Trang chủ » Truyện

Cũng vừa vừa thôi

Ngọc Bái
Thứ ba ngày 30 tháng 12 năm 2008 11:35 AM

Đây là câu nói cửa miệng của Viên. Thời học trò vào hạng học sinh cá biệt. Hết bậc phổ thông thi trường nào cũng không chịu đỗ. Là con một. Bố cán bộ cỡ tỉnh. Mẹ giáo viên cấp tiểu học. Thi không đỗ trường nào nhưng Viên vẫn được ưu tiên tuyển tắt vào cơ quan nhà nước. Chạy hết ngành hải quan lại sang cán bộ thuế. Rồi cán bộ kiểm lâm. Cũng khó giải thích vì sao Viên chuyển nơi làm việc nhiều thế. Làm cán bộ nhà nước rồi mà nói năng vẫn chả khác mấy cái thời học trò.
Gặp tôi ở bệnh viện, Viên bảo thầy giáo có nhận ra em không? Tôi bảo có! Viên điều trị bệnh gì? Viên nở toác miệng cười. Kiểu cười như pha nứa. Em điều trị bệnh linh tinh ấy mà! Còn thầy vẫn bệnh đau dạ dày à? Bệnh tật nó khổ thế. Cám ơn Viên vẫn còn nhớ đến thầy giáo. Em nằm điều trị ở phòng nào? Em mới nhập viện. Phòng B, giường 11 ! Vậy à? Thế thì cùng phòng với mình đấy. Thêm người chuyện trò cho vui. Mấy ngày rồi, nằm viện quá buồn.
Có người quen nói chuyện thoải mái. Em nói thật với thầy đời này cái gì cũng vừa vừa thôi. Có bệnh mới phải vào viện. Có mỗi cái thẻ bảo hiểm mà em bị vặn vẹo mãi, ai điêu hớt làm gì. Nhân viên bảo hiểm viết sai có một tí. Nguyễn Vạn Viên họ viết Nguyễn Văn Viên. Bố em là Nguyễn Vạn Hòn, sinh ra Nguyễn Vạn Viên, vùng này ai chả biết. Bảo hiểm thì nghĩ trên đời chỉ có Nguyễn Văn chứ không có Nguyễn Vạn. Nên ấn ngay chữ Văn vào. Còn bệnh viện thì nguyên tắc các giấy tờ đã có dấu đỏ son là đáng tin cậy. Giấy tờ đã không khớp thì về làm lại mới được nhập viện. Lằng nhằng mãi, rồi vẫn phải về xin bảo hiểm viết lại cái tên lót Văn thành Vạn mới được nhập viện. Em mắng cho cô nhân viên làm thủ tục giấy tờ mặt khinh khỉnh coi người như rác một trận. Đồ thối thây, nhân viên của tôi mà làm ăn lôi thôi thế này, tôi đuổi liền. Cô ta gân cổ lên cãi đấy là nguyên tắc! Có mà nguyên tắc rởm!  May là bệnh em cũng vừa vừa thôi thầy ạ, chứ bệnh nặng mà chờ giải quyết xong giấy tờ thủ tục có mà ngủ với giun rồi.
Quãng đời tuổi học trò của Viên được lôi ra quán nước cạnh bệnh viện để giãi bày. Quán nước được phát triển từ quán trà cóc năm xu ngày trước. Mấy cái ghế cóc cạnh xưa được thay bằng những chiếc ghế nhựa cho hợp với cung cách phục vụ mới. Nếu nói mức độ đàng hoàng lịch sự thì thua xa mấy tiệm cà phê máy lạnh. Bù lại, ngồi ở đây nhiều tiện lợi. Tầm mắt quan sát xa hút tận cuối đường, tha hồ ngắm thiên hạ. Thoáng khí dễ thở. Đỡ cảm giác thuốc men bệnh tật tràn ngập trong phòng điều trị. Chủ quán dễ tính, muốn ngồi bao lâu cũng được. Và tiện nhất là nói năng ồn ào không phải giữ ý. Cứ cái điện thoại di động trong tay lúc lúc lại có chuông réo. Hôì học phổ thông em cãi thầy về câu thơ “ chết như sống anh hùng vĩ đại”, thầy giảng đấy là chất anh hùng ca, người chết rồi mà sự nghiệp vẫn sống. Em thì trả lời thầy, câu thơ ấy không hiện thực, chết là chết. Như câu thơ em đọc của ai đó chết là hết, hết đau hết khổ, hết vầng trăng sáng trên đầu, mới đúng!  Rồi thầy mắng em: cậu chỉ nói linh tinh. Câu thơ chết như sống biểu lộ ý chí của thời đại. Phải hiểu nghĩa bóng chứ nghĩ thô thiển như cậu thì còn gì là thơ nữa. A lô a lô, Viên đây, mình đang ngồi ở quán nước cạnh bệnh viện. A, sớm nào cũng trốn viện dăm chục phút, bệnh nhân cá biệt mà. Này, chớ cho cánh phóng viên nó biết con đường tắt tuồn gỗ giấu sau trạm mình đấy. Nó mà biết là phiền phức lắm. Tốt hơn hết là giúi cho nó mấy đồng, thật thân ái, rồi lừa nó biến! 
