Trang chủ » Truyện

Anh Thường

Nghiêm Lương Thành
Chủ nhật ngày 21 tháng 12 năm 2008 12:00 AM

         
             Lời rằng: Đ ... mẹ nhân tình đã biết rồi ...”
                          Nguyễn Công Trứ
 - Ê ... Thiền ... !
 Nghe tiếng gọi, tôi quay lại.
 - Ôi ... anh Thường ... !
 Đứng trước lều là vị thủ trưởng cũ của tôi, hiệu trưởng của một trường phổ thông trung học mà trước đây tôi đã từng làm việc. Vẫn dáng vẻ tự tin, không bao giờ vội vàng của một người luôn nghĩ cứ từ từ, đâu sẽ có đó !, anh đứng đó trong bộ trang phục mùa hè kinh điển, thoảng chút mùi ẩm mốc: Chiếc quần ka ki ống rộng màu be có gấu lơ vê; Cái áo cộc tay may bằng thứ vải dày màu trắng với hai chiếc túi khổ rộng đến gấp hơn hai lần chiếc bì thư được định vị nơi ngang tầm thắt lưng - thứ áo mà các lão trí bất hoặc vẫn ưa dùng; Tờ báo Công an thủ đô gấp gọn ghẽ, nhô lên khỏi miệng cái túi áo nhầu nhĩ; Chiếc mũ vải hẹp vành, may bằng cùng thứ vải với chiếc áo, đội ngay ngắn che khuất khoảng đầu đã từ lâu tóc không còn mọc nữa; Đôi dép da màu nâu quai nhỏ không vương chút bụi bặm; Ngón giữa bàn tay trái ngoắc đung đưa một cái bọc buộc túm bằng bốn góc của một chiếc khăn mùi xoa cũ nhưng vẫn sạch sẽ cộng với chiếc can nơi tay phải, được làm từ thứ hèo già đã lên nước bóng láng làm con người anh toát ra cái vẻ nhàn nhã, nhẹ nhõm của một công chức thạo việc vốn chung thân trong sáng.
 Anh chậm rãi bước vào lều, ngồi xuống giữa chiếc ghế dài tôi vẫn dùng để tiếp khách, để chiếc mũ lên mặt bàn và cẩn thận đặt cái bọc mùi xoa vào lòng chiếc mũ. Chiếc bọc trành xuống, để lộ qua khoảng hở giữa các múi buộc của góc khăn những chiếc nhẫn vàng choé, ngồn ngộn. Nhận thấy sự chú ý của tôi, anh nhấc cái bọc ra và úp chiếc mũ lên chốc, ấp úng giải thích : Chậc ! Trẻ con nó thích chơi thứ này, mua về cho nó mừng
- Anh có khoẻ không ?  Sống thế nào ?
- Về hưu được mấy năm rồi. Đã lên chức ông nội gần chục năm. Mọi thứ cũng tàm tạm. Chỉ tiếc, bà lão nhà tớ mất sớm quá. Lắm lúc cũng thấy cô đơn ... chậc ... - anh khẽ hất hàm - cuộc đời nó vốn thế ... !
Anh ngừng lại, nét mặt thoáng chút ưu tư, mệt mỏi, toan nói tiếp nhưng rồi lại thôi. Nhận ra đấy là vấn đề nhạy cảm, sâu kín, người ta chỉ muốn nói khi có nhu cầu thổ lộ và khi tìm thấy ở người nghe một sự chân thành, tin cậy, tôi bèn lảng đi:
- Anh cũng đi lễ à ?
- Trước đây thì không. Giờ thì có. Nhưng không tốt sao ?
- Em đâu dám nghĩ thế. Đấy, anh xem, em cũng đang hành nghề viết sớ cho khách đi lễ đây thôi. Có điều, trước kia em thấy hình như anh chẳng mấy quan tâm đến những gì ... ta không thể định lượng.
- Té ra trong bộ nhớ của chú mày vẫn còn một khoảnh dành cho ta, cũng hơi ác ngôn đấy, nhưng mà ... đúng, xin cám ơn ! Tớ chỉ muốn cống hiến chú một điều: đầu óc chúng ta thực ra cũng chật chội lắm, nhớ nhiều làm chó gì cho nó mệt. Thời buổi này thông tin nhiều mà lắm khi truyền nhanh như một thứ dịch bệnh, đôi khi cũng phải chủ động xoá bớt đi cho khoẻ, cho đỡ lệch lạc. Đúng là trước đây tớ đã từng nghĩ và tin rằng cuộc đời làm đếch gì có sự công bằng, có điều phải khôn khéo tạo ra cái công bằng mà ta phải được hưởng. Còn tình yêu thương ... cái đó thì tốt, nhưng cũng đáng ngờ lắm ! Chẳng qua, thiếu cái gì thì người ta hay nói về cái đó thôi.
