Truyên ngắn
Hội người cao tuổi tổ chức tham quan mỏ than Đông Bắc. đương nhiên tôi được cử làm hướng dẫn viên du lịch, vì nhiều năm đã ở đấy. Lần này nhất định phải tìm bằng được người thầy, tôi đã mang ơn sâu nặng…
Ngày xưa quê tôi nghèo lắm, muốn học lớp trên, phải lên tỉnh thuê nhà trọ, điều này vượt quá khả năng kinh tế gia đình. Theo bạn mách bảo, lần đầu tiên tôi ra khu mỏ tìm việc. Rời bến Tam Bạc, chiếc tàu gỗ ì ạch chạy nửa ngày, bọn trẻ chúng tôi chiếm hết khoang mũi đánh bài “tiến lên” và tán gẫu…
Trời dâm mát, sóng yên biển lặng ai cũng vui vẻ hồ hởi bắt chuyện, vài giờ đầu đã biết nhau gần hết như người cùng làng. Một thanh niên hơn tôi bảy tám tuổi lúc nào cũng ôm khư khư chiếc cặp, thỉnh thoảng lại giơ tay xem đồng hồ, chắc có người đang chờ anh cuối bến. Dư thời gian bầy mọi trò tinh nghịch, đến trò chơi tính nhẩm, tôi mới vượt trội, lúc nào cũng có đáp số nhanh và chính xác, có chàng đặt bút viết số nhân lên vẫn không kịp. Anh thanh niên lớn tuổi tò mò hỏi, tôi đành nói thật: “Học mẹ em làm “hàng xáo” vẫn bán gạo lẻ ở chợ, làm tròn số rồi trừ đi hoặc cộng vào. Như nhân một số với chín, ta nhân với mười rồi trừ đi chính nó…”
Không ngờ chuyến tàu định mệnh ấy, câu chuyện nhỏ nhặt ấy anh nhìn tôi thiện cảm và được gắn bó với anh một thời gian khá dài. Anh là kĩ sư chế tạo máy – thầy giáo dạy ở trường Kĩ thuật Trung cấp Mỏ…
Khi biết hoàn cảnh và nguyện vọng của tôi, anh động viên vào học lớp dự bị cùng bộ đội phục viên có học bổng. Một năm sau sẽ được vào học chính thức. Ba năm học chuyên môn, tốt nghiệp sẽ được về hầm mỏ làm cán bộ kĩ thuật, những năm sau cứ tiếp tục bổ túc văn hóa buổi tối học hết chương trình 10/10, cộng với thâm liên làm việc ở công trường là đủ điều kiện thi vào Đại học tại chức- chẳng bao lâu hoàn chỉnh việc học…
Anh như người anh cả, bây giờ lại là người thầy trực tiếp dạy tôi hàng ngày trên lớp. Tôi vui sướng đến trào nước mắt vì được ngồi vào ghế nhà trường tiếp tục học. Như thửa ruộng nắng hạn nứt nẻ giờ được cơn mưa kiến thức đổ xuống tôi thỏa thuê tiếp nhận. Và tôi thầm cám ơn người anh cả đã vạch ra con đường mà tôi đang đi đúng hướng.
Học xong ra trường, tôi được về làm việc tại nhà máy cơ khí. Mấy năm sau người anh cả, người thầy của tôi cũng được điều về nhà máy nhận chức trưởng phòng Kĩ Thuật, buổi tối dạy bổ túc văn hóa, tôi lại được thày trực tiếp dạy. Phương pháp sư phạm của thầy phải công nhận vừa khoa học vừa hấp dẫn. Hầu hết các bài tôi đều thuộc ngay ở lớp.Về nhà chỉ củng cố thêm bằng những bài tập…
Mấy năm sau, tôi được đi đại học tại chức. Thày dạy vẫn là những kĩ sư khóa chính quy nhiều thâm niên công tác trực tiếp giảng dạy. Ngày đó lấy đâu ra những giáo sư, thạc sĩ về dạy ở vùng mỏ xa xôi này. Học sinh của thầy khóa này đa số là phó trưởng phòng, chánh phó giám dốc, bí thư đảng ủy (xí nghiệp khác trong công ti) họ học theo phong trào để đạt tiêu chuẩn phổ cập cấp trên quy định. Trò cũng như thầy ngồi ở lớp mà đầu óc vẫn để nơi làm việc… Giờ nghỉ giải lao họ trao đổi kế hoạch sản xuất như buổi họp giao ban…
Thời điểm đó, hình như phương pháp sư phạm của thầy đã thay đổi. Thầy không khó chịu khi học sinh đến muộn hoặc trao đổi việc riêng khi thầy đang giảng mà đồng cảm với họ những khó khăn của sản xuất đã phân tán tư tưởng. Học trò muốn học thực sự chỉ vài ba người.
