Lão Ngô ngơ ngẩn, bàng hoàng như trong mơ. Nhiều tranh vẽ trên giấy báo, giấy rơm, giấy vàng mã, lại bán được tiền ngoại tệ mạnh, tiền ngân hành nhà nước. Tiền đó mua được đất, xây được nhà cao vời vợi thế này, không bàng hoàng ngẩn ngơ mới là chuyện lạ…
Lão Ngô nghề chính là thợ mộc đóng cốp pha xây dựng trên công trường ở mọi nơi trong Mỏ, nhờ thế lão có mặt chứng kiến mọi khoảng khắc đẹp đẽ nhất ở nơi thơ mộng này.
Bệnh đau dạ dày hành hạ lão không đủ sức “ăn đấu, làm khoán” với lớp trẻ công trường. Lão về làm công nhật sửa chữa bàn ở nhà ăn tập thể, xong việc lại viết nội quy và bảng giờ mở cửa; sửa chữa ghế ở hội trường xong tiếp đến kẻ khẩu hiệu, viết bảng trích nghị quyết, phục vụ hết hội nghị này đến hội nghụ khác… Lão vốn có hoa tay.
Chủ nhật lão cặm cụi đạp xe đi học vẽ ở “Câu lạc bộ Mỹ Thuật”. Trên xe luôn có bộ đồ thợ mộc, hết giờ học lão giúp người này sửa chữa bộ bàn ghế; tuần sau giúp người khác dựng cái chuồng gà, lão làm vô tư đúng nghĩa, nhưng không ai để lão ra về đói bụng hoặc tay không. (Thời “gạo châu củi quế” được thế cũng là may mắn…) Và những ngày có dịp đến công trường, lão đều để trong túi quyển sổ không dòng kẻ ghi chép vẽ hình những tầng than, những máy khoan, máy xúc, xe Ben, xe Bò… Mỗi năm lão được một tháng dự trại sáng tác: nghiên cứu hình họa, vẽ tranh cổ động phục vụ nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu của xí nghiệp. Sẵn tính cần cù và yêu thích công việc “vẽ vời”, đương nhiên thành họa sĩ chuyên nghiệp biên chế chính thức ở phòng hành chính…
Thằng con trai lão, chỉ năm năm không ngờ nó thoát xác nhanh đến bất ngờ, đi “lao động hợp tác” ở Nga mang về được mấy cân “mai xo”, dăm chiếc bàn là. Nhưng cái đầu của nó chứa những điều kì lạ không đo đếm được. Nó lôi cái hòm “gỗ thùng mìn” dưới gầm giường ra giữa nhà, thận trọng nhấc từng tờ đủ các loại giấy đã ố vàng, lão tưởng đã bỏ xó cho mục nát. Nào ngờ thằng con nhấc từng tờ giấy trầm trồ:
-Chân dung đại đội trưởng phòng không C34 đẹp quá! Nét bút thóang hoạt, đôi mắt căng rực lửa, đôi môi như mím lại sắp bật ra lệnh: “Bắn” đầy quyết liệt hào hùng. Cùng cánh tay gân guốc nắm chặt cán cờ chọn phút quyết định nhấn xuống… làm cái mũ sắt cứng nhắc phía sau dịu đi… Và đây nữa mái nhà xưởng oằn mình sụp xuống, sắt thép ngổn ngang; Những toa tàu mảnh bom xuyên thủng lỗ chỗ như mắt sàng, đầu tàu lật nghiêng như kẻ khổng lồ chịu thất bại…
Lão Ngô tròn mắt nhìn thằng con, như nhìn người hành tinh khác mới xuất hiện. Ngày còn nhỏ chỉ ngồi chầu rìa nghe bạn lão nói chuyện. Nó chưa một lần cầm bút, chưa một lần bước đến trường Mỹ thuật. Chỉ có mấy năm đi ăn cơm thiên hạ mà nó khác lạ đến vậy. Chính lão là người cầm bút chỉ biết ghi lại cái khoảng khắc như thế, còn nhận xét nói ra lời bay bướm, mồm lão không nhấc lên được…
Cứ như thế, con lão chọn ra được một đống to, nó gọi là “Kí ức vàng”. Tiếp đến hàng loạt những phác thảo tranh cổ động đã phóng to trên công trường, thay đổi theo nhiệm vụ sản xuất chiến đấu từng quý, từng năm… Nhiều phác thảo còn giữ nguyên vẹn, giấy ố vàng theo năm tháng đã trầm xuống thành dịu đẹp và hài hòa… Cũng mấy cái tranh rách góc, dán rấm thủng lỗ chỗ. Con trai lão cẩn trọng đặt thước cắt xén thẳng căng, vuông vức, lấy những giấy thừa dán vào lỗ thủng, nối vào góc còn thiếu… Nó đưa ngón tay lên đầu lưỡi lấy nước bọt vừa đủ rồi xoa nhẹ vào chỗ mới dán, bột màu xung quanh tràn vào thành một mảng đồng đều, chính lão cũng không nhận ra khiếm khuyết lúc trước. Điều này lão phục thằng con sát đất.