Chuyện thường ngày ở cơ quan ý mà thầy. Đừng chấp chúng em. Bây giờ nó thế. Đối với chúng em tất cả là tiền. Mà tiền thì có người đổ mồ hôi sôi nước mắt, có người thì hái như lá rừng. Bọn em làm cái nghề kiểm lâm phải dựa vào rừng mà sống. Không có rừng thì lấy đâu ra gỗ. Không có gỗ thì lấy ai buôn gỗ? Không có người buôn gỗ thì bắt ai? Mà thưa thầy, bọn em cho ai lọt thì được lọt, không cho ai lọt thì một mẩu gỗ cũng không thoát. Chúng em phải nhờ vào đám thợ to. Mà thợ to thì có ô có lọng. Mình giả vờ cho nó thoát, nó phải biết điều với mình. Nó nuôi mình, mình nuôi nó. Có người bảo bọn em ăn bẩn. Nhưng khối người còn ăn bẩn hơn chúng em. Tội gì phải gìn giữ để mốc meo mồm. Hôm trên lớp em cãi thầy chắc thầy giận lắm? Em nhớ, thầy cho em điểm 1 vì trả lời không đúng lời thầy giảng. Đến bây giờ em vẫn nghĩ làm sao chết như sống được, phải không thầy? Viên lại ngửa cổ cười như pha nứa. Cũng vừa vừa thôi thầy nhỉ. Thầy dậy văn chúng em, mà văn thì nói thế nào chẳng được. Thầy còn nhớ hôì ở chỗ sơ tán không, chính em bắt trộm vịt của hợp tác xã. Ông chủ nhiệm cất công rình mà chả bắt được ai. Có ý ám chỉ em, nhưng ông chủ nhiệm ngại, vì bố em làm thương nghiệp, sợ gây khó dễ khi phân phối hàng cung cấp. Nhà em chả đến nỗi thiếu thốn, nhưng tính em ngỗ ngược. Em rủ mấy đứa vào tận trong rừng lấy củi nướng thịt vịt ăn. Nhưng có chuyện này hôm nay em mới nói với thâỳ. Hôm đến chỗ thầy ở, thấy thầy ăn cơm với muối ớt tội quá, em đã lén đem biếu vắng mặt thầy miếng thịt vịt để vào trạn bát của thầy, không ngờ thầy bị eo sèo. Em biết thầy không ăn miếng thịt ấy, nhưng em không dám lộ diện ăn cắp. Em sợ trường kỉ luật. Em hại thầy. Em ân hận suốt. Kìa, đến giờ uống thuốc, về  thầy nhỉ!
Tôi nghĩ: cậu Viên này có cá tính mạnh!
Bà hàng nước nói: cậu này liều lĩnh nhưng biết điều!