Không như mấy năm trước, thầy còn dạy lớp dưới, mấy cô cậu học lấy lệ, nô đùa cợt nhả, thầy chỉ mặt nhắc tên không chuyển. Đến mức, giữa một tiết học, thày dừng lại kể một giai thoại chả hiểu thầy đọc ở đâu hay mới nghĩ ra, chuyện đại ý: “Ở phương Tây đã chế tạo được “viên kiến thức” uống thuốc đó vào không cần phải học vẫn giỏi, nhưng bây giờ chúng ta chưa chế tạo được viên thuốc đó nên phải nghe giảng bài, làm bài tập và đi học đúng giờ…”
Giai thoại đó làm tôi tự ái, tủi hận đến cực độ và cũng bắt tôi xả hết xương thịt tâm trí của mình vào học hành, nhưng cả lớp thì coi đó là chuyện tầm phào như cơn gió thoảng qua.
Cuối khóa học, chúng tôi như vận động viên chạy việt dã đến kiệt sức. Các bài học cứ được nhồi nhét đều đặn để mặc trôi từ tai này sang tai khác.
Thầy lo lắng, chúng tôi như ngồi trong chảo lửa, dù đã hệ thống tóm tắt lại trọng tâm, nhớ được vấn đề này ở sách gì, tra cứu ở chương mục nào…
Thầy vẫn chưa yên tâm nên gián tiếp dạy chúng tôi vài kiểu sử dụng tài liệu trong phòng thi (vì kì thi này có nhiều thầy trên Bộ, trên Công ti về giám sát) Thầy dạy: “Bao thuốc lá Tam Đảo chỉ chứa những đáp án mà chưa thuộc, cuộn tròn lại như điếu thuốc - những công thức dài dằng dặc thì lấy tờ giấy “vê đúp” trắng tinh làm giấy nháp được mang theo, đặt tờ giấy khác đè lên trên, dùng bút chì cứng viết thoải mái hàng loạt công thức nào mà muốn có… Nhìn nghiêng chẳng thấy tí mực ghi con số hay chữ nghĩa gì, nhưng đặt thẳng bắt ánh sáng là cả một cuốn sách cẩm nang kĩ thuật. Và hàng loạt kiểu khác nữa. Chúng tôi chuẩn bị buổi thi như người lính bước vào trận đánh lớn. Nhưng tất cả đều vô ích vì phòng thi được ra vào trao đổi vô tư, mở sách tài liệu ra chép bài thoải mái. Vì chẳng ai muốn khóa học này kết quả kém để mất điểm thi đua nên chúng tôi đều đủ điểm tốt nghiệp.
Sau ngày thống nhất đất nước, cán bộ Miền Nam lần lượt được về tham gia xây dựng quê hương. Cán bộ chủ chốt của nhà máy hụt đi một nửa. Và thầy giáo đáng kính của tôi dù không muốn cũng phải ngồi vào ghế phó giám đốc rồi giám đốc- Một nhà máy nằm trong Công ti Than, nhưng hạch toán kinh tế độc lập. Công tác chuyên môn của thầy không còn thời gian dạy học vào buổi tối- Và nhiều lớp học nữa mở ra để thi nâng bậc lương cho công nhân. Thiếu thầy dạy, tôi cũng được bổ xung dạy thêm mỗi tuần vài tiết môn vẽ kĩ thuật, tìm hình chiếu thứ ba và phối cảnh…
Người thầy của tôi nhận chức giám đốc là thời kì kinh tế khó khăn nhất, các nước XHCN đông Âu tan vỡ. Nguồn vật tư cho xe máy vùng ấy cũng đứt hẳn. Hàng loạt toa xe chở than phải nằm chờ vì thiếu bạc đồng. Công nghệ đúc hàng trăm năm chưa thay đổi, kĩ sư tại chức mới tốt nghiệp chưa có kinh nghiệm, sai hỏng như cơm bữa.
