Trang chủ » Truyện

Đường cong tiệm tiến

Bùi Thủy
Thứ hai ngày 5 tháng 1 năm 2009 6:20 AM
Bùi Thủy   

 Truyện ngắn

Không duyên cũng chả phải phận, trong cảnh trượt vỏ chuối đợt thi tuyển vào trạm thú y xã, nàng khăn gói đi lấy chồng. Lấy một cách tử tế. Đám cưới dình dàng hai ngày rưỡi. Mâm cỗ đầy ứ ự thịt là thịt, đủ loại thịt từ Tây đến Tàu, trừ duy nhất lòng và thịt lợn. Từ ni bà Toe bán lòng lợn đầu ngõ không còn cong cái mồm đi xoi mói chuyện nàng nữa. Ba đời nhà bà đi sau mông trâu, đến đời thứ tư  mà bà cũng chẳng hoàn kiếp người để nếm tý ti chút danh vọng. Ngày đẻ bà, mệ bà bảo “Mắt lươn giống cha. Con gái giống cha giàu ba cửa họ”. Nuôi cái mầm giàu ba cửa họ ấy tốn bao sập ló , bao củ khoai hà, lạc mót. Mười sáu tuổi rưỡi, bỗng dưng cái duyên đôi mắt lươn của Toe bong ra ngoài và hút hồn một anh chàng mười bảy tuổi con ông Tồ bán lòng lợn đầu ngõ. Chi phí cho một năm đi lại để tiến hành cưới hỏi, anh chàng tốn bốn xâu rưỡi lòng lợn. hai chai rưỡi ruốc  và mớ rưỡi rau thơm. Mệ Toe chả nói làm chi chứ cha Toe ăn vèo một chặp hết xâu lòng và khề khề nhất định sẽ gả nàng Toe cho anh kia vì lí do “Con gái giống cha. Phúc, Lộc bay lên trời. Tau phải ăn lòng lợn để níu Thọ ở lại trần thế”. Mệ nàng không hiểu ba cái chữ Tàu ta nửa vời đó. Ngày ăn hỏi theo sở nguyện của cha nàng, nhà trai bưng mấy mâm lòng lợn sang. Mâm cuối là ruốc và rau thơm. Cả làng ngơ ngác kháo nhau “Đám cưới là lạ a răng ấy ”. Cũng chả sao, cốt người trong cuộc hể hả là được. Cha Toe hể hả vì được hôm ăn đã đời lòng lợn. Mẹ Toe hể hả vì nghĩ tương lai của con gái bà sau ni sẽ xán lạn hơn với nghề bán lòng lợn nối nghiệp ông Tồ. Còn cô dâu Toe thì mấy ngày liền cứ cười toe toét, 12 giờ trưa đưa dâu cũng cười. Mự nguýt, dì lườm “Rõ! Vô duyên”. Nhưng chỉ dám nói thầm đủ một mình họ nghe, chứ nếu để lộ ra sau ni sang xin bát nước lòng về nấu canh cho ngọt nước cũng rầy  lắm! Xấu cháu hổ mình chứ ai. Nên suy đi tính lại họ cũng hể hả cười toang toác để tăng thêm hợp xướng cho bản hoan ca ngày trọng đại của Toe.
