Trang chủ » Truyện

ĐOẠN CUỐI ĐƯỜNG VỀ

Dương Phượng Toại
Chủ nhật ngày 26 tháng 12 năm 2010 6:38 PM

Sau tràng xướng tế kéo dài, ba hồi chiêng trống vang lên rung cả khoảng sân chật chội. Không khí ồn ào lắng xuống. Tiếng kèn ò e cất lên thảm thiết. Lễ tang bà cụ Bèo bắt đầu. Hai người dẫn hiếu vận áo tế xanh dẫn đám con cháu hai bên trong nhà từ từ bước một ra sân. Đám đàn bà con gái còn sụt sịt thì bỗng ngoài ngõ có tiếng khóc dữ dội: -Ối mẹ ơi!... Sao không đợi con về... Mẹ ơi... là mẹ ơi!...
Mọi người nhìn ra: Chiếc xe taxi màu vàng non đậu ngay đầu ngõ. Một người đàn bà có tuổi, dáng còn phơi phới trẻ trung trong bộ cánh sang trọng, hai tay ôm mặt chạy vào sân. Theo sau có hai cô cậu thanh niên, chắc là con trai con gái.
Tiếng xướng tế cùng dàn kèn trống im bặt. Người nhà tíu tít đón xách hành lý. Đám đông dạt ra: -Trời ơi cô Thới! Cô Thới ở nước ngoài đã về! -Rõ khổ, sao không nhanh chút nữa để nhìn mặt mẹ, hở giời?... Đến trước hương án nghi ngút khói nhang, người đàn bà sụp xuống, nức nở:
-Mẹ ơi! Con xin ngàn lần lạy mẹ. Mẹ tha tội cho con! Bây giờ con mới về được quê nhà... thì mẹ đã không còn thấy mặt con mặt cháu... Mẹ ơi!...
Ông xướng tế quát khẽ: Kìa trống, tiếp tục! Phường nhạc vột toé lên như lỗ nước vỡ. Sai rồi! Nghệ hương án tiền cơ mà! Hơng... Bái... Phủ phục... Tất cả lễ xuống! Kìa ông Túc, sao lại “Từ Hải chết đứng” thế kia? Điểm trống đi chớ... Sự việc quá bất ngờ khiến Túc, người đánh chiêng trống mất bình tĩnh. Ông ta đứng ngây ra, dụi mắt: Cô Thới? Thới thật à? Tưởng vào bụng cá mập từ lâu rồi. Hoá ra còn sống ở đâu lại mò được về?... Chiếc dùi rơi xuống. Ông ta giật mình cúi nhặt lên. Thới một trăm phần trăm! Không ai khác! Đúng cái dáng điệu Thới ngày ấy. Sao ngày ấy nàng không thuộc về ta? Có phải là đời ta sẽ là đoạn khác! Túc lắc lắc đầu như thể rũ đi hình ảnh Thới ngày xưa: Mái tóc dày đen nhánh. Làn da trắng nõn như củ khoai chuột lột! Tất cả đang là hiện thực trong người đàn bà nở nang, đẫy đà kia. Rõ mồn một trước mắt mới chết chứ! Nước ngoài có khác. Cao lương mỹ vị, đường sữa, bơ thịt... Đúng là thài lài phải cứt chó! Trời đất! Mỡ màng, hơn hớn thế kia... Bộ ngực nây nẩy gái tơ còn kém thế kia... bố thằng đàn ông nào chịu được! Thới kém ta hai tuổi? Ta thì ông lão thế này!
Trong những người làng Đông An vượt biển ra nước ngoài hồi đó, có vợ chồng Thới. Phải đến lần thứ tư, Thới mới thoát được. Bố mất ngày Thới mới mười tuổi đầu. Chỉ còn mấy mẹ con thui thủi với nhau. Thới sớm phải lo toan, làm lụng cùng mẹ nuôi các em. Học cấp hai, cùng lớp, Túc đã để ý Thới. Túc rất mê mái tóc dài đen nhánh của Thới. Ngồi bàn sau, Túc thường mải ngắm tóc cô bé với bao thèm muốn viển vông. Đến nỗi thầy giáo gọi lên bảng, Túc giật thót đứng dậy, chẳng biết trả lời ở chỗ nào. Túc lém lỉnh, luôn tìm cách trêu bạn toàn những trò nghịch ngợm. Gói giun đất nhét vào cặp bạn gái. Rút ghế khiến bạn ngã chổng kềnh. Náu mình trên cây nhãn rình xem bọn con gái đái, rồi đột nhiên cười ha há. Nên bọn con gái thường xa lánh. Riêng Thới là Túc có vẻ hơi kiềng, ít động đến. Một là, Thới đẹp sắc sảo với nét đoan trang, kiêu kỳ. Hai là, tính Thới dứt khoát, không cười cợt. Có lúc Túc đang cười nhăn nhở, quay lại chợt gặp đôi mắt Thới đăm đăm, không chớp. Trước ánh nhìn đầy mạnh mẽ, Túc phải cụp mắt xuống, tảng lờ. Công nhận con bé nom hiền mà có cái nhìn phát ghê! Cuối cấp ba, Túc mải chơi, bỏ học. Cả ngày đi rông, lêu lổng đến tận khuya. Bố mẹ Túc rất lo lắng. Ra dáng rồi. Vầm vập trâu mộng. Tốt nhất là lấy vợ sớm mới trói được cẳng mày. Với lại chúng tao mau có cháu đích tôn!... Một hôm, bố gọi Túc lại bảo: -Lo tìm hiểu đi! Túc bỗ bã: -Cái Thới con bà Bèo được không? -Nhà ấy nghèo kiết! -Nhưng nó đẹp lắm bố ơi! -Đẹp! Có thái được như thịt lợn mà ăn không? Thôi, kệ mày, tự kiếm! -Cũng hơi khó đấy. Nghèo mà nó kiêu lắm! -Con gái đẹp đứa nào chả vậy. Tre có chỗ chẻ. Làm giai mà hèn thế con? Ngày xưa, tao vác vo mẹ mày về giữa đám hát đúm! -Trước khác, giờ khác! -Ôi giời. Thời nào chả thế. Đàn bà dễ ợt ấy mà. Vào liều, tát cạn bắt lấy là được tất!... Thực tình, nhiều lần Túc đã mon men muốn vào nhà Thới, nhưng luôn chạm phải cánh ngõ khép chặt cùng con chó vàng xồ ra sủa điếc tai. Vẫn không thấy bóng Thới. Một buổi chiều nọ, Túc gặp Thới đi cắt rau lợn về:
-Cùng học, cùng làng mà Thới không nỡ mời tôi lấy một lần vào nhà ư?
