõi Tể Tướng Lại Thế Khanh triều Lê , đã được ghi chép rõ ràng trong sử sách , có nghề bí truyền làm giấy Sắc ( phong )- ( kim tiên ) cho các triều đại phong kiến dâng cho nhà Vua...người dân cần lao từ xưa đến nay hay tự huyễn hoặc mình…thường thì ở đâu cũng vậy ta có thể bắt gặp nghe thấy họ nói (nhiều chuyện) : - ngày xưa ở đây có ông này làm to thế này , bây giờ có bà kia làm to ra phết thế kia vv…và…vv…  có người nói đấy là người ta tán phét , nghe cho khoái cái lỗ tai trong những lúc trà dư tửu hậu chứ cũng chỉ là vô căn cứ… thôi , mặc kệ , hơi đâu …ở đâu mà chẳng có nhiều AQ , Chí Phèo …,
 
  Cổng làng ở phía trên viết ba chữ Tàu màu đen : TRUNG NHA MÔN . Ngay trước cổng làng bên kia đường là một cây cầu xi măng bắc qua sông Tô Lịch sang bên cánh đồng Vân , tuổi thơ của tôi vẫn thường nhiều lần qua đây bắt dế … sau cổng làng phía bên phải có cây đa to , khi còn nhỏ tôi có cái tật là hay la cà ấm ớ dò hỏi các cụ cao niên trong làng về các chuyện tình xưa tích cũ ở trong làng . Lần ấy cách đây khoảng trên dưới 60 năm tôi đã hỏi cụ Chẽ điếc là một trong những người làng già nhất ( nhưng vẫn còn minh mẫn – phải nói to cụ mới nghe ) , nhà cụ ở ngay sát cây đa , cụ nói :
- không biết cây đa có từ bao giờ .
Khi còn nhỏ cụ đã thấy cây đa như thế rồi , và cụ cũng đã hỏi các cụ đời trước thì cũng nhận được câu trả lời tương tự .
Hôm ấy gần giữa trưa tôi đi đón thằng con tôi giờ tan lớp trên đường đi học về khi đó nó mới năm tuổi ,  đi ngang qua quán cây muỗm nó cứ ngửa cổ lên một tay chỉ lên ngọn cây đa  một tay nắm áo tôi giật giật liên hồi :
- Trên ngọn cây đa có Ông Cụ ngồi kia kìa … trên ngọn cây đa có Ông Cụ ngồi kia kìa .. Ông Cụ râu tóc bạc phơ …
Nhưng tôi không nhìn thấy
Cây đa ngoài cái rễ gốc cả chục người ôm không hết còn một cái rễ phụ to chẳng kém vươn ra phía bờ sông Tô Lịch , ngay bên dưới cái rễ phụ này  xưa kia thờ một ( con chó đá ) đen xì , tư thế ngồi -  to như con bê , cỏ cây mọc um tùm âm u hương khói lễ bái quanh năm , người ta gọi là Đền - Rừng Ông Cụ  . Sau lễ phát động bài trừ mê tín dị đoan , đả phong … mãnh liệt , nói chung ngày ấy đền chùa miếu mạo được cho là vớ vẩn ,  đập phá dẹp bỏ hết , nếu không thì cũng bỏ tan hoang . Đền Ông Cụ quê tôi được phá bỏ và thay vào đấy chính quyền người ta cho xây lên một cái nhà đám ma , đó là một điều kỳ quái bậc nhất , ngay đầu cổng làng lúc nào cũng có một bộ đòn đám ma treo tòng teng như để đe dọa ai đó . Cả làng ai cũng biết như thế là  “ đểu ”nhưng không ai dám nói gì !chỉ run rẩy xì xào bàn tán to nhỏ âm u …
 
4. Bên phải cổng làng là đình làng nhìn ra sông Tô Lịch , mặt tiền của nó có dễ tới mấy chục mét với các bậc đá lên xuống nhẵn bóng phẳng lì , sân đình rộng thanh niên trong làng vẫn thường ra đây đá bóng . Sau khi chính phủ về tiếp quản thủ đô , hòa bình , đình chùa làng Nghĩa Đô biến thành một cái kho kín mít bịt bùng cả mấy chục năm trời ? dân sở tại trong làng tuyệt nhiên không ai biết , những người lạ từ phương xa ở đâu tới , người ta làm gì ở bên trong ? có cái gì bí mật dân sự ở đây ? khi nó không phải là bí mật quân sự ? ngày ấy đêm đêm chúng tôi vẫn thường chia làm hai phe chơi đánh trận giả bắn bùm ở đây. Mấy cụ già lại bảo đất nước hòa bình rồi các cháu ơi sao lại cứ chơi đánh trận đánh nhau mãi thế ? có cụ dạy rằng điềm này lại sắp có chiến tranh đánh nhau to nữa …
 
