Trang chủ » Truyện

Nhớ về chọi trâu

Cao Năm
Thứ bẩy ngày 17 tháng 1 năm 2009 8:42 PM
 
Truyện ngắn
 
Bà Hồng không hay xem quảng cáo trên truyền hình thành phố. Nhưng tối ấy không hiểu sao, hết bản tin thời tiết bà lại ngồi nán lại. Bỗng trên màn hình rộn vang tiếng trống "thùng...thùng, thùng...", cùng lúc, hiện lên hai trâu lực lưỡng, đen chùi chũi, chạy bổ từ hai phía lại, đâm sầm vào nhau, đầu đối đầu, cùng một giọng đọc tha thiết, dịu dàng: "Dù ai buôn đâu bán đâu; mồng chín tháng tám chọi trâu thì về. Dù ai bận rộn trăm nghề; mồng chín tháng tám nhớ về chọi trâu". Bà Hồng lắng nghe không sót một tiếng. Bỗng bà giật thột, như vừa bật ra cái gì làm con tim thổn thức, nhoi nhói, rộn rã rất khó lý giải. Chao ôi, mấy câu ca dao như gọi, như mời người gần kẻ xa bươn chải khắp bao la trời đất, đến cái ngày tháng ấy nhớ tìm về hội chọi trâu ở cái vùng quê xa ngái nào ngoài Bắc, mà sao cái buổi tối nay lại làm bà thổn thức, bồn chồn đến vậy. Bà chưa biết nơi ấy, cũng chưa hề một lần xem chọi trâu. Nhưng đã có đêm, trong căn nhà ở khu cư xá Trần Quang Diệu, bà bất chợt nghe một người đàn ông cất giọng khàn khàn như hát, như ngân mấy câu kia, giữa tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái tôn.
Đấy là một đêm tháng năm cách đây đã mấy mươi năm. Trời Sài Gòn oi nồng như sắp đổ giông. Đường phố mất điện. Căn nhà tôn giữa khu cư xá hầm hập như cái bếp lò. Nóng bức không sao chợp được mắt. Bỗng đất trời như vỡ ra, từng loạt tiếng nổ ầm ầm rung chuyển, kèm theo những tia lửa đạn như như xé toang sự yên tĩnh của màn đêm. Cô Hồng hốt hoảng chạy ra, định chốt lại cánh cửa. Nhưng chưa kịp, thì bị một loạt đạn từ đâu bay trúng bắp chân, hất cô ngã vật ra cửa. Không biết cô còn nằm đấy đến khi nao, hay máu ra nhiều lại chịu số phận hẩm hiu, nếu như không có ba người đàn ông chạy ngang qua, bỗng nghe tiếng người kêu, vội nhẩy tường vào. Ba người ấy là một tổ tam tam, thuộc một đơn vị quân giải phóng vào nội thành từ hôm trước. Vào được trong nhà, ba người xúm lại đưa Hồng vào giường, rồi mỗi người một chân một tay lấy ngay bông băng cứu thương của mình ra băng vết thương cho cô. Chân trái Hồng bị trúng đạn vào phần mềm, nhưng vết phá rộng, xé toang một mảng thịt bằng bàn tay trên bắp đùi. Cô nằm bất tỉnh, vì máu ra nhiều. Mãi mờ sáng, đang thiêm thiếp, bỗng cô chợt tỉnh, khi nghe như có tiếng người đàn ông nửa hát nửa ru mấy câu như ca dao, lại như thơ lục bát. Hồng cứ nằm thiêm thiếp, lơ ngơ nghe, lúc như xa, lúc như gần, rồi bỗng từ lúc nào cô cũng nhẩm nhẩm theo. Lúc lâu, Hồng hi hí mắt ngước nhìn người đàn ông đang ư ử hát. Cũng chỉ chạc tuổi Hồng, ngoài hai mươi một chút. Gầy và nhỏ. Trên mình vận bộ xanh lá cây, thắt đầy một bao lưng đạn, đang ngồi trên chiếc ghế cạnh giường như trông giấc cho Hồng. Một thoáng bàng hoàng, nhưng Hồng chợt nén. Thì đã thấy anh đột ngột dừng tiếng hát, quay lại nhìn Hồng, nói nhỏ:
-Cô cứ nằm nghỉ. Vết thương không hệ trọng lắm đâu.Yên tâm đi!