-Có chân thì bước!
-Nhưng mà con chó... dữ quá!
-Chó dữ tuỳ người!
Vào sân, không thấy mẹ và các em Thới ở nhà. Túc mừng lắm. Thới bắc nồi cám ra quấy chuẩn bị cho lợn ăn. Túc giành bê hộ đánh thoắt tới cửa chuồng. Con chó vàng cứ gầm gừ theo sau, khiến Túc chờn chờn. Thới nghĩ: “Đến con chó nó cũng ghét là thế nào? Chỉ được cái khoẻ với nghịch!” Ra vẻ sợ chó, lấm lét nhìn cảnh giới, Túc đứng sát đằng sau xem Thới múc cám. Thới mặc áo bà ba đen bó sát eo lưng, càng nổi thân thể chắc lẳn, làn da trắng mịn màng và tôn thêm duyên dáng. Mùi tóc, mùi con gái toả nồng nàn, ngây ngất. Túc liếc xuống bờ vai Thới. Ngay miệng Túc, dưới lần cổ áo Thới phập phồng một khe sâu lồ lộ hai bầu vú tròn căng. Tim Túc đập thình thịch. Người nóng ran, ngứa ngáy, nghe máu chạy rần rật, nhức nhối. Không cưỡng nổi, Túc ôm chầm lấy Thới: -Tôi yêu Thới lắm! Thới lấy tôi đi! Thằng Khang ít anh ít em... nó quanh năm đội đá vá trời... Túc xô nghiến Thới vào bức tường, chân dẵm phải nồi cám còn bỏng rẫy làm nồi cám đổ nghiêng, tung toé. Thới giãy giụa, tát đét vào mặt Túc: -Buông ra! Ban ngày ban mặt...
Khang đâu khốn nạn như anh!... Không ngờ thằng em Thới từ trong nhà xí vội xếch quần, để cả mông đít chạy ra. Nó cầm luôn cái chổi xể vụt túi bụi vào Túc: -Đồ đểu, đồ đểu. Dám ghẹo chị ông! Túc bỏ chạy. Con vàng cũng rượt theo, đớp tuột mất chiếc dép Tiền Phong quai hậu... Từ đó, Thới tránh mặt Túc. Hễ thấy bóng Túc lởn vởn qua ngõ là mẹ Thới lại úi úi như thể đang xua gà bới thóc.
Con gái trong nhà khác gì miếng thịt mỡ để miệng mèo. Cảnh đã khó, bà Bèo trông tọp hẳn đi. Đêm nào cài xong cánh ngõ, bà mới yên lòng. Thấy Khang, con nhà làm ăn chân chỉ xem chừng quyến luyến Thới thực bụng, bà Bèo thầm mong con gặp nơi gặp chốn. Thóc non được nắng đổ bồ, còn hơn để già trộm đạo như rươi! Thế rồi Thới lấy Khang. Khang hiền lành, chịu khó và ít lời, chuyên đi xúc cát đội đá thuê cho các thuyền vận tải. Hai người đã có một đứa con trai. Những năm bom đạn lại thêm mất mùa, đói kém, nhiều nhà xách rá ăn vay, nhưng vợ chồng Thới vẫn được bữa cơm bữa cháo. Gửi con cho mẹ, đòn gánh xốc vai, sáng chợ Đình, chiều chợ Quán, Thới buôn bán lặt vặt chả từ thứ gì, cốt sao được gạo nuôi con.
Một hôm, cái Loan rủ Thới: “Con trâu nhà tao bị xệp. Hợp tác hoá giá, định giao cho “ba toa”. Ai dè cho húp xong nồi cháo, nó đứng được dậy. Bố tao định báo hợp tác để lại, nuôi tiếp kéo cày. Nhưng chồng tao bàn: đã trót thì giết quách, bán chui hơn. Rồi phao tin mất trộm, ai biết đấy là đâu. Chỗ chị em, tin mày tao mới bảo thế này: Mày dắt giúp tao ra bờ đê Ngãnh Cốc. Vợ chồng tao đón, xả luôn ngoài ấy. Tao cho hẳn mày một trên năm!...” Nửa đêm, việc xong xuôi, cả bọn đang chuyển thịt xuống thuyền nan, chèo sang Hải Phòng thì dân quân ập tới. Lúc này Túc đã là tiểu đội trưởng dân quân. Bắt được Thới, Túc mừng phát nghẹn. Được phép tạm giam, Túc nhốt riêng Thới trong nhà xác trạm xá qua đêm. Liệu cơ, Túc mở cửa vào, ngọt nhạt: “Con trâu là đầu cơ nghiệp. Hợp tác đang thiếu sức kéo nghiêm trọng mà em dám to gan đồng loã. Nên biết điều... Anh sẽ nhận bảo đảm, đề nghị công an huyện tha cho!” Rồi hắn dúi miệng vào má Thới. Thới du hắn ngã ngửa, kêu toáng lên. Sáng, cô và vợ chồng Loan bị điệu sang huyện. Công an bắt làm kiểm điểm. Ngay chiều ấy, được thả về.