- Còn bây giờ ? - Tôi thú vị ngắt lời anh bằng sự háo hức của một kẻ đang khát vừa tìm được đồ uống.
- Bây giờ ý à ?  - anh nhìn tôi qua phía trên cặp kính lão, bặm môi, thận trọng thăm dò và nói tiếp - Bây giờ ý à ? Tớ là một chiếc lá vàng úa, đã rời khỏi cây mẹ, vật vờ, vô định trên mặt nước của một cái ao tù. Rồi đến một ngày nào đó, chiếc lá ấy sẽ chìm xuống, tan rữa và trở về với bùn đất. Ở cái thế vật vờ, vô định này, tớ mới bắt đầu mở to mắt quan sát xung quanh. Thì ra hàng đời đời nay cái thằng người vẫn loay hoay ngụp lặn trong cái vũng khao khát - mưu toan, thèm muốn - vật vã, giành giật - thiệt hơn, tinh vi - khờ dại, hy vọng - thất vọng, mãn nguyện - cay cú ... và đến một ngày nào đó lại vật vờ, lại vô định trên mặt nước của một cái ao tù, rồi lại sẽ lặng lẽ chìm xuống, tan ra và tối giản trở về với bùn đất. Cứ thế, cứ thế ... Rồi một hôm, trong đầu tớ bỗng hiện về một câu hỏi mà hơn hai mươi năm trước đây tớ đã được nghe ở đâu đó nhưng không để tâm: Chúng ta là ai ? Từ đâu đến ? Sinh ra để làm gì ? Rồi sẽ đi về đâu ? Về hưu rồi, nhàn rỗi nên cứ hay nghe hay ngóng, hay xem hay đọc, thỉnh thoảng lại đưa tiễn một người quen biết trở về với bùn đất, nghĩ vơ nghĩ vẩn rồi sinh nhảm sinh nhí; lắm khi hoảng sợ, tim đập loạn xạ; lắm khi hoang mang, mồ hôi vã ra như tắm. Mấy cha vũ trụ học bảo đã tính toán được trái đất của chúng ta còn tồn tại được khoảng 15 tỷ năm nữa. Thế thì sau đó sẽ thế nào, các giá trị vật thể đã đành, nhưng còn các giá trị khác ? ... Tất cả được trả lại Hố đen để chờ thực hiện một chu trình vũ trụ tiếp theo ? ... Hãi quá ! Thế thì cái gì vẫn điều khiển cái chu trình ấy ? Tự nhiên sao ? Làm chó gì có cái gì tự nhiên xảy ra ? ... - Anh nhìn tôi, chờ đợi một phản ứng. Thấy tôi tròn mắt, không nói gì và có vẻ như cơn khát chưa được thoả mãn, anh nói tiếp - Trời sinh ra thế ! Đó là câu trả lời không biết có từ bao giờ nhưng cho đến bây giờ chưa có câu trả lời nào thay được nó ! Vậy cũng phải có cái gì đó để mà tin chứ.  Vả lại, chú nghĩ mà xem, giống người chỉ khác các giống khác ở cái đầu và quả tim. Mà hai thứ này, chậc ... cũng lung tung lắm, bất kham lắm và cũng phiền toái lắm ! Có lúc chúng cho ta lên thiên đường, có lúc chúng cho ta xuống địa ngục, nhưng thường chúng cho ta sài lẫn lộn cả hai thứ theo những tỷ lệ vô cùng đỏng đảnh. Thành thử thường là ta hay bị lầm lẫn, không biết thế nào mà lần. Đang ở dưới địa ngục tối tăm mà ngỡ mình bay bổng nhẹ tênh trong ánh dương rực rỡ; Đang trên thiên đường sáng láng mà lại thấy mình quằn quại vật vờ trong bóng đen xám xịt. Thử nghĩ xem, chuyện gì xảy ra nếu đáy một con thuyền lại nhẵn trơn như vỏ một quả dưa hấu ?  ... lang thang, vô định, vớ vẩn, vô tích sự và hơn thế nữa: có thể sẽ tan xác vì đá ngầm đá nổi ! Một chiếc bánh lái tốt, gắn vào đúng chỗ sẽ cho con thuyền biết nó phải tránh cái gì, phải đi về đâu để trở thành cái Hữu tích sự... Thế thì cũng phải có cái gì đó để mà tin chứ ?! Không nhẽ thiên hạ vẫn chìm đắm trong cái sự mê tín cả nhiều ngàn năm nay ? Không ngừng nỗ lực đưa các thiết bị vào thám hiểm vũ trụ và kính Chúa, thờ Phật là hai việc chưa bao giờ độc lập với nhau ! Nhà thờ, chùa chiền và các viện khoa học cùng các khu công nghệ cao đang đưa con người chúng ta tiệm tiến tới cái mà giới học giả vẫn gọi là Chân - Thiện - Mỹ ... Chứ lỵ không à ? ...
- Em xin tóm tắt bài giảng của nhà hiền triết ! - Tôi khoái quá, bèn làm động tác  giơ tay lên, ngắt lời anh.
- Được, ta cho phép ! - Anh làm động tác ưỡn ngực, chỉ tay vào tôi.
- Vậy là niềm tin cũng như một thứ điện trường, tư duy và hành vi của chúng ta cũng như các loại I-on. Trong cái trường ấy, vận động của các I-on được định hướng và trở nên Hữu tích sự.
- Mười điểm, về chỗ. Nhưng vấn đề là phải xác lập được cái trường ấy. Đừng bao giờ đặt các I-on vào trường số ảo, vô nghĩa bỏ mẹ đi !
Trời đất ! Anh thay đổi nhiều thật. Thay cho vẻ sắc nhọn, thực dụng, pha chút tự tin của một công chức thận trọng mà tôi vẫn thấy ở anh trước đây là nét mặt mệt mỏi, cam chịu, pha chút ấm ức của một con bạc bị cháy túi về sáng. Điều gì đã khiến anh thay đổi như vậy ? Theo những gì tôi biết về anh trong thời gian cùng công tác thì anh là một người luôn tự chủ, có nguyên tắc sống riêng của mình và thậm chí khá cực đoan trong việc duy trì những nguyên tắc đó. Đúng là đã có lần anh nói với tôi: Làm gì có sự công bằng, chớ có ảo tưởng. Nếu có thì chỉ là nhất thời và chỉ xảy ra lác đác đâu đó trong cuộc sống của chúng ta. Vì thế các chính khách, các học giả xã hội chân chính đã phải dành bao công sức, tâm huyết để cố gắng đưa khái niệm đó trở thành hiện thực. Nhưng, chú thấy đấy, về thời gian thì phải có ngày có đêm, về không gian thì phải có cao có thấp, về giống thì phải có đực có cái ... Nội trong cái đầu bé bỏng của chúng ta cũng chứa đầy những vui - buồn, thiện - ác, yêu - ghét ... Nếu trái đất của chúng ta luôn tràn ngập ánh sáng thì làm đếch gì có khái niệm đêm và một điều chắc chắn là sẽ không ai lại đi rỗi hơi mà tìm cách đặt tên cho cái trạng thái thường tràn ngập ánh sáng đó. Nếu không có thành tố đực thì chẳng có thành tố cái và rốt cuộc, chẳng có tớ cũng chẳng có chú. Tương tự như vậy, khái niệm bất công bằng luôn luôn là cái bóng của khái niệm công bằng; Có điều, tuỳ theo vị trí anh đứng mà cái bóng đó có lúc to hơn, có lúc bằng, có lúc nhỏ hơn cái hình của nó. Bởi thế - anh nheo mắt, khoái chí kết thúc bài diễn thuyết lộn xộn và cũ mèm của mình - Sự thuần công bằng mãi mãi chỉ là niềm mơ ước cao quí của loài người đáng thương chúng ta. Vậy, tớ khuyên chú: Phải biết chấp nhận nó như một thuộc tính của đời sống vậy !
Cuộc đời kể cũng lạ. Trước đây anh là một con người khác hẳn. Lối tư duy biện chứng kết hợp với tinh thần thực dụng kiểu Mỹ và phép ứng xử kiểu quan trường Trung Hoa trung đại đạt tới trình độ nhuần nhuyễn đã cho phép anh có được hầu hết những điều anh muốn không mấy khó khăn. Khi còn dạy học cùng trường với tôi, anh luôn là giáo viên có số học sinh con các nhà khá giả đến xin học thêm đông nhất (tự nguyện và có đơn xin học hẳn hoi !). Cái ghế hiệu trưởng, khiến cho khối gương mặt mà mức nghiêm trang đã đạt tới độ chí công chỉ nghĩ tới cũng đủ xúc động, cũng phải mời đến ba lần anh mới chịu nhận. Sau này, khi được cất nhắc lên cơ quan Bộ, anh đã có sáng kiến làm phong phú một cách ngoạn mục cho bộ sách tham khảo của các cháu học sinh phổ thông.
  Vậy mà thế đấy !
Té ra, trong sâu thẳm của mỗi người, ngoài các khả năng khác, luôn tiềm ẩn một gã thông thái. Có điều, ở người này thì gã cứ ngủ li bì suốt đời, ở người kia thì đôi khi gã thức dậy rồi lại ngủ tiếp, ở người kia nữa thì gã lại mắc chứng mất ngủ kinh niên. Cũng may, bởi nếu cứ như dạng thứ ba cả thì Phật, Chúa và các đệ tử của các ngài cũng đến mất việc làm !. Thế thì điều gì đã khiến cái gã hiền triết tiềm tàng trong anh bỗng dưng nhỏm dậy ?
*
 Tôi đến thăm anh vào một ngày chủ nhật.
 Cảnh trí khu tập thể của trường hầu như chẳng thay đổi gì ngoại trừ mùi ẩm mốc phảng phất đâu đó và sự vắng vẻ của một cô am dễ gây cho ta cảm giác mệt mỏi, thiếu sinh khí và chỉ muốn thoát ra khỏi càng sớm càng tốt. Lớp lá bàng rụng lâu ngày lạc xạc dưới chân khi tôi bước qua khoảng sân hẹp, tiến đến căn hộ số 9, nơi ở của gia đình anh trước đây. Cửa khép hờ. Tôi thận trọng gõ cửa. Không thấy trả lời. Lại gõ cửa. Vẫn không thấy trả lời ... Tôi toan quay ra, tìm ai đó để hỏi thì chợt nghe giọng quen quen: Chú tìm nhà ông Thường à ?. Tôi quay lại: Chị Hoà !. Một đồng nghiệp vào nghề trước tôi cả chục năm, nổi tiếng một thời với những bài giảng khúc chiết, mạch lạc, tường minh về môn toán, cùng những giáo lý dân gian cũ rích được truyền đạt cho học sinh dưới dạng thức té tát và cách ứng xử với tất cả các đồng nghiệp dựa trên nền tảng toán học cùng các giáo lý dân gian cũ kĩ đó. Chỉ có điều, thú thực ... đã có nhiều lúc tôi phải bất giác mà ghen tỵ với chị. Hà cớ gì mà lũ học trò cũ chỉ luôn nhớ tới chị ? Khi gặp khó khăn: chúng tìm đến chị; Khi có niềm vui: chúng tìm đến chị; Khi gặp điều buồn khổ: Chúng tìm đến chị; Khi đạt được một cái gì đấy trong cuộc sống: Chúng tìm đến chị ... Thậm chí, có đứa vừa mới ra tù: cũng tìm đến chị !
 Chú Thiền à ? Khổ ! cách đây ít lâu, tôi có nghe ông Thường nói chuyện chú. Thế cũng tốt chứ sao ?! Hôm nào đi lễ, chú viết cho chị lá sớ đấy. Thôi vào đi, ông ấy ốm gần tháng nay rồi ..., con với chả cái ... !.  Chị đẩy cửa bước vào đặt bát cháo nghi ngút khói xuống cái bàn con sứt sẹo, làm bằng một thứ gỗ tạp đã bạc phếch lớp véc ni từ thời bao cấp. Trong nhà không có ai. Chú vào bên trong xem ông ấy làm gì, tôi về nhà lấy thêm cho ông ấy ít nước sôi. Qua một cánh cửa thấp và nhỏ, tôi bước vào phía trong. Trong cái ánh sáng lờ mờ, tôi nhận ra anh đang ngồi gò lưng trên chiếc ghế đẩu, hai tay tỳ lên đầu chiếc can mà tôi đã thấy hôm gặp lại anh. Chú đến đấy à ...! Đi vệ sinh ra, bủn rủn hết cả chân tay .... Tôi dìu anh Thường ra giường, kê gối cho anh ngồi. Anh ăn cháo đi, chị Hoà vừa đưa sang đấy. Anh chậm rãi cầm chiếc thìa, đôi mắt hướng về phía cửa ra vào, xa xăm:
-   Ngày xưa ..., chú còn nhớ không, tôi đã không giúp được điều gì ... mà đôi khi còn làm khó cho chị ấy ... người như thế thường hay thiệt thòi. Nhưng ngẫm mà xem, thằng đếch nào mà chẳng thích tiền, thích được nịnh. Ngay cả đến vua chúa cũng còn không cưỡng lại nổi thứ mật ngọt óng ánh chết tiệt đó, huống hồ ... ?!
- Thôi, nhắc chuyện cũ làm gì ... chị ấy cũng sắp đưa nước sôi sang đấy.
- Thì chú để tôi nói đã nào ... ! - Vẻ bất mãn yếu ớt toát ra từ câu nói - Nhưng mà ngẫm thì thấy ông Trời cũng công bằng lắm: cái mà chị ta có, mình không bao giờ có được, khá lắm cũng chỉ là ôm bọc tiền mà mơ ! Nhưng mà ... - anh lắc đầu buồn bã - cũng khó lắm ... Tỷ như ta không có được cái bọc đó thì liệu ta có mơ đến cái điều chị ta có không ?
- Thế cái mà chị Hoà có là gì vậy ?
- Chú bỡn tôi đấy à ?  Ở cái trường này ai chả biết điều đó: Sự kính yêu của đám học trò và cha mẹ chúng!
- Còn cái bọc tiền ? Nói vậy có nghĩa là anh đã có nó trong tay ?! - Tôi hỏi lại, không giấu được vẻ giễu cợt thoáng qua bởi tôi thấy anh đang ở trong một căn hộ tập thể chật chội, ẩm mốc, tối tăm, nền nhà lồi lõm khấp khểnh; Bởi chiếc giường gỗ giẻ quạt ọp ẹp anh đang nằm và chiếc tủ kiểu văn phòng mộng mẹo tong teo, cánh cửa nứt toác, phô ra bộ đồ tôi đã được chiêm ngưỡng hôm trước.
- Chú đừng cười. Tuy cũng chẳng vẻ vang gì ... , nhưng quả thực ... tôi cũng đã từng có được cái bọc đó trong tay  - nhận ra sự ngạc nhiên trong mắt tôi, anh cười ngượng ngịu, nói tiếp - Tôi biết chú đang nghĩ gì rồi. Giấu người ta chứ giấu gì chú: Tôi đã tậu đất và xây cho hai thằng con trai tôi mỗi đứa một cái nhà, cũng đường được, chẳng đến nỗi nào. Có điều ... vợ chồng chúng nó cũng bận lắm - ông kín đáo nén một tiếng thở dài - thời buổi thị trường mà. Tôi ở đây một mình cho nó thoải mái, thỉnh thoảng chúng nó đến thăm là được rồi. Cũng được cái độc lập tự do. 
Tôi ra về, lòng nặng trĩu mà rối mù. Giận thì giận, mà thương thì thương. Một chút thương hại pha chút thương cảm cho cái tình cảnh của anh Thường. Thương hại là thương hại cho cái sự chân thành của một gã suốt đời láu cá và vô tình đang thập thõm trên con đường thiên lý đi tìm lại cái tính bản thiện từ thuở chi sơ của mình. Thương cảm là thương cảm cho cái tình cảnh cô độc của một người già trắng tay vì đã tận lực cho con cho cháu. Quả là Hổ dữ cũng không ăn thịt con. Nghĩ đến đây tôi chợt đỏ mặt, rùng mình, cái đầu lắc lắc như muốn làm bật văng một con gián vừa bay tới bâu vào gò má: Mi tự đề cao hơi quá đấy ! Không phải chính mi cũng đang đi trên con đường đó sao ? Có điều, mi lên đường trước lão, nhưng ai dám chắc là mi tìm lại được cái tính bản thiện của mi trước lão ta ?
* *
Hơn tháng sau, tôi lại đến thăm anh.
Gặp chị Hoà ngay ở cổng khu tập thể, tôi hỏi đùa:
- Hôm nay chị cho ông lão ăn gì đấy ?
- Không cần nữa rồi - Chị cười - Độ này ông ấy cũng được lắm. Mấy đứa con ông ấy chỉ nhất thời chuệch choạc, cuối cùng thì trăm sông cũng phải đổ về biển đông chứ ?  Thôi, vào mà mừng cho ông ấy đi !
  Ừ nhỉ, mặt trước loang mốc của căn hộ tập thể đã được chỉnh trang và phủ bằng một lớp vôi mới màu gụ non có búng thêm chút sắc hồng; thứ màu đã một thời luôn tạo cho tôi cái cảm giác yên ổn và tràn trề hy vọng. Mở cửa cho tôi là một cô bé có đôi mắt đen láy và hai bím tóc dày tết lỏng; thứ tóc thuần mộc và có khả năng tự lấp lánh, chưa hề có liên hệ gì với các sản phẩm ưu tú của nền kỹ nghệ mỹ phẩm đương đại mà đã lâu lắm rồi tôi mới lại được nhìn thấy. Thì ra đó là cô cháu ở quê, ở đấy để vừa chăm sóc ông bác vừa ôn thi đại học. Tôi bước vào: Sàn nhà đã được tráng phẳng bằng một lớp xi măng đánh kỹ. Tường nhà đã được quét lại bằng vôi màu kem sáng. Một bộ sa lông bằng gỗ ghép thanh, đơn giản nhưng đủ lịch sự. Một bình hoa hồng tươi rói đặt phía trên chiếc tủ lạnh secondhand còn long lanh kê sát góc, phía cạnh khung cửa sổ có rèm đăng ten buông rủ, kết hợp với phiên bản bức tranh Thiếu nữ và hoa huệ treo ngay ngắn phía trên chiếc kệ nhỏ để ấm chén và đồ uống tạo nên cái không khí thanh - nghiêm - minh - nhã của một trung gia trí thức thành phố lâu đời. Thấy tôi chăm chú quan sát, anh gãi đầu bối rối:
- Các cháu nó lo cho tôi cả đấy. Khổ, mải làm mải ăn, chúng nó bận tối ngày, sung sướng gì đâu ! ... Chú uống gì ? Trà Lipton hay cà phê ? - Thấy tôi lưỡng lự, anh quay sang cô bé - cà phê sữa đi, buổi sáng uống thứ đó thú hơn.
