Trang chủ » Truyện

Tàu tốc hành phương bắc

Vũ Hồng
Thứ tư ngày 17 tháng 12 năm 2008 12:00 AM

Tia nắng buổi ban mai chiếu thẳng vào mặt khiến tôi giật mình thức giấc. Quá mệt mỏi vì men rượu chưa kịp tan trong người, tôi cứ nằm ườn người trên chiếc ghế dựa và thích thú mường tượng lại những gì xảy ra chiều qua. Một buổi tiệc họp mặt bạn bè ở Phú Nhuận. Một mái tóc dài của Thúy Phương ngày nào. Và những gì huyên náo khác nữa, để rồi cuối cùng còn lại một mình tôi nơi sân ga, sân ga Sài Gòn ướt sũng nước sau cơn mưa chiều.


Tôi cứ đứng đó và buồn bã nhìn chú cóc già nua đang ngồi âm thầm táp muỗi bên đường ray, cạnh vũng nước tù đọng, đầy rác rưởi. Chú cóc giương đôi mắt thao láo nhìn tôi khi thấy tôi ngồi thụp xuống và nói: Rốt cuộc chỉ có mày tiễn tao đến tận đây. Phương đã về rồi. cô ấy đã cùng chồng về rồi và mày cũng về đi. Tao đi thăm ba tao ít hôm rồi cũng quay về thôi mà. Nói xong, tôi mỉm cười, cảm thấy có chút niềm vui nho nhỏ.

Cuộc đời tôi có nhiều chuyến đi dài nhưng hầu như tôi chưa được một ai đưa tiễn. Tôi lấy những cuộc tiễn đưa của người khác làm cuộc tiễn đưa cho mình. Đây đó trên sân ga, vài nhóm người đứng túm tụm, nói lời chia ly bằng tay, bằng mắt, bằng miệng và bằng những nụ hôm. Thỉnh thoảng, tôi còn nghe những tiếng cười vang xen lẫn với tiếng khóc nức nở. Tôi chợt nhớ tới Phương. Có thả hồn đi đâu rốt cuộc tôi vẫn nghĩ về Phương. Hẹn ngày gặp lại, Kim! - Phương nói khi cùng chồng quay về Long Xuyên vào buổi xế chiều. Có thể - Tôi đáp khẽ khàng trong ánh mắt khả nghi của chồng nàng lúc anh ta nhìn tôi. Tôi cười ruồi nhìn những giọt nước mưa đọng trên thành toa.

- Xin lỗi, anh làm ơn cho tôi ra ngoài một chút! - Một giọng nói êm dịu thoảng qua tai tôi, thật mơ hồ.

Tôi dịch chân sang bên. Một dáng mảnh mai lướt qua đầu gối tôi. Tôi mang máng nhận ra người ngồi cạnh là một cô gái. Hồi đêm, khi bước vào ghế là tôi liền ngủ vùi, không để ý gì đến xung quanh. Có vài lần tôi bị giật mình lúc đoàn tàu lao ầm ầm qua những cây cầu và cảm thấy đầu nhức như búa bổ.

- Xin lỗi vì đã làm phiền - Nàng nói khi trở lại.

Không nhìn đến nàng, tôi chỉ nhìn những ngọn đồi lô nhô còn đọng màn sương dày đặc phía xa:

- Không có chi. Tiếc là chẳng có ai đánh thức tôi dậy để tôi được ngắm mặt trời lên ở miền Trung. Hút thuốc nhiều là tật xấu của tôi. Mình có thể đổi chỗ cho nhau được không?

- Cứ gọi tôi là Hằng - Nàng nói khi chúng tôi đổi chỗ cho nhau. Tôi thoải mái gạt tàn thuốc ra cửa sổ.