Thời gian này, đây đó rộ lên nạn vượt biên. Vùng quê Thới cũng xuất hiện nhiều “cai” chiêu mộ người các làng, người từ Hà Nội, Hải Phòng xuống góp suất, đóng thuyền, thuê chủ thuyền vượt biển. Họ thường bí mật tập kết ở các địa điểm ven sông. Có tốp thoát, có tốp bị bắt nhiều lần, nhẵn mặt. Có tốp chưa ra đến phao số 0, thuyền chết máy, đành buông lái quay về. Khắp nơi xôn xao tin đồn nhóm nọ tới Hồng Kông, Ma Cao, nhóm kia gặp bão, chạy công an vũ trang, thuyền va phải đá ngầm, đắm mất hút. Nhưng miền đất hứa vẫn như một ma lực hút gọi. Thới cũng rạo rực mua gom, tích trữ vàng góp suất, canh cánh niềm hy vọng. Khang can ngăn: -Thôi ở nhà làm ăn, ấm giường ấm chiếu, có sao chịu vậy! Thới nhất mực khăng khăng: -Đi mới đổi được đời! Anh dát chết, để mẹ con tôi! Mọi thứ xong, đầy đủ từ can nước đến bịch muối. Quá nửa đêm, đoàn người lặng lẽ xuất phát. Còn ba bước nữa Thới sẽ chạm con tàu gỗ đang rì rì nổ máy. Đoành đoành đoành! Tất cả giơ tay lên! Tràng súng bắn chỉ thiên cùng tiếng quát kéo giật đoàn người vượt biên đứng chết tại chỗ. Đêm ấy nhận được tin mật báo vẫn có Thới, Túc lập tức dẫn dân quân ra bờ đê, ẩn trong rừng sú vẹt rình phục. Khang nhanh chân nhảy xuống sông bơi sang bờ bên kia. Con thuyền và từng người bị lục soát. Túc quát lớn: -Đưa chúng lên đê khám xét, thu giữ các thứ nộp về huyện! Trong bóng đêm nhốn nháo, Túc dồn Thới ra một chỗ. Hắn sờ nắn, khám khắp người Thới. Cơ thể gái một con đầy sức sống, nóng hổi... Mới kịp nghĩ “Đồ mặt dày, đục nước béo cò!” Thới đã bị hắn thộp vào ngực, tranh thủ bóp nấy bóp để. Vừa bóp hắn vừa oang oang: -Còn giấu những gì trong đây? Các mụ này lắm mưu mẹo lắm! Làm ăn chân chính không chịu. Dám nhiều lần tổ chức phản bội Tổ Quốc! Phen này cô sẽ ngồi tù rục xương! Vừa nói hắn vừa thọc tay xuống bụng dưới Thới, ngấu nghiến. -ái... khốn nạn! Thới gập mình, lùi lại cố giữ. Túc xửng cồ, sát mặt Thới: -Cái gì đây? Khôn hồn thì câm miệng! Hắn lôi trong quần lót của Thới một bọc nhỏ. Xâu dây chuyền vàng xổ ra. -Tịch thu nộp công quĩ! Hắn ghé tai Thới, rít khẽ: - Muốn chết thì đứng đấy! Chạy đi!...
Thới tới từng bàn cảm ơn mọi người dự lễ tang. Thoắt cái đã hai chục năm Thới mới có cơ hội về nước và sống lại tình làng nghĩa xóm. Ba, bốn năm nay chị mới liên lạc được với cậu em và nắm được tình hình quê nhà. Mẹ Thới già yếu lắm rồi. Thới đã làm được gì cho mẹ đâu. Bao năm trời lưu lạc hết qua trại tỵ nạn Hồng Kông, sang Thuỵ Điển, Phần Lan, lại dạt tới Ca na đa. Lầm lũi chịu đựng bao tủi nhục Thới mới dừng chân được ở Bắc Ai Xlen. Khi về đến quê, mẹ lại không còn.
Ba keo mèo mở mắt, mà cái đêm đợt thứ ba đó vẫn không thành. Mất cả chì lẫn chài. Lại hai bàn tay trắng. Khang lại bám thuyền vận tải chở cát đội đá. Uất Túc vô cùng, Thới lại lao vào chạy chợ, buôn bán. Cô tỉ tê vận động các chỗ họ hàng, bạn bè cho vay tiền, cầm vàng để nuôi tiếp ý chí thoát khỏi luỹ tre, thoát khỏi vòng đê. Quyết chuyến nữa xem sao! Bà Bèo và đám em mếu máo can ngăn. Thới còn cười cợt trêu ngươi: -Mặc con. Con ra đi để sau này nuôi má. Nếu đắm thuyền thì con nuôi cá. Nếu vào tù thì... má nuôi con! Mẹ biết không? Bọn anh Tám nhà bác Cao đi đợt trước thoát rồi. Ông Hiệu trên bến Đò Vông già thế, chỉ chèo thuyền nan lân vạ biển cũng đã tới Hồng Kông. Bên đó sướng lắm, chả thiếu của ngon vật lạ. ở nhà, con không chịu được mặt thằng Túc...
