Trang chủ » Truyện

NÓI KHÔNG VỚI GIAN LẬN TRONG THI CỬ

Lê Hiến Thành
Thứ bẩy ngày 27 tháng 11 năm 2010 3:14 PM

Truyện ngắn
 
Cả tháng nay lúc nào Bà Thoa cũng cảm thấy bồn chồn, lo lắng. Đêm nay bà lại khó ngủ. Đã 2 giờ đêm rồi mà bà vẫn trằn trọc không sao nhắm mắt được. Nhất là sau cuộc họp thường vụ chiều nay, hình như sự bất ổn lại có chiều hướng tăng lên… Mọi việc thì có vẻ vẫn đang bình thường cả. Thậm trí thu nhập vài tháng nay của bà có phần dồi dào hơn trước. Đứa con gái nhỏ thì vừa mới tốt nghiệp trường Đại học Công đoàn nhưng đã có người hứa sẽ cho cháu vào làm tại văn phòng cơ quan một Bộ trên Hà Nội. Con nhà khác mà học như nó thì vào đại học cũng khó chứ nói gì học xong lại được bố trí vào làm tại ở một cơ quan cấp Bộ - bà nghĩ. Tất nhiên mọi cái cũng đều có giá của nó chứ có phải ai cho không ai đâu? Nhưng cũng phải nói cái cậu Hiếu nó tham mưu đúng đấy chứ. Bản thân nó cũng chỉ học công Đoàn tại chức mà bây giờ đã lên đến cấp vụ rồi còn gì. Thôi thế là ổn. Một khi đã có cái bằng Đại học rồi thì làm gì mà chẳng được, có ai người ta hỏi học ngành nào bao giờ đâu. Lâu rồi, cho nó học tiếp Thạc sĩ rồi Tiến sĩ thì chẳng có gì khó cả.
Vậy thì có gì mà bà cứ cảm thấy bứt dứt khó chịu nhỉ? Ừ phải rồi, cũng lại cái chuyện học với bằng cấp, nhưng lại là việc học của bà. Thực ra bà cũng chẳng muốn học  làm gì nữa, bà biết khả năng của mình lắm chứ. Thứ nhất, cái khả năng học thật của bà là không có, thứ hai, tuổi bà đã cao quá rồi học càng khó vào, thứ ba nữa là học để lên quan lên chức thì bà đã chẳng có rồi sao? Thực tế bà mới chỉ học dở dang lớp 7 thôi mà bây gìơ bà đang ngồi ở một cương vị cao ngất ngưởng rồi còn gì. Con người ta ăn nhau ở cái số thật. Số là lúc còn đang học dở dang cấp Hai thì chiến tranh của Mỹ leo thang ra miền Bắc, bà tham gia dân quân tự vệ, cũng có ít nhiều thành tích; nhưng cái chính phải nói lúc trẻ nom bà cũng trắng trẻo phốp pháp, bà lại rất cởi mở và hào phóng nên các bác bề trên rất để ý, chiếu cố và thế là con đường quan lộ của bà cứ thế mà thẳng tiến. Kể ra với trình độ của bà mà vào ngồi được ở vị trí này thì có lẽ cả Việt nam thậm trí trên thế giới chưa có ai ấy chứ. Nhưng đã vào vị trí này về lâu về dài là phải có bằng cấp một chút, để không ai người ta nói ra nói vào được. Nghĩ đi cũng phải nghĩ lại chứ. Khối lần họp Hội đồng chẳng phải có mấy đứa ghen ăn tức ở bới móc chuyện này chuyện kia cũng chỉ liên quan đến cái bằng, cái cấp là gì. Đành rằng trong số chúng nó, khối đứa cũng chẳng học hành ra gì đâu, nhưng giấy trắng mực đen thì ai mà cãi được. Trong lý lịch của chúng nó rõ ràng là Thạc sỹ nọ, Tiến sĩ kia rất chi