Trang chủ » Truyện

HAI ÔNG BỐ

Trần Hiệp
Thứ tư ngày 8 tháng 12 năm 2010 6:07 AM
 
Truyện ngắn
   Trời mưa giăng giăng. Ngày xuân mà gió mùa thổi vù vù. Cây cối hai bên đường ngả nghiêng..Bầu trời trắng xoá như miền biển ngày sương mù. Xưa kia con đường này ông Đề đã đi qua nhiều lần. Năm 1968, cũng vào những ngày xuân như bây giờ, đơn vị ông đóng quân trên này, hồi ấy cây cối còn rậm rạp không quang đãng như ngày nay. Vào một ngày cuối năm ông được phép về thăm nhà hai ngày, hôm trả phép là một chiều xuân mưa gió tầm tã, rất may vừa đến nơi thì cũng đúng lúc đơn vị có lệnh hành quân  vào Nam. Chàng trai hai mốt tuổi Mai Thanh Đề lòng vui phơi phới vì vừa qua học tấm gương chiến đấu kiên cường của anh hùng Lê Mã Lương với câu nói đầy khí phách tuổi trẻ “ Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù.” Còn hôm nay ông trở lại mảnh đất quen thân này với nỗi lòng u uất, xám ngoét như bầu trời kia.
     Đứng trên khu đất xưa kia là bãi tập của đơn vị, nay là khu nhà xây dựng kiên cố, mái bằng, mái ngói san sát, đường đi lối lại được cán đá, rải nhựa như một đường phố, nếu ở cổng khu nhà không có dòng chữ “Trại giam số 5” thì ông Đề cũng tưởng đấy là doanh trại quân đội hay là nông trường bộ. Nơi đây đã đổi thay khá nhiều và những người lính như ông-những người may mắn còn sống trở về cũng đã nhiều thay đổi. Ông Đề đứng đấy mà nhớ lại những ngày trai trẻ của mình và cái thời trẻ trai của con mình, ruột đau như dao cắt. Điều ông đau khổ nhất là lỗi lầm của con ông lại có phần liên đới đến ông, đúng ra là vì cái tính người lính Cụ Hồ của ông. Ông có người con trai duy nhất hiền lành nết na, thi đại học không đậu ở nhà chăm chỉ công việc ruộng đồng giúp bố mẹ, đêm đêm cặm cụi đèn sách để thi lại một lần nữa, thế mà chỉ trong một cuộc vui với bạn bè ở ngoài quán bia, một thằng bạn quá lời bảo nó là “con lão Đề hâm” nó liền vớ chai bia đập  vào đầu thằng kia, gây chấn thương sọ não phải đưa đi bệnh viện cấp cữu, may mà thằng ấy qua khỏi, tuy có phần hơi ngơ ngẩn mất một thời gian, nay đã trở lại bình thường. Khổ nỗi thằng ấy lại là con một cán bộ mà mấy lần họp chi bộ ông đã lôi ra vì những điều khuất tất, gia đình ông rồi bà con hàng xóm xum vào nói để gia đình anh kia bãi nại, nhưng anh ta vẫn không chịu, thế là con ông phải lĩnh án năm năm tù. Nghe nói nó lao động cải tạo tốt, có thể được trả tự do trước thời hạn. Thế mà đã hơn ba năm rồi đây là lần đâu ông đi thăm con. Vừa đi ông Đề vừa nghĩ vẩn vơ. Được chia mảnh đất mặt đường rộng rải, nơi ấy có thể làm cho gia đình ông phát đạt và cũng có thể trở thành giàu có, thế mà ông không nhận, vẫn ở trong mảnh đất xó làng, cũng bị người ta gọi là “hâm”. Họ có biết đâu mảnh đất ấy là nắm xôi tọng vào miệng ông để ông không thể há miệng nói ra những diều trung thực, đấu tranh với các cán bộ địa phương về tội  mượn tiếng bán đất canh tác lấy tiền làm đường làm điện rồi chia nhau đút túi hàng trăm triệu đồng. Dùng đất câu ông không được họ lại dùng bài ưu tiên thương binh cho ông cái nọ, ưu đãi cho ông cái kia, ông cũng không nhận. Ông bảo: “Nếu tất cả các gia đình thương binh, liệt sĩ trong làng trong xã ai cũng được ưu tiên như tôi thì tôi nhận.” Thế là họ bảo ông “hâm”. Ngay cả việc ông cùng mấy đồng đội cũ rủ nhau trở lại chiến trường xưa tìm mộ đồng đội, nhưng gần nửa tháng trời vất vả mà không tìm ra nơi chôn cất bạn mình, trở về ông bị ốm tưởng không qua khỏi, cũng có kẻ bảo ông “hâm”. Bọn trẻ không hiểu, nghe mấy cán bộ vui miệng trong các cuộc rượu gọi ông như thế thì chúng cũng hùa theo, chúng có ghét bỏ, khinh thị gì ông đâu. Một đảng viên trung kiên, một thương binh mẫu mực mà có con phải đi tù, ông đau lắm, nhưng không vì thế mà ông nhụt.  Đúng như người ta nói, làm người tốt đâu phải dễ.