Một vài tranh bố cục, bị đọng bụi nhọ bẩn, con trai lão lấy kéo cắt tờ giấy che kín chỗ muốn giữ nguyên, rồi lấy ruột bánh mì nhẹ nhàng thấm hết bụi làm sạch chỗ bẩn, khôi phục lại bức tranh đẹp như ban đầu.
Một tranh liên hoàn bố cục đậm nhạt chưa đẹp lắm, con trai lão xé vụn ra sắp xếp lại vẫn hợp về nội dung và đẹp về hình thức, với bàn tay ma thuật phù phép con lão đã làm bức tranh đẹp hoàn hảo. Chính lão cũng bất ngờ, vì nó làm khi lão đi vắng, nếu lão có mặt lúc ấy chắc sẽ ngăn lại làm hỏng mất việc lớn…
Nhiều tranh chỉ vẽ bằng tờ giấy “vàng mã” vẫn đốt cho người âm phủ màu đen xịt , khi được đặt vào những mảng màu ghi, màu trắng, màu kem, màu da cam thành rực rỡ khác thường, gây ấn tượng khám phá mạnh mẽ cho người xem…
Con trai lão đóng ở đâu được cái hòm gỗ dán; to, khá mỏng đặt được tranh lớn nhất. Có quai xách, có tay cầm cho hai người khiêng nhẹ nhàng, có bản lề và ổ khóa cẩn thận, xếp cả đống tranh vào gọn ghẽ. Một chuyến taxi về Thủ Đô ngon lành. Lão ngạc nhiên hỏi con: “Phải tuần nữa mới nhận phòng bầy tranh kia mà.” Con lão đành nói thật: “Tuổi của bố ngày mai phải đặt tranh vào đấy, mọi việc con đã lo liệu hết cả rồi.”
Lão lại ngạc nhiên, cái đầu con lão vẫn có chỗ chứa những dữ kiện mê tín đến thế thì chịu.
Những tác phẩm này lại được lồng vào khung kính sang trọng, nền “bo” trang nhã, như món ăn được đầu bếp tài năng đặt lên bàn đại tiệc.
Chọn tranh treo lên tường cũng là một nghệ thuật, sao cho gọn từng khối, cạnh dưới thẳng căng, gam màu tranh này không làm hại tranh bên cạnh. Nhưng bố cục cầu kì trên cả tuyệt vời này chỉ giữ được vài giờ sau khai mạc. Nhiều tranh tháo xuống bán đi, nhìn một khoảng trống huếch hoác trên tường cảm tưởng thật khó tả. Ngày hôm sau chưa kịp xắp xếp đã phải tháo tranh xuống, cuộn lại cho vào hộp ống bằng giấy cứng trao cho khách chọn mua. Khách mua tranh của lão hầu hết là người Mỹ, người Pháp, Sigapo và Hồng Kông…
Mấy ngày sau số tranh bán gần hết, nửa đêm thằng con phải thuê taxi về mỏ lấy thêm tranh bầy tiếp. Lão định ngăn lại, con lão kiên quyết: “Phải có tranh ngày mài, để bán cho khách kịp bay về nước. Trên sân bay Nội bài đã thông báo cho con biết…”
Lão Ngô chỉ biết gật đầu sái cổ.