Cảnh vật miền Trung khô khốc dưới ánh nắng mặc dù bây giờ là buổi sáng. Tôi nhìn thấy những đám mì úa ngọn, những cánh đồng với đọt lúa hoe vàng và những dòng sông cạn kiệt nước. Hiếm hoi lắm đoàn tàu mới đi qua những thung lũng vàng tươi màu hoa dại.

- Nếu tôi không thấy anh hút thuốc chắc chắn tôi sẽ trúng số độc đắc - Nàng mở lời sau vài giờ lặng im - Anh đi tới ga cuối hay tỉnh nào của miền Trung?

Tôi buột miệng trong khi ý tôi chẳng muốn đáp lại câu hỏi của nàng:

- Hà Nội. Có lẽ vậy. Tôi có đến Hà Nội lúc tôi 20 tuổi và cách đây cũng đúng 12 năm.

- Thế ư? Vậy thì anh lớn hơn tôi 12 tuổi. Nhưng tôi nói điều đó để làm gì nhỉ?

- Tôi hút thuốc nhiều lắm sao?

- Anh không thấy tôi phải đeo khẩu trang à? - Nàng ngập ngừng - Xin lỗi, anh muốn hút thì cứ hút. Tôi không chịu được mùi khói nhưng tôi thích nhìn đàn ông hút thuốc.

Cho đến phút ấy tôi mới quay lại nhìn người bạn đồng hành, thật ra là vì ngạc nhiên với câu nói lạ đời của nàng hơn là ngắm dung mạo nàng. Một đôi mắt đen láy tròn xoe, nằm đẹp đẽ trên chiếc khẩu trang màu trắng, bịt kín mũi miệng. Đôi mắt ấy nhìn tôi nửa như đăm đắm, nửa như thách thức, không chút sợ sệt. Bất giác, tôi nghe tim mình như ngừng đập khi thấy mái tóc dài của nàng buông rũ một bên vai.

- Ủa, Thúy Phương!

- Đã nói tên tôi là Hằng. Ừ, nhưng cứ tạm cho là chị Phương gì đó của anh đi. Tướng tá của anh từ tối qua đến giờ như của kẻ bị phụ tình. Thú thật, lúc đó tôi cũng có chút cảnh giác vì anh say mèm. Người say rượu không lấy gì làm hay cả. Đúng vậy. May mà anh say hiền...

Tôi mỉm cười, bẽn lẽn. Tôi cũng không hiểu vì sao tôi thường bị thói bẽn lẽn trước những người con gái, mặc dù đã có biết bao cô gái đi qua cuộc đời tôi, kể từ ngày Phương lấy chồng. Sau những giây phút cuồng nhiệt đó, điều còn lại trong tôi chỉ là sự trống rỗng, giống như có ai đó đang dìm tôi vào chốn vực sâu, ngột ngạt.

Từ nhỏ cho đến năm 10 tuổi, tôi được nuôi dưỡng trong ngôi cổ tự, nhờ vào vị sư già tốt bụng. Tôi thuộc nằm lòng câu Tiên học lễ, hậu học văn trước khi thuộc hết bảng chữ cái tiếng Việt. Ngày ngày, bằng một cách nào đó, vị sư già đã gieo mầm vào trong từng góc tế bào cảm xúc của tôi hàng rào lễ giáo, và dần dần nó chiếm luôn cả bộ mặt tôi, làm lãnh đạm bộ mặt tôi trong khi từ đáy sâu của tâm tưởng, tôi lại muốn tôi được chính là tôi, cũng muốn có khi phải làm một chuyện gì đó lầm lỗi, thậm chí phải chửi thề một tiếng, để rồi sau đó ngồi gặm nhấm sự hối hận và khổ sở mà tìm niềm vui riêng trong cuộc sống đều đều, buồn tẻ.