     Gặp bố, Kháng mừng lắm. Nhưng con bên trong vách ngăn bằng tấm kính dầy, bố bên ngoai vách ngăn, nó không thể nhào ra sa vào vòng tay của bố, nó biết bố giận  nhưng vẫn rất thương nó. Không chỉ nó là con trai độc nhất mà còn là đứa con chưa làm gì sai lầm cho bố mẹ phiền lòng, trừ cái dại lần ấy mà phải vào đây cải tạo. Ông Đề nhìn con nó ngồi tù  mà vóc dáng không đến nỗi nào nên cũng không có gì phải phân vân. Thấy bố đã gần thất thập mà vẫn khoẻ mạnh đạp xe đi mấy chục cây số lên đây nó thật sự không ngờ, luôn miệng hỏi bố về sức khoẻ của mẹ, về tình hình làm ăn ở nhà. Trước khi hai bố con chia tay, Kháng như sực nhớ:
   -À bố ơi, anh Vinh con bác Vang cũng bị giam ở đây đấy, nghe nói anh ấy tham ô hay buôn lậu gì đấy, bị tù những hơn mười năm mà mới thụ án được có hơn năm năm.
  - Vinh Vang nào?
  - Bác Vang làm gì ở trên tỉnh nghe nói chức to lắm, bác ấy là bạn chiến đấu của bố đẫ có lần ghé vào nhà ta thăm bố, bố không nhớ à?
  Ông Đề đã nhớ ra.
  - Bác Vang vừa là bạn vừa là cấp trên của bố hồi còn chiến đấu trong Nam.
  -  Biết tin bố lên thăm con, anh ấy nhờ, nếu bố qua thành phố ghé vào nhà anh ấy nói với bác Vang tiếp tế cho anh ấy một ít thuốc lá, chè khô và cà phê, anh ấy bảo dùng quen mấy thứ này rôì không có không chịu được.
  - Còn mày thì thế nào, liệu có được về trước thời hạn không?
  - Cũng có thể bố ạ. Tháng nào, năm nào con cũng được bình là lao động cải tạo tốt.
  - Thế còn thằng Vinh?
   Khang gãi đầu gãi tai mãi mới nói:
  - Anh ấy chả biết làm chi cả, lóng nga lóng ngóng, chưa đụng đến việc đã kêu mệt, luôn cáo ốm nằm nhà, bị cán bộ cải huấn cảnh cáo nhiều lần.
    Trên đường đạp xe về xuôi, ông Đề vừa thương vừa giận và cũng có phần mừng cho con. Cuộc đời là thế đấy, sai một li đi một dặm. Cái vết ngồi tù trong lý lịch biết đến khi nào mới rửa sạch. Thôi thì coi đấy là học phí làm người. Con mình bồng bột trong phút chốc không kìm chế được mà mang tội, còn thằng Vinh là kỹ sư, trưởng phòng một công ty lớn trong Nam, bố là cán bộ có chức sắc hàng tỉnh làm sao lại cũng sa lưới pháp luật? Vừa là cấp trên thời trong quân ngũ vừa là đồng cảnh, mình rẽ vào thành phố thăm bác ấy xem sao. Trời về chiều, nắng xiên khoai, có vẻ như lại có gió mùa tăng cường, ngột ngạt và bụi bặm trên đường vì những ô tô chạy ngược chiều quẩn lên, ông Đề một tay giữ tay lái, một tay bịt miệng, nhoài người đạp xe, hai đầu gối run run, mồ hôi túa ra ướt đẫm lưng áo, vết thương ở đùi lại muốn gây sự, buôn buốt dộng lên tận đỉnh đầu. Tuy vậy, ông vẫn cố đạp dù có xa thêm dăm bảy cây số để rẽ vào thành phố vì lời nhắn của con ông Vang.