Lần thứ tư, các cụ tổ đã phù hộ. Vợ chồng con cái xuống thuyền suôn sẻ. Đúng đêm rằm tháng năm. Trăng vằng vặc sáng. Trong lúc cả làng đang ngào ngạt khói hương thì chiếc thuyền buồm lắp hai máy chở gần ba chục con người nhổ neo, thẳng một mạch ra cửa Nam Triệu. Mờ sáng, vượt khỏi phao số 0. Tất thảy hú hồn, nhảy cẫng hò reo. Ai nấy bỏ lương khô, cơm nắm ra ăn. Mặt biển bao la tím biếc. Gió nồm thổi lồng lộng. Con thuyền giòn giã nổ máy, giương cả hai cánh buồm nhằm hướng đông bắc lao như mũi tên. Liền ba ngày trời lênh đênh, ngập mình trong gió nắng. Thới mừng khấp khởi: -Đấy anh xem. Làm gì cũng phải có gan! Cố bám quê cha đất tổ, hạt thóc cõng bao thứ bà rằn? Cơ nào cho mở mặt?...
-Hình như gió đổi chiều! Bỗng người cầm lái lên tiếng. Đằng xa kia có cột nước đen đen! Trong khoang thuyền lao xao: Chết cha! Vừa thoát công an, lại... Điềm gì đây? Suỵt... Kiêng! Cấm nói bừa, gây lộn xộn, xúi quẩy!
-Vòi rồng! Vòi rồng... các ông các bà ơi! Phía sau đang đuổi tới!
-Đúng là không gì bằng giời. Vừa phong quang lại biến chứng được ngay!
-Tất cả đàn bà trẻ con vào khoang, nằm yên! Đàn ông ra ngoài. Hạ cột buồm xuống. Chuẩn bị chống chọi với lốc biển!
Gió đột ngột thổi mạnh. Từng cơn gió toả vuốt nắm từng con sóng tung lên, quật xuống dữ dội. Chiếc vòi rồng di chuyển, quét rất nhanh trên mặt biển. Không gian chợt tối sầm. Người ta hốt hoảng buộc những chiếc phao cứu sinh quanh lưng. Những chiếc can nhựa hai mươi lít đổ tòng tọc nước ngọt ra ngoài để làm phao. Thế rồi... Giằng giật. Chửi tục. Xô đẩy. Đấm đá nhau huỳnh huỵch. Mới giây phút vui vẻ thế, giờ bỗng dưng thành dã thú. Khang cũng giành lấy một chiếc can của mình dúi thêm cho vợ: -Ôm lấy. Để thằng bé cho tôi! Thới buộc chặt cổ tay vào quai can. ào... ào... ào... Tiếng nước bỗng xối như thác đổ. Những lằn sóng lớn như những khúc đê chồm tới. Con thuyền rùng mình, đảo như con xúc xắc. Cánh cửa sau lái bị gió giật phắt, liệng xuống biển. Tiếng la hét, tiếng khóc lóc ré lên, loạn xạ. Sóng gió mỗi lúc một khủng khiếp. Thoáng chốc, biển hoá thành con quái vật quằn quại, va đập con thuyền cùng lũ người không thương tiếc. Sóng dựng vách bạc đầu, toang hoác vực thẳm. Con thuyền nghiêng ngả, vút lên, thụt xuống, vặn mình răng rắc. Bỗng nó bị kéo tuồn tuột vào miệng biển khổng lồ, ngay tức khắc vỡ tan ra nhiều mảnh. Đồ đạc tan hoang. Kẻ chìm nghỉm, người vật vã bơi ngụp. Khang bị sóng đánh va đầu vào một mảnh ván. Anh bám vội lấy, một tay vẫn ôm con, cố nâng đầu nó lên:
-Thới ơi... ơi... Buông con ra thôi! Cốt mình sống đã... Rồi đẻ đứa khác! Tôi bị choáng... đuối rồi! Thới hốt hoảng lấy sức đạp mạnh, lao tới, hét to:
-Không!... Đồ hèn! Để tôi... Nhất là chết, chết cả hai mẹ con! Cởi áo ra!
-Làm sao bây giờ? Đau quá... Đuối... đuối lắm rồi...
-Đàn ông vận tải gì mà kém! Xỏ áo vào quai can, xoắn lại. Miệng ngậm chặt vào đó mà bơi. Lấy cái áo này buộc thằng Khôi vào lưng tôi! Cố, cố lên.
Vừa chống chọi, vừa dìu bám nhau, khó khăn lắm hai vợ chồng mới buộc được đứa con vào lưng Thới. Lưng địu con, một tay cầm chặt quai can nhựa, một tay bởi nước, Thới vừa vuốt mặt, vừa ngoi lên tránh những đợt sóng đánh rát rạt. Mẹ ơi! Chúng con chết thật ư? Lạy Trời lạy Phật cứu khổ. Chẳng qua vì miếng cơm manh áo. Hãy cứu vợ chồng con cái chúng con... Chiếc can lôi Thới vun vút. Thới vẫn cố địu thằng bé. Trong cơn cuồng nộ của biển, cá chuối đắm đuối vì con, Thới chỉ nghĩ: Đến đâu thì đến, phải giữ lấy thằng bé! Sóng đập mặt như hắt muối. Thới nhắm mắt. Mệt lả, chới với. Bất ngờ, một lực hút ngoạm tất cả bốc lên, tung mỗi người một nơi. Song cũng bất ngờ, biển như chùng xuống, hổn hển. Sóng gió chậm lại. Tiếng rít dần xa. Thới thoi thóp, tay vẫn dính chặt quai chiếc can.