Tháng tám, đoàn tàu càng rời xa phương Nam bao nhiêu thì sự cằn cỗi của cây cối và cát trắng càng dày lên bấy nhiêu. Gió từ bên ngoài, mang theo mồ hôi của đất, của cát, của đá đọng li ti trên những gương mặt mệt mỏi và ngái ngủ của hành khách. Tôi kề mắt vào chấn song, bơ phờ nhìn bầy vịt đứng co chân rỉa lông trên một cồn cát nổi lên giữa dòng sông Trà, và chỉ thấy toàn cát là cát. Xa xa, có vài người nông phu đứng chắp tay sau đít, buồn hiu nhìn đám lúa dần héo rũ theo con nắng.

- Ông trời thiệt là không công bằng - Nàng thở dài, buông một câu đặc sệt Nam bộ - Chỗ thì mưa thúi trời thúi đất, chỗ không có lấy một giọt.

Tôi nhìn xuống chiếc túi xách của nàng đang treo tòn ten nơi lưng ghế. Trên chiếc quay có đề tên nàng, chữ Mỹ Tho và một hàng địa chỉ. Thói quen cẩn thận của các bậc làm cha, làm mẹ khi cho đứa con cưng đi học xa.

Tôi hỏi có phải quê nàng ở Mỹ Tho không và nàng nhìn tôi với ánh mắt khâm phục. Nàng liền nói thêm là nàng đang theo học lớp báo chí tại Hà Nội và thường ngược xuôi trên chuyến tàu này. Nàng còn mời tôi, nếu xong công việc riêng, có rảnh thì ghé thăm nàng nơi một căn nhà trọ trong hẻm nhỏ ở Thái Hà ấp. Tôi chỉ gật đầu, ừ hử cho qua chuyện.

- Anh có hay đọc báo không?

- Đọc báo? Để làm gì nhỉ?

Nàng mím môi, có vẻ tự hào khi nói nàng có rất nhiều bài thơ đăng báo.

- Nếu nông dân ở vùng này ai cũng biết làm thơ thì tốt biết mấy

- Chi?

- Mùa này họ sẽ tha hồ tưởng tượng có mưa.

Nàng phì cười và đấm vào vai tôi khi hiểu ra tôi nói đùa. Cú đụng chạm vô tình đó bất giác khơi gợi lại những gì mà tôi đã dồn nén bấy lâu nay. Tôi ước ao được vuốt ve mái tóc dài mượt của nàng và buông thả cho ý nghĩ của mình trượt dài trên cơ thể của nàng.

Không. Không được để mình run rẩy trước đàn bà con gái - Tự dưng từ đâu đó vẳng ra lời giáo huấn quen thuộc của vị sư già. Nỗi khát khao, thèm muốn dâng đầy trong tôi lúc ấy chợt chùng xuống như đàn đứt dây. Tôi quay mặt đi, tránh nhìn vào đôi mắt của nàng để giấu kín ý nghĩ không tốt vừa rồi.

Hai tâm trạng đồng sống trong một thể xác như con người có hai bộ não, lúc nào cũng đối chọi nhau, có lẽ đó là sự đau đớn khổ sở nhất. Tại sao tôi không dám sống thật như mình nghĩ nhỉ? Câu hỏi ấy đã ám ảnh tôi suốt những năm dài. Nó đã gây cho tôi sự sợ hãi cô đơn. Có đôi lần tôi phải tự tìm chính tôi trong men say, tìm tôi trong chính người đối diện chuyện trò, dù đó là một người đàn ông hay đàn bà, là một chàng trai hay cô gái, xa lạ cũng được mà thân thiết cũng được, tôi không cần biết, chỉ biết là có người trò chuyện cùng mình giữa đêm khuya thanh vắng.