  Từ ngày ông Vang về hưu hai người chưa gặp lại nhau. Ông Vang có cho số điện thoại, số nhà nhưng không khi nào được rỗi rải nên ông Đề chưa lên thăm ông ấy được. Phần khác, cái tính ông Đề khi thấy bạn bè khá giả hay có chức trọng quyền cao, ông rất ngại gặp, sợ người đời lại cho ông là người vơ vào, thấy sang bắt quàng làm họ. Ông cặm cụi đạp xe qua các ngả phố, phải hỏi thăm ba bốn lần ông Đề mới tìm được Phố Mới. Cái phố này như là sinh ra cho các nhà giàu. Những ngôi biệt thự, những nhà liền kề ba bốn tầng san sát. Nhà ông Vang to quá, cao quá mà cổng cũng cao to vững chắc quá. Đó là ngôi nhà năm tầng ở ngay đầu ve ngã tư Phố Mới. Trước cổng có hai xe con mầu đen bóng loáng, hai chú lái xe chắc đã chờ thủ trưởng hơi lâu, nằm trên ghế ngáy khò khò. Ông Đề dựng xe đạp vào tường, lau mồ hôi, phủi bụi, chỉnh đốn lại “trang phục” như trước kia mỗi lần đến gặp thủ trưởng, nhưng rồi ông lại ngần ngại, không lẽ đã đến đây mà không vào. Chần chừ mãi rồi ông cũng ấn chuông. Một lúc lâu mới có người đàn bà khoảng trên dưới bốn mươi tuổi, nước da hồng hào, ăn vận đồ ngủ mỏng đến mức in rõ cả bộ đồ lót bên trong, ló đầu ra hỏi: “Ai đó, có việc chi không?” “Tôi đến thăm bác Vang, ông ấy có nhà không chị?” “Bác ấy có nhà, tên ông là chi?”  “Tôi tên Đề, ngày trước là lính của bác ấy.” “Ông chờ ở đó để tôi vô hỏi coi bác ấy có tiếp không.” 
 
   Không biết các cụ khác thế nào, còn với ông Vang việc về hưu đối với ông là một điều chẳng khác gì “bất đắc kỳ tử,” đang xe đưa xe đón, cơm đến mồm, nước đến miệng, hễ có việc thì lập tức có thư kýý chầu chực đón lời sai phái... Bây giờ thì...Ông nằm bẹp mấy tháng không ra khỏi nhà, có thời gian như người sắp bị liệt, may có mấy cụ hưu trí gần nhà chạy qua chạy lại thăm nom ông mới nguôi ngoai, mỗi ngày tập đi bộ vài cây số cái chân mới chịu thuần cho. Nhưng cũng từ đấy ông ít giao du, chỉ có các quan chức trong tỉnh mỗi khi có việc cần đến gặp ông đều phải hẹn trước qua điện thoại, còn những ai bất thần đến ít khi ông gặp, thường là cáo đau yếu hoặc dặn trước người giúp việc bảo ông đi vắng  Nói là thế nhưng ông cũng bận lắm, cán bộ lãnh đạo các huyện, các ngành mỗi khi có việc nan giải lại tìm đến ông, một người đa mưu, túc kế để xin ông cho những giải pháp mà chỉ có ông là người “ nằm trong chăn” mới hiểu biết khá tường tận thái độ của từng vị lãnh đạo mà đặt ra bước đi sao cho thích hợp. Ngoài ra, còn nơi này mời kỷ niệm ngày thành lập đảng bộ, cơ quan, đơn vị, nơi kia mời khánh thành công trình, rồi gặp gỡ trao đổi... Thực ra có nơi có việc họ phân vân mãi, không mời cũng chẳng ảnh hưởng gì đến công việc của họ, mà mời thì phát sinh nhiều khoản chi tiêu đón tiếp, phục vụ, quà cáp, nhưng không mời lại sợ các cụ mắng mỏ là vong ân, bội nghĩa, là qua cầu rút ván, mà họ đã mời thì các cụ phải đi, trước hết là vì tình nghĩa, có trước có sau, mặt khác, các cụ ngồi nhà mãi cũng bó