Nàng Toe gò má cao như hai bu nhốt gà. Họ nhà trai từ ngày đón Toe về làm dâu sợ ám cao số, chết lúc nào chả hay nên ít người qua thăm ông Tồ. Thành ra sáng sáng nhà vắng hoe vắng hoắt như chùa bà Đanh. Bù lại họ hàng nhà gái chiều chiều vẫn diễu hành xách tô sang xin nước luộc lòng lợn cho lũ trẻ có chút đạm nên cửa nhà vẫn lạch cạch tiếng bát sứ. Hơn một năm rưỡi trôi qua, nàng Toe bụng trước vẫn phẳng lỳ. Ông Tồ thở dài “Mong mãi một đứa cháu trai để nối nghiệp bán nòng nợn mà nỏ có chi cả”. Cô Toe tỏ vẻ biết điều thúc chồng sửa soạn đi khám. Ngày một. Chồng khám về “Chả sao”. Ngày hai. Toe khám về “Cũng chả sao”. Ông Tồ nghi ngờ, bảo Toe sắm chút gạo, dăm ba lá trầu, ít cau và mấy lát lòng chay. Từ khi ông khởi tổ cái nghề bán lòng lợn, tự ông có tục đi xin quẻ, bói toán đều mang lòng chay. Đúng ba rưỡi sáng hôm sau, ông lọ mọ dậy đạp xe lên thẳng nhà bà Bàng xem quẻ. Thì ra ở góc trái vườn nhà ông có cái mồ vô chủ lâu không ai hương khói. Ngày trước vùng này là nghĩa địa. Giật mình vì sự vô tâm. Ông Tồ về, bày đặt cỗ xôi với lòng lợn luộc, hai chén rượu gạo cúng nấm mồ vô chủ. Thắp ba nén hương thì hai nén cháy xoăn tít, nén còn lại thẳng đơ. Ông Tồ đắc chí vỗ đét một cái vào mông con dâu “Nhất định sinh quý tử!”.  Hai tháng sau, cái bụng nàng Toe lùm lùm nhô lên bất chấp cái áo bộ hộ loang lổ màu cháo lòng, khen khét mùi hôi nách. Đúng chín tháng mười một ngày, thằng cu lòi ra. Mắt ráo hoảnh. Mồm im bặt. Tóc vài sợi xoăn tít, vài sợi thẳng đơ. Ông Tồ lại đét một cái vào mông “Mày phải khóc để cứng rắn, thế mới làm được cái nghề của ông cháu ạ!”. Và ông đặt cho nó tên Quyết. Kinh nghiệm của ông cho thấy Quyết sẽ quyết chí, quyết thắng và...kiên quyết , nhất định đời cháu ông sẽ mở mày mở mặt.
Lên 5 tuổi, cu Quyết được mẹ Toe đèo đi học mẫu giáo. Hàng ngày chiếc xe đạp lạch cạch vẫn mải miết chở mầm tương lai của cả họ Trạch Văn đi kiếm cái chữ. Nói là đi học nhưng mẫu giáo làng cũng chỉ là nhà kho của hợp tác xã trước đây bỏ trống, ông trưởng thôn bảo mấy cu choai choai đóng dăm ba cái bàn, cái ghế thành ra một lớp học. Cô giáo mắt ốc nhồi, quần ống thấp ống cao ra rả tập đánh vần cho lũ trẻ “Be bờ e be sắc bé. Me mờ e me nặng mẹ…”. Chỉ sau hai hôm, cu Quyết nói tròn vành rõ chữ. Gặp cô giáo, Toe cười toe toét “Nhà tui có phúc gặp được cô giáo giỏi. Tui dạy con ba năm hai tiếng “mệ”, “bé” mà nó chỉ nói được “nẹ”, “né”. Tui cũng nỏ biết là con nói từ chi cả”. Từ đấy Quyết trở thành tâm điểm chú ý của cô giáo. Thường thì trong một buổi mỗi em phải đứng dậy phát âm nhiều nhất 3 lần. Riêng với Quyết thì gấp ba hoặc bốn lần thành ra cu cậu trở nên bạo dạn. Bạo dạn đến nỗi con bé hàng xóm kém nửa tuổi, mặc quần có đũng hẳn hoi mà cu cậu cũng mon men lôi gấu lên để dòm chân. Con bé trố cặp mắt lươn, rồi cong mồm mách cô giáo. Kể từ đó Cu Quyết được xếp ngồi bàn cuối. Nó vẫn hướng mắt sang con bé.  Mỗi khi cô giáo cú Vọ đến (tự nó đặt và gọi cô như thế) nó lại đánh trống tảng lờ ngước ra ngoài cửa sổ.
