Trang chủ » Truyện

Kỳ nhông là ông kỳ đà 1

Bùi Thủy
Thứ sáu ngày 19 tháng 12 năm 2008 12:00 AM

 

Bác à! Cháu vừa vào web mới của bác http://trannhuong.com.vn rất đẹp và Pro nữa. Chúc bác và bà bé ngày càng sinh sôi phát triển hơn nữa. Cháu gửi tới bác truyện Kỳ nhông là ông kỳ đà 1 nhân dịp khai trương web mới

Thằng bé vừa lò cò nhảy vừa hát to “Kỳ nhông là ông kỳ đà, kỳ đà là cha cắc ké, cắc ké là mẹ kỳ nhông, kỳ nhông là ông kỳ đà…”.  Cha nó trợn mắt, quát “Hát cái gì mà hát. Đói chẳng có gì bỏ miệng còn hát với hò…dẹp đi! Mấy mẹ con chúng mày chỉ tội làm khổ tao. Cái thân này có hai tay, hai chân chứ có phải là phật bà nghìn tay nghìn mắt đâu mà làm để đủ tống đầy mấy cổ họng?”. Mẹ nó ư hử “Ới! Tui sống với ông bằng ngần này năm mà ông còn xỉa xói tui ư. Được rồi, tui chết cho ông yên cái mồm”. “Ơ! Cái bà này…”. Thế là hậm hực. Thế là chiến tranh lạnh nổ ra. Thế là việc ai người nấy làm.

Thường thì mỗi đêm vợ toen toẻn cười hề hà bảo chồng thành quả một ngày lao động mệt nhọc sau một ngày chở gạo thuê “Hôm nay, tui chở được hai chuyến, mỗi chuyến được mười ngàn vị chi là được hai mươi ngàn đồng. Mua mấy thứ lặt vặt hết tám ngàn còn mười hai ngàn mình cất giùm em vào ống tre đi. Cuối năm lấy ra xem được bao nhiêu còn trả nợ. Thịt cũng chẳng được ăn. Nghe chừng tháng nay thiếu chất cho cu Tèo ”. Thế mà mấy đêm nay, nó im ỉm lại còn lườm nữa chứ. Tức chết đi được. Cãi nhau chuyện cỏn con đó thì có gì nhỉ. Các gia đình khác vẫn cãi nhau như cơm bữa. Kệ! Vợ thì phải chiều chồng. Nhưng những lần khác nó cũng có giận lâu đâu. Hay là…? Ngày rước nó về làm dâu, bác Toe thay mặt họ nhà gái trao dâu cho họ nhà trai. Trước lúc xe ô tô chuyển bánh, bác còn cố lò cái đầu ra ngoài dặn dò: “Cái Gái cu Đoài muốn sống yên ổn thì nghe lời bác đừng bao giờ đem cái luận lý con kỳ đà vào nhà. Chuyện nọ lại xọ chuyện kia, vòng vo dễ gây bất ổn cho gia đình…”. Bác ấy học nhiều có khác. Nói đâu ra đấy “luận với lý”, khiếp! Nhưng cu Đoài cũng chẳng hiểu luận lý con kỳ đà là gì. Bèn mon men hỏi cái Gái “Này! Bác nói luận lý con kỳ đà là gì hả mình?”. Cái Gái không thông minh để hiểu nhưng được ông bác quý hóa nhồi nhét quá nhiều nên việc truyền đạt lại cho chồng nguyên văn trích dẫn những lời thổ địa từ tâm huyết của bác nó thật không thiếu một chữ nào “Lối suy luận bằng cảm quan. Nói cách khác đó là lý sự cùn, cãi chày cái cối, vòng vo…”. Cu Đoài tơn tớn, nháy mắt bảo “Thế thì vợ chồng mình đừng mang bên mình luận lý con kỳ đà, em yêu nhé!. Thế mà dạo này cái mặt vợ thõng thệu hơn cả cái thớt.

Ngày thứ hai. Cu Đoài vác điếu cày ra ngồi chễm chệ đầu hè. Réo từng đợt dài cho đã đời. Lâu lắm hắn không được hút, mà nếu có hút thì phải lẻn đi đâu đó chứ để vợ bắt được thì không chỉ càu nhàu mà điếu cũng chẳng còn nữa. Cái Gái thấy chồng lôi điếu cày ra vẫn mặc kệ. Hút chặp mấy điếu liền cũng mặc kệ. Rồi ho khục khặc cũng kệ. Gái nào mà chẳng thương chồng thương con nhưng giờ mà mở miệng ra dỉa dói thì bằng mình làm lành trước à? Xót cũng xót thật. Đau cũng đau thật nhưng biết làm sao. Ai bảo cái tội cứ hở ra là xỉa vợ với con làm khổ. Khổ gì cơ chứ? Ai mà chả khổ. Nhưng ngày kia là giỗ ông nội, vợ chồng cũng phải bàn qua tính vào mua gì làm gì, mâm cỗ mấy món để còn mở mày mở mặt với họ hàng, chòm xóm. Gái bèn đằng hắng “Làm gì mà réo thuốc nhiều thế? Ho rồi lại làm khổ vợ, khổ con…”. Cu Đoài hể hả. Lườm vợ một cái rõ dài “Tưởng là chết nên người ta cũng hút để chết cùng cho vui…”.