chân bó tay, đi để thay đổi không khí lại được họ đón đưa trọng vọng, dân phố nhìn vào thấy các cụ được các nhà đương chức đưa đón như thế cũng phải hiểu rằng các cụ về hưu nhưng lớp đàn em vẫn phải cạy nhờ, không phải là đồ bỏ đi. Thế là về hưu tưởng sẽ thảnh thơi mà đâu có được. Không chỉ ông Vang mà nhiều cán bộ cao cấp cũng thế, đã nghỉ việc rồi các cụ muốn được thư thái, an nhàn sau mấy chục năm bận rộn. Nhưng xem ra khó lắm. Ông Đề cũng nghĩ như thế nên không muốn đến nhà thăm viếng quấy quả ông Vang, nhưng lần này... Người giúp việc vào một lát sau mới lửng thửng ra mở cổng mời ông vào ngồi chờ ở tiền sảnh, ngay ngoài hành lang nhưng cũng có bàn ghế, chè nước. Từ trong nhà vọng ra tiếng ông Vang đang nói với ai đó, giọng rất vang: “...Các cậu làm ăn dở ẹc, tại làm răng trước khi xẩy ra chuyện lại không nói hết với tớ, phải trung thực chứ. Đến với mình mà các cậu còn không trung thực thì làm răng có thể nói trung thực với Đảng, với cấp trên chứ. Đây không thể nói là sỉ diện cá nhân mà phải khẳng định là thiếu trung thực. Thôi, chuyện đã đến nước ấy để tớ tính, mặt khác, các cậu phải làm kiểm điểm gửi cho các anh ấy, tớ sẽ trao đổi với các anh ấy xem xét, nới tay cho...” Không biết những người kia còn nói với ông Vang những gì nữa ông Đề không nghe rõ, một lúc lâu mới có tiếng xô ghế đứng lên rồi lại nghe ông Vang nói: “Các cậu cứ cầm về, tốn kém bao nhiêu sau sẽ hay”. “Thưa anh, không đáng bao nhiêu, gọi là chút quà lâu ngày đến nhờ anh và cũng là để anh chạy qua chạy lại với các anh ấy giúp chúng em.” Mấy người ăn mặc sang trọng, tay xách cặp bước ra. Ông Vang không tiễn cũng không ra gặp ông Đề. Mãi một lúc lâu sau người giúp việc từ dưới bếp lên thấy ông Đề vẫn còn ngồi đấy, liền hỏi:”Răng ông không vô mà còn ngồi đây?” “Nhờ cô vào hỏi xem ông ấy đã rỗi chưa.” Người giúp việc đi vào trong phòng ông chủ. Như đã quá mệt mỏi, và về già cũng dễ chóng quên, tưởng không còn ai quấy quả nữa nên ông Vang vào giường nằm nghỉ, quần áo dài thay ra vứt ngay xuống sàn, giang tay giang chân, mắt nhắm nghiền. Ngươi giúp việc hỏi: “Ông bảo người ta vô mà lại không tiếp à?” “Ai rứa?” “ Có ông Đề là lính của ông ngày xưa đến chơi, có tiếp không?” Ông Vang đang nằm trên giường với cái quần cộc liền ngồi phắt dậy: “Ai? Ông Đề à? Mời, mời ông nứ vô. Tao quên khuấy đi đó”. Ông Vang vội tuột khỏi giường mặc quần áo dài và nói với người giúp việc: “ Đã hai lần tao thoát chết trong chiến trường, là nhờ có ông nứ đó. Ông nứ là khách quýý của tao, o phải nói năng cho phải cẩn thận.”   Đứng trên tấm thảm Ba Tư vừa mặc quần áo ông Vang vừa nghĩ: Cái ông Đề này cũng lạ, mình là người có quyền lực ở tỉnh nhưng chưa khi nào ông ấy cậy nhờ việc gì và cũng không khi nào đến nhà quấy quả, nếu tiện đường tạt vào chốc lát là đi ngay .Thấy hoàn cảnh ông ấy không được khá giả, mình đã vài lần ngỏ ý giúp đỡ nhưng ông ấy từ chối. Thế mà...