Trời rạng sáng. Thới tỉnh dần và ngồi được dậy. Cô sờ soạng khắp bụng khắp lưng. Đầu óc loé hoa cà hoa cải. Cơ thể đau rần như bị một trận đòn. Nhiều người đứng vây quanh xầm xồ, ý nói cô ấy đã tỉnh. Đây là đâu? Quê mình hay quê người? Một người đàn bà ghé bát cháo vào miệng Thới. Thới ra hiệu: -Con tôi đâu? Họ trỏ vào trong nhà... Thì ra mẹ con Thới dạt vào đất Ma Cao. Thằng Khôi còn sống, mình còn sống, sẽ còn hy vọng. Nó làm sao, mình thật có tội! Sau này nhớ lại Thới không tưởng tượng nổi sao lúc ấy sức đàn bà lại có thể khoẻ và thông minh đến thế? Phải chăng chất gan lỳ của gái vùng biển đã cho Thới sức mạnh và lòng quả cảm? Mười bảy mười tám, Thới đã giỏi cầm lái chải trong các hội thi bơi chải trên sông Cửa Đình. Dạo ấy, các tay chải nữ chỉ búi tóc, mặc quần đùi, áo may ô. Trai các làng đổ xô, chen lấn đi xem. Túc từng xán đến giả bộ đưa nước cho chị em uống để làm quen lại Thới. Hắn đeo kính dâm. Kỳ thực, là để nhìn cặp đùi to mập cùng tấm thân trắng bong bóc của Thới...
Mẹ con Thới được đưa đến một điểm tập trung, toàn người Việt. Nhìn kỹ, không một ai quen. Cuối cùng người ta nhập hai mẹ con vào một trại tỵ nạn Hồng Kông. Cô tìm, nhắn khắp nơi vẫn không mò ra tin tức của Khang. Liệu còn sống? Hay trôi dạt đâu trên trái đất này? Đến bây giờ Thới vẫn chưa gặp được Khang.
-Chào ông đánh trống! Có nhận ra tôi không?
-Ơ... vâng... chào cô! Túc giật mình: -Cô... cô... chị mới về!
-Ai biết lại gặp ông ở đây. Ông vẫn khoẻ?
-Cám ơn chị. Tôi cũng vậy... Không ngờ được gặp lại... Túc lúng búng. Mặt đỏ bừng, mắt nhìn đi đâu. Rất lâu rồi hầu như Túc không nghĩ tới Thới, không biết tăm hơi gì về Thới. Trong những ngày sôi sục bầu máu nóng ấy, Túc như cánh diều được gió tưởng bay lên tận trời xanh. Từ một tiểu đội trưởng dân quân hăng hái, Túc được đề bạt xã đội trưởng. Cũng từ những vụ khám xét, chặn bắt người vượt biên, lập nhiều công tích, được huyện ưu ái, Túc cảm thấy mình như một ông tướng con trong làng. Đi đâu cũng một bọn đàn em theo sau. Túc ngày thêm khôn ngoan, tinh ranh và đa mưu túc kế. Nên người ta còn gọi là “Lỗ Túc của làng”. Con cái nhà nào đến tuổi nghĩa vụ đi hay không là do Túc ấn định. Ông Dần cùng đội sản xuất ra hội nghị họp phát biểu ám chỉ: “Vợ đồng chí cán bộ nọ đi lấy rơm trâu, cuộn giấu thóc trong rơm ôm lên xe cải tiến. Như vậy là tham ô, không gương mẫu cho xã viên!” Túc ngồi dưới cười ruồi.
Nhưng sau đó, cậu con ông Dần đang đợi ngày vào đại học, đột nhiên có giấy gọi nhập ngũ. Thằng em con ông chú của Túc khoẻ vâm, lại có bệnh án của bác sĩ: lang ben, mắc trĩ nặng, sức khoẻ yếu... Nó tiếp tục ra sông kéo lưới... Cả làng còn không quên vụ bà Quanh chây ỳ việc nộp sản phẩm hợp tác xã. Bà chúa nanh nọc, đáo để ở xóm Đông Ngoài. Mấy vụ liền chối vái không chịu nộp thóc, để nợ đọng đến con số tấn. Vụ nào loa truyền thanh xã cũng ra rả nêu tên, bà vẫn như cóc khâu miệng. Lần nào đội thu sản đến nhà, bà cũng nằm ốm, rên hừ hừ, không dậy, hoặc lủi trốn trong buồng. Có lần ngoa ngoắt chửi cả đội trưởng. Một hôm, sau vụ gặt mùa, dân quân vác súng và quang gánh đến cưỡng bức. Bà liền đứng giữa sân tụt hết quần xuống, tru tréo: “ối làng nước ơi... cán bộ ăn hiếp nhà tôi...” Dân quân bỏ chạy mất. Nghe lại chuyện, Túc mỉm cười, điềm nhiên bảo: -Một lũ ăn hại! Hôm sau, Túc trực tiếp dẫn quân đi. Cũng y cảnh trước. Túc bình tĩnh vào sân nhặt chiếc quần của bà Quanh tụt dưới chân. Bà tái mặt, ngồi thụp xuống, hai tay giữ lấy chiếc quần, lính quýnh che kín phần dưới. Túc nhăn nhở giằng giọ: -Gớm, mấy khi đồ cổ được bày ra thiên hạ. Đủ rồi! Bà chị để yên, em mặc lại hộ cho! Trong lúc đó, một tốp dân quân đã lọt vào đống thóc ở gian giữa, xúc lên. Hàng xóm kéo sang. Túc ấn bà Quanh ngồi chết dí và sai người viết biên bản. Đong đo cẩn thận đâu đấy, Túc mới buông cho bà đứng dậy. Cả xóm được một trận cười thoải mái...