Con trai lão mở tiệc tổng kết khá rầm rộ, mời từ Tổng giám đốc Công ty đến giám đốc xí nghiệp, cùng chủ tịch Ủy Ban Nhân dân sở tại… Mọi người đều được uống rượu ngoại quý và nhận một món quả nhỏ kỉ niệm.
Như con bạc khát nước, con trai lão mua về hàng đống sơn dầu, thuê thợ mộc đóng hàng loạt “sắc si” căng đầy vải “toan” thả sức lão múa bút… Thời bao cấp lão đã vẽ sơn dầu trên vải “diềm bâu”, mặt vải lổn ngổn những cục lớn cục bé, lấy keo da trâu thối hoắc, quét nhiều lần rồi lấy sơn trộn với bột màu trát lên cho nhẵn mới dám vẽ. Gọi là sơn dầu nhưng chỉ là “dầu lamh” nghiền trộn với bột màu rồi tô dần theo đường chì đã vẽ phác..
Lúc này lão Ngô thả sức nhớ đến tầng than công trường và xem lại những ghi chép chưa hoàn chỉnh không đem triển lãm. Bây giờ lão dựng lên thành bức tranh hoành tráng tả toàn cảnh khu mỏ: Mở vỉa; Than đầu nguồn; Bình minh trên Mỏ. v.v.
Buổi khai mạc phòng tranh làn thứ hai thật trang trọng- (chưa được hai năm đã len vào triển lãm là sự chen ngang hoàn hảo) Họa sĩ giám đốc Nhà triển lãm tuyên bố lí do, giới thiệu tác giả; giới thiệu Tổng giám đốc Công ty. Ông Chủ tịch Hội Mỹ Thuật đọc lời khai mạc và cắt dải băng đỏ tượng trưng. Rất nhiều bó hoa tươi trao tặng cùng cả dẫy lẵng hoa đặt kín chân tường; tiếng sâm banh nổ tung lên trần cùng những lời chúc tụng có cánh.
Thịt cá hồi, thịt hun khói, ba tê, xúc xích, bơ, sữa, bánh mì; cà chua, dưa chuột, cà rốt; dưa đỏ đã chuyển hóa cùng rượu mạnh.
Lão Ngô chưa bao giờ được mặc bộ com lê đẹp như lần này, mê mải ngắm những tranh chính mình vừa vẽ mà như thấy xa lạ khác thường. Con trai lão dẫn vị khách oai vệ đến giới thiệu. Nếu không phải là họa sĩ, không có cuộc triển lãm này, làm sao lão được bắt tay vị lãnh đạo to nhất Tổng Công ty. Cái bắt tay làm quen thông thường làm lão lúng túng. Con trai lão giơ hai bàn tay vỗ nhẹ để mọi người chú ý. Ông Tổng Giám Đốc đứng trước bức tranh, quay hẳn lại, các ống kính máy ảnh đã giơ sẵn, ông dõng dạc như đứng trên bục giảng hội trường:
-Tôi thay mặt cơ quan Tổng… mua bức tranh này sẽ được đặt chỗ trang trọng nhất ở phòng khách, ghi nhận một tác phẩm quý giá, của một họa sĩ lớn của Tổng Công Ty chúng ta!..
Và nhanh nhẹn, cài “card visit” vào góc tranh, một động tác thuần thục như nghệ sĩ chuyên nghiệp. Con lão Ngô đã lấy trong túi ra bông hoa nhựa dán lên góc khung tranh như đánh dấu chủ quyền người mua, kẻ khác bất khả xâm phạm. Tiếp đến các ngành giới, các giám đốc Công Ty, các ban ngành xí nghiệp đua nhau làm việc xác định chủ quyền tác phẩm.