  Thấy người giúp việc vẫn đứng nhìn mình mặc qừân áo, ông Vang nói như quát: “Thay bộ quần áo khỉ gió tê đi và phải ý tứ một tí, không nói năng ngang phè phè được mô. Mời ông nứ vô, nhanh lên, răng còn đứng như phổng rứa”. Người giúp việc bị ông chủ quát liền nhún môi, ngúng nguẩy đi vào gian nhà bên thay quần áo, hồi lâu mới ra hành lang mời ông Đề vào.
    Ông Vang khoác vội cái măngtôsan dạ Pháp ra tận cửa phòng khách đón ông Đề. Tuy là cấp trên nhưng ông Vang cũng chỉ hơn ông Đề vài ba tuổi. Hồi chiến tranh ông Vang nhập ngũ nguyên là phó bí thư đảng uỷ xã nên sau đợt huấn luyện được cất nhắc làm trung đội phó, khi vào B1 thì được nhấc lên chức trung đội trưởng, sau trận chiến đấu đầu tiên ở Quảng Trị lại được cất nhắc lên làm chính trị viên đại đội. Ông Đề nhập nghũ cũng đã là đảng viên, nhưng về hàm tước chỉ là anh đội trưởng sản xuất, tính tình lại hơi ngang ngang, nên xuất ngũ sau thống nhất đất nước cũng chỉ mới là anh trung đội trưởng, với quân hàm thiếu uýý. Ông Đề về quê với ruộng đồng. Ông Vang với quân hàm đại uýý, chuyển ngành về ty Thương nghiệp, từ đây phất lên mãi. Ông Vang giang cả hai tay từ trong nhà reo lên mừng rỡ:
  - Trông còn được lắm. Vẫn cọc cạch đạp xe lên đây à?
  Hai người ôm nhau khá thân thiết.
  - Thế nào, thủ trưởng vẫn khỏe đấy chứ?
  - Cũng tàm tạm. Anh độ ni mần răng rồi, sức khoẻ coi có vẻ cũng được đó, còn kinh tế thì có phất lên được tí mô không?
  Nói rồi ông Vang quay ra gọi người giúp việc:
 - O Lượt mô rồi, tôi mượn đây. Bê thùng bia trong kho ra đây cho bọn tôi rồi ra chợ mua cấy chi về làm cơm đãi khách quý.
  Ông Đề  vội ngăn lại:
  - Thôi thôi xin thủ trưởng, tôi chỉ vào thăm thủ trưởng một lúc là phải về ngay, bà ấy ở nhà đang trông mỏi con mắt. Bác gái đi dâu mà vắng thế?
  Ông Vang xuống bộ mặt thiểu nảo:
  - Bà nứ mất hai năm rồi. Hai đứa con gái lớn lấy chồng đều ở ngoài Hà Nội, thằng Vinh công tác trong thành phố Hồ Chí Minh, công việc kinh doanh bận tối mặt tối mũi lâu lâu mới ra ngoài ni, ở nhà một mình chán lắm, mấy lần định vô thăm anh nhưng họ cứ lôi kéo đi hết nơi ni đến nơi khác. Về hưu mà vẫn bận, thế mới cực chứ!”