tiết. Mấy lỵ, phải thừa nhận đưa danh thiếp ra có đề GS.TS  thì cũng danh giá lắm chứ. Chức vụ rồi thì cũng sẽ qua đi, quan nhất thời dân vạn đại mà. Nhưng GS.TS lại là chuyện muôn đời, danh giá cho cả con cháu sau này ấy chứ. Nghĩ đến đấy bà cũng thấy hào hứng lắm. Nhớ lại ngày xưa bà chạy được cái bằng phổ thông lớp 10 là cả một quá trình công phu, có thể viết thành tiểu thuyết được. Nhưng đấy là ngày xưa, cái thời kì bao cấp - thiên đường của những người như bà đã qua rồi. Vả lại thời ấy bà còn trẻ, đang độ phơi phới, nói ai mà người ta chẳng đồng ý giúp đỡ, thậm trí chưa nói, đã có “cụ” đề xuất rồi còn gì. Nghĩ  đến đây, bà vội ôm chặt lấy chiếc gối lông chim mềm và thở dài - cũng phải công nhận hồi đó ai cũng bảo mình nom còn “ngon” hơn cả gái một con. Mà quả thật sau khi có con Thu, kinh tế gia đình bắt đầu khá giả, có tí chức tí quyền vào nó có khác, có điều kiện chăm sóc bản thân hơn là thời kì nuôi thằng Tuấn. Thế  rồi đến cái bằng chính trị cao cấp thì đương nhiên là phải có, bởi vì mình có học thật. Đã ngồi ở cấp cao thì đương nhiên là phải theo học lớp đó, mà là Đảng, Nhà nước bố trí học hành đàng hoàng chứ có phải gian lận gì đâu - Bà nghĩ, thực ra mình cũng chẳng học được mấy ngày nhưng dù sao vẫn là chính khoá, còn chuyện nghỉ học do bận công tác thì rất bình thường, bài tập vẫn nộp đều  đặn, các kỳ thi vẫn đủ kết quả là được. Phải công nhận cái cậu Minh lúc đó nó cũng nhiệt tình, nó làm bài vở cho mình rất chu đáo, thậm trí mình còn được tuyên dương là học tập tốt, điểm thi cao. Nghĩ lại mà thấy cũng may. Đúng là nhà có phúc. Nhưng ngày xưa với ngày nay đã khác nhiều rồi – bà lại nghĩ tiếp - giá bây giờ chỉ cần bà ở cái tuổi 40 thôi thì mọi việc đã có thể khác. Lúc bà ở cái tuổi bốn mươi, con gái cũng khối đứa không theo nổi bà nhưng ngoài 50 mươi thì còn có gì để mà nói nữa. Những người trước đây bao lót cho bà nay cũng đã già hoặc về nghỉ cả rồi. Nghĩ đến đây bất chợt bà thấy nuối tiếc một thời của bà, cái thời kỳ hoàng kim với sự đào hoa, hãnh tiến. Những kỉ niệm một thời, những gương mặt thân quen, những mối quan hệ riêng tư của bà lần lượt hiện ra rồi lại nhoà đi chồng chéo, đan xen và ẩn hiện trong ký ức khiến bà thiếp đi lúc nào không biết.
Sớm hôm sau bà dậy muộn hơn mọi ngày. Thông thường bà dậy vào lúc 7giờ kém 15. Tâp thể dục và vệ sinh cá nhân chừng 30 phút rồi ngồi vào bàn ăn đã được con bé giúp việc và cả ông chồng chuẩn bị sẵn. Bà ăn sáng nhanh, chẳng trò chuyện với ai, mà cũng chẳng có ai ngoài ông chồng vô vị. Thằng con lớn thì đã có việc làm ở Hà Nội vài năm nay, còn con nhỏ thì thường dậy muộn hơn và nó rất ít khi ăn sáng cùng bố mẹ.