Cả phòng tranh rực lên một màu tươi rói hoa nhựa và khuôn mặt rạng rỡ cha con lão Ngô cùng chức sắc sở hữu những tác phẩm mỹ thuật quý hiếm. Quý là đương nhiên, hiếm càng rõ, lấy đâu ra cái thứ hai mà chả là hiếm… Cái tiện lợi nhất khi mang về che kín được cửa sổ, hàng năm tiết kiệm được diện tích lớn không phải sơn quét... Giá mua tranh không đắt. Cùng tác giả này, triển lãm trước, tranh bằng giấy, nhỏ bằng cái quạt mo, đã bán “ngàn đô”. Tranh này to gấp trăm lần, chất liệu bền vĩnh cửu mà vẫn giá ấy rõ ràng là khá “mềm”. Điều quan trọng là có tỷ lệ phần trăm luật “bắn đi, bắn lại”. Tiền chùa “phúc lợi” công ty chẳng biết tiêu gì cuối năm lại trả về kho bạc. Mua ngần này có lẽ còn là ít... Cuộc triển lãm thành công vượt hẳn mơ ước!
Mấy tuần sau, con trai lão Ngô đưa về một xe tải lớn dừng ngay trước cửa, bốc xuống toàn hòm kiện mới toanh, cùng một tốp thợ hối hả, lắp đặt chiếm cả phòng khách thành cửa hàng “Photo Lab” in tráng ảnh tự động, một ngày in hàng ngàn ảnh, nhanh gấp vạn lần nếu làm thủ công. Thiết bị này giá mấy trăm cây vàng. Và tiền thu về như nước chảy.
Trên tầng hai là phòng chụp ảnh Nghệ Thuật và một tổ trang điểm, thuê mượn quần áo cùng các thiết bị đèn rọi đèn nháy hiện đại. Bên cạnh là phòng máy vi tính, các chuyên gia chuyên chỉnh sửa ảnh: nhắm mắt cho mở mắt ngay, muốn thay áo được ngay nhanh như ta cài mấy khuy cúc.
Lão Ngô được con trai dành cả tầng tư để vùng vẫy, hi vọng lại hốt bạc lần nữa. Thằng con nhìn bố đang cặm cụi vẽ, nói cảnh báo: “Không ai mua tranh như thế này của bố đâu. Bố cứ nghỉ ngơi cho khỏe. Những tranh này chúng con đưa máy ảnh chụp về xắp xếp chỉnh sửa sẽ đẹp hơn cảnh thật. ”
Tranh lão Ngô vẽ cũng chăm chút cẩn thận nhưng gửi đi dự triển lãm Mỹ Thuật khu vực đều bị loại vòng đầu. Vì lối vẽ, cách nhìn cũ kĩ như ba bốn chục năm trước. Gặng hỏi người trong ban giám khảo mới biết lí do: “Không có tìm tòi trong kĩ thuật và chất liệu; thiếu bản sắc dân tộc; tính nghề nghiệp không cao” v.v và v.v… thế là đủ sổ toẹt vứt vào sọt rác mà năm xưa lão bán “ngàn đô”…
Lão Ngô hơi bất ngờ, rồi cũng hiểu ra… Lão ngơ ngẩn không biết đi phương hướng nào, một quán rượu vỉa hè lôi cuốn làm lão gục ngay xuống bàn. Con lão đón về trong kinh ngạc và từ đó không muốn lão ra khỏi nhà khi không ai đi kèm.
Con trai lão đã nhận thấy cửa hàng in phóng ảnh đó đã lạc hậu, nhiều nơi khác đã có thiết bị thế hệ mới, in được kích thước ảnh lớn hơn, năng suất và chất lượng đẹp hơn. Thế là con trai lão quyết định “sang tên” toàn bộ ngôi nhà và tất cả thiết bị cho người khác. Cùng thời điểm ấy, con lão làm xong thủ tục mua mảnh đất lớn gấp ba, cũng ở gần đấy để mở hiệu “Cafe Bóng Đá”. Đấy mới là chỗ hốt bạc. Con trai lão chắc chắn như thế và đã quyết định như vậy.
Lão Ngô ném bút, kéo lê từng bước trên sân thượng, nhìn ra bốn phía mà không nhận ra ngôi nhà cũ ở hướng nào?…
LBH