  Thằng Vinh công tác trong thàn phố Hồ Chí Minh! Ông Đề thầm nghĩ: Thì ra ông ấy giấu mình. Hay thằng Kháng nhầm?  Mà nó nói cặn kẻ như thế làm sao nhầm được. Cũng phải thôi, là cán bộ cao cấp của tỉnh mà có con ngồi tù thì bẽ quá. Chắc ông ấy khổ tâm lắm. Vợ chết, con vào tù vì tội tham ô, buôn lậu  thì phơi ra làm gì, nhưng trông ông ấy không có gì là buồn tủi mà hình như có vẻ trẻ khoẻ hơn hồi đương chức. Hai cánh tay ông ấy vung ra ôm mình như tay một lực điền, da đỏ au như da gà chọi. Nếu so với ông Đề thì ông Vang với  sức vóc ấy phải là người kém dăm tuổi là cái chắc. Ông Đề phân vân:
  - Tôi không được biết bác gái về với tổ tiên, thủ trưởng xá lỗi, bây giờ cho tôi thắp ba thẻ hương trước là viếng sau là tạ lỗi với bác gái.
  - Vâng, nhưng mãi trên tầng năm, liệu anh có leo lên được không.
  Ông Đề mỉm cười đứng lên đi lại chỗ chân cầu thang.
  Khi hai người trở lại phòng khách, ông Vang hỏi:
  - Anh lên trên ni có việc chi hay đi mô rồi tiện đường rẽ vào thăm lão già này?
  Ông Đề chả dấu, nói luôn:
  - Tôi lên trại Năm thăm thằng con ngồi tù, trên đường về ghé vào thăm thủ trưởng, quá lâu rồi anh em mình chưa có dịp gặp nhau.
  Ông Vang tỏ ra hốt hoảng: 
 - Răng, thằng...thằng chi nhỉ ? Nhớ ra rồi, thằng Kháng bị tù à, tội chi?
  Ông Đề đưa cốc nước lên miệng nhẩn nha uống vài ngụm rồi thư thả nói:
 - Có gì đâu thủ trưởng, mấy thằng nhóc chơi với nhau, quá chén, nhỡ lời rồi sinh ẩu đả, hắn gây thương tích con người ta thế là vào tù.
  Ông Vang tròn xoe hai con mắt, hỏi:
  - Có rứa thôi à? Chuyện vặt, nhỏ như con kiến, răng anh không nói cho tôi biết, việc nứ thì có đáng chi. Nhưng thôi, đã trót như rứa rồi thì phải bằng cách khác, tôi sẽ lo cho cháu ra sớm. Nhưng anh phải nói rõ đầu đuôi và anh cũng phải có một cái đơn. Anh là thương binh tê mà.
  Ông Đề xoa xoa hai bàn tay với nhau nhìn ông Vang tủm tỉm nói: 
  - Thôi thủ trưởng ạ. Cuộc đời ai cũng phải trả học phí làm người. Cháu nó còn trẻ, đời còn dài, rồi nhà tù sẽ dạy cho nó biết thoát ra và đứng lên bằng cách nào, xin cảm ơn bác.
  - Răng lại rứa, anh lại ngại phải nhờ vả bạn bè hay răng? Tôi đã về hưu nhưng uy tín của tôi chưa hưu mô. Đó, anh đã thấy rồi đó, mấy thằng cha dưới huyện vẫn phải đến nhờ tôi can thiệp những chuyện tày trời, việc của con anh tôi chỉ hắt hơi cũng xong.
  - Cảm ơn thủ trưởng, vụ việc xẩy ra cũng đã lâu, cháu nó cải tạo cũng đã được quá hai phần ba thời gian thụ án rồi, có thể nó sẽ được trả tự do trước thời hạn, thủ trưởng đừng bận tâm nữa.
  - Cái đó là tùy anh, mình là cán bộ đảng viên mà để con phải ngồi tù là rách việc lắm, không gì thì người ta cũng nói ông không giáo dục được con cái trong nhà thì còn nói được ai.
  Ông Đề đứng lên tủm tỉm cười:
  - Rất cảm ơn thủ trưởng đã quan tâm. Đã đến lúc tôi phải về, nhưng có điều này không biết có nên nói với thủ trưởng không...
  - Ông Vang nhô ngừơi về phía ông Đề:
  - Anh em, đồng đội với nhau cả, có chi anh cứ nói, khả năng tôi làm được đến đâu tôi xin hết lòng đến đó.
  - Dạ không, tôi không dám làm phiền thủ trưởmg. Thế là cháu Vinh nhà ta vẫn còn công tác trong Sài Gòn?
