Trang chủ » Truyện

Chiều cuối năm

Nghiêm Huyền Vũ
Thứ bẩy ngày 17 tháng 1 năm 2009 9:13 PM
     
                    Truyện cực ngắn
    
      Chiều 29 Tết, cơ quan đã vắng hoe, mỗi phòng chỉ còn lại một người trực, chờ hết giờ để dán niêm phong. Đây là một thủ tục ở các công sở trước một dịp nghỉ lễ tết dài ngày. “Niêm phong” là một băng giấy mỏng, dài hơn gang tay, rộng chừng 5 phân, có đóng dấu cơ quan. Chúng sẽ được dán “giáp lai” giữa hai cánh cửa sau khi đã được khoá bằng ổ khoá. Đầu năm, người được cử “xông đất” sẽ đến đúng giờ lành, bóc niêm phong rồi vào phòng làm những động tác “tâm linh” cầu mong trong năm mới “đơn vị” được may mắn, sếp được chia đất, chia nhà, thăng chức, nâng lương, anh em được tăng tiền ăn trưa, tiền lễ tết, nhận được đề tài khoa học béo bở để cuối năm có chút quà chia nhau đem về sắm tết (lại tết!)…   
 
     Trong phòng Sếp vẫn sáng đèn. Ông còn chưa về. Ông là người nghiêm túc, là sĩ quan chuyển ngành. Nếu tiếp tục binh nghiệp thì ông đã về hưu được mấy năm rồi. Sĩ quan cao cấp về nghỉ, lương hưu trí còn cao hơn khối người còn tại chức nhưng ông vẫn muốn tiếp tục cống hiến. Với lại khi đã nhận lương hưu thì chẳng còn khoản “phần mềm”. Lương chẳng bắng lậu, ông quyết chí chuyển ngành chạy hưu như người ta cưới chạy tang. Và ông lại thành công như vẫn thành công trong con đường phấn đấu tu dưỡng mấy chục năm qua.
      Về nhậm chức ở nhiệm sở mới, sau nhiều cú đi đêm, ông được cử quản lý một ngành có hàng chục doanh nghiệp nhà nước. Sau một năm vất vả và lắm rủi ro, nghe nhiều rầy la, nhắc nhở, năm hết tết đến, người cả nghĩ thường nhớ đến Sếp. Để mua sự yên ổn cho năm sau chắc còn khó khăn hơn trong “cơ chế xin cho”, người ta cũng thường nghĩ đến Sếp. “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” nên các doanh nghiệp biết phải làm gì.
 
     Trước Tết một hai tuần Sếp đã “têlêphôn” cho các cơ sở, thăm hỏi và không quên mời mọc: Tết lên chỗ tớ chơi nhé!
     Cuối năm Sếp vẫn rất bận, ông ngồi lì ở văn phòng, mỗi lần ra hành lang để “đi toa-lét” ông đều vội vã. Thế mới biết làm quan không phải sung sướng gì, trước ngày nghỉ công việc cứ ùn lên, không làm cố thì có mà tồn đọng thành núi, sau Tết làm sao xuể. Đã thế lại phải tiếp khách, mới tiễn đoàn này lại phải tiếp đoàn khác, chỉ tính riêng chuyện phải cười nói, bắt tay, vỗ vai đã đủ bại cả người. Các vị khách của Sếp chắc cũng sợ tồn đọng nên cố giải quyết nốt cái mớ quan hệ nhằng nhịt trong ngày cuối năm.
     Nhưng rồi khách cũng vãn. Chiều đã xế sao Sếp còn chưa nghỉ mà lại cứ nôn nao đi ra đi vào có vẻ trông ngóng thế nhỉ? Ông gọi tay chuyên viên phòng bên cạnh sang hỏi nhiều lần về một số doanh nghiệp, đại loại: “Chưa thấy thằng Văn học à?”, hay “Cái anh Khoa học kỹ thuật nó thế nào ấy nhỉ?”... Sếp còn gọi điện trực tiếp cho các cậu này nhưng lại hỏi chệch đi. Ví dụ, gọi cho “anh Văn học” lại hỏi: “Nông nghiệp đấy à? Ấy chết, tớ Xuân Đình đây, xin lỗi nhầm máy”…
      Nhưng rồi ngày cũng hết, ở nhà sắp cúng tất niên, năm giờ chiều mới thấy Sếp tay xách nách mang các loại cặp túi ra về. Gớm, ông này đảm đang ra phết, sắm Tết nhiều thế, hôm qua đã thấy cậu cả nhà Sếp chở một xe về rồi cơ mà.
      Công việc dĩ nhiên là chưa xong! Trong Tết Sếp lại làm tiếp ở nhà, lại chờ đợi, lại “têlêphôn”. Cái danh sách các doanh nghiệp Sếp đã cầm về, theo thứ tự thì đến số 54 là hết. Trong 54 số mới có 46 cái đánh dấu hoa thị đỏ, tương ứng với 46 cái phong bì mà Sếp nhận được trước Tết. Còn khối việc phải làm...lại còn phải đi “chúc tết ” thượng cấp nữa chứ, khổ thế đấy!
   Tháng 10- 2008
             NHV