Đêm lột được đám vàng của Thới không ai biết. Túc giấu biến, đem về cho vợ. Vợ Túc chơi phường họ, cho vay nặng lãi. Cô ta khoát với cả cán bộ ngân hàng nhận giải ngân để phết phẩy tiền lãi của dân. Đời sống nhà Túc ngày một khá giả, xây được nhà hai tầng đầu tiên trong vùng. Một lần, thấy Khang bất ngờ xuất hiện trong văn phòng Uỷ ban xã: -Các bác các chú thông cảm. Bao năm nay bặt tin mẹ con cô Thới. Chả biết thế nào. Cảnh tôi neo đơn không đừng được nên phải đi bước nữa!... Túc toát mồ hôi. Khang còn sống trở về? Té ra thằng cha xin ly hôn vắng mặt Thới để lấy vợ khác! Khang chìa bao thuốc lá Vinagol đầu lọc mời khắp lượt. Vừa chạm mặt Túc, cũng là lúc không hiểu thuốc hết hay còn mà Khang lại đút cái vỏ bao vào túi? Lại còn nhíu mày nhìn Túc. Túc chột dạ: Chắc hắn còn căm vụ vợ bị lột vàng?... Chủ tịch xã nhanh nhảu chữa thẹn: -Đồng chí Túc không nghiện thuốc lá đâu! Túc huơ tay, cười khẩy, nghĩ bụng: -Ai thèm thứ ấy? Chớ vội lên mặt! Hãy chờ đấy!
Làng Hải Phong bên cạnh có tay Liên béo, một thương binh hay cậy mình cậy mẩy, lợi dụng danh nghĩa thương binh để buôn lậu. Liên béo buôn cả kíp mìn cung cấp cho bọn đánh cá bằng mìn ngoài biển. Nhiều lần xã bạn mật báo, Túc phục kích mà chưa tóm được. Thấy Khang chơi thân với Liên béo, thường đi lại chén chú chén anh, Túc đem bụng để ý. Một buổi chiều, Khang cưỡi xe đạp Phượng Hoàng qua cửa Uỷ ban. Đằng sau xe buộc một chiếc cặp đen dày cộm, sách báo lòi cả ra ngoài. Ngồi trong văn phòng, Túc nháy mắt mấy dân quân xã: Này, có chuyện để làm đấy. Mời thằng cha kia vào uống nước! Khang được mời lại, vô tình dựng xe ở bậc thềm. Túc niềm nở ra đón. Hắn đến bên xe vỗ chiếc cặp bồm bộp, giễu cợt: -Đi đâu mà nhiều sách báo vậy ông bạn? Dân đội cát dạo này cũng ham học thế? Khang gạt tay Túc: -ấy. Có gì đâu. Mượn được ít sách báo đem ra thuyền đọc đỡ buồn! -Thì xem một cái đã nào! Miệng nói tay cất, Túc rút luôn mớ sách báo đánh soạt. Đám kíp mìn trong gói giấy xi măng rơi tuột xuống, toé loẹ. Mặt Khang tái mét. Túc lập biên bản, tức tốc gọi điện cho công an huyện. Khang dúi xấp tiền vào túi Túc: -Trăm sự nhờ ông! Túc quắc mắt: -Vượt biên chán, giờ lại buôn kíp nổ! Bố tôi sống lại cũng chịu ông! Lần ấy Khang bị xử tù, vào tận trại giam Thanh Hoá. Từ đó không thấy bóng đâu.
-Cô có tin gì về chú Khang không? Túc nén thở hỏi Thới, giọng khàn khàn.
-Chúng tôi bị lạc nhau từ bấy đến giờ. Đã lâu, nghe đâu anh ấy về nước lấy vợ khác, lại dính vào một vụ buôn kíp mìn kíp miếc gì đó, bị xã bắt cho ngồi tù.
-ờ ờ... Nghe đâu sau giải phóng miền Nam, mãn hạn tù, chú ấy vào Tây Ninh làm ăn. Cô vợ sau cũng đi với cái thằng bên thị trấn! Thôi, cần gì loại chồng đó. Còn Thới thế nào? Dáng mợ thế này nhìn cũng đủ biết...
-Thường thôi! Sao oách bằng xã đội Túc? Số tôi gặp phải toàn đàn ông hèn với đểu. Xuất ngoại cũng vậy, ông Túc à! Câu nói như cấu vào chính mình, Túc tắc nghẹn. Chợt Thới mở xắc rút một tờ đô la: -Gọi là một chút... bo cho ông anh công đánh chiêng gõ trống đưa mẹ tôi ra đồng. Một trăm đô đấy! Oke! Túc ngẩn người. Thới giục: -Nề hà làm chi! Cứ cầm lấy. Coi như đồng rơi đồng vãi ấy mà! Túc run run xoè tay đón: -ờ thì cầm... cho cô... vui lòng. Xong việc cụ... lúc nào rảnh, cô lại tôi chơi. Chuyện cũ bỏ sông bỏ biển. Cô nhá!
Cả đời, chưa bao giờ Túc thấy đồng đôla. Ông ta nhìn một lát rồi nhét vào túi. Lòng vẫn ngờ ngợ sao bà Việt kiều lại đối xử đẹp như vậy. Nghĩ hồi xưa, mình rõ dại. Lại hăng máu đi rình cả đêm ngoài rừng sú vẹt, muỗi vã như trấu để tóm bọn “phản quốc” và từng hành động với Thới... quá quắt. Kể cứ lờ đi, khéo bây giờ lại được ơn huệ, quà nọ lộc kia. Đúng là đời, thoắt cái người lên voi kẻ xuống chó. Hôm nào nó là con bé chạy dân quân như nai non chạy cọp. Hôm nay lại chỉnh chện bà Việt kiều về quê, chắc là “sộp” lắm đây! Có ai học hết chữ ngờ? Còn mình rõ là thằng đánh trống chùa! Sao lại nhanh thất vận đến thế? ấy là cái đận... Bọn chặt gỗ lậu rừng Bến Nịp thường chở gỗ bằng đường sông và đường bộ qua địa bàn làng Túc xuống Cát Hải tiêu thụ. Giữa trưa, có mấy chiếc xe tải chở cát đi trên đường làng. Chẳng dè đến đoạn xóm Đình, đường quá hẹp, chiếc ô tô thứ hai bị chệch lái tụt một bên bánh xuống ao, đổ kềnh. Toàn gỗ súc lim, táu, sến trơ ra... Làng nước bu lại. Đoàn xe bị bắt giữ. Công an tỉnh về làm việc, truy ra đầu mối.