Như thường lệ, đúng 8 giờ kém 15 chú lái xe đã đợi sẵn ở cổng nhà. Bà không có thói quen uống trà hay cà phê ở nhà vì tới công sở đằng nào mà chẳng có ấm trà hảo hạng còn cà phê thì khi có nhu cầu, chỉ vài phút sau là có. Từ nhà tới công sở cũng chỉ 10 phút đồng hồ, vậy là thông thường bao giờ bà cũng đến công sở 5 phút trước giờ làm việc. Chính cái thói quen này mà bà được mọi người đánh giá là gương mẫu nhất so với những người tiền nhiệm.
Hôm nay bà đến công sở vào lúc 8 giờ 30. Lẽ dĩ nhiên bà muốn đến lúc nào mà chẳng được, thậm chí bà không đến thì cũng chẳng ai dám hỏi bà đi đâu. Người như bà thì thiếu gì các cuộc hội họp, gặp mặt ở bất cứ đâu. Vừa tới phòng làm việc bà đã bảo cô thư ký mở internet tìm cái mục bằng giả, bằng dởm cho bà (bà cũng được hướng dẫn cách tra tìm trong mạng những thông tin cần tìm) nếu trục trặc chỗ nào thì đã có thư ký.
- Thưa cô xong rồi đấy ạ - thư kí nói
- Cứ để đấy cho cô - bà nói - cháu sang báo với văn phòng chuẩn bị phòng khách cho cô tiếp khách lúc 14 giờ và mời chú Phong chánh Văn phòng cùng với Tổ chức, Thanh tra lên phòng hội ý với cô vào lúc 13giờ15 nhé.
- Thưa cô cháu rõ rồi ạ
Thanh Hương, thư kí mới của bà vừa được chuyển lên từ Văn phòng Tỉnh Đoàn. Hương mới lên giúp cho bà nhưng cô bé đã khá thạo công việc giấy tờ, vi tính, giờ giấc và cả tính nết của bà. Ngay cái việc đánh vần chữ của bà nó cũng tỏ ra rất thạo. Người tiền nhiệm của Hương bị chuyển đi nơi làm việc khác cũng chỉ tại đánh vần sai chữ của bà. Về khoản chữ nghĩa thì bác sĩ phải gọi bà bằng sự phụ. Chữ bà vừa xấu, vừa không rõ ràng mạch lạc, lại hay xoá rất nhiều, người đọc cứ phải vừa đoán vừa ướm ý của bà mà luận ra. Đã thế bà hay thích dùng từ mới, từ lạ. Hễ nghe thấy ai nói từ nào có vẻ khoa học, hơi lạ một chút, thế nào bà cũng học và ứng dụng ngay lập tức mặc dù bà cũng còn lơ mơ chưa hiểu hết ý nghĩa của từ đó. Kể cả tiếng nước ngoài, bà mới nghe loáng thoáng, khi gặp dịp bà cũng phang bừa ra làm cho tây cũng không nhịn được cưòi. Chính cái sự ham học ấy của bà mà làm cho khối người phải bị thuyên chuyển công tác hay ít nhất cũng bị cho là “thiếu tích luỹ” hoặc “không chịu cập nhật thông tin”. Cũng phải thông cảm cho bà, thời chiến tranh học hành làm sao có thể chu đáo được, với lại cái chữ nó cũng tuềnh toàng y như con người của bà. Dù sao chăng nữa bà cũng được cái tiếng là ham học hỏi.
Uống một ly nước trà đã được pha sẵn, bà ngồi ôm lấy màn hình đọc ngấu nghiến những thông tin trong trang mạng.
Trên một trang mạng viết: Hiện nay có rất nhiều lời chào rao bán bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ, thậm trí cả Giáo sư trên mạng. Chẳng hạn trường Đại học Corllins bán một bằng Tiến sĩ chỉ có 600 USD đến 5000 USD là cùng. Mục rao bán này còn nói rõ là bằng này có thể dùng để xin việc ở một số nước kém phát triển, thậm trí ngay một số nơi ở Mỹ.