***
Một ngày. Chạng vạng tối. Quyết giờ đã thành chàng trai mười bảy bẻ gãy sừng trâu, cu cậu tót lên cây bòng vặt một quả bé rồi đi vòng sau chái  sang lèn  đá bóng cùng bọn trẻ con trong xóm. Ra đầu ngõ chạm mặt cô nàng hàng xóm ngày nảo ngày nào mới đi cấy về quần xắn ngang đầu gối trắng nõn nà. Cu cậu lăm băm câu tiếng Pháp từ đời cụ kỵ truyền cho ông nó, ông nó truyền cho cha nó và giờ cha nó dạy lại cho nó “Bống…bông…dua!”. Cô gái bẽn lẽn lấy ngón cái chân phải quặp để tụt gấu quần chân trái xuống rồi ậm ờ “Anh Quyết đi đá bòng à?”. “Tui đi đá bóng bằng quả bòng, chứ!”. “Thì đá cái chi mà chả mà đá!”. Cái tứ “bóng – bòng” thế mà hay. Nó làm nên một câu chuyện dài hơn ba nhăm câu rưỡi đối thoại giữa cặp nam/ nữ từ chạng vạng tối đến khi trăng nhoài đầu ngọn tre. Cu Quyết từ bỏ ý định đi đá bóng. Còn cô nàng quên luôn nhiệm vụ về nhà thổi cơm. Trong một tuần hai đứa chính thức tuyên bố yêu nhau trước sinh hoạt chi Đoàn xóm kèm theo hai xâu lòng lợn ra mắt. Ai cũng vui cái duyên tao phùng của đôi trai tài đá bòng gái tài xắn quần cấy lúa. Vợ chồng Toe hí hửng vì thằng cu Quyết biết chọn bạn gái. Nhà con bé không giàu nhưng được cái đẹp mái, dễ đẻ, dễ nuôi. Đứa nào đứa nấy tròn lẳn, chắc nịch, không ốm đau bao giờ. Tốt giống hơn tốt má. Nhưng nghe chừng cha cô nàng không ưa lòng lợn lắm. Hôm nọ, cu Quyết đến rủ M đi chơi, ông hắng giọng “Nhà này không có ngữ ăn tạp. Cái M có đi mô, ăn chi thì cũng ăn trông nồi, ngồi xem mâm nghe chưa!”. M lí nhí “dạ”. Ra đầu làng, cu Quyết nhau mày “Thế cha em có ưa tiết canh lòng lợn không?”. M  ậm ờ rồi lắc đầu cho qua chuyện. Quyết ta buồn lắm. Nó không biết phải làm thế nào để lấy lòng cha người yêu. Ba đời nhà Quyết làm việc gì cũng tiệm tiến theo đường cong độ dài khúc lòng nhưng giờ thì nó thực sự tắc tỵ. Lạ, chưa bao giờ nó thấy ai chối từ vật chất, nhu cầu thiết yếu để duy trì sự sinh tồn cá thể trong đời sống.
Về nhà. Cu Quyết hậm hực một, buồn hai, băn khoăn tám. Cái sự băn khoăn của nó kéo theo một lô xích xông những phiền toái cho cả gia đình. Toe thì hết ra lại vào, quần ống thấp ống cao cứ lo không biết sao thằng con bỗng dưng lầm lì. Bòng rụng đầy vườn nó cũng chả thèm nhặt để đá bóng. Cha nó thì cười khẩy như thể ông là một chuyên gia tâm lý bắt rõ mạch một gã con trai mới lớn “Chắc nó nhớ hơi cô nàng ấy mà”. Ông Tồ mắt mũi kèm nhèm nhưng luôn miệng hỏi “Sao thế” rồi chậc lưỡi “ Khổ thân cháu tôi!”. Cứ đều đặn 17,3 phút sau tiếng chậc lưỡi, ông lại lọ mọ thắp một nén hương cho bà vợ đã qua đời 21 năm nay. Bà ra đi thế nào ông cũng chẳng hay. Chỉ còn nhớ sáng hôm ấy trời mưa to, mưa miền Trung xói đất xối cát, bà vác cái mủng đi ra đồng mót khoai. Bà bảo “Trời mưa giông khoai trồi lên dễ mót lắm Mấy hôm ni, không đi chợ đong được gạo. Chiều tối qua sang mự H vay bát gạo mà chú M cũng làm khó làm dễ…”. Nhiều bận bà đi mót khoai ông chẳng gàn, nhưng hôm ấy chẳng hiểu sao ông lại buột miệng “Mưa gió thế, đi làm gì. Nhỡ có việc gì lại khổ thân tui”. Nhưng khi bà đi, ông cũng không ngăn nữa. Quá giờ ngọ, ngóng mãi cũng không thấy bà về. Sốt ruột, ông chạy ra đồng tìm vợ nhưng vẫn bặt vô âm tín. Ba ngày sau, mưa tạnh. Người làng đi làm đồng nháo nhác vì có một cái xác dạt lên chỗ mấy cây gỗ khô trên mạn trái sông Lam. Cách đấy không xa có một cái mủng với dăm củ khoai hà chỏng chơ. Mất đi người vợ tảo tần, ông như người mất hồn. Người ta bảo người chết đường, chết chợ thường trở thành ma đường, ma đói hay về quấy nhiễu gia đình, ông chẳng tin vì bà tính lành, suốt một đời chưa hề to tiếng với ai. Chỉ thương bà chết đói. Chết không có một hạt cơm trong bụng. Ông biết rõ bà rất thích ăn cật lợn. Kể từ đó ông mon men với nghề bán lòng lợn và tự gây dựng đời sống nên cái nghề này. Cảnh gà trống nuôi con khổ mọi nhẽ, mà khổ nhất là những đêm trắng. Phần bản năng của một gã đàn ông bừng dậy. Nhiều lần ông định ra cái quán Karaoke đầu ngã tư, nghe đâu ở đó có mấy cô chuyên nghề ấy. Nhưng ông không dám, ông cảm giác làm điều đó mang tội lớn với vợ. Cuối cùng phần lí trí đã thắng. Giờ đây nghe con trai bảo thằng cháu nhớ hơi cô nàng người yêu …ông ngẫm mà xót xa.