Nghe giọng nói nhỏ nhẹ, nhìn khuôn mặt hiền khô của anh, Hồng hiểu ngay người đang ngồi kia là ai. Hẳn anh đã ngồi như thế suốt đêm. Bởi vừa thoáng nhìn khuôn mặt anh, Hồng nhận ngay ra nét mệt mỏi và một đôi mắt đỏ ngầu, vì thiếu ngủ, như đã nói thay điều Hồng chợt nghĩ. Hồng cũng không hiểu sao, sau hàng chục tiềng đồng hồ thiếp đi, khi nghe tiếng hát rì rầm của người đàn ông xa lạ bên tai, Hồng lại bỗng tỉnh giấc, nói ngay được câu mà mãi sau này, mỗi khi nghĩ lại cái đêm khủng khiếp mùa hè năm một chín sau tám ấy, Hồng vẫn thấy xốn xang, ấm áp cõi lòng:
-Em thật may mắn mới gặp được anh...
-Không có gì. Cô cứ yên tâm nằm nghỉ.- Anh vội ngăn lời Hồng. -Tôi đã băng vết thương cho cô cẩn thận. Không sợ nhiễm trùng đâu.
Hồng chống hai tay xuống giường, lết người nhô cao đầu trên gối, để nhìn một bên chân bị băng cho rõ. Mặt Hồng bỗng tấy đỏ, mắt bối rối, vội cúi xuống như giấu đi vẻ thẹn thùng khi nhìn một bên chân bị thương ống quần được cởi bỏ, để phơi ra một bên chân nhợt nhạt và trên bắp đùi nhô lên một đường băng trắng muốt quấn vòng ôm gọn bắp chân. Nhìn đường băng quấn không chặt cũng không lỏng, lại không hề có một sợi vải tua ra ngoài, Hồng vốn từng học qua trường thuốc, hiểu rất nhanh người băng vết thương phải thành thục tay nghề mới có một đường băng như thế. Bỗng Hồng thấy dào lên niềm xúc động đến trào nước mắt, khi cất lên câu nói:
-Em không ngờ giải phóng các anh lại lắm tài đến thế!
Quang- tên người đàn ông đang ngồi bên giường Hồng- cất giọng nhỏ nhẻ, khiêm nhường:
-Bộ đội ngoài Bắc trước khi vào chiến trường đều được học qua cách sơ cứu thương, chứ có tài gì đâu mà nhiều. Nhưng cô cứ yên tâm, những ca thế này tôi cũng đã gặp.
Hồng ngước mắt nhìn, anh có vẻ bối rối, ngượng ngùng. Không biết có phải do cái nhìn có phần chằm bặp của cô chiếu thẳng vào khuôn mặt  đen sạm vì nắng gió phương Nam của anh; hay do một bên chân Hồng đang phơi ra làn da trắng nõn mà chính anh tối qua, khi đưa Hồng ngất xỉu từ ngoài cửa vào, đã bảo đồng đội cởi bỏ một bên ống quần của Hồng ra, để anh rửa ráy, băng bó vết thương cho dễ. Cô như hiểu tâm trạng của anh, vội bảo:
-Em có học qua ngành y, nhà lại bán thuốc. Anh xem trong tủ kia có loại thuốc nào điều trị được vết thương cho em chóng lành thì anh cứ lấy.
 Mới đấy, mà đã mấy mươi năm.
 Chiếc máy bay bỗng chòng chành, cùng tiếng hướng dẫn viên hàng không thông báo ngắn gọn:
 -Yêu cầu quý khách thắt dây an toàn. Máy bay đang hạ độ cao đưa quý khách xuống sân bay Cát Bi.
 Thằng bé trai chừng mười năm, mười bảy tuổi, từ nãy vẫn háo hức dán mắt ra cửa sổ, giờ mới quay lại hỏi bà:
 -Vậy là bà ra ngoài Bắc là để tìm gặp một người. Chứ không phải để xem hội chọi trâu, như một chuyến đi du lịch hội hè mà mấy hôm trước bà nói, hả bà?
 Bà Hồng không bác bỏ câu thằng cháu hỏi, mà còn nói rõ thêm:
 -Thì tối qua ông chả bảo, biết đâu bà cháu đi du lịch ra ngòai đó, vừa được xem hội chọi trâu, lại vừa tìm gặp người đã cứu sống bà mấy chục năm trước, thì thật là được cả đôi đường.
 Thằng cháu liền nói:
 -Nhưng bà không biết quê người ấy ở đâu, liệu có tìm được!