Hôm sau, hai vợ chồng lọ mọ đèo nhau đi sắm đồ giỗ. Gà chi mà đắt. Một cân hơi cũng gần trăm ngàn. Oạch!... Chiếc xe đạp ngã chổng kềnh. Gái quay lại, “Ối giời ơi! Vỡ hết trứng rồi! chồng ơi là chồng. Chục trứng cũng ngót ba mươi nghìn đấy. Tiền tui chở gạo chứ có phải tiền chùa đâu”. “Thì có phải tại tui đâu. Tại cái đường bé tý mà cái mông bà kia to quá oánh hết vào xe…”. Cu Đoài cúi gằm mặt xuống, thỏ thẹt vào tai vợ “Có chi về nhà. Thiên hạ họ cười cho”. Thế là đi tong chục trứng. Bà bán con gà trống thiến thương tình giảm cho năm ngàn, cũng là công của Gái kỳ kèo suốt gần tiếng đồng hồ nữa. Dậy từ lúc dăm ba con gà í éo, chưa kịp ăn miếng cơm nguội đã phải đi. Khổ nhiều nên nhiều khi khổ người ta cũng chằng biết là khổ. Mà từ ngày mới lọt lòng đã có khi nào Gái được ăn no đâu. Nhà có năm con, chỉ duy nhất nó là gái lại là con út nên bố nó bảo “Đặt Gái cho dễ gọi”. Thì dễ gọi thật. Ngày đầu tiên xách dép lội mương theo mẹ đi học lớp một đã bị cô giáo tóm cổ lên đọc bảng chữ cái bởi lý do cô đưa ra rất ngộ nghĩnh “Nghe chừng tên của em dễ thương quá!”. Nhà Gái ba đời là nông dân, lùi lũi sau mông trâu. Thế mà khi nó đi học cũng mở mày mở mặt ra tý chút. Cũng chẳng phải là xuất sắc nhưng cũng có cái giấy khen học sinh khá. Khi người ta chưa ra khỏi một vùng, chưa mở rộng tầm mắt thì cứ cái giấy nào chấm triện đỏ thì ghê gớm lắm, nó như một minh chứng bất di bất dịch. Nhưng khi người ta dư của cải, thừa vật chất để có thể điều khiển cái triện ở tận đẩu đâu phục vụ cho ý thích của mình thì chuyện đó quá ư bình thường. Đời lạ là thế. Cũng may ba đời nhà Gái chưa có ai bước qua nổi triền đê chênh chao lưng mẹ còng ra cắt cỏ cho bò. Khi cái Gái cầm giấy khen về, cả họ hàng từ già tới trẻ, từ gái tới trai, từ bên nội tới bên ngoại ai ai cũng ton ton chạy sang dòm một cái, ngó một cái, sờ một cái. Ra đường, vênh mặt “Đấy! Cái Gái họ nhà tao đấy, giỏi thiệt!”. Đích thân tộc trưởng ngỏ ý với gia đình Gái nên đem cái giấy khen đi ép lụa cẩn thận, bỏ vào khung, treo trong nhà thờ họ để mỗi dịp lễ, tết cho cả họ được chứng kiến và học hỏi. Bác tộc trưởng là người có vị thế cao nhất trong họ. Không đồng ý tức là phản đối lại cả họ. Mà phản đối lại cả họ là bị loại trừ ra khỏi họ…Và cứ kỳ nhông kỳ đà kéo dài mãi hai chữ “nếu không” sẽ đồng nghĩa không yên ổn. Cha gật đầu. Mẹ gật đầu. Các anh gật đầu và Gái cũng gật đầu.