Những bài học về đạo đức mà vị sư già đã truyền cho tôi từ tấm bé lúc nào cũng giống như một đường ray mà đoàn tàu tốc hành này có phóng hết tốc lực vẫn không dám đi chệch hai đường thẳng song song ấy. Giữa mùi cát nóng ngột ngạt, giữa mùi mồ hôi người và mùi măng rừng phảng phất trên những phần cơm trưa dang dở, tôi vẫn nghe như đâu đó, chờn vờn trong không khí. mùi hương con gái của nàng. Đoàn tàu sẽ đến ga cuối vào sáng mai vậy tại sao bây giờ tôi không dám tận dụng thời gian để tán tỉnh nàng nhỉ? Tại sao tôi không dám tán tỉnh nàng khi mà tôi cũng có ý thích nàng? Tại sao lúc nào tôi cũng cứ phải đem Phương của ngày xưa để làm hàng rào tự giam mình trước bao con gái khác?

Tôi khẽ liếc nhìn nàng. Nàng đamg lim dim mắt, ngủ trưa. Những người con gái ngủ trưa như có một cái gì đó trễ nải, mà đẹp. Tôi mặc sức chiêm ngưỡng mái tóc nàng bằng mắt và bằng sự tưởng tượng rằng dưới lớp khẩu trang kia là đôi môi chúm chím, hé mở như gọi mời. Sự tán tỉnh bằng sự tưởng tượng thường đẹp hơn bằng lời. Trong sự tưởng tượng dường như có sự thăng hoa của chốn thiên đường và có điều tội lỗi của chốn địa ngục. Trong phút chốc, cái oi nồng trên toa tàu chật hẹp không còn làm tôi thấy ngột ngạt. Tôi có cảm giác mình đang trườn người giữa dòng suối trong vắt, mát lạnh và xung quanh tôi là những đàn bướm đang bay lượn rực rỡ sắc màu.

- Anh thật tốt - Bất giác, chiếc khẩu trang hơi động đậy. Nàng mở mắt nhìn tôi như chế nhạo - Và hiền như cục đất...

Tôi gãi đầu, lúng túng vì bị bắt quả tang khi nhìn trộm nàng ngủ:

- Hiền? Có thể nhưng chưa chắc...

- Những người đàn ông khác đi cùng chuyến xe thường tìm cách trêu ghẹo tôi, thậm chí kể chuyện tiếu lâm cho tôi cười khi tôi không muốn cười, chỉ muốn ngủ. Lúc nãy tôi giả ngủ để được nghe anh đánh thức nhưng anh lại câm như hến, không nói lời gì.

- Nói gì bây giờ?

- Thì kể cho tôi nghe về vợ anh, con anh. Sao lại không nhỉ? Tính lầm lì, ít nói của anh đang làm tôi tò mò đó nghe.

- Tôi đi chuyến này để biết nơi ăn ở của ba tôi ra sao. Nghe nói ông ấy bị bệnh nặng từ mùa xuân. Bệnh già. Hồi đó ổng ở R, bị thương và được đưa ra ngoài này điều trị hồi năm 73. Tỉnh nào bây giờ à? Hà Nam. Sau mẹ con tôi, ổng có cưới thêm một bà y tá người Hưng Yên. Năm 80, ổng có trở về miền Tây thăm chúng tôi. Vì quá thương mẹ bị bỏ rơi nên đứa em gái tôi đã xúc phạm đến ổng. Từ ngày đó đến nay ông không thèm về nữa. Đứa em gái tôi đã cùng chồng sang làm ăn ở Campuchia. Tôi cùng mẹ tôi làm ruộng ở gần sông Hàm Luông.

- Không vợ con?

- Không. Chưa thì đúng hơn. Mà có lẽ không cũng tốt. Tôi không biết phải nói sao. Tôi không có khiếu nói chuyện cho con gái chịu về làm vợ tôi.

Sự tán tỉnh bằng cách tỏ ra nhút nhát đôi khi có tác dụng hơn sự tỏ ra mạnh bạo. Tôi thấy nàng lộ vẻ xúc động. Nàng làm duyên bằng cách đưa tay gạt những sợi tóc mai bị gió lùa qua mắt:

- Tôi rất quý những người như anh. Tôi không ngại khi phải nói lên điều đó.

- Đừng khen tôi bởi nó sẽ làm tôi hư hỏng!

- Sao?

- Tôi vốn mắc căn bệnh kỳ lạ ấy từ nhỏ. Buổi sáng ai khen tôi tốt tức thì buổi chiều tôi sẽ làm điều xấu. Và ngược lại. Tôi không hiểu sao tâm tính mình lại ngược ngạo như vậy. Nó giống như một người ở dưới chân núi cố tìm mọi cách leo lên đỉnh núi, và khi đã lên được đỉnh núi rồi thì lại tìm mọi cách trở xuống chân núi vậy.

- Tôi không tin là anh chỉ làm ruộng.

- Tôi có qua vài năm học văn tại trường đại học và đó cũng là nơi tôi bị phụ tình. Xế chiều hôm qua chúng tôi có gặp lại nhau trong cuộc họp mặt bạn bè cũ. Cô ấy đi cùng chồng. Phương mười năm trước hơi bị giống cô bây giờ và tôi cũng cầu mong thời gian ngày xưa đừng lặp lại.

Thế ư? - Nàng chỉ thốt khẽ như thế rồi lặng im. Tiếng loa trên trần khọt khẹt một lúc rồi vẳng ra giọng phát thanh viên báo là tàu sắp qua đèo Hải Vân. Không ai bảo ai, chúng tôi đều ngoảnh về phía biển.

Biển với những dãy núi nhấp nhô và mặt nước hắt lên màu xanh da trời phẳng lì, cùng bãi cát tỏa ánh lân tinh dưới nắng.

Đoàn tàu chạy chậm hẳn lại như một bà già đi chợ.

- Xin lỗi!

- Về cái gì?

- Về sự giống nhau tình cờ giữa Phương của anh và tôi. Có thể điều đó làm anh không vui.

Tôi lắc đầu:

- Người đẹp chỉ nên ngắm từ xa. Cô là một cô gái đẹp. Tôi đoan chắc vậy mặc dù tôi không thấy gì dưới lớp khẩu trang kia ngoài đôi mắt và mái tóc của cô.

- Tên em là Hằng.

Nàng bất ngờ thốt nên tiếng em khi đoàn tàu chui vào một vòm hang tối om. Có lẽ do một phút xúc động bốc đồng hay do cảnh vật hoang sơ và hùng vĩ mang lại mà nàng tự động ôm lấy vai tôi. Thú thật, ngay lúc đó tôi hơi lúng túng, nhất là khi tàu vừa ra khỏi hang và tôi bắt gặp ánh mắt của gã đàn ông trung niên phía ghế bên kia nhìn sang.

Lắc nhẹ đôi vai, tôi cố tránh bộ ngực nhỏ nhắn của nàng. Thêm một lần nữa, tôi lại trốn tránh tôi. Tôi tỏ ra giữ khoảng cách với nàng trong khi thâm tâm tôi chỉ muốn cùng nàng lạc vào một chốn thâm sơn cùng cốc nào đó, chỉ có chúng tôi với nhau. Và chúng tôi sẽ lẫn vào nhau như thể mặt trời, mặt trăng trong một phút giây nhật thực.

Nàng nói mà như khóc:

- Chắc anh sẽ cho em là đứa con gái hư đốn nhất trên đời. Em cũng không hiểu sao mỗi khi ở trong bóng tối là em cảm thấy sợ hãi đến cùng cực. Hồi nhỏ, trong những cơn sốt mê man, em đều có cảm giác như cả bầu trời đang sụp xuống, chẹn lấy người em đến nghẹt thở. Bác sĩ nói tim em có vấn đề. Anh hãy quên chuyện khi nãy đi. Cho là không có gì đi. Tụi mình lúc nào cũng là đôi bạn đường tốt.

*

Mùa hạ, càng dần ra phương Bắc, khí hậu càng nóng như nung cả con người ta lên, mặc dù ngoài kia trời đã ngã về chiều, buổi chiều Quảng Trị.

