Trang chủ » Truyện

LÃO PHỆ

Nghiêm Lương Thành
Thứ sáu ngày 10 tháng 12 năm 2010 3:15 PM

Truyện ngắn
Thực ra tên thật lão là gì, cho đến bây giờ, tôi cũng chưa biết. Ngay từ những ngày đầu, khi mới hành nghề viết sớ ở cổng Phủ Tây Hồ này, trong tâm tưởng, tôi đã gọi lão bằng cái tên như vậy. Nói cho đúng, tôi nào có biết gì về con người lão, tôi và lão đâu có quen biết nhau, đâu có ân oán giang hồ gì với nhau. Xét người như thế liệu có quá nhẹ dạ, có quá tư ý không?
Lão ở trong một ngôi nhà to vật vã, có đầy hoa leo, lá ngời phản chiếu, toạ lạc ngay bên con đường dẫn vào cổng Phủ, nơi mà ngày nào tôi cũng phải hai lần kẽo kẹt đi về ngang qua trên một chiếc xe cà tàng và, gần như vô thức, cứ phải so sánh nó với những căn nhà tối tăm và bốc mùi trong khu ổ chuột Thanh Nhàn. Khi ở ngoài đường, khuôn mặt trắng hồng, viên mãn với hai con tằm vồng xuống ở phía mi mắt dưới của lão lúc nào cũng nghênh nghênh theo cái lối hạ mục vô nhân. Lại còn cái thói mặc bộ đồ ngủ, dắt chó đi dạo buổi sáng sớm mới tiên sinh thư thái, mới xa cách với những người đồng bào lam lũ của mình làm sao ! Có hôm, lão không đi dạo mà tập chạy trên một chiếc Máy thể dục đặt ở góc sân. Dởm! Nếu muốn xả bớt năng lượng dư thừa để giảm cân thì hà cớ gì không cuốc bộ một đoạn ra vườn đào của nông dân gần đấy mà hỏi: Còn chỗ nào cần cuốc xới, bác để tôi sài đỡ. Thế có phải vừa khoẻ người, vừa ra thóc không?
Với lại, thử hỏi, thuở bé có ai lại không ham mê chuyện cổ tích - một thứ văn học dân gian, bắt nguồn từ đời sống, được chấp nhận và sống cùng chúng ta đã nhiều ngàn năm nay. Mà cổ tích thì thường bắt đầu bằng: Ngày xửa ngày xưa, có một lão nhà giàu keo kiệt ... / có một lão địa chủ độc ác ... / có một gã nhà buôn tham lam và biển lận ... hoặc: Ngày xửa ngày xưa, có một bác nông dân nghèo nhưng thật thà và hay thương người .../ có một anh thợ nghèo nhưng vui tính và thích giúp đỡ người khác ... . Và, một cách thô thiển, nếu coi cái đầu của chúng ta là một bộ vi xử lý cực kỳ tinh xảo thì những điều đó hầu như đã được cài đặt vào hệ thống xử lý dữ liệu của nó với tư cách là những thông tin mặc định; Thông tin này, dĩ nhiên, nếu chuyển sang ngôn ngữ học thuật, nó được gọi là chân lý.
Nhớ lại, hồi còn học cấp một, mỗi khi đám trẻ con chúng tôi có điều gì không bằng lòng mà nổi cáu với nhau, nếu có đứa nào đó vì quá tức giận mà xả vào mặt đối thủ của nó câu Đồ con nhà giàu ! thì điều đó cũng có nghĩa là sự mạt sát đã đạt tới độ hoàn hảo về ý tứ và tinh vi về cách biểu đạt. Và cái sự phát ngôn đó được giới người lớn hiểu biết đánh giá là chỉ có thể được phóng ra từ một tâm hồn trong sáng và hứa hẹn một bản lĩnh văn hoá đông phương đủng đỉnh mà thâm hậu.
Thế thì cái cụm danh từ Lão Phệ mà tôi tự đặt cho lão, dù chỉ trong tâm tưởng, thực ra cũng có căn cứ thực tiễn và khoa học lắm chứ !