Thôi chết rồi - bà lo lắng đọc tiếp trên một mạng khác: Ông NVA của tỉnh nhà vừa mua bằng tiên sĩ 17.000 USD do trường đại học Nam Thái bình Dương ( Southern Pacific University) cấp. Mạng này cũng nói rõ: Trường này là nhái tên thật của trường FIJI là University of South Pacifìc!. Trường Nam Thái bình Dương mà ông NVA mua hiện nằm trong danh sách 50 trường bị chính quyền bang Hawaii khởi tố, thua kiện và bị đóng cửa.
Chết thật – bà chột dạ - đúng là cái bằng nó nói với mình rồi. Mà mình có biết gì đâu, chỉ tại cái thằng Khoa nó cứ thuyết phục mình là rất dễ, rất an toàn. Nó nói - mà chị có phải bỏ tiền ra đâu cơ chứ. Nó còn nói rõ là chi phí này được trích từ quỹ hỗ trợ chương trình học do Viện Kinh tế của Bộ Tài chính giới thiệu.
      Ấy thế mới chết đấy- bà nghĩ - nếu là do tiền của mình trả thì coi như hy sinh luôn 17.000 USD đi cũng chẳng sao; đằng này do Bộ tài chính giới thiệu, thì rõ ràng danh sách sờ sờ ra đấy, làm sao mà chạy được nữa. Vứt đi cũng chẳng xong.
Thằng Khoa nó còn nói tổng cộng có 10 cái bằng như thế được cấp trong dịp này, mà chị đương nhiên là được ưu tiên hàng đầu rồi.
Có tiếng của Hương đi vào
- Cô có đọc được không ạ?
- Được, Thông tin ở đây cũng chỉ để tham khảo thôi nhưng cũng phải đọc để mà biết - bà nói hình như với chính bà, chứ thư kí thì làm sao mà nó có quyền hỏi
      để mà bà phải trả lời.
- Cô nghỉ tay chuẩn bị xơi cơm và nghỉ ngơi để đầu giờ chiều họp ạ
- Đã 12giờ rồi cơ à - mải làm quá, quên cả giờ giấc.
Ăn vội mấy miếng cơm với canh chua do người cần vụ đưa vào, bà lại ngồi ngây ra một hồi lâu như thể vừa bị mất cái gì lớn lắm.
- Đúng là chẳng có dại nào giống dại nào. Già rồi vẫn còn dại- bà nghĩ.
Vậy là chiều nay bà phải đối mặt với phóng viên báo Tuổi Trẻ, và Dân trí, bà phải trả lời những chất vấn xung quanh vấn đề có hay không chuyện mua bằng dởm, bằng giả ở tỉnh nhà.
- Thế mới oái oăm chứ - bà nghĩ - không biết liệu chúng nó đã biết về trường hợp của mình chưa nhỉ? Chúng nó vô tư hay thăm dò và chơi sỏ mình đây?
Bà đã có nhiều kinh nghiệm trả lời bọn nhà báo, phóng viên rồi nhưng quả thực đây là trường hợp khó xử. Cứ như thế, bà lật đi lật lại vấn đề, đưa ra câu hỏi rồi lại tự tră lời dễ đến cả chục lần.
Đồng hồ đã điểm 13giờ. Bà vào nhà vệ sinh rửa mặt cho thoải mái, thay đồ đúng kiểu chính khách, xoa ít phấn và son lên mặt, lên môi và không quên sức chút nước hoa cho phấn chấn và tự tin. 
Hương đẩy cửa bước vào – Thưa cô, các chú Phong, chú Tòng và chú Quốc Anh đang chờ ở ngoài cửa ạ.
- Mời các chú vào.
Cuộc hội ý của bà với các cộng sự liên đới diễn ra trong vòng 30 phút. Có lẽ bà muốn căn dặn kĩ cho các đàn em cách cư xử với bọn nhà báo này. Thông thường để đối phó với vấn đề phức tạp, vấn đề nhạy cảm bà hay chuẩn bị tư tưởng cho họ rất cụ thể, không phải muốn nói gì thì nói, có gì nói vậy thì chết với bà. Chẳng ai dám “cầm đèn chạy trước ô tô”. 