Bọn lâm tặc khai có Túc thùng phần và đóng vốn. Túc bị khai trừ khỏi Đảng, bị bãi chức xã đội trưởng. Từ đó Túc đâm tiêu cực, rượu chè be bét. Ngồi đâu, Túc cũng nói xấu, chia rẽ nội bộ cán bộ xã. Túc giương đông kích tây, phát ngôn văng mạng, luôn miệng kể lể công lao một thời. Người làng và bọn sâu rượu cũng thừa biết con người Túc. Oan thoát gì! Về vườn trắng dái còn lắm chuyện! Chả lẽ ngồi uống cùng chiếu lại bịt tai? May thế nào ban khánh tiết họ Vũ lại đưa Túc vào chân đánh trống đám ma. Túc đánh được và đánh khéo. Lúc vào dàn tế, chiêng trước trống sau. Khi lên đòn cử hành, đường phẳng thong thả ba tiếng một. Chỗ lội, đường cua thì gióng liên hồi kỳ trận. Bi boong... Bi boong... Thùng... thùng... thùng... Đã có hai thằng tau nhau khiêng giúp, chiêng làng dùi dứa, cứ thế mà giáng, mà thúc. Tiếng trống như những quả thụi, thụi vào ngực bọn trai rước đòn nặng trẹo vai. Đám nào các cụ cao tuổi cũng nhắc: “Tiếng trống mang vạn binh. Giao cho chú Túc. Hắn thuộc việc đáo để!” Túc cảm thấy hài lòng: Như vậy là cái làng này vẫn còn có người nể ta? Việc làng, người xưa thường được làng trọng biếu “đầu gà má lợn”. Nay bước khỏi ngõ nhà đám, Túc luôn say khướt. Tay xách túi bóng lúc nắm xôi, miếng chả mực, lúc khoanh giò, quả táo... Nhiều khi hai ba chỗ trùng nhau, Túc khật khưỡng, tỏ ra lên mặt: Từ từ đã! Tao chưa đến đố đứa nào cử hành!... Hôm nay ông ta gõ chiêng, đánh trống cho đám bà cụ Bèo. Không ngờ gặp Thới.
Tang mẹ xong xuôi, chiều nay mẹ con Thới dạo bộ đi thăm thôn xóm. Trên lối nhỏ giữa hai rặng tre, những ngọn gió lùa mát rượi. Chợt một không gian cánh đồng mùa gặt mở ra trước mặt. Chị thư thái hít thở. Chao ôi! Mùi lúa chín! Mùi khói đốt đồng. Mùi bùn non hôi hôi nguyên sơ. Chiếc đòn sóc cắm bờ. Cái rá đựng cơm, đạy lá chuối để đầu ruộng... Sau bao năm xa cách bây giờ Thới mới được đằm trong chiếc nôi quê! Tuyệt vời thay hương đồng gió nội. Trời đất cho ta mà ta từng một thời vô tâm, khắc khoải đi theo ánh chớp xa! Tự dưng chị thèm được xốc lên vai một gánh lúa quá chừng! Con đường qua cánh đồng Soi Bắc tuy không còn những nấc thang chân trâu, nhưng vẫn lỗ chỗ những vũng lầy thụt, đọng nước. Một chiếc xe công nông cũ nhẻm, thành vách sứt mẻ dính đầy bụi đất chạy qua. Đến một đoạn nham nhở, nó chững lại phì phò, ậm ạch như một bà già ngồi thở. Dưới đồng, ai đó vẫy nón chào gọi Thới. Thới vẫy họ. Nắng đổ nghiêng trên những lưng áo bạc màu. Những bó lúa phơi hạt vàng trĩu mẩy. Thới cũng đã từng một thời đi lượm cái màu vàng kia trồi lên từ bùn đất. Có cái gì đó nghẹn ngào, rưng rưng khó tả trong lòng. Bà con nông dân mình còn vất vả, lam lũ quá!
Con chim bay qua để lại tiếng. Cuộc đời, ăn bao nhiêu cũng hết. Mọi thứ sẽ lần lượt qua đi. Chả lẽ ngày mai mẹ con mình lặng lẽ lên máy bay? Thới quyết định ủng hộ địa phương nâng cấp, đổ bê tông đoạn đường Soi Bắc cho dân làng thuận lợi đi làm đồng và sang đầm thuỷ sản Nhà Bách. Chị còn tặng quà và quần áo cho các cụ già trong xóm, cho các cháu thiếu nhi nghèo, học giỏi. Thấm cảnh nghèo hèn trong những tháng năm lang thang nơi đất khách quê người, Thới vẫn một lòng đau đáu với chốn xưa chôn rau cắt rốn. Số Thới hẩm chồng, nhưng được con kéo lại. Chuyến đó, Khang lưu lạc, về nước, sau bỏ đi đường khác. Hạng, người đàn ông thứ hai gặp Thới trong trại tỵ nạn. Sang nước thứ ba, ăn ở trong cảnh già nhân ngãi non vợ chồng, hai người có với nhau được con Hà đây. Khi con Hà năm tuổi, điều kiện việc làm và kinh tế đã đỡ khó khăn. Biết đất nước mở cửa, Hạng bàn với Thới: “Anh hồi hương một chuyến xem tình hình thế nào!” Về quê Nam Định liền ba tháng Hạng mới nhắn: “Đang lỡ dở làm hôn thê giả với cô em họ để cẩu nó sang cho có chị có em!” Năm sau, Hạng đem đến trước mặt Thới một con bé trẻ măng: “Đây là vợ tôi. Giấy hôn thú đầy đủ!” Thới chết từng khúc ruột, ốm mấy tháng liền. Hạng và con bé ấy cuốn nhau sang Ca na đa. Nhưng, trong một chuyến đi buôn, chuyển hàng vải vóc, quần áo qua rừng, anh ta đã bị cướp giết. Từ đó Thới nghi ngờ tất cả những người đàn ông định ve vãn. Chị ở vậy lầm lũi làm thuê cho một hãng cá hộp. Những đứa con đã bù đắp cho chị. Hai anh em thằng Khôi con Hà rất quí nhau, học giỏi và thương mẹ. Khôi đã mở một văn phòng Luật sư. Chúng nó đã làm cho Thới phần nào vợi đi những nhọc nhằn nơi xứ lạ.