Thỉnh thoảng lão cũng lững thững vào Phủ, thắp một nén hương (thật không thể chấp nhận được!) và không bao giờ chịu mất một cắc nhỏ cho giới trung gian Trần - Linh chúng tôi. Không thấy ai nói gì về lão, trừ một lần, nhân vừa bán cho lão thẻ hương, cô hàng hương nói với tôi: Lạ thật, cái nhà ông này, lần nào cũng chỉ có nhõn một thẻ hương, chẳng bao giờ sắm lễ sắm lạt gì cả; mà cái lối hành lễ cũng ngang ngang thế nào ấy, chẳng giống ai: Thản nhiên cắm hương lên điện, rồi lùi lại mấy bước, hai tay tỳ lên đầu chiếc can, mắt nhìn chằm chằm vào ngôi tượng thờ, chẳng động đậy khấn khứa xin cầu gì sất, nét mặt cũng chẳng có gì là cung kính, thành khẩn, cứ như là đi thăm bạn ấy; Nghĩa là ... hình như ông ấy có vẻ chẳng luỵ, chẳng sợ cả Thần tài lẫn Thần quyền. Khối kẻ miệng lưỡi đầy gang đầy thép, hiển hách cả một vùng mà cũng còn chẳng dám thế! Lắm khi tôi cũng thấy sợ thay cho ông ta!.
Và tôi cũng nhận thấy tất cả những công dân đang tham gia các hoạt động kiếm sống ở khu vực cổng Phủ đều tỏ ra kính trọng, nể vì chào lão mỗi khi giáp mặt. Còn lão chỉ khẽ gật đầu đáp lại và dường như coi đó là sự tất nhiên, là cái trật tự xã hội nó vốn thế, phải thế! Dù mới hành nghề ở đây được mấy tháng nhưng tôi luôn thấy gai mắt, bức xúc mỗi khi gặp những cảnh huống mà lão đóng vai trò kẻ cả, trịch thượng như vậy. Bây giờ là thời nào rồi ? Chúng ta đang sống trong một nền cộng hoà - một hình thái xã hội tiến bộ cao - chẳng phải đã được những công dân Pháp yêu tự do và tiếng cười cùng hát vang khúc tráng ca Marseillaise lộng gió, trân trọng đặt viên gạch đầu tiên cho nền móng của nó từ năm 1789 và, sau đó, loài người tiến bộ vẫn không ngừng đấu tranh để hoàn thiện trong cả mấy trăm năm trời nay đó sao ?. Ôi! Tiền tài hai chữ xưa nay vốn luôn được người ta dùng mực son mà khuyên ngược là thế ư ?!¬¬¬ Kh¬¬ông nhẽ cái thằng người chúng ta mãi vẫn chỉ là những nhà thời trang học đầy sáng tạo thôi sao?
- Này ông bạn, viết cho lá sớ đi!
Câu nói đó của một người bạn bình dân hành nghề lái xe ôm ở cổng Phủ khiến tôi choàng tỉnh, kéo tôi ra khỏi dòng suy tư to tát, không hề ăn nhập gì với hoàn cảnh và địa vị xã hội của một anh thày nho chuyên nghề viết sớ. Tôi đỏ mặt lúng túng hỏi :
- Nguyện ... nguyện vọng?
           - Thằng con tôi ngày mai thi đại học. Tôi muốn xin các ngài cho nó sự may mắn, thông suốt ... còn viết thế nào thì ... chậc, ... tuỳ ông!
Tôi mỉm cười, nhìn anh và thấy vui vui. Còn anh thì hình như hiểu lầm, nhìn  tôi chằm chằm, thoáng vẻ bất mãn:
-  Thì cũng phải thi một tý chứ, còn cái phúc nhà mình nó đến đâu thì vẫn là phải chịu .... Thì vẫn biết người có lao động làm nghề gì cũng tốt, cũng lương thiện, cũng đàng hoàng ... nhưng đấy chỉ là ný nuận ... !  Đấy, từ thượng cổ đến giờ, có thằng chó nào muốn cho con cái làm nghề cuốc đất ... chạy xe ôm, chẳng qua cũng chỉ là ... cực chẳng đã. Mà học tập từ xưa nay là cái quyền chẳng của riêng ai sất; Con nhà vua hay con nhà sãi: mặc kệ, có sức thì cứ việc học!
-  Ông hiểu nhầm tôi rồi. Trái lại, tôi rất vui vì thấy mọi người đều chăm lo cho việc học tập của lớp con cháu.
-  Các cụ đã bảo rồi: Nhân bất học bất tri lý mà. Không học thì khó mà biết được các cái phải trái, khó mà nhàn cái thân lắm. Cứ nội bản thân tôi mà ngẫm, học hành chả đâu vào đâu, chữ nghĩa chẳng được bao lăm, có nghĩ được cái gì cho ra cái gì đâu. Mà ông xem, trong các phim chiếu trên ti vi ý ... , từ đời các vua chúa, có triều đình nào cấm con người ta học đâu, có coi cái việc học là quyền dành riêng cho một tầng lớp nào đâu. Có hoạ là bị thần kinh phân liệt!