Cũng vẫn như sáng hôm trước, Viên lại rủ tôi ra quán nước. Ngồi giam mình trong phòng khác gì tù hình. Ra ngoài nó phóng khoáng thầy ạ. Có đến viện mới càng thấy đủ các kiểu dạng người. Một xã hội thu nhỏ. Chỉ cần nhìn những gương mặt bệnh nhân và người nhà của họ đủ phân biệt giàu nghèo sang hèn khinh trọng, tử tế không tử tế. Ông già mặt hốc hác kia đi chăm con gái hàng tháng trời rồi. Nó bị lừa bán sang Trung Quốc, thân tàn ma dại mới lần mò về, chắc còn lâu mới hết nằm viện. Cái bà mặt tai tái kia bị chồng hồi trẻ ruồng bỏ để đi theo gái, giờ ông ấy ốm quặt quẹo mới mò về để vợ chăm sóc. Cái nhà chị kia đi chăm chồng bị bệnh ung thư mà ăn quà như mỏ khoét. Cái cậu bảnh trai đó đưa mẹ vào viện, đi mua nước mà mặc cả từng đồng. Cô con gái hơ hớ kia đi trông người ốm mà quần áo hở được chỗ nào là tranh thủ hở bằng hết. Còn cái nhà cô tiểu thư đài các mặt cứ vếch lên trời đó, đưa tình nhân là xếp vào viện cưỡi xe bóng láng lượn đi lượn lại mỗi ngày hàng chục lần. Cái cô người Bản San kia, nghe đâu chồng bị hát i vê, khó mà qua nổi. Thì ra bà chủ quán chỉ ngồi đấy mà chuyện gỉ chuyện gì cũng biết. Di động réo. Được rồi được rồi! Thanh tra hả? Thanh tra thanh bố thanh dì. Nếu có phong bì thì sẽ thank you! Cứ phương châm giải quyết như thế nhé. Không sợ đâu! Bao giờ ra viện tính sau. Viên đóng máy di động, lẩm bẩm: phiền hà, bao giờ cho hết phiền hà!
Gần trưa thì có đến hai đám ma đi qua. Đám trước có hẳn mấy ô tô chở hoa. Người nhà đồ tang đen, xe đưa ma rất sang, rất nhiều xe nối theo nhau, xe tang bị những bức trướng che khuất không nhìn rõ quan tài, không mấy người khóc. Chắc người chết vào hàng sang trọng. Đám sau ít hoa hơn, nhìn rõ ảnh chân dung người chết. Chiếc áo quan được thợ bọc nỉ có dây tua riêm rúa chuyển động theo xe, gió đưa lất phất. Đám con cháu đồ tang trắng. Khóc gào thảm thiết. Viên kéo tay tôi chỉ: thầy có biết cái hòm gỗ kia được gọi là gì không?  Gọi là quan tài. Hay còn gọi là áo quan nữa! Lạ thật, lúc sống thì làm dân mà lúc chết lại được mặc áo quan! Thành ma rồi mới được làm quan. Em nghĩ dân mình thích đùa đáo để. Có người giải thích ngày xưa có anh khát vọng làm quan quá, chạy chọt mãi mới được vua ban cho chức quan coi nghĩa địa. Anh ta mừng quá vỡ tim mà chết tươi. Người nhà đóng hòm xác gọi là áo quan để thoả lòng người chết. Từ ấy mọi người quen mồm gọi áo quan, thành ra ai chết cũng được mặc áo quan. Những chiếc áo quan là gỗ cả đấy. Mà gỗ thì liên quan đến nghề của chúng em. Cánh đầu nậu có giấy phép buôn gỗ đóng áo quan, nhưng lợi dụng thuê dân vào rừng hạ sát bao nhiêu gỗ quí. Gỗ áo quan nhiều đến thế thì lấy đâu ra người chết để chôn? Cánh đầu nậu cãi: không chôn người chết thì chôn người sống. Khối nhà lịa gỗ kín mít khác gì nằm trong quan tài. Không biết mai sau triệt hết rừng thì tìm đâu ra gỗ làm áo quan?
Tôi nghĩ: lời lẽ cậu Viên này có cả tính ma cả tính người.
Bà hàng nước nói: cậu này nói khó nghe nhưng hơi bị đúng.
Thầy giáo bảo em chỉ có mấy năm mà chuyển nhiều cơ quan thế là sao? Cũng như thầy đang dậy học lại chuyển sang nghề viết báo vậy thôi. Mình nói rồi, không gọi mình là thầy nữa cơ mà. Mình mất dạy sang làm báo có lý do của nó. Nhưng thầy ơi, các cụ bảo: nhất tự vi sư, hồi thầy dậy văn, em học biết bao nhiêu là chữ của thầy. Nhưng chữ thầy giả lại thầy từ lâu rồi.