 Bà Hồng ngồi ngây ra. Câu nói của chú nửa như cảm thông, nửa như lời trách cứ sự lơ đễnh của bà ngày ấy. Nhưng thực, bà Hồng ngày ấy không lơ đễnh đến thế. Trời vừa chạng vạng sáng thì hai chiến sĩ cùng tổ với anh, hồi đêm rượt theo đồng đội, cũng kịp quay lại đón anh về đơn vị. Cuộc tổng tiến công Mậu Thân đợt hai vào Sài Gòn mới bắt đầu, mọi việc đều hết sức khẩn trương. Anh cầm vội hộp sữa đục sẵn và một ít thuốc viên gói trong giấy, đặt vào chiếc ghế sát đầu giường Hồng nằm, dặn cô vài câu ngắn gọn cách dùng thuốc, rồi cùng đồng đội vội vã ra đi. Hồng nằm trên giương, môi mấp máy nhưng không nói lên lời, hai mắt cay cay như chỉ muốn bật lên tiếng khóc. Mãi khi ba chàng trai ra khỏi nhà, Hồng mới thấy trống trải cô đơn, và một nỗi lo vết thương không có người trông nom thuốc thang, băng bó làm cô sợ rủn người. Nhưng may sao đến trưa chồng Hồng làm trong bệnh viên quân lực lại được ghé về nhà. Nghe Hồng kể lại sự tình, chồng cô chỉ trầm ngâm suy nghĩ. Anh nhẹ tay sờ nắn bắp chân, xem kỹ chỗ băng vết thương. Với con mắt của một bác sĩ, chồng Hồng hiểu ngay người băng vết thương cho vợ mình không chỉ biết chuyên môn. mà còn có tấm lòng thầy thuốc chăm lo cho người bệnh, nút buộc hai đầu dải băng không hề để lại vết tấy nào trên da thịt. Giây lát, anh ngẩng lên nhìn vợ, hỏi một câu làm Hồng thấy như người mắc lỗi:
 -Em có hỏi họ tên, quê quán anh ta ở đâu, trong Nam, ngoài Bắc?
 Hồng lặng đi, một lát mới ngập ngừng:
 -Em đau quá, chẳng nghĩ được gì. Chỉ thấy hai anh kia gọi anh ấy là Quang. Còn quê quán không thấy ai nhắc đến. Nhưng hồi đêm, em đang thiếp đi thì bất chợt tỉnh giấc, khi nghe tiếng người rì rầm như hát mấy câu: "Dù ai buôn đâu, bán đâu; mồng chín tháng tám chọi trâu thì về. Dù ai bận rộn trăm nghề; mồng chín tháng tám nhớ về chọi trâu". Em mở mắt ra nhưng sợ làm đứt mạch tình cảm quê hương của anh ấy, nên lại nằm im. Nhưng sự thực lúc ấy em lại rất tỉnh, nghe rõ từng nhịp ngân nga của anh ta trong tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái tôn.
 Nghe vợ nói, chồng như mơ màng nhận ra một điều gì, vội nói:
 -Vậy thì anh ta phải ở một vùng quê có tục chọi trâu, mới thuộc lòng câu ca ấy đến thế chứ!
 Thế nên hôm trước, xem xong quảng cáo hội chọi trâu Đồ Sơn trên truyền hình, bà còn đang bần thần, thì đã nghe tiếng ông như thúc giục:
 -Bà nên ra ngoài đó xem hội chọi trâu một năm. Cho cả thằng Chiến đi để đi đâu có bà có cháu cho vui. Mới lại, biết đâu chuyến du lịch của hai bà cháu ra ngoài đó lại gặp được ân nhân của nhà ta thì sao.
 Bà Hồng bỗng thấy phấp phỏng đợi chờ. Cũng vừa lúc máy bay hạ cánh xuống sân bay Cát Bi. Hai bà cháu hối hả lấy đồ, ra cửa soát vé. Mấy chú xế tác-xi xô đến. Bà kéo tay cháu đi theo một xế đã đứng tuổi:
 -Chú đưa bà cháu tôi đến Đồ Sơn. Đúng nơi có hội chọi trâu, chú nhá!
