Trang chủ » Truyện

Chị và những…

Bùi Thủy
Thứ sáu ngày 19 tháng 12 năm 2008 12:00 AM
Ngày chị sinh trời không một giọt mưa. Nắng to là đằng khác. Nắng khô làm teo cuống rốn chị, nắng cong từng lá tre, nắng ràn rượi tấm lưng trần cha trên đồng trên bãi. Nắng nứt hoác từng khóm rạ. Nắng hoen hoẻn bờ vai gầy gồng gánh bốn cây số của bà vào bản để bán mẩu bánh, tấm vải, cuộn chỉ, cây kim…Lớn lên chị hiền khô như củ khoai, nải chuối. Mới năm tuổi da chị cháy đen vì nắng. Bố mẹ đi làm ở công trường xa, hầu như mọi lo toan cho các em đều một tay chị đảm đương. Lên tám tuổi chị đã phải đi xin cây chuối bé về băm cho lợn. Và hầu như cánh đồng Trương quen mỗi bước chân chị vác rổ đi mót khoai, mót lúa…

Em gái đi học và làm việc xa nhà. Chị đi lấy chồng, anh ấy tốt và chu đáo.Yên tâm vì hạnh phúc đã mỉm cười với chị. Ai đâu nặng một chữ “ngờ”…
- Không phải thế đâu. Tại chị hay suy nghĩ thôi.
- Sống với nhau đến hai mặt con chị hiểu anh ấy
- Nhưng thật sự em chưa thấy người đàn ông nào chu đáo như anh. Hơn nữa anh lại là lãnh đạo.
- Thì em cứ giúp chị đi! Nếu chuyện không phải thì tốt. Nếu lỡ ra rồi còn có phương án cứu chữa chứ! Cuộc đời làm sao biết trước được chữ ngờ hả em?
Nói rồi, chị vội chạy lại với con. Đứa bé mới năm tháng tuổi trông như một thiên thần: đôi mắt tròn, đen láy, đôi môi hồng chúm chím. Chị bảo “Mẹ thì phải nặn đổ từng giọt sữa. Mỗi lần thấy con thèm, nhỏ nước dãi mà quặn đau…” . Chị không đẹp cũng chẳng xinh nhưng lại có cái đằm thắm của một người đàn bà. Ngày chị theo anh về nhà, mấy cô em chồng liếc ngang liếc dọc, bĩu môi “Có điểm nào xinh đâu mà anh mình yêu nhỉ”. Nhiều khi người ta vẫn lấy hình thức để cân đo đong đếm việc yêu hay không yêu. Nhưng có dịp đọc bài văn mẫu trước lớp hay đọc diễn văn thì vẫn ơ hờ bập bẹ “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Mà chờ cho họ thẩm định được “tốt gỗ” thì có lẽ sơn bong hay văng ra ngoài lúc nào cũng chẳng hay. Chị không để ý cũng chẳng nói gì với anh. Hạnh phúc với chị là được chăm lo cho mọi người. Dần dà sự chân thành, chu đáo của chị đã chứng tỏ cái “tốt gỗ” trước ba tộc họ hàng nội ngoại. Đắp thêm vào niềm hạnh phúc đó là sự ra đời của một bé gái kháu khỉnh. Chị vẫn ngày ngày lùi lũi làm, lùi lũi chăm con, lùi lũi cung phụng chồng. Đàn bà đi đâu, nói sao thì nói, làm gì thì làm nhưng gặp thằng đàn ông cao hơn mình một tý thì về nhà đều tắt còi hết. Cũng có ả dóng lên những tiếng chuông rền rĩ nhưng cũng chỉ được dăm ba hôm. Mặc cảm “tiền Êđíp” vẫn vô thức ăn sâu trong tâm lý họ. Điểm dừng cuối là một triết lý bóng nhẫy những mỹ từ “Âu cũng là thiên chức cao quý của đàn bà”.
Cú vấp thứ nhất đến với chị khi nó đã teo lại nên chị không có thời gian để làm cho ra ngô ra khoai. Hôm đó là thứ 6 ngày 13, đúng nhá nhem tối. Lẽ thông thường giờ này anh đã về. Nếu đi đâu hoặc nhỡ ra gặp bạn bè thì anh đã gọi điện nhờ nhà bà hoe Tích  gần nhà rồi. Thế mà hôm nay im bặt. Một tiếng hai phút sau, cái Chiến cùng trường với anh và cùng lớp cấp ba với chị hùng hục lao thẳng xe máy cũ rích vào sân, mặt tái nhợt như đỉa đói. Tiếng người nhồm nhoàm cùng tiếng xe chưa kịp tắt “Đến sự thể này, tau phải nói với mi. Mi hiền quá để chồng nó cắm sừng. Con Chảnh nó chài chồng mày từ lâu, tau sợ mi buồn nên im ỉm bỏ qua. Nhưng nó mới bị quả báo,hôm nọ nó đi cưới với chồng ở Vinh toen toen diện váy chạy xe máy, bị mấy thằng nhãi dọc đường chòng cho. Tai nạn chết rồi. Chồng nó đang nằm viện… Vào nhà tau kể cho. Thằng chồng mi đang bên nhà nó ấy”. Chị điếng người không hiểu. Sự thể đến nước này ư? Anh ta vẫn ton hót mỗi chiều thứ 6 về với chị sau một tuần xa cách rằng “Em yêu”,“vợ yêu”,“thương vợ lắm”…Nhưng rõ ràng với con anh ta cũng rất chăm lo cho nó cơ mà. Hóa ra tất cả chỉ là dối trá để che đậy những việc khuất mắt ư? Nhưng cũng có thể cái Chiến nó đồm đoàm lợi dụng xích mích giữa nó và Chảnh để chia rẽ vợ chồng mình?...Chị âm thầm nén lặng chỉ biết ngồi nghe. Mà nói gì chứ? Lời nói chẳng bao giờ được đóng dấu mà những lời ngọt ngào yêu thương của chồng chị là một điển hình sừng sững. Thì ai mà chả thế. Mấy ông trên huyện nào họp này họp nọ kêu gào sẽ mở ra những hướng mới cho nửa năm, một năm một quý, hai năm sáu tháng để xóa bỏ đói nghèo giảm nghèo thế mà rốt cuộc có thấy gì đâu. Nhà tranh vẫn hoàn nhà tranh. Nheo nhóc vẫn hoàn nheo nhóc đấy thôi. Chị không xinh đẹp nhưng tiềm ẩn sự thông minh để tốt nhất “biết thì thơn thớt, không biết thì dựa cột”. Việc của chồng chị đến nước này thì nước đã tràn đê biết làm thế nào. Vả lại đối thủ nó cũng đã lìa đời rồi. Làm om chuyện ra thì xấu chàng hổ ai. Chị chỉ nói một câu khi chồng tất tả về “Anh xem lại mình đi!”. Thế cũng đủ níu kéo thêm sáu năm lặng yên nữa, cho đến một ngày….