Bên trái cổng làng có quán cây muỗm ( trái muỗm giống như trái xoài nam bộ nhưng bé hơn và có vị chua ) , gọi là quán nhưng ở đây người ta không có hàng quán buôn bán gì , không  hiểu tại sao tôi có một ý nghĩ từ lâu cứ bám riết lấy tôi cho tới tận ngày hôm nay,Tôi cứ nghĩ vẩn vơ là có thể xa xưa người phương Bắc đã qua đây , muốn chiếm đất này không được , nên đã chôn cất dấu vàng mà họ vơ vét được… , họ đã trồng cây đa và làm ra quán cây muỗm để làm dấu , chờ ngày qua lấy đem về…
     Quán cây muỗm ngay đầu  làng là  vùng đất  nhô cao , ở giữa có ban thờ rêu phong lạnh lẽo cũng nhìn ra sông Tô Lịch , có tới bốn cây muỗm cổ thụ ở bốn góc , đường kính gốc cây có đến hai mét , trong đó có cây đến mùa là ra hoa chi chít nhưng không bao giờ có quả , Tôi cứ nghĩ miên man là có thể có một trinh nữ đã được chôn cất ở đây để làm Thần Giữ Của ? vì oan khí của nàng hay vì hầm vàng đã làm cho cây muỗm như thế ? có người nói  những  đêm trăng thanh gió mát vẫn thường thấy một bóng ma trinh nữ xinh đẹp hiện về , vật vờ khi ẩn khi hiện , nửa đêm về sáng những người đi đánh bạc khuya trở về , đi ngang qua đây thường nhìn thấy một đàn vịt vàng , một đàn ngỗng vàng , hay một con chó xù đen to khủng khiếp đeo lục lạc vàng leng keng cứ chạy mãi  trước mặt như dẫn đường…v v… mùi thịt ,thức ăn xào xáo thơm lừng với những tiếng khóc tỉ tê hay tiếng cười the thé cất lên , như từ dưới mồ sâu dội về … 
 Không hiểu sao bây giờ người ta lại cho  xây một cái trạm xá đè lên trên , cái trạm xá này rất vắng…hầu như chẳng để làm gì , cứ như là có ai đó từ phương xa đang bí mật chỉ đạo bảo vệ khu đất này ?
  
5.   Làng Nghĩa Đô ngày xưa khi tôi còn bé  mùa Hè đầy cây trái ….na ổi cam quýt mía nhãn , ếch nhái cua cá tràn ngập , ngay sát đường làng là ruộng lúa trĩu bông , giữa trưa cua ngoi lên hàng trăm hàng vạn hàng triệu tỉ tỉ con cua ngoi lên khắp cánh đồng bờ ruộng ngọn lúa .  Đêm đêm mưa rào thì tiếng ếch nhái kêu vang loạn xị , ao chuôm ở khắp nơi , cá rô , cá trê , cá sộp lao lên cả trên mặt đường làng , nếu đánh bẫy thì đuợc cả hàng thùng hàng sọt ….Mùa Xuân khắp làng là hoa thơm cỏ lạ , kỳ hoa dị thảo , mưa xuân phơi phới bay mang theo mùi thơm hoa Bưởi nồng nàn tan hòa vào trong không khí cực kỳ trong lành mát mẻ ,thật đúng là cảnh vật thần tiên nơi hạ giới, cánh bướm bay xập xòe , chuồn chuồn bay lên lao xuống … chim chóc hàng đàn hót líu lo . ngoài đồng những con chim diều hâu bay lượn trên cao  , hàng đàn quạ đen , giẻ cùi , chim cu chim gáy nhiều vô kể , những con chim sẻ nhà và sẻ đồng ( chim chiền chiện ) ríu rít liên hồi  , những con chim quốc quốc kêu hoài không biết mỏi mồm , chích bông chích chòe chào mào giẻ quạt làm tổ trong vườn …những con chim bói cá im lìm nhẫn nại rình mồi …
…Là la lá …lá lá la …la la là …điệp khúc luyến láy nhắc đi nhắc lại nhiều lần , đó là giai điệu du dương của con chim giẻ quạt mà tôi không bao giờ có thể quên khi chúng vừa múa xòe đuôi vừa nhún nhảy trên cành cây vừa hót trong vườn ……
 và những lúc vui thú hồi hộp là khi  đi câu cá trộm ,  là những con cá giếc bằng bàn tay nấu canh chỉ có mẻ với muối mà ngọt lừ ngọt lịm , là những chú cá trê khi giật lên kêu èng ẹc như người… đường làng uốn khúc hàng tre xanh rì rào bóng mát quanh năm , giếng khơi đầy ắp nước ngọt trong vắt với hàng cây bàng tỏa bóng  xum xuê .. chiều chiều tiếng sáo diều vi vút…
    Trong làng có những ngôi nhà xưa cũ xây bằng gạch vồ bên trong là cột gỗ lim , dưới mỗi cây cột là một phiến đá có hoa văn rất đẹp , mùa hè mát lạnh mùa đông ấm áp , kỳ lạ biết bao của nền kiến trúc cổ xưa …Đến nữa là những ngôi nhà hai tầng xây theo kiểu Pháp pha lẫn Á Đông huyền bí , những ngôi biệt thự đẹp sang trọng đầy vẻ quyền quí của những Thầy Phán Thầy Ký , đêm đêm được thắp sáng bởi những bóng đèn điện - như một đêm biểu diễn ….
                                   Thôi có làm chi cái chữ nho
                                   Ông nghè ông cống cũng nằm co
                                   Chi bằng đi học làm Thầy Phán
                                   Tối rượu sâm banh sáng sữa bò
                                                                     Tú Xương
  Con đường đất chạy ngoằn ngoèo từ làng tôi đến Kẻ Noi đẹp như tranh vẽ , hai bên đường là những cây Sồi già , ruộng lúa trải dài đến tận chân trời , trên thế gian này hiếm thấy có nơi đâu đẹp thanh bình mến yêu như thế…
  Ngay mặt tiền con đường này là nghĩa trang riêng của nhà tôi , do một thầy địa lý  Tàu cho khởi công xây dựng năm …, gọi là Sinh Phần , to rộng có 2 cánh cổng sắt otô ( xe hơi ) vào được ,  tường xây  bao bọc xung quanh , bên trong là thông reo trúc múa , to đẹp ngang ngửa với lăng của  “ Đồng Ấp Cử Nhân Hoàng Quí Đài ” . Khi còn nhỏ tôi vẫn thường ra chơi ở đây , vui thú như một công viên . Sau này khu lăng mộ của các cụ tôi được giải tỏa - Chính Phủ về lấy đất xây thành Viện Khoa Học Nhà Nước ở Nghĩa Đô .
6. Nhưng làng tôi thời nay không có người làm to để được ghi danh vào trong sách  lạ , người trong làng có kẻ đổ tội cho là tại cây đa đầu làng .                                          
Cũng có cụ già làng nói : năm xưa có một đạo sĩ người Hoa ngang qua đây nói nơi này có thế đất Rồng chầu Hổ Phục , Rồng bay Phượng múa. Còn chiêm tinh gia Huỳnh Liên nói : - năm… ở phía Tây ( Bắc Việt ) sinh quí tử       
  