- Trông anh khoẻ và vui, em cũng thấy vui. Thú thực, sau lần thăm anh vừa rồi, trong suy nghĩ, em cũng có ý trách các cháu nhà anh, nhưng không tiện nói ... Ôi, thật đáng xấu hổ cho cái anh già Thiền này !
   Loáng sau, cô bé trở ra với hai chiếc tách nghi ngút khói. Sau khi bổ sung cho chúng tôi một gói Ngựa trắng lấy từ mặt chiếc tủ con màu gụ bóng loáng kê sát đầu chiếc giường màu sáng kiểu Đức, cô đứng sang bên cạnh thưa:
-  Bác ơi, cháu đi chợ đây, trưa nay bác muốn ăn gì ạ ? - Cô bẽn lẽn quay sang tôi - Các anh cháu lo cho bác cháu lắm, chả biết sau này cháu có làm được như thế cho bố mẹ cháu ở quê không !
- Được chứ  - Tôi mỉm cười với cô bé và không hiểu sao lại tin chắc vào điều mình nói đến thế - Bố mẹ cháu nhất định sẽ hài lòng !
- Tiếng là cùng làm việc với nhau từ lâu, nhưng đã bao giờ anh em mình uống với nhau đâu. Trưa nay chú phải ở lại với tôi ! - không đợi tôi trả lời, anh Thường bảo cô bé: Đơn giản thôi, cháu mua một con vịt quay, một ít xúc xích hun khói, dăm quả dưa chuột và cà chua là được rồi, đỡ phải nấu nướng lích kích.
* * *
Thấm thoắt mà đã đến tháng bảy. Vào đợt rằm tháng này, số người đi lễ tăng lên nhiều hơn so với các tháng trước. Tháng bảy là tháng Xá tội vong nhân. Những người yêu cầu tôi viết sớ hầu hết là cầu xin cho phần hồn của những người thân đã quá cố của họ được mát mẻ, siêu thoát và được về an lạc tại chính nơi cư trú của Phật. Và chính những phần hồn của các vong nhân đó cũng luôn nhận được lời cầu xin pha chút nhắc nhở kín đáo là luôn nhớ phù hộ độ trì cho con cháu của mình. Do tôi làm sớ không theo kiểu các form lập sẵn bằng thứ chữ được lắp ghép từ các mẫu tự Latin, chỉ việc điền tên tuổi, chỗ ở và lời thỉnh cầu của các thân chủ vào là được mà tôi cứ hành nghề theo kiểu truyền thống, nghĩa là viết từ đầu đến cuối theo ý tứ của người đi cầu, nên khách của tôi cứ ùn lên. Về mặt văn bản, lối viết và sự không được chuẩn hoá đó có thể không thuận tiện cho bộ phận tiếp sớ của Phật lắm nhưng khách hàng của tôi lại hài lòng. Và tôi cũng hài lòng bởi thông qua những thông tin tâm linh và phi tâm linh cất cánh từ đáy các con tim hồng tươi hoặc chưa hồng tươi nhưng đầy mẫn cảm ấy, tôi được thấy những tấm tình chí hiếu, chí nghĩa, sâu nặng thuỷ chung, thấy được cái đạo lý Uống nước nhớ nguồn không hề bị phôi pha theo dòng năm tháng, theo những đợt triều lúc cường lúc nhược của cái đại dương thị trường mù mịt kim tiền do Trời sinh ra. Và mặc dù lắm hôm mệt đến oãi cả người mà thu nhập vẫn không khá hơn nhưng tôi vẫn cảm thấy yên lòng bởi tôi vẫn nhớ và rất thích một câu anh Thường nói với tôi trong bữa nhậu vịt quay hôm trước: Cuộc đời vốn lung tung lắm, có phải cái gì cũng làm thành form được đâu !. Quả là bất khả luận !
Té ra cái anh già này cũng thú vị ra phết ! Không hiểu từ lúc nào, tôi bắt đầu bị cuốn hút vào cái biến phức vô thường đang lặng lẽ vận động trong tiềm thức sâu thẳm của anh. Bằng chứng là dạo này thỉnh thoảng tôi hay nghĩ đến anh, muốn đến chơi và nói chuyện với anh hoặc cùng anh nhàn luận về một điều gì đó.
Ai dám chắc là mi tìm lại được cái tính bản thiện của mi trước lão ta ? Dân gian đã từng cho thấy rằng gã Ác Lai say mê ăn thịt người vẫn có khả năng được bổ nhiệm lên toà sen chỉ sau có một đêm ! Rằng việc rùa về đích trước thỏ không phải là chuyện hy hữu ! Ý nghĩ đó giờ đây không làm tôi đỏ mặt nữa mà nó khiến tôi bật cười cho cái vớ vẩn, cho cái chủ quan đầy tự ái và thiên kiến của mình. Và nhờ vậy hình ảnh một người râu tóc đã bạc phơ mới bắt đầu lọ mọ trong sự muộn mằn trên con đường thiên lý đi tìm lại cái bản ngã mà trời phú cho gã từ thuở lọt lòng không còn gây cho tôi cái cảm giác vừa thương hại, vừa bức xúc, vừa pha chút vô vọng nữa mà trái lại, tôi cảm thấy tâm tĩnh đến lạ lùng.
Tôi mong cho nhanh đến cuối tháng, khi đã vãn khách, tôi sẽ nhất định gọi điện mời anh ra cổng Phủ chơi. Hai gã - một đã già, một bắt đầu già - sẽ chọn một chiếc bàn sát mép nước Hồ Tây, trong một cái quán vắng, cùng thưởng một chầu rượu với món ốc luộc nước gừng nổi tiếng của đất Hà thành (vốn vẫn bị những gã hay nói leo làm cho mang cái tiếng là thuần thanh lịch) và cùng nhau luận về những điều đã thập thõm thu lượm được trên con đường dài dằng dặc đi tìm lại cái bản ngã của mình. Tôi đang lãng đãng mơ màng thì bỗng có tiếng hỏi:
 -  Này bác ! Bác có phải là bác Thiền, người nhà của bà giáo Hoà không ?
-  Tôi đây. Có chuyện gì vậy ? - Tôi nhìn người đàn ông có nước da xạm nắng và mái tóc khô vàng và chợt nhận ra có điều gì đó bất thường - Bà ấy ... ?
-  Không phải bà ấy mà là ông Thường bị cảm lúc chiều, tình hình rất xấu. Bà giáo nhờ tôi đến báo và chở bác vào viện ngay.
Người đàn ông có mái tóc khô vàng rồ ga, đưa tôi đến bệnh viện và dẫn tôi đến thẳng buồng cấp cứu.
           -  Buồng này đây. Ông vào đi. Tôi đi đây ! - Mái tóc khô vàng biến đi cũng đột ngột như lúc xuất hiện.
 Tôi đẩy cửa. Chỉ thấy một chiếc giường trống không và tấm vải ga nhầu nhĩ. Tôi quay ra và gặp người Y tá. Cô ta nhìn tôi như thể áng chừng điều gì đó rồi hỏi:
-  Ông là người nhà ông Thường ?
 -  Vâng ! - Tôi trố mắt nhìn cô, chờ một lời hướng dẫn
 -  Bị nặng quá, ông ấy đi rồi. Chúng tôi đã đưa ông ấy xuống nhà lạnh.
Quên cả cảm ơn, tôi hì hụi đi xuống nơi mà cô y tá chỉ cho.
Trời đã nhá nhem tối. Không khí trở nên ngột ngạt. Nhà lạnh. Một cái xác chết phủ khăn trắng, đặt tạm trên một chiếc bệ xi măng. Chị Hoà và cô cháu gái anh Thường đang loay hoay cắm mấy nén nhang lên một khúc chuối tươi đặt bên người quá cố. Thấy tôi, con bé nấc lên:
 -  Chú ... ơi, khổ cho bác cháu quá !
 -  Có ai ngờ. Nhanh quá cậu ạ. Khốn khổ !
 -  Mấy đứa con ông ấy biết chưa ?
 - Biết rồi ! Khổ thân ! Bố chết mà không kịp gặp lần cuối ! Chúng nó vừa kéo nhau về nhà. Chắc đang bối rối nên chẳng biết phải làm gì. Tôi đã làm thủ tục đưa ông ấy vào buồng lạnh rồi. Chốc nữa có người của bệnh viện xuống bố trí. Bây giờ cậu về lo việc hậu sự và chỉ bảo cho mấy đứa con ông ấy.
          -  Chị và cháu cũng về luôn thôi, muộn rồi !
          - Không được ! - chị nói, giọng bất bình - Tôi phải ở lại đây. Chả nhẽ để ông ấy nằm ở đây một mình đêm nay à ? Lạnh lẽo lắm ! Thôi, cậu đi ngay đi cho được việc !
          - Đúng đấy chú ạ. Cả cháu cũng ... ở lại ! Cô bé rụt rè đề nghị, nước mắt vẫn rân rấn.
Tôi đi thẳng về nhà người quá cố. Sân khu nhà tập thể tối thui. Im ắng đến gai người. Cửa phòng ông khép hờ, để lọt ra sân một vệt sáng dài nhợt nhạt, đủ cho ta nhận thấy những con muỗi mắt đang bay loạn xạ, chấp chới trong cái oi nồng của một buổi tối đầu thu vắng gió.