Em nghĩ nghề nào cũng có cái hay cũng có cái dở. Hay, là mình được làm đúng sở trường của mình, đúng nghề của mình. Mà dở là học một đàng làm một đàng, lộn tùng phèo. Thầy có thấy không, đầy người được sắp xếp trái khoáy, ối chỗ ngồi nhầm ghế, có người học ngành chăn nuôi gia súc lại đi làm sinh đẻ có kế hoạch, có người học xây dựng lại ra chỉ đạo nông nghiệp, có người học bách khoa lại ra làm bảo tàng, có người kĩ sư nông nghiệp lại đi coi kho, người học văn làm bảo vệ cơ quan, người học sử đi làm địa chính. Chỉ có lái ô tô không học không lái được. Ngành y không học không thể là bác sĩ. Ngành sư phạm không học không ai cho lên bục giảng bài cho học trò. Em tính chỉ có mấy ngành phải học hành tử tế. Còn em chẳng học ngành gì nên ngành gì em cũng làm được. Thày xem, có ông học hành vá víu mà cũng còn thăng tiến thì em cứ vào cơ quan rồi đi học sau cũng chả muộn.
Hồi bố em xin cho vào hải quan. Chuyên môn chả biết cái mù tịt gì, họ xếp cho chân chạy loong toong điếu đóm. Chán. Bữa ăn họ rủ ra quán. Mà bọn họ sành ăn lắm, toàn gọi những thứ đặc sản. Em chi tiền. Họ bảo bố em quan to thiếu gì tiền. Chi ra trả học phí ngu. Chi ra để mà tồn tại. Không chịu được bị coi thường, em bỏ liền. Nhưng bố em còn làm việc, vẫn xin cho em được vào ngành thuế. Hồi em ở thuế, có thằng nhập nhèm, thu thuế một đằng ghi sổ một đằng. Thằng này ăn vụng nhiều lần rồi. Em nói bỗ vào mặt nó, nó lại bảo em là vô học. Thì nó cũng học kiếm được cái bằng rởm, bằng gia công, hơn em mấy đâu mà đã vội khinh em. Bất ngờ em đấm cho nó một quả. Nổ đom đóm mắt. Em bỏ làm luôn. Không thèm ở với quân đểu cáng.
Giờ thì em làm cán bộ kiểm lâm. Qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn. Nghề bắt bớ với kiểm tra rừng, ai chả làm được. Nhưng không có nó giữ trật tự ở chốn đầy lục lâm thảo khấu thì cũng loạn. Em được phân công về trạm kiểm lâm Dốc Lim. Mấy lần bắt gỗ lậu được thưởng, rồi được phân công phụ trách trạm. Phất phơ ca la điêng mà sẵn tiền ra phết thầy ạ. Cữ em được đến đâu hay đến đấy. Cũng vừa vừa thôi, thầy ạ. Còn thầy có là tấm gương thì em cũng biết. Để em trọng, chứ lương ba cọc ba đồng, không noi theo được. Thầy thông cảm, bọn em thực dụng. Không đủ tiền tiêu là xẹp.
Nhưng mà tham lam quá cũng chả để làm gì. Chết có mang theo đi được đâu. Bố em khi còn làm việc, không mấy ngày là không có người thậm thụt mang quà đến. Có người bảo muốn được cất nhắc cứ gặp mẹ em. Quà mẹ em không dùng hết lại tuồn ra chợ. Có lần người ta mang quà đến biếu, mẹ em nhận ra liền chai rượu ngoại, mẹ em mới gửi bán hôm trước. Tiền của mấy rồi cũng hết. Bố em rất sợ cô độc. Bố em bảo lúc còn làm việc vun đắp cho mấy người thành đạt mà bây giờ chả thấy mặt ai. Em bảo ở đời nó thế. Phù thịnh, ai phù suy. Bố em khuyên giờ phải đi bằng chính đôi chân của mình. Em bảo may cho bố nghỉ thế là vừa đẹp, còn làm nữa người ta lợi dụng bố, bố lợi dụng người ta, làm hỏng khối người, tham lam chỉ tổ dân chửi, rồi chết chẳng nhắm được mắt. Em mừng là sau đó bố em thanh thản. Chứ như ông Thành Cát đấy, cũng do bố em giúp đỡ cất nhắc, lúc đương chức bao nhiêu đất đai, bao nhiêu tiền của, đùng một cái, bị tai nạn giao thông, chết tươi. Tham quá trời phạt  đấy.
Tôi lặng im.
Bà hàng nước góp lời: người ta ai không phải qua vòng sinh tử.