Tôi đứng ở đầu toa với chai Nếp Mới mà tôi mua ở ga Huế, âm thầm nhìn đồi sim lướt vùn vụt qua ô cửa nhỏ. Tôi chợt nhớ tới mẹ tôi giờ này lủi thủi một mình trong căn nhà lá ven sông và tôi cũng không hay mình đang uống rượu.

- Lại muốn say mèm như đêm qua à? - Nàng đến bên tôi tự khi nào và cất tiếng cằn nhằn như của một đứa em gái đối với anh trai.

- Có đâu. Chỉ là ngắm cảnh chiều. Ờ, tôi thích nhất là buổi chiều. Tôi có một người bạn quê ở vùng này và hôm đi anh ấy gởi nhờ theo tôi cái nhìn để nhìn dùm quê hương của anh ấy. Mẹ anh ấy mất hồi năm ngoái, lúc đó anh ấy ở cách mẹ mình hơn một ngàn cây số.

Nghe xong câu nói của tôi, nàng lặng lẽ đứng đó, buồn hiu. Tôi và nàng cùng nhìn đêm Bắc miền Trung tràn vào toa tàu. Khí hậu khắc nghiệt và men rượu làm tôi thấm mệt. Trong cơn chếch choánh, tôi thấy nàng như kiêu ngạo trong chiếc khẩu trang bịt kín mũi. Tôi thấy Phương như kiêu hãnh khoác tay chồng, nhìn tôi và cười với tôi cái cười nửa miệng. Đâu đó tận đáy lòng tôi vang lên tiếng nói rằng người con gái trước mặt hãy rời xa tôi ngay lập tức nhưng tôi không thốt nổi thành lời. Những cô gái có sức cuốn hút đừng bao giờ ở gần người say. Tôi thẫn thờ nhìn nàng như thấy Phương trong chiếc áo dài màu hoa cà bước lên xe hoa. Tôi thẫn thờ nhìn những nhân viên phục vụ trên tàu đi qua đi lại như những cái bóng mờ ảo và như thấy chồng Phương lúc nào cũng ném về phía tôi ánh mắt khả nghi.

Tạm biệt - Phương nói - Hẹn gặp lại, Kim!

Trong vô thức, tôi ôm chầm lấy Phương như đang ẩn, đang hiện trước mặt. Tôi hôn tới tấp lên mặt nàng như thể sợ rằng nàng sẽ vuột khỏi vòng tay của tôi một lần nữa. Tôi mặc kệ những hành khách nhìn ngó. Tôi mặc kệ những nhân viên phục vụ đằng hắng một cách ý tứ. Tôi nghe như gió càng lúc càng rít ù ù trên nóc toa tàu.

Đang chìm trong cơn mê đắm, bất chợt tôi nghe môi mình đau điếng.

Hằng đang đứng đó ôm ngực, nhìn tôi qua hơi thở đứt quãng. Tôi đọc được trong ánh mắt nàng sự giận dữ tột độ và tôi biết trong đôi mắt đẹp đẽ, ngây thơ kia, tôi đã như là một thánh nhân trên đỉnh núi cao giờ trở thành kẻ tội phạm rơi xuống vực sâu.

*

Thưa các bạn, khi ngồi viết những dòng này trong căn nhà lá ven sông Hàm Luông và cơn mưa chiều đang rơi rỉ rả ngoài kia, tôi vẫn còn nghe văng vẳng đâu đây lời của vị sư già nơi ngôi cổ tự thuở xưa; tôi vẫn như còn nghe vị mằn mặn của máu trên môi, tiếng khóc thất vọng của Hằng và tiếng chai rượu vỡ giòn tan trên đường ray trong cái đêm đoàn tàu lầm lũi đi qua ga xép.

Hà Nội và Bến Tre, mùa hạ 1998