Nhận thấy tôi chăm chú lắng nghe với một thái độ tôn trọng, cảm thông thực sự, anh hạ giọng, nói tiếp:
-   Nhưng mà nghe ti vi than phiền là cái sự bằng sắc bây giờ cũng đáng ngờ lắm, thật giả nó cứ lộn tùng phèo cả lên. Ngày xưa lạc hậu, dân còn tối tăm dốt nát, người ta mua tước mua quan đã đành, nhưng bây giờ, bằng sắc cũng mua được đấy. Nhưng tôi đếch cần! Nếu con tôi thi đỗ, thì nó cứ học. Học là làm cho cái đầu mình nó sáng ra ấy chứ. Cái tôi khoái là cái đầu của con tôi phải sáng hơn cái đầu tôi, chứ có bằng sắc mà đầu óc vẫn tối mò mò thì cũng ... - môi trề ra, anh lắc lắc cái đầu - chả làm cái con mẹ gì, chỉ tổ làm khổ hàng xóm!
Ôi ông bạn bình dân của tôi! Anh đúng là một giọt nước của cái đại dương bao la mà cụ Nguyễn Trãi cho rằng nó có thể quyết định số phận của bất cứ con thuyền nào đi lại trên đó. Cảm ơn anh đã giúp tôi xoá tan nỗi hoài nghi về nhận định Ba anh thợ giày bằng một ông Gia Cát của người xưa.
Thực ra anh là người đầu tiên tôi quen biết ở khu vực cổng Phủ. Cái thô nhám toát ra từ lời ăn tiếng nói, từ từng cử chỉ nhỏ chính là những yếu tố đầu tiên khiến tôi có cảm tình và gần gũi với anh. Ở cái xã hội cổng Phủ này, hầu như mọi người đều quen biết nhau, thân có, sơ có, mà không ưa nhau: cũng có. Xã hội mà ! Nhưng tóm lại, tôi vẫn thấy ưa người bình dân bởi họ ít quanh quéo, à ơi; bởi họ giản đơn ngay cả trong cái bặm trợn thô thiển khó coi nhất; bởi họ không có tham vọng và vì thế không phải có những cố gắng quá tải so với năng lực của mình để rồi sinh ra lắm cái phiền toái, làm rối loạn hệ thống các chuẩn mực không thành văn mà nhiều đời nay dân ta vẫn ưa dùng.
*
Rồi đến một hôm, tôi nhớ đó là một ngày rằm, khi đang hí hoáy viết sớ cho khách, tôi bỗng nghe giọng nói như quát của ai đó:
- Ông ở xới nào đến?
Thì ra đó là ông bạn xe ôm thân mến của tôi. Anh khoanh hai tay trước ngực, ngồi dựa vào yên xe, hất hàm hỏi một người đang đứng cạnh chiếc xe Honda đời 79 đỗ sát ngay bên. Người đàn ông nhỏ thó đứng cạnh chiếc xe đó - vận bộ quần áo trông cũng thấy ngay là đã cũ nhưng vẫn rất sạch sẽ, đội một chiếc mũ lá rộng vành mới toanh che nắng cho khuôn mặt nhầu nhĩ, ốm o và cớm nắng (có lẽ vốn là công chức) - nhìn anh bạn tôi, ngơ ngác:
- Anh hỏi tôi ?
- Phải, tôi hỏi ông đấy ! - giọng anh xe ôm trì xuống, không hứa hẹn một điều gì tốt lành.
- Thế xới là gì ... tôi không biết ... ? - Người đàn ông nhỏ thó mặt vẫn đớ ra.
- Thần kinh à ?! ... Ông ở khu nào đến đây ?
- À ...  - Người đàn ông nhỏ thó chợt hiểu ra, nở một nụ cười hiền lành, hoà nhã trả lời  - tôi ở khu Đống đa.
- Thế thì, nói cho nhanh, xéo về xới Đống đa mà kiếm ăn. Để cho người ta sống với chứ !
 Hiểu ra điều anh bạn tôi muốn nói, người đàn ông mới đến không giấu được sự ngạc nhiên, mềm mỏng bật lại:
- Cũng như ông thôi, tôi chạy xe ôm ở đây thì có sao?
- Đồ ngu lâu, tao bảo mày biến, mày có biến không! - Mắt vằn ngược và các thớ thịt trên má anh bạn tôi bắt đầu rung lên nhằng nhằng ...
- Ông đùa đấy à? Ông không có quyền! Ông có biết ông đang sống trong một chính thể nào không!
- A ... ! Mày lại chính trị chính em với bố mày à?