Cũng từ đó cu Quyết ít qua lại nhà người yêu. Cũng chả hay hai đứa xem nhau như người dưng nước lã từ lúc nào. Đụng nhau ngoài đường không chào hỏi lấy nửa lời. Vạ trẻ con người lớn lây theo. Cái M gặp Tèo ít ra cũng là bề trên, mẹ người yêu nó thế mà cái mặt nó cứ chưng hửng tỉnh bơ như không. Như thể bà là cái búa đinh đập tan mối tình của nó và con bà. Miệng nó mở hết cỡ, lộ rành rành chiếc răng sâu thứ 8 hàng dưới, chả hiểu nó cười với ai, có bạn bè đi cùng còn một nhẽ đằng này không có ai đi cùng nó cũng cười, “rõ vô duyên, nhà cháy mới biết mặt chuột!”. Cũng từ đó đi đâu bà cũng đem cái sự vô duyên đó của người con gái hụt tình với con bà kể lể. Từ quán bà Là đầu cổng làng chuyên bán phân đạm đến túp lều ông Chát con ông Chút cuối làng. Và để tăng hiệu quả cho việc hoạt khẩu, thỉnh thoảng, đến nhà khá giả bà mang theo ít dồi lợn gọi là “Cho con trẻ thay đổi khẩu vị”; đến nhà nghèo thì ít nước lòng luộc “Cho để nấu canh hay nấu cháo cho ngọt nước”. Và cứ thế, cái sự hao hụt tiền của chỉ là đếm đầu ngón tay nhưng lời thêu dệt về cô M thì cứ thế tiệm tiến từ một đến một nghìn theo đường cong khúc lòng và khối lượng nước luộc lòng. Cha cái M đạp xe ra đường tụt xích cũng không dám ngồi bỏ vào mà cứ chạy bộ dắt như chó đuổi sau lưng. Mẹ nó gánh dăm ba mớ rau tập tàng ra chợ cũng cúi gằm mặt, có khi còn phải bịt khẩu trang thì mới bán được.
Hai tháng rưỡi sau, M đi lấy chồng. Nó cũng chả thèm qua nhà cu Quyết mời gia đình lấy một câu. Thế mà mọi bận khi còn quấn quýt cu Quyết như hình với bóng, nó luôn miệng “Sau này cháu và anh Quyết sẽ…”. Chuyện tình cảm của người đời kể ra cũng lạ. Từ các vị tổng thống đầy quyền uy, các diễn viên, ca sĩ nổi như cồn đến người làm nghề quét rác, trông coi nhà xác khi  đang chút mặn nồng trong men tình yêu, ai cũng toang hoang cái miệng “Rồi sẽ…rồi sẽ….” như muốn trưng bày cho cả thiên hạ biết “Tình yêu của tôi là duy nhất” mà không biết rằng trọng lượng câu nói đó có đủ trụ trên hai đôi chân cà kheo hay không. Thì tính ra cũng có 1/5 kẻ tiệm tiến được dăm ba bước trên đôi cà kheo. Đương nhiên có đồng tiền hậu thuẫn. Kể ra hạng này phần đa là những người nổi tiếng. Khi đường ai nấy đi thì lập tức trên các mặt báo lá cải ra rả các cụm từ “vì không hợp nhau”, “vì quá bận không chuyên tâm cho gia đình”, “vì sự nghiệp”... Nói chung các vị sử dụng khá tốt vốn ngữ pháp còn rơi rớt từ bậc trung học cơ sở về cặp từ “vì…nên”. Riêng M thì nó chưa học hết tháng thứ hai lớp sáu nên thành ra không thể biện minh bằng cách “nói có sách mách có chứng” ấy được. M gặp và lấy anh chàng nửa Ta nửa Tàu đó cách ngày cưới đúng hai tuần hai ngày rưỡi. Nghe đâu có bà cô buôn bán trên tận Mường Xén giới thiệu qua điện thoại cho. Cha cái M thấy được, trút nợ khỏi cái nhà cu Quyết suốt đời lòng lợn nên gọi cả nhà họp. Cái bàn gỗ bốn chân chỏng chơ chỉ dành cho