Thông thường tiếp nhà báo thì bà vẫn tiếp ở phòng riêng của bà, nhưng trường hợp này tốt nhất là nên để các phòng ban cùng gánh trách nhiệm, bà không muốn một mình trả lời họ.
Đúng 14 giờ bà bước vào phòng khách với nụ cười thường trực
- Chào chị - mọi người đồng thanh.
- Xin chào các anh chị nhà báo - vừa nói bà vừa giang tay rất ngoại giao bắt tay hai vị khách một nam, một nữ.
- Chánh văn phòng Lê Phong: Xin giới thiệu với chị: Nhà báo Thanh Tùng đây là phóng viên báo Tuổi trẻ, còn cô Thu Nga là phóng viên của Báo Dân trí. Và xin giới thiệu với anh chị, cùng làm việc hôm nay có đồng chí Tòng - Trưởng ban Tổ chức, đồng chí Quốc Anh là Phó Thanh tra của chúng tôi.
- Được tiếp một lúc hai tờ báo lớn thế này, quả là Tỉnh nhà nổi tiếng đây- bà đi thẳng vào vấn đề, chúng tôi có thể cung cấp cho các vị những thông tin gì đây?
- Nhà báo Thanh Tùng: Thưa chị, chúng em đã có thông báo cho anh Lê Phong biết về nội dung làm việc hôm nay của chúng em, chắc anh Phong đã báo cáo chị?
- Tôi cũng mới vừa đi công tác về, chỉ nghe nói sơ sơ thôi chứ cụ thể như thế nào thì cũng chưa rõ lắm, các bạn cứ cho biết yêu cầu, mục đích, chúng tôi sẽ hết sức hợp tác, giúp đỡ. Có các đồng chí phụ trách các mảng công việc đây, có gì các đồng chí ấy sẽ báo cáo chi tiết rồi ta cùng xem xét. Có phải không các đồng chí?
- Nhà báo Thanh Tùng: Nội dung chính chúng em muốn tìm hiểu lần này là xung quanh những lời đồn về cái bằng Tiến sĩ của ông NVA. Trên các trang mạng họ đưa ra nhiều thông tin, có dẫn chứng chi tiết lắm nhưng đó là thông tin ngoài luồng. Là những tờ báo chính thống, có uy tín, chúng em không muốn đưa ra những tin chưa có sự điều tra chính xác và đặc biệt những vấn đề nhạy cảm trước khi đưa ra công luận, vì vậy rất  muốn xin ý kiến chỉ đạo của chị.
- Cho tới giờ phút này, thực sự chúng tôi cũng chưa có một kết luận chính thức nào cả. Khi nghe dư luận, trách nhiệm của chúng tôi là phải tìm hiểu thật chính xác mới xử lý. Cũng như ý của nhà báo, mình không thể nghe theo dư luận một cách thụ động được. Cứ theo dư luận mà làm thì có ngày chết. Nhất là liên quan đến sinh mạng chính trị của cán bộ thì lại càng phải thận trọng.
- Chánh văn phòng Lê Phong: Báo cáo chị và các đồng chí phóng viên, về vấn đề này, sau khi nhận được thông tin tôi đã  trực tiếp làm việc với ông NVA thì cũng được ông ấy giải thích khá rõ ràng. Ông ấy có cho tôi xem cái bằng, nom rất đẹp, có cả dấu xanh, dấu đỏ, chữ kí rõ ràng. Chữ nước ngoài thì tôi không biết nhưng có tên chính xác là ông NVA. Về phía chúng tôi, chức năng và quyền hạn không cho phép giám định cái bằng của ông ấy là thật hay giả, vì thế không thể nói một cách hồ đồ đó là bằng giả được. Có lẽ vấn đề này phải được một cơ quan chuyên môn nào đó xác nhận, kết kuận thì mới đúng.