  Ông Vang có vẻ hơi ngỡ ngàng, trợn mắt hỏi:
  - Đúng, anh định cho thằng Kháng vô trong nứ sau khi được trả tự do à? Không nên đâu, trong nứ phức tạp lắm, nếu cần tôi sẽ kiếm cho hắn một chỗ làm tử tế ở ngoài ni.
  Ông Đề nhìn ra ngoài trời, nhưng vuông cửa trước mặt có tấm màn gió màu mận che khuất nên chỉ thấy một khoảng màu thâm. Gió lay mạnh, mấy cây cau lắc lư như người say rượu.
  - Răng, có chi mà ngại, đã từng chia lửa với nhau, nhờ vả nhau một tí thì có là chi.
  Ông Đề quay lại nhìn thẳng vào mắt ông Vang:
  - Dạ, không. Trên trại giam có đứa nào đó mạo danh tên cháu Vinh nhắn thủ trưởng...
  Ông Vang ngả người ra thàmh ghế, từ ngỡ ngàng sang hốt hoảng:
  - Sao, anh gặp nó à?
  - Thưa không, nó quen thằng Kháng nhà tôi...
  - Tôi hiểu rồi...Anh thông cảm, hắn đấy, xin anh giữ kín cho, ngoài ni không ai biết chi mô. Nó dính vào cái vụ mà cả nước quan tâm, trung ương trực tiếp chỉ đạo nên không tài nào gỡ ra được. Hắn mới vào đó được non nửa thời gian, tôi định một hai năm nữa sẽ lo cho hắn ra. Một ngày tại tù...anh hiểu rồi, cực lắm, tháng mô cũng tốn tiền triệu cho hắn mà đã yên cho mô.
 Ông Đề uể oải nói mà không nhìn ông Vang:
 - Cháu nó nhắn thủ trưởng gửi cho nó một ít chè Thái, thuốc lá, cà phê.
Ông Vang thở dài não nuột:
 - Đó, hắn là rứa đó, quen mồm rồi, thiếu mấy thứ đó là không chịu được.
Ông Đề chìa tay ra để xin chia tay thủ trưởng, ônh Vang vội nói:
 - Ấy chết, sao anh vội thế? Không mấy khi anh em mình được ngồi với nhau...
 - Bác thông cảm, nhà có hai ông bà, tôi đi đâu hơi lâu là bà ấy đứng ngồi không yên.
 Ông Vang vẫn cầm tay ông Đề, nhìn xuống đất như suy nghĩ, mãi mới nói:
  - Anh giữ kín chuyện ni giúp tôi, toé loe ra thì tôi còn mặt mũi mô mà nhìn bạn bè.
 Ông Đề nói cho ông Vang yên tâm:
  - Thủ trưởng cứ lo quá lên thế, con làm con chịu, mình cũng có trách nhiệm, nhưng đâu vì thế mà mất hết bạn bè. Thằng nhóc nhà tôi bị tuyên án tù hôm trước, hôm sau tôi báo cáo ngay với chi bộ, đề nghị các đồng chí ấy xem xét nếu vì thằng con phạm tội mà bố không còn xứng đáng thì tôi xin xoá tên trong đảng tịch, nhưng có sao đâu.
  - Ơ... Ơ, phải phải, nhưng với tôi anh cứ phải giữ kín cho, ở trên ni phức tạp lắm, không như dưới nhà quê mình, cứ phải cẩn trọng. Anh hiểu chứ?”
    Hai người chia tay nhau không còn đằm thắm như khi mới gặp. Không ôm nhau thì thôi, đến cái bắt tay cũng chả được chặt chẽ. Tạm biệt ông Vang ra về tự nhiên ông Đề thấy lòng buồn vô hạn mà không hiểu vì sao. Gió mùa về chiều có vẻ lặng hơn. Ông Đề lại cắm cúi đạp xe, đường phố rộn ràng người qua kẻ lại mà lòng ông vẫn để ở nhà người đồng đội cũ./.

Trần Hiêp: B24, TT7, Khu đô thị Văn Quán, P. Phúc La. Q. Hà Đông, Hà Nội
                   ĐT: 04 33547793  D Đ: 0904413706