Thấm thoát thế mà đã mười mấy năm. Tờ giấy khen lớp một đã hoen ố vẫn lủng lẳng treo trong nhà thờ. Giờ đây, lúc băm chuối cho lợn Gái vẫn ngẩn ngơ tiếc. Tiếc cho sự dở dang học hành khi lên lớp hai gia đình không có tiền đóng học phí. Cả họ tộc có dịp bàn ra tán vào. Đi đâu gặp ai hỏi, Gái cũng bảo “Vì hoàn cảnh, cháu phải nghỉ học”. Nhưng trong bụng, Gái lại mừng quýnh bởi không phải thức dậy sớm ê a đọc thuộc lòng bảng chữ cái và mấy bài thơ “Lớp một ơi! Lớp một/ Đón em vào năm trước/ Nay giờ phút chia tay/ Gửi lời chào tiến bước…”. Không bị cô giáo mắt cận, nám má, răng vẩu quật cho hai cái đau điếng vào tay mỗi khi bị mực dây bẩn. Không bị thằng Minh “ỉn” con bà Tư bán cháo lòng đầu chợ chọc ghẹo “nhà quê”...Suy ra đi học là chịu khổ đủ chịu khó trăm bề; không đi học là điều may mắn. May đến nỗi năm mười bảy tuổi Gái lấy được cu Đoài và sinh một chặp ba đứa con luôn. Người ta là hoa đất, càng đông con càng vui cửa vui nhà lại có chỗ dựa khi về già ốm đau. Hậu vận đó không biết khi nào được hưởng, còn hiện tại còng lưng, toét mắt mà đói vẫn đói. Cả tháng lũ trẻ được ăn duy nhất hai bữa thịt vào ngày mười lăm và ba mươi. Chúng mút tay từng ngày chờ đến hai ngày đó. Thương một mà xót mười. Thịt cũng chẳng ra thịt. Chỉ là mấy thứ bèo nhèo, bạc nhạc vụn vặt còn sót lại, bà Khê bán rẻ cho tý chút. Có khi bà thương tình còn cho thêm mấy miếng da lợn sề đầy lông, dai ngoằng. Thế cũng là quý hóa. Thằng út răng hàm trên chưa mọc đủ cũng trệu trạo nhai, nhai không được nó nuốt chửng. Có lần làm cả nhà hốt hoảng một phen vì nhai không được nuốt chửng thế là bị nghẹn. Nghẹn hơi mới khổ chứ. Nó nấc từng đợt liên hồi, nói không ra tiếng, mắt nổi lòng trắng. Gái tinh ý, lẳng lặng đi vào bếp trở ngược thanh củi đang cháy. Ngày xưa mẹ Gái bày cho kinh nghiệm dân gian thế. “Phù!” – Gái vừa đi ra thì thằng út cũng đã mỏm mẻm cười. Kể từ đó cả nhà nhường cho nó phần thịt bạc nhạc chứ không bao giờ cho nó chạm đũa vào miếng da luộc chấm muối ớt. Nó ăn ngấu ăn nghiến, ăn hết phần lại thòm thèm, nuốt nước miếng ực rõ to. Gái thương con, nhè răng nhai nhai miếng da cho mềm rồi trún vào bát cho con. Thằng bé lại chứng nào tật nấy, nuốt lấy nuốt để cứ như là nước miếng mẹ là nồi áp suất ninh nhừ miếng da. Cha nó ngao ngán, quay sang liếc vợ thở dài. Mấy chị nó ngước lên một lúc rồi lại cúi gằm mặt xuống ăn.

Ngày mai, giỗ ông. Cha mẹ lo mười, lũ trẻ vui một trăm. Trẻ con kể ra chẳng biết phân biệt rõ sướng khổ nên thành ra cũng chẳng càu nhàu, phàn nàn, than ôi than hỡi như người lớn. Thấy được ăn no, ăn nhiều thì tớn lên, còn không lẳng lặng mà ăn. Ăn xong thì đứng dậy, nếu cứ quay quảy ngang dọc thể nào cũng bị cái bạt tai của cha nó. Cái Gái ra rả dạy con “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Cứ hướng nào thuận tay gắp thì ngồi, gắp cũng phải chú ý khi người khác đang ăn để đỡ chạm đũa vào nhau bất lịch sự. Ngồi thì ngồi hình chữ bát dễ tiêu hóa và ăn được nhiều hơn ngồi hình chữ Z. Được cái con nhà Gái mẹ nói gì cũng gật, răm rắp làm theo dù ngồi mâm trên hay mâm dưới, dù ngồi với bà già hay trẻ choai choai. Thành thử cũng chả ai nói gì về cái thói ăn của mấy đứa con nhà Gái. Cu Đoài hãnh diện vì có vợ biết dạy con. Một lũ đầu sài chất từng tảng, tanh tanh lợm lợm.

Tối. Cái Gái lo tính toán làm món gì, đủ một đĩa hay hai đĩa. Cu Đoài tẩn ngẩn làm sao để được ngồi chiếu trên cùng bác Phốc để dò la về vụ bác đang tuyển bốc vác, phụ hồ. Lần đầu tiên cu Đoài nhăn trán tư duy. Từng nếp nhăn nối tiếp nếp nhăn chạy dọc trán rồi quay lại túm tụm nơi sống mũi. Rốt cuộc cu Đoài lăn ra ngủ lúc nào không hay. Gái thương chồng, lẳng lặng đi tắt điện…
(còn tiếp)