- Trưởng Ban Tổ chức Nguyễn Đức Tòng: Liên quan đến vấn đề nhân sự thì tôi khẳng định ông NVA là người từ trước tới nay rất gương mẫu, chưa có một tiền án tiền sự nào, chưa bao giờ có những dấu hiệu cố tình làm sai trái quy định của pháp luật hay nghị quyết. Còn trình độ tiếng Anh của ông ấy đến đâu thì tôi chịu, chỉ biết là ông ấy có đủ bằng A, B, C và trên C kèm trong lý lịch chứ tôi có biết tiếng Anh đâu và làm gì có quyền kiểm tra sát hạch ông ấy. Việc này có lẽ phải do bên Giáo dục Đào tạo họ có chức năng, thẩm quyền thanh tra.
- Thế còn ý kiến của Thanh tra thì sao? bà yêu cầu.
- Phó chánh Thanh tra Quốc Anh: Báo cáo chị và các đồng chi, tôi đã đề nghị với anh em lên bộ Giáo dục Đào tạo và bộ Ngoại giao tìm hiểu thêm về các thông tin có liên quan đến các trường đại học bên Mỹ cũng như vấn đề học từ xa, hệ thống cấp bằng, công nhận văn bằng như thế nào để có cơ sở kết luận. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả gì cụ thể. Có người nói hệ thống đào tạo của mình khác, người ta khác, rất khó so sánh. Theo điều 14 của Luật Giáo dục năm 2005 thì các đương sự phải trình Bộ Giáo dục Đào tạo văn bằng, luận án, danh sách công trình,  quá trình đào tạo… để chứng thực bằng tiến sĩ này là thật để sử dụng. Tuy nhiên hiện nay theo báo cáo, có rất nhiều người có bằng Tiến sĩ cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của điều luật 14.
- Cũng phức tạp và rắc rối gớm nhỉ - bà nói - mời các phóng viên uống cà phê, ăn bánh đi và cho chúng tôi biết thêm về những trường hợp tương tự ở những nơi khác nếu có.
- Phóng viên Thu Nga: Báo cáo chị với các anh: Trên thực tế, chúng em đã tiếp cận với vấn đề này khá nhiều nhưng cũng chỉ dừng lại ở cấp đại học và những chứng chỉ bổ xung kèm vào lý lịch thôi chứ trường hợp như thế này thì em chưa thấy.
- Nhà báo Thanh Tùng: Thực ra là cũng có, mà không phải ít, nhưng mức độ trắng trợn như trường hợp này mà tin mạng đã đưa thì chưa thấy. Một số người có đi nước nào đó một thời gian, thậm trí đi vài lần, cũng có đăng kí học nhưng có thể không học, cũng chẳng có công trình nào công bố hay được đăng trong các tạp chí khoa học, sau một thời gian vẫn có bằng. Việc mua bán là có thể, nhưng chẳng ai chứng minh được là họ mua bao nhiêu, mua lúc nào, bởi văn bằng của họ vẫn là văn bằng thật, trường vẫn là trường thật. Theo tôi được biết ngay ở một số trường của các nước phát triển cũng có một tỷ lệ nhỏ bị một tổ chức trung gian lợi dụng cấp bằng “dởm” cho những người có nhu cầu, mà khu vực này hình như là Singapore hoặc Malaysia điều hành.
- Chánh Văn phòng Lê Phong: Vậy là sơ bộ có thể kết luận, trường hợp này có thể là bằng thật gửi từ nước ngoài về hẳn hoi, nhưng trường đó có phải là trường giả không thì chúng ta chưa thể kết luận được.
- Trưởng ban Tổ chức: Cái việc ông NVA mua hay không, mua bao nhiêu cũng chưa có căn cứ, bời vì rất có thể ông ấy học từ xa là chính, còn việc bảo vệ thì có mất bao nhiêu ngày đâu. Chính tôi đã giúp ông ấy làm thủ tục đi Mỹ hai lần rồi.