Im ắng quá. Đúng là lạnh như nhà có tang !
Tôi dừng lại. Gõ cửa. Không có ai trả lời.
Chờ một lát ... Vẫn không thấy gì.
Tôi lấy làm lạ và thận trọng nhìn qua khe cửa đang khép hờ: Thằng anh ngồi trên ghế, mặt thất thần, ngây dại. Thằng em đứng gục mặt vào tường, một tay túm lấy chỏm tóc của mình, tay kia nắm chặt lại, di di lên tường, tuyệt vọng. Còn hai cô con dâu, mỗi cô ngồi một góc giường, nét mặt ngây độn, thiểu não.
Cảnh tượng không có gì mới hơn so với các gia đình có cùng cảnh ngộ cách đây vài ba ngàn năm nhưng sao vẫn thật cảm động và thương tâm. Ai mà quen được với cảnh tang tóc, kể cả một gã lính chiến dạn dày như tôi đã từng nghiến răng xả lửa sang chiến tuyến phía bên kia và đã từng tự tay chôn cất những người đồng đội thân yêu của mình trên ba chục năm về trước.
Thôi, gượm hãy vào - tôi tự nhủ - đừng quấy rầy, hãy để cho họ được yên. Tôi toan quay ra thì bỗng nghe một tiếng xoèng ... kéo dài từ trong nhà phát ra, tựa như tiếng một sợi dây xích kim loại dài bị ai đó quăng mạnh xuống đất. Tôi quay đầu lại và lập tức nhận ra dưới nền nhà, ngay sát mũi giày thằng anh, là chiếc khăn mùi xoa mà tôi đã nhìn thấy hôm gặp lại anh ở cổng Phủ và một bãi vàng choé những chiếc nhẫn tròn căng nằm xóng xoài, lấp lánh; mấy chiếc nặng đồng cân hơn thì văng ra xa, đang tiếp tục lăn đến chân tường rồi mới đổ kềnh và khoanh khoanh mấy cái mới chịu nằm yên.
-  Ông già cao thủ thật ! - Cô con dâu trưởng rít lên qua kẽ răng.
 -  Câm ngay ...  ! - Thằng em vằn mắt, gằn giọng.
Trong khoảnh khắc, tôi chợt hiểu ra ... và tự nhiên thấy đất dưới chân chao mạnh, nghiêng ngả ...
* * * *
Sáng hôm sau, tôi tỉnh dậy, thấy mình đang nằm đúng ngay trên chiếc giường anh Thường vừa nằm chiều hôm trước. Thoáng rùng mình, tôi nhớ lại cái khoảnh khắc mặt đất chao mạnh, nghiêng ngả ....
Không thấy ai. Tôi nhỏm dậy, lần ra cửa, đầu hơi váng nhưng không sao. Tôi phải về chứ không phải xuống nhà lạnh ! Tôi phải ra khỏi nơi này để lo việc cho anh Thường và phải đi tiếp con đường đó mà không có anh; Người bạn đường lý luận đầy mình ấy đã bỏ cuộc từ lâu mà bây giờ tôi mới bẽ bàng nhận ra. Có thể, con đường Thiên lý đó được chia thành bốn chặng chủ yếu: Chưa biết -  biết - hiểu những điều đã biết - thực hành những điều đã hiểu. Đáng tiếc thay, tôi, khi đã tiêu gần hết quỹ tuổi thọ của mình, bất quá cũng chỉ mới loanh quanh đâu đó ở phần cuối chặng thứ hai hoặc cùng lắm mới chớm vào phần đầu của chặng thứ ba. Mặc kệ, tôi vẫn cứ đi, như một kẻ bị chi phối bởi sức nặng của một lời nguyền cổ tích ! Nhanh hay chậm: không quan trọng ! Có đến được đích hay không: không quan trọng ! Cũng bởi, không biết đích xác từ bao giờ, tôi luôn bị ám ảnh và không có cách gì để gỡ ra khỏi đầu lời một gã bạn có đôi mắt sáng-khoẻ và nổi danh là Hà Tây đệ nhất hâm từ năm gã mới có 21 tuổi:
Có cuộc đời nào không đi mà tới đích
 Dù cái đích rất gần cũng vẫn phải ra đi ! ... 
Âu cũng là cái duyên tiền định !
Tôi gặp cô y tá hôm trước ở ngay cửa ra vào:
  -  Vừa mới tỉnh mà đã đi sùng sục như thế à? - Cô hốt hoảng, cau có mắng tôi.
 -  Tôi ra ngoài này một chút cho thoáng thôi mà - Tôi láu cá trả lời.
Đợi cô ta đi khuất, tôi vuốt lại mép áo cho đỡ nhăn, dùng tay khoả lại món tóc trước trán cho gọn rồi quả quyết lẻn thật nhanh ra khỏi cổng bệnh viện./.
NLT