Suy tính kỹ lưỡng, Túc chủ động đến nhà Thới. Tránh voi chẳng hổ mặt nào. Nói quá… Thới có bảo… rửa đít… cũng chẳng sao! Cốt được việc mình đã. Sau đường ai nấy đi. Tội gì không tranh thủ! Ta sẽ ăn năn, hối hận trước mặt Thới, mong Thới rủ lòng thông cảm. Xưa bố chẳng từng dạy: Đàn bà dễ ợt ấy mà? Ta sẽ khoét sâu vào lòng nhân ái, tự trọng. Bây giờ thế giới đang hội nhập và phát triển. Bạn, thù bắt tay nhau hợp tác. Quá khứ bỏ qua, tương lai bước tới. Huống chi bọn mình, chuyện vặt con tép!-Cô Thới này! Túc ướm lời ngọt ngào: Cô ủng hộ làng nhiều thứ quá. Chẳng ai tốt bằng cô. Xuất xứ xa xôi vẫn nhớ người nhớ xóm, vẫn vương vít đường cày sá mạ... Cô đi một đàng cô học một sàng khôn. Chẳng như bọn tôi ếch ngồi đáy giếng, chả biết đâu là sao Hôm, đâu là sao Mai... Về vườn rồi, tôi đâm mù tịt...
-Có gì đâu! Sao bằng các bác! Chẳng qua các bác còn giữ quan niệm hẹp hòi, xa thơm gần thối đấy thôi...
-Ấy chết, sao lại nói vậy? Mà này... Cô tỉnh thật. Từ thiện, không cần thông qua cán bộ xã làm gì cho nhiêu khê. Cô xử thế là phải. Chịu cô... chịu cô đấy!
-Ông quá khen! Tôi hoàn toàn xuất phát từ lòng thực. Hôm gặp dân làng họp ở nhà văn hoá thôn, tôi biếu luôn cho các cụ, các cháu đấy chứ! Tiện thể mà...
-Phải phải! Cứ cho dân tận tay... vào luôn “ông anh ruột” của họ là hơn. Chứ qua mấy cha bản xã lên danh sách là dễ “chánh sách” lắm! Rặt một bọn “ông thầy ăn một bà cốt ăn hai”....
-Ông lại suy diễn cho người ta rồi. Hẳn khi đương chức đương quyền, ông cũng thế? Tôi nghe nói lớp trẻ bây giờ họ khác xa lớp các ông. Họ có học, có tầm nhìn rộng hơn, vượt khỏi luỹ tre làng lưu cựu bấy nay... Túc tái mặt, cố cười trừ:
-Thời thế tạo anh hùng. Tình thực, ngày ấy tôi đâu muốn vậy...
-Không vậy, mà lại... ăn từ cái bẹn của người ta? Thới bật đứng dậy, chững lại, nghẹn ngào: -Nhưng mà này, tôi cũng cảm ơn ông. Không nhờ cái bận ông khám chỗ “thửa ruộng ba bờ” ấy... thì làm sao tôi có thể tự ái, quyết chí ra đi chuyến nữa bằng được để có ngày hôm nay! Đời mà. Mất cái nọ được cái khác, phải không ông?
-Vâng vâng... Đời mà... đời mà... Cô thông cảm... Cô là người đàn bà có chí... Túc ấp úng. Thới nhìn thẳng vào mặt Túc. Mắt Thới vẫn ánh rực và đẹp mê hồn:
-Lúc nãy, ngay phút đầu ông đến tôi đã nghĩ tự dưng… rồng đến nhà tôm! Chắc có vấn đề? Ông cần gì cứ thẳng toẹt ra đi. Vòng vo tam quốc làm gì? Túc gãi gãi gáy: “Con mụ này ghê thật! Cứ như sấm như sét vào mặt người ta!”
- Chị... chị thông cảm... Ơ quên! Cô thông cảm! Thới còn rất trẻ. Trẻ thật!... Tôi muốn... Tình thật.... Anh có đứa con gái út... vỡ kế hoạch từ thời... Nay cháu học xong cấp ba... Nông dân bây giờ... hoàn cảnh anh khó lắm... Cả làng này mới có mấy đứa đại học. Đại học xong cũng chửa biết làm gì. Toàn con gái đổ xô đi lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc...
-Sao ông không cho cháu nó đi? Thới ngắt lời.
-Đi sao được! Một lũ Tà lưa. Tà lưa là lừa ta. Có nhiều bọn mạo nhận công ty này công ty nọ lừa đảo con em mình lắm cô ơi! Chúng còn buôn bán cả mấy đứa con gái làng ta qua biên giới nữa kia... Túc quyết định: -Mấy khi cô về... Tôi tin ở cô. Anh muốn cô làm hôn thê giả cho con cháu nhà anh với... với thằng bé nhà cô. Nhờ cô cẩu nó sang bên đó! Cô ừ đi. Mai dẫu chết, anh cũng ngậm cười đội ơn cô!
-À! Ra vậy! Thới cười giòn khanh khách: Nhưng... mẹ con tôi đã tính chuyện về nước làm ăn! Tóm lại... Chẳng đâu bằng... quê cha đất mẹ!