  Lúc còn bé tôi có hỏi cậu tôi , cậu tôi bảo :
- Ở đời  - có nhiều cái làm cho con người ta hèn đi , ở làng sung sướng làm chơi ăn thật , sự học trễ mảng , rồi người thì vỗ ngực : - ai đó phải đi đâu , theo ai làm gì ? …đến tuổi cập kê thì  lấy vợ đẻ con , quanh năm quấn quít bịn rịn hơi ấm mùi thơm đàn bà ,  đời người bóng câu cửa sổ …ở nhà chẳng hơn là lang thang  phiêu bạt giang hồ ? mà  biết có làm nên cái đỉnh đồng gì không ? hay là bỏ xác nơi xứ lạ quê người ? hoặc là học lắm rồi ho lao thối phổi , lắm chữ điên cuồng tẩu hỏa nhập ma tù tội …
- Ở đời  - người ta Phải bị cực khổ. Phải bị chèn ép đến tận cùng , một là bị tiêu diệt sống nuôi chết chôn ,  hai là làm cho phẫn chí uất ức mà vùng lên tha phương cầu thực nuôi chí căm hờn , học Thầy gặp bạn , sớm khuya đèn sách , dưỡng sức tụ khí , quyết chí lập nghiệp , nếu may ra mà rồng mây vận hội , gặp dịp - thành đạt nên người , làm ông nọ bà kia …còn nếu không thì ắt phải chết mất xác nơi đầu đường xó chợ nơi rừng xa núi thẳm nơi biển rộng sông sâu …bóng chim tăm cá … ? cũng phải chịu …
- Ở đời  - ngoài một số ít những kẻ anh hùng tài năng hơn người , con nhà dòng dõi trâm anh thế phiệt  , cũng có kẻ học vấn nông cạn , kiến thức có giới hạn , theo đóm ăn tàn , có khi cũng leo lên được đến tột đỉnh vinh hoa phú quí . Ấy là ứng với câu nói của người xưa : - Đại Phú Quí là do Trời  . Đối với một số nước người Phương Đông da màu đến nay vẫn còn Linh Nghiệm . Ấy là Trời Đất xui khiến làm ra như thế , cốt là để ngầm báo cho người quân tử kẻ trí giả biết rằng trời đã về chiều …
7. Có người trong làng nghe cậu tôi nói như thế , a dua theo , lấy làm phải . ….Cậu tôi giờ đây cũng đã thành người thiên cổ … Ngày nay tôi cứ nghĩ vơ vẩn đơn giản là nếu làng quê tôi vẫn giữ được nguyên vẹn như ngày xưa , thì bây giờ tôi không cần phải tha phương cầu thực vào Nam kiếm ăn làm gì .
                                                                         
                                                                         Miền Nam mùa nước lũ 2011