 Thế là, phắt một cái, anh bạn xe ôm của tôi đã nhào tới, đấm đá túi bụi vào cái hình hài còm cõi, nhầu nhĩ và cớm nắng kia không chút thương xót. Mọi người quanh đấy chỉ biết lắc đầu mà nhìn cái thân hình còm cõi đương quằn quại, yếu ớt chống đỡ cơn mưa bạo lực giang hồ đang xả láng giáng xuống với một cường độ không thể kiểm soát.
- Dừng lại! Khốn nạn ... dừng lại!
 Lão Phệ xuất hiện. Tiếng quát của lão vang lên như một thứ quyền năng, đầy uy lực, khiến trận mưa đòn ngừng ngay lại .
-  Đồ súc sinh ... sao lại đánh người ta dã man như thế! - Lão phệ chỉ thẳng tay vào mặt anh bạn tôi, hổn hển, giận dữ hét lên.
 Tôi bỗng thấy lo sợ thay cho Lão Phệ. Cái đám lửa đang độ phừng phừng cực điểm kia rất có khả năng cháy lan sang lão lắm chứ! Thế nhưng tình thế có vẻ diễn ra không theo cái logic thông thường đó.
- Tôi làm xe ôm ở đây từ trước, nó đến tranh khách của tôi. Bảo đi chỗ khác, đã không nghe ... còn ný luận vớ vẩn ... - Anh bạn tôi hầm hầm, uất ức giải thích.
-  Chỗ này đâu phải của riêng ai - Lão phệ đứng thẳng người, một tay tựa trên chiếc can trúc, tay kia - vẫn chưa hết run vì giận - chìa ra, giảng giải: Nhà anh cần cái ăn cho con, nhà anh kia cũng cần cái ăn nuôi con, chúng đều là những đứa trẻ cần được nuôi dưỡng; Sau này lớn lên, chúng đều phải có trách nhiệm và nghĩa vụ xã hội ngang nhau. Đơn giản như thế sao không hiểu? Mà cùng dân nghèo với nhau thì càng phải biết thông cảm, biết thương nhau chứ, đánh người ta ngay ở cổng Phủ mà không sợ phải tội sao! - rồi ông quay sang người đàn ông đang ôm bụng, vẫn nằm dưới đất, mặt mày tím bầm, rớm máu - Nhà anh kia không có nghề nghiệp gì à?
- Có ... cơ khí ... - anh thều thào trả lời.
-  Còn đứng đó à? - Lão quay sang mấy người vẫn bán hàng ở cổng phủ, đứng xúm quanh, lẫn vào đám người đi lễ - Khiêng ngay người ta về nhà tôi!
Thế là thế nào? - Tôi không thể giải thích được tất cả những gì tôi vừa được chứng kiến. Kiến nghĩa bất vi vô dũng dã ! là điều từ xưa đã in sâu vào tiềm thức của con người ta rồi, nhưng có phải ai cũng làm được đâu ! Dẹp một đám ẩu đả là việc ai cũng tán thành và ai cũng lường trước được sự nguy hiểm mà người thực hiện có thể phải gánh chịu. Vì vậy ít ai dám làm, trừ cái ông già mà sức vóc có thấm gì so với sức vóc đương độ của anh xe ôm kia. Ông ta vốn là một cao thủ võ lâm không xuất thế hành tẩu chăng ? Anh lái xe ôm kia sợ hãi cái con người sở hữu một khối tài sản mà anh ta có nằm mơ cũng chả thấy? Hay ông ta là La Hán giáng thế?  ...
*
 Chuyện sẽ chỉ có thế và những câu hỏi không giải đáp được vẫn lơ lửng trong đầu chắc hẳn sẽ theo thời gian nhạt dần trong tâm trí tôi nếu như vào một buổi tối sau đấy vài ba tháng, tôi không nhận ra cái nhà anh còm nhom ấy xuất hiện trên tivi với tư cách khách mời của chương trình Những con ong mật. Thì ra anh ta đã đề xuất một mặt hàng mới cho một xưởng sản xuất từ thiện tư nhân và chính anh đã nghĩ và chế ra một dụng cụ rất đơn giản để sản xuất ra thứ mặt hàng đó, tạo điều kiện cho ông chủ của mình, là chính cái Lão Phệ ngang ngang ngửa ngửa kia, thoả mãn cái sở vọng nhận thêm trẻ em cơ nhỡ vào xưởng làm việc với mức lương tiềm tiệm đủ ăn đủ học.
 Hoá ra, nghịch ngầm đâu phải là cái tính riêng có của giống người phàm chúng ta. Nếu có một cái Hội của những kẻ khoái nghịch ngầm thì chủ tịch của nó không phải là ai khác mà chính là cái Ông Xanh vốn đa sự kia vậy ! 
N.L.T