Trưởng phòng Vật Tư, phòng Kế Hoạch đều là học trò của thầy nay chỉ chăm chút vào hợp đồng nào có nhiều “phết phẩy” riêng tư…
Thời kì này tôi đã được chuyển về quê sau hai mươi năm làm việc. - Tôi chỉ được nghe kể lại- Tòa xử một vụ án kinh tế: Nhà máy hợp đồng với HTX tỉnh ngoài đúc bạc đồng, cùng một khối lượng nguyên liệu, đúc ra thành phẩm được tỉ lệ cao hơn, giá thành hạ hơn- rõ ràng là có lợi cho nhà nước. Nhưng HTX kia vẫn thừa nguyên liệu bán ra ngoài biên giới thành to chuyện. Giám đốc chịu trách nhiệm liên đới, một bản án kỉ luật không nặng lắm nhưng với thầy là một sự sỉ nhục, một sai lầm mà thầy không thể tha thứ cho chính mình, có lẽ đó là lí do thầy chuyển đến một nơi hẻo lánh, không muốn gặp người quen nên tôi tìm kiếm nhiều lần mà không thấy.
Tôi chợt nhớ, thầy có ham thích kì lạ về cách chơi hòn non bộ, gọt tỉa cây thế, cây cảnh… tôi đã theo phụ thầy chiết cành, cấy ghép và chăm sóc cây các loại: Đinh lăng cằn cỗi lâu năm trong chậu kê cao bộ rễ càng quý, chữa được nhiều bệnh; cây sung thì cho rễ vượt ra ngoài chậu, bám sâu vào lòng đất để nó tự phát triển lá non và quả, đó là thứ gia vị chát đắng thường xuyên cung cấp cho thầy ăn với nem chua ở quê thường gửi cho thầy cùng li rượu cay vào buổi tối- Mới đó mà đã mấy chục năm- Tôi nhớ ra, biết đến chỗ nào tìm được thầy.
Đoàn xe tham quan chúng tôi đã đến bến phà Bãi Cháy. Bên kia là vùng than Quảng Ninh đầy huyền thoại… Cái cầu dây văng khổng lồ đang hình thành cho mai sau.
Tôi nhảy xuống đường, gió lồng lộng bay cả mũ. Xe chờ xuống phà xếp dài rồng rắn. Tôi cố tìm người quen, bạn cũ để xin xuất ưu tiên xuống phà mà không gặp, đành đến ki ốt mua vé cho người và xe. Tiền thừa tôi cho vào túi ngực cài cúc cẩn thận. Một tờ vé xanh, một tờ vé đỏ, tôi cầm ở tay theo đoàn xe từ từ tiến đến bến phà.
Trong người tôi nôn nao. Biết bao nhiêu câu hỏi dồn dập. Người thầy của tôi bây giờ cuộc sống ra sao? Giá ông cứ dạy ở trường đó đến ngày nghỉ hưu chắc ngày đó đẹp lắm. Cơ man nào là học sinh của thầy thành đạt sẽ về thăm thầy với lòng ngưỡng mộ, tôn kính biết bao. Không hiểu sao thầy lại trượt dài trên con đường mà thầy không mong đợi? Tại sao thầy lại bị cuốn hút vào cơ chế thị trường xa lạ mà thầy chỉ biết trên sách vở…
Gió biển lồng lộng hào phóng mà người tôi túa đầy mồ hôi.Tôi theo xe bước qua cổng sắt, giơ vé cho người kiểm soát thì ơi thôi. Như có phép lạ, hai chiếc vé trên tay đã biến mất, ô tô đã lăn bánh xuống cầu phà, xe sau đã tiến sát, không thể lùi được nữa. Tôi đứng ngây như trời trồng, không tin vào mắt mình, hai chiếc vé chỉ còn lại một góc ướt sũng còn kẹp giữa hai ngón tay, phần còn lại chắc đã bay theo gió xuống biển… Tôi không biết thanh minh thế nào với người soát vé…
Như ông bụt hiện ra, anh bến trưởng đeo băng đỏ tiến đến khiêm tốn đến lạ lùng:
-Thầy cứ cho xe xuống phà! Em đã thấy thầy mua vé rồi!
Thấy tôi sửng sốt, anh bến trưởng nói nhanh:
-Em là Tâm. Học sinh của Sở Giao thông gửi vào lớp của thầy khóa 80!
Tôi ngước nhìn anh bến trưởng, rồi “à” lên một tiếng và nhận ra cậu học trò cần mẫn chịu khó, nhưng học rất kém, làm mất điểm thi đua của lớp. Tôi phải vất vả dành một kế hoạch riêng, dặm lại kiến thức hình học không gian, cuối khóa trở thành học sinh khá của lớp. Mấy chục năm qua, tôi quên bẵng, không ngờ hôm nay lại gặp trong tình huống này…
Phà đã sang bến bên kia, tôi bàng hoàng như đây là sự may rủi thông thường, hay một cái gì đó lớn hơn đáng phải suy ngẫm..
Tôi nhận rõ bổn phận phải tìm bằng được người thầy, chia sẻ những gì thầy chịu đựng.
Hè 2005- 2010
LBH