 Chiếc tác-xi rời sân bay, lướt nhẹ qua cầu Rào, bon nhanh về phía Đồ Sơn. Đến nơi, lễ hội dường như mới bắt đầu. Lối cổng ra vào sân vận động vẫn còn bán vé. Bà Hồng dắt tay cháu chen mãi mới vào được gần cái bàn đang bán vé, nhưng vẫn bị người đằng sau xô đẩy đến nghẹt thở. Chưa từng chen lấn mua vé tàu xe, xem xét gì ở ngoài Bắc bao giờ, bà Hồng cứ ngỡ vé coi chọi trâu cũng có hạng nhất, hạng hai như  coi rạp, bà lấy hết hơi sức nói với hai cô bán vé giải quyết cho hai vé hạng nhất. Nhưng hai cô gái vẫn cúi mặt xé vé, buông thõng: "Vé một loại", rồi roạt một cái đưa cho bà Hồng hai cái vé dễ to bằng nửa bàn tay, một mặt có hình hai trâu đang chọi nhau. Hai bà cháu lại dắt díu nhau chen qua cái cổng, dễ chỉ hẹp bằng gian nhà, để vào sân vận động. Sân vận đông rộng ngang sân bóng đá, nhưng bốn xung quanh kẻ đứng người ngồi đã chật như nêm. Hai bà cháu qua màn hình cũng một, hai lần thấy ở bên Tây Ban Nha người ta đấu bò tót, nhưng chọi trâu thì đây mới là lần đầu. Nên cả hai đều háo hức, nhất là thằng cháu, vừa kéo tay bà đi vừa lách người len lỏi giữa đám đông, chen lấn, xô đẩy mồ hôi mồ kê nhễ nhại mới vào được gần chỗ tường rào tre, ngăn cách khu vực người xem và sới chọi trâu.
 Trong sới, hai trâu đen chùi chũi đang vào hiệp đấu hăng, cặp sừng khoá chặt, ghìm đầu nhau chúi xuống đất. Trâu nào trâu ấy bốn chân choãng ra, nổi rõ từng tảng thịt săn chắc, đen chũi. Tiếng trống đại của người chủ hội thúc liên hồi "tùng, tùng... tùng...", hoà tiếng trống cầm tay của người chủ trâu "bung, bung, bung...", rồi tiếng chiêng trống, thanh la, tù và của từng phường, từng giáp xen tiếng reo hò cổ vũ của người xem, làm hai trâu như càng hăng lên chọi nhau quyết liệt. Sau cú ghìm đầu khoá sừng, trâu số 9 đã lừa được miếng, thúc thẳng đầu sừng nhọn như lưỡi lê vào yết hầu trầu số 16. Bị miếng đánh bất ngờ, hiểm hóc, trâu 16 đau điếng vội lùi ra. Nhưng chỉ lùi chừng nửa bước, trâu 16 đã như chấn tĩnh, hăng lên, quay ngoắt đầu lại, bất ngờ đâm sầm vào trâu số 9. Đầu đối đầu, hai cặp sừng trâu số 16 khoá chặt, làm trâu số 9 mất đà khụy hai chân trước xuống. Và cũng rất nhanh, chính cú khụy xuống đã tạo cho trâu số 9 có đà đánh một đòn bất ngờ vào đúng một bên mắt trâu số 16. Choáng váng vì cú đánh hiểm, trâu số 16 phải nghiêng đầu mới rời được một bên mắt bị xé toạc ra khỏi mũi sừng nhọn hoắt của trâu số 9, rồi cắm đầu thục mạng chạy tháo ra cửa. Hàng vạn người xem trên sân hò reo vang trời, trước một cặp trâu chọi đã hiến cho khán giả pha đấu ngoạn mục.
 Bà Hồng và thằng cháu ngay từ phút đầu chen được vào sát hàng rào ngăn, đã hoàn toàn bị cuốn hút vào cặp trâu chọi. Mắt bà hầu như không nhìn đâu khác, ngoài hai trâu lực lưỡng, đen chùi chũi đang căng sức lừa nhau miếng đánh. Sinh ra và lớn lên ở thành phố, lần đầu bà thấy tận mắt hai trâu chọi nhau, nhưng không thấy kinh hoàng sợ hãi, mà chỉ thấy háo hức, tò mò. Không hiểu người chủ luyện trâu chọi kỳ công đến mức nào mà khi vào sới, trước hàng vạn người reo hò vang dậy, cùng tiếng trống chiêng thúc vô hồi kỳ trận, mà trâu vẫn bình tĩnh, gan lì, lừa nhau được từng miếng đánh như thế. Quả là những người nuôi trâu chọi đã có một tài nghệ độc đáo và kỳ công lắm mới cho người xem những hