Trang chủ » Tản văn

CỎ LỒNG VỰC

Mạnh Tấn
Thứ hai ngày 4 tháng 1 năm 2010 7:54 PM

Nhà nông chẳng ai không biết cỏ lồng vực, cái giống cỏ thường mọc chen lẫn trong lúa. Chỉ cần một mùa lỡ để chúng rụng hạt xuống ruộng thì không biết bao nhiêu mùa sau mới nhổ hết được. Tôi nhớ ngày còn nhỏ, mỗi lần theo mẹ đi nhổ mạ, mặc dù đã được mẹ chỉ bảo cho từng ly, từng tý. Nào là thân nó dẹt, dai và màu của nó nhạt hơn màu mạ…Không cần nhìn, chỉ cần sờ tay thôi là mẹ tôi đã le được ngay những cây cỏ lồng vực ra khỏi đon mạ. Còn tôi thì chịu, không tài nào nhận diện được lũ cỏ lồng vực khi còn trên mạ. Mẹ bảo cái giống này nó phàm ăn lắm, nếu không le được nó ra, đem cấy xuống ruộng chúng ăn tranh hết đất màu của lúa, phải nhổ nó đi cho bằng được. Mà cũng lạ, mặc dù bây giờ đã có thuốc trừ cỏ, các loại cỏ khác phun xong là lụi hết nhưng cỏ lồng vực thì vẫn trơ trơ. Vậy nên người nhà nông ghét nhất cỏ lồng vực, nếu để nó lẫn được vào mạ, đem cấy xuống ruộng thì lúc làm cỏ vẫn phải tìm để loại bỏ. Mẹ bảo khi lúa đã lên xanh càng dễ phân biệt hơn, vì cỏ lồng vực thường vóng cao hơn một chút, chỉ cần thoáng qua là mẹ tôi đã tách nhổ được ngay cây cỏ lồng vực ném lên bờ. Vậy nhưng tôi vẫn bỏ sót vì chẳng nhận ra. Có lần tôi bị mẹ mắng: Con thật là đoảng, đến cây cỏ không phân biệt được, ra đời con làm sao nhận ra được đâu là người tốt, kẻ xấu. Rồi ra con sẽ khổ thôi. Mỗi lần như vậy tôi thường an ủi: “Mẹ đừng lo. Cái thứ cỏ muôn đời cũng chỉ là cỏ thôi. Nó đâu có thể giống cây lúa được. Thiên chức của mỗi loài một khác mà! Nghe tôi nói vậy mẹ cũng xuôi chiều an ủi: - Ừ, là mẹ muốn con sớm biết mà nhổ nó đi sớm lúc nào hay lúc ấy, để lâu càng hại nhiều. Thực ra cái loại cỏ dại dù có lẩn đến đâu rồi cũng đến ngày phải lòi ra cái thứ lạc loài. Bởi cây lúa thì biết sinh ra hạt gạo nuôi người, chứ cái ngữ cỏ lồng vực chỉ báo hại thôi!.
Đúng như vậy. Đến thì chắc hạt, cây lúa cõng bông sai trĩu trịt những hạt đầy ân nghĩa. Còn cái đám cỏ lồng vực mới vô duyên làm sao, chỉ nở ra cái thứ hạt vô tích sự, đến lũ chim, lũ chuột và cả cào, châu chấu…cũng chẳng thèm ngó đến. Vậy nên đến lúc trổ bông thì nó chẳng biết dấu đi đâu được cái thân phận tầm thường của cỏ dại. Chẳng cần phải mất công soi xét, người ta chỉ việc cầm liềm mà xén không thương tiếc vứt lên bờ !.