bậc trên như cha, mệ M cùng cu Tũn ngồi, cái M và cái Út ngồi đòn  nghển cổ lên mà nghe. Con gái nhà này cấm nói leo, cấm có ý kiến tự do đó là nếp nhà từ đời cụ kỵ nhà M đã thế. Bất kỳ cuộc họp nào của gia đình từ chuyện sửa cái cày, đạp ló  đến chuyện bán con tru  …đều phải có tích nước chè chát , dăm ba cái bánh khô hoặc chí ít cũng vài mẩu cu đơ. Riêng hai thứ ấy không có thì đừng bàn đến chuyện ngồi họp, tính cha M nguyên tắc là nguyên tắc. Việc họp bàn chuyện cả đời con cái phải long trọng hơn theo cấp số cộng của lượng nước chè chát và số đếm của chồng bánh cu đơ. Kết luận cuối cùng mà cha M đưa ra quá ư giản đơn “yêu nhau để lâu cứt trâu hóa bùn”. Vì thế kế hoạch yêu mặn nồng và cưới chưa đầy hai tuần cộng với nửa tuần lo chạy vạy cưới xin, tính ra cũng mất hai tuần hai ngày rưỡi. Gặp nhau lần một còn bỡ ngỡ, lần hai thì đệm thêm sau tiếng anh là nụ cười bẽn lẽn, lần ba thì nắm tay nhau đi chơi mãi tận 12 giờ khuya, lần bốn thì nhà trai vác cau, trầu, thủ lợn sang dạm ngõ, lần năm thì loa đài xập xình cưới. Thành ra người làng cũng không mấy ai biết rành mặt chồng cái M hình thù thế nào.
Từ rày, bà Toe không còn vác dồi lợn, nước lòng đi khắp làng để xoi đủ mọi chuyện cái M nữa. Cưới xong, cái M lên tận Mường Xén ở luôn với chồng. Nghe đâu chồng nó buôn tắc kè mỗi bận cũng dăm ba triệu là ít. Cũng từ đó cu Quyết đâm ra hoạt khẩu, gặp ai cũng chào. Từ đứa trẻ con bập bẹ “ậu Uyết…ậu Uyết” đến cụ già râu hàm dài hơn tóc trên đỉnh đầu. Cách chào của cu Quyết đố ai ở cái xóm ấy lễ độ theo kịp. Một tay vòng sau gáy, tay khác đưa sau lè, người gập hơi hơi giống chữ L cùng với một tràng “Dạ, chào ạ”. Dạo đầu, cả nhà hí hửng vì xem ra tâm lý cu Quyết không mấy ảnh hưởng sau chuyện người yêu đi lấy chồng. Nhưng dần dà thấy tần số chào trong ngày của cu cậu tăng lên, nhiều hôm khản đặc tiếng không lùa nổi hạt cơm vô mồm thì từ ông đến cha mệ hoảng hốt rồi sợ. Bà Toe xanh mắt mèo, ông Tồ thì cứ lẩm bẩm với bát cơm trắng đầy ứ úp ngược trên bàn thờ “Lạy ba hồn bảy vía, trả lại cho cháu tôi là…”. Cũng không ăn thua. Hai ngày sau, ông Tồ lại khăn gói đi bói. Ở nhà cha Quyết đem hai quả cật lợn luộc cùng ba nắm cơm đặt lên bàn thờ cúng thì chiều hôm ấy cu Quyết trở lại bình thường nhưng cả nhà đợi mãi mà vẫn không thấy ông Tồ về…

Chú thích

    Sập ló: Tiếng Nghệ Tĩnh ( sập: chỉ tủ gỗ lớn đóng bằng gỗ. Ló: lúa). Sập ló: Sập đựng lúa
  Ruốc: cách gọi mắm tôm của người Nghệ Tĩnh
  A răng: như thế nào (tiếng địa phương)
  Rầy: Tiếng Nghệ Tĩnh , ý chỉ thẹn, ngại, ngượng ngùng.
  Sau chái: sau nhà
  Lèn: Tiếng địa phương Nghệ Tĩnh, chỉ vùng núi đá sừng sững và chạy dài.
  Đòn: cái ghế nhỏ bằng gỗ thô, thường dùng để ngồi ở tư thế thấp
  Đạp ló: đạp lúa (hình thức thủ công để tách lúa đã gặt về ra khỏi thân cây
  Tru: Tiếng Nghệ Tĩnh là chỉ con trâu
  Chè chát: chè xanh nấu đặc