- Như vậy là tương đối rõ đấy nhỉ - bà nói - theo tôi các đồng chí tiếp tục tìm hiểu thêm, nhất là vấn đề mua hay không mua là rất quan trọng. Có thể ông NVA nộp hồ sơ theo học từ xa ở vào một trường chất lượng không cao, họ không đòi hỏi nhiều điều kiện và cái bằng đó có thể là bằng không danh giá như những tấm bằng của các trường nổi tiếng nhưng nó cũng là bằng thật thì sao? Đây là cả một sinh mệnh chính trị của cán bộ cho nên phải hết sức cẩn thận trước khi kết luận.
- Nhà báo Thanh Tùng: Vậy theo ý chỉ đạo của chị là hãy tạm dừng chưa đưa tin  hay cứ đưa tin ở mức độ biết sao nói vậy?
- Làm sao tôi dám dạy các nhà báo nói gì - bà cười rất hóm hỉnh, tôi muốn nói với các cộng sự của tôi rằng: Phải tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các cấp, các ngành, các cơ quan chuyên môn, các cơ quan chức năng điều tra phản hồi chính xác xong rồi mới kết luận. Không nên kết luận vội vàng, đến lúc sửa sai rất khó, mà nhỡ oan uổng, họ kiện ra toà là chết. Bây giờ dân chủ cao lắm rồi, thậm trí có báo bị kiện lại còn bị đóng cửa ấy chứ có phải đùa đâu, phải không các phóng viên - bà lại cười rất khó hiểu.
Nói xong bà xin phép có cuộc họp với cấp trên, bà không tiếp tục tham gia được, mọi việc uỷ quyền cho Chánh Văn phòng và hai cộng sự làm việc với các phóng viên. Bà đứng dậy bắt tay hai vị khách
- Anh Lê Phong chủ trì làm việc thật cụ thể với các phóng viên và báo cáo tôi sau. Hôm nay tôi bận nếu không thì đã đi ăn tối cùng hai nhà báo. Tôi cũng có cảm tình với nghề này lắm và cũng thường xuyên giao du với mấy ông Tổng biên tập để có thêm thông tin, kiến thức. Anh Phong bố trí cơm nước chu đáo cho hai nhà báo tối nay nhé. Nếu chưa xong việc thì mời nghỉ lại nhà khách Tỉnh một đêm cho biết, mai ta lại làm việc tiếp. Bà cười rồi chào mọi người đi ra khỏi phòng.
Bà về phòng riêng, ngồi ngả lưng suy nghĩ một lát, rồi nhấc điện thoại gọi cho Khoa. Bà nói: Em phải kiểm tra ngay lập tức thông tin về 10 cái bằng được trích từ quỹ của Bộ Tài chính rồi báo cáo chị biết. Nếu đã có rồi thì bằng mọi cách bỏ cái bằng của chị ra khỏi danh sách đó. Nếu không thể được thì chuẩn bị phương án hai: tìm và thay thế ngay một cô nào đó trùng với tên của chị và bảo nó đứng ra nhận hết. Mọi chi phí tốn bao nhiêu em cứ nói, chi sẽ lo.
Bà đặt máy xuống lấy một viên thuốc an thần uống, tư lự một lát rồi lại nhấc máy:
- Văn phòng Tỉnh Đoàn đấy à? Loan đấy có phải không? Ngày mai trong cuộc mít tinh, nói chuyện với thanh niên của Tỉnh, chị sẽ tham gia nhưng chỉ có mặt đầu giờ thôi, sau đó chị bận không dự tiếp được. Em bố trí chị nói chừng 45 phút. Bài nói chuyện của chị có tiêu đề là: Thanh niên với phong trào “nói không với gian lận trong thi cử”. Em liên hệ với Hương thư kí bên chị lấy toàn văn bài nói chuyện đó để in sẵn cho đại biều nhé.
Bà đặt máy xuống. Một ngày làm việc đầy tích cực và hiệu quả của bà đã kết thúc.  
         
Hà Nội -10/2010