Tôi chợt nhớ cái ông Thành Cát. Lúc làm anh cán bộ phường cũng đã lắm chuyện. Cái cơ quan phường bé teo teo mà nhét mấy người nhà vào làm. Bao nhiêu đất đai ngon lành họ hàng ông ta đều có phần. Đã có lần đến phường xin đóng dấu hồ sơ cho con đi học, thấy ông ấy vòi tiền dân về chuyện bán đất. Rồi bao chuyện ngang tai trái mắt tôi đã gặp nơi này nơi kia, kẻ nịnh người tham, kẻ mua danh, người hợm hĩnh, đủ cả. Tôi định bụng bỏ nghề dạy học sang làm báo để có điều kiện viết những bài cảnh tỉnh những người cửa quyền nhũng nhiễu, không vì dân. Hơn nữa, ở trường tôi lúc ấy đang có cảnh chia bè kéo cánh. Tôi không muốn đứng về phe nào nên đã bỏ nghề dạy học xin đi làm báo. Viết những bài nhàng nhàng thì dễ in. Nhưng viết sự thật gai góc thì khó lọt qua Tổng biên tập. Tôi đành viết tiểu phẩm nói xa nói xôi. Một lần tôi viết tiểu phẩm về ông nghiện đất, cứ nơi nào mở đường mới trong thành phố là ông ta có mấy xuất đất làm nhà, để rồi ông bán, ông còn chiếm lô đất lớn trong nghĩa trang, người ta bảo ông ăn đất người sống, ăn cả đất của người chết. Ông Thành Cát đọc ở đâu đó bài tiểu phẩm, liền đến tận toà soạn phản đối. Tôi bảo đấy là tiểu phẩm, có nêu tên ông đâu. Còn nếu đấy là chuyện của ông thì tôi sẵn sàng điền tên ông vào bài báo. Ông ấy đỏ mặt bảo thôi. Đến khi ông ấy giữ chức vụ cao hơn, vẫn có ý thâm thù, yêu cầu báo bãi bỏ ngay cái mục tiểu phẩm, không cho in những tiểu phẩm tôi viết.
Viên nói: trời cho mỗi người cốc nước, ai uống nhanh thì chóng hết. Nên cái gì cũng vừa vừa thôi thầy nhỉ. Cái chết của ông Thành Cát thương tâm lắm. Vừa mua được chiếc xe camry, ông ấy tự lái về quê ra oai với dân làng. Ai ngờ tránh con trâu, đâm ngay xe xuống ruộng. Ông ấy mở cửa xe lao ra, đầu cắm xuống bùn, chết sặc. Người độc miệng bảo lúc sống ông ấy tham ăn nhiều đất nên chết cũng được ăn đất.
Tôi nghĩ: cậu Viên này cũng thấm lẽ đời.
Bà hàng nước nói: chuyện cậu Viên nghe ghê ghê.
Kết thúc những ngày nằm viện, Viên lại kéo tôi ra quán nước để chia tay. Viên bảo em vào viện sau lại ra trước thầy. Bà hàng nước bảo thời buổi khó khăn này mà nằm viện lâu như thầy giáo đây thì cũng khổ. Khám, người ta bảo bệnh gi? Tôi nói bệnh suy nhược cả thể xác lẫn thần kinh, chỉ thấy người càng ngày càng teo tóp, chắc còn phải ở viện ít ngày nữa. Viên bảo ở trong viện có bác sĩ giỏi, bệnh tật gì vẫn khám ra, chứ ở ngoài đời khối thứ bệnh chả ai có thể khám nổi. Thế đấy! Mà nghề giáo trọng vọng, từ dân đen tới các loại sếp đều phải gọi thầy, thầy lại bỏ, bây giờ đi viết báo. Ai sợ gì báo mà viết. Khi nào thầy ra viện, em sẽ mang xe đón thầy đến cơ quan em, không phải để viết báo, mà để em đãi thầy một bữa đặc sản. Để biết thế nào là Nguyễn Vạn Viên, học sinh cũ của thầy. Viên cười như pha nứa. Phải bổ dưỡng vào thầy ạ, để có sức khỏe mà ngắm hết sự đời. Làm sao mà ngắm hết sự đời? Viên lại cười như pha nứa. Cũng vừa vừa thôi, thày giáo nhỉ.

30-10-2008
N B