Anh quả quyết “Chuẩn bị xây nhà, mình sinh tiếp con thứ hai nhé! Đẻ con cũng là lúc nhà xong”. Chị nhầu nhĩ “Nhưng người ta kiêng. Vì hai việc đó song hành không tốt”. Anh thủng thẳng “Chả sao. Người ta không có ăn thì lắm chuyện. Bói với toán vớ vẩn, tùm lum”. Thế là làm nhà. Thế là đẻ. Bốn tháng anh chở chị đi siêu âm. Lại gái. Mặt anh nhầu như bao đựng thóc bị nhúng nước nhưng vẫn tuênh huênh “Có sao đâu! Gái cũng như trai. Thời đại dân chủ mà!”. Ngày chị sinh mưa dầm dề, rốn đứa bé nhão nhoét, mắt anh toang hoác dòm xem đứa bé dài hay bẹp. Vì có khi siêu âm vẫn sai. Sau một phút dò la kết quả là anh hắng giọng “Để anh về nhà chuẩn bị mấy thứ” và thế là đi thẳng một mạch. Nhà gần mà đi đi về về hết những 10 tiếng đồng hồ. Lí do anh tự đưa ra lắm thứ bà chằng “Xe chết máy vì trời mưa. Cháo nấu lần một bị nhão. Mấy con gà bị rù phải cho uống rượu tỏi…”. Chị cũng chẳng nói gì mà trìu mến nhìn chồng đảm đang quá chà!
Hai tháng sau. Chị thấy sống lưng nhói buốt. Có lẽ là di chứng sau khi đẻ chăng? Ừ! Mặc nó mấy hôm chắc sẽ đỡ. Càng ngày cơn đau càng quằn quại. Nó dứt từng đợt nhức buốt như có ai cưa vào sống lưng. Cúi cũng không được. Bà ngoại đề nghị đưa đi khám. Tai hại. Quái ác. Bác sĩ mặt rỗ tàn nhang kết luận xanh rờn “Bị lao cột sống. Phải chữa luôn nếu không đột quỵ. Tiêm kháng sinh, con phải cai sữa”. Chị như chết lặng. Thương con, thương chồng. Rồi một kế hoạch được lập ra, anh đèo hai bà nội và ngoại ra chăm cháu và đỡ đần thêm việc. Chị hàng ngày phải nằm, đến bữa uống thuốc, hạn chế đi lại. Đứa bé ba tháng tuổi chưa bặm hơi sữa đã phải uống sữa ngoài. Mắt nó hoen hoét dài dại vì thèm sữa mẹ. Chị vẫn phải nặn và bỏ đi những giọt sữa quý giá mà trong lòng quặn đau.
Chiều thứ 6 ngày 13. Sau mấy năm mới có một ngày thế này. Anh đang hùng hục chẻ củi để đốt lấy than và xông lá cho hai mẹ con. Tiếng chuông điện thoại rí réo trong túi quần anh bên cạnh chỗ chị nằm. Đứa con gái lớn bảo “Có tin nhắn, mẹ ơi!”. Chị không biết gì máy điện thoại trừ thao tác duynhất nhấn nút xanh để nghe ai gọi đến. Chị nhắc con bé “Bố đang chẻ củi. Con đọc giùm bố xem ai nhắn”. Nó ê a đọc “Anh! Vợ a thế nào rồi. Mai gặp nhau ở đâu a? Nhìu lần nhìn a gầy rộc mà e xót”. Chị ngớ người ra “Xót cái gì?”, vội hỏi con tra lại xem số đó hiện tên gì. Trống trơ, không tên. Chị vội bảo con xóa đi và không được nói gì cho bố biết. Kể từ đó chị âm thầm theo dõi anh bằng những câu hỏi khôn ngoan. Cái sự thông minh dần dà được khai phá. Người đàn bà nào rơi vào tình cảnh ấy mà chẳng thế. Họ giăng lưới tứ phía để tiếp cận sự thực và làm cho bõ mọi cơn tức. Và chị cũng thế. Đầu tiên là những lời nói nhẹ nhàng nửa đùa nửa thật mà xa xôi “Em nghe cái Ch. nó nói…”, “Hôm nọ bác H trêu em thấy anh đèo ai…”. Đáp lại anh bảo “Nằm một chỗ nên em hay đoán già đoán non chứ có gì đâu. Bạn bè mà”. Rồi những đêm vắng. Anh nhẹ nhàng bỏ ra ngoài nghe điện thoại. Chị vờ ngủ và biết hết mọi động tác của chồng. Cơn ghen sục sôi. Mỗi ngày nó càng nhân lên theo cấp số nhân. Được thể một ngày có cô em gái đến thăm. Chị hổn hển:
- Nghe nói bạn em làm ở Viettel, em nhờ tra giùm chị ai gọi đến, nhắn đến được không?
- Nhưng làm sao họ biết chị. Chỉ có thể tra số nào hay gọi đến thôi
- Ừ! Thì nhờ tra giùm chị với!
- Có chuyện gì vậy chị?
- Chuyện anh rể mày nhăng nhít…
- Ơ! Em nghĩ chị hiểu nhầm anh ấy. Em không bao giờ nghĩ thế
- Chị sống lâu chị biết trong chăn có rận hay không. Em giúp chị đi!...
Ngong ngóng ra ngoài xem có động tĩnh gì không, chị kể “Chị tủi quá. Hình như anh ta muốn kiếm đứa con trai. Mà chị thì bác sĩ bảo không thể tiếp tục đẻ được nữa vì nếu đẻ bệnh lại tái phát. Hôm qua chị dò la hỏi han tình hình giáo viên trẻ trong trường anh. Chị nghi ngờ một con. Nó cũng khoảng tuổi em. Nó đang có bầu ba tháng đúng bằng thời điểm chị đẻ cháu thứ hai. Chồng nó đi xuất khẩu lao động tận Malaixia…Đúng đấy em à. Cái hôm vợ đẻ anh ta về nhà mất 10 tiếng, nghi lắm..!”. Chị hỏi cái Chiến nó bảo “Thấy hai ông bà vẫn hay đi với nhau vì hiệu trưởng và bí thư đoàn mà”. Trước tình thế đấy, cô em gái đành giúp chị. Hóa ra số điện thoại anh gọi đi gọi đến nhiều nhất đều là số điện thoại của tin nhắn kia. Bí mật dần được hé lộ. Chị lập một bản theo dõi chuyển động tịnh tiến với sự giúp đỡ của đứa con gái.

Một ngày trời trong veo. Tôi mon men vào mạng. Lâu ngày ghé vào chút xem bạn bè có ai nhắn gì không.
- Vandu038: Hi! Dạo này mày thế nào?
- Conon: Phình phường. Mới đi chơi về. Mệt quá. Thế chị mày bệnh đã đỡ    chưa? Cháu khỏe chứ?
- Vandu038: Ừ! Có đỡ chút ít. Con bé kháu khỉnh lắm.
- Conon: Thế a. Mày được lên chức “dì” hai lần sướng nhé! Thế chuyện chị mày thế nào? Tao thấy thương chị ấy quá!
- Vandu038: Lâu giờ tao cũng cũng chẳng về nhà. Hôm qua chị lại gọi điện nhờ tao tra số điện thoại gọi đi và đến nhiều nhất trong tuần, trong tháng. Khổ thân mày à! Đang bệnh nữa. Thương lắm.
- Conon: Mày cố gắng động viên chị nhé. Cũng bảo chị phải xem xét cho kỹ nếu hiểu nhầm thì không hay đâu.
- Vandu038: Ừ! Tao biết mà.
….
Cuộc trò chuyện qua mạng của chúng tôi kéo dài 8 phút 13 giây và kết quả tôi thu lượm được là chị ấy vẫn đang trong quá trình điều trị bệnh và theo dõi mọi diễn biến của chồng. Đàn bà luôn thế, tưởng là cuộc kiếm tìm người đàn ông đích thực đã hoàn tất với tấm giấy kết hôn rành rành hai chữ ký. Nào ngờ mọi phỏng đoán vẫn chỉ là phỏng đoán. Cuộc kiếm tìm vẫn chưa có điểm dừng…

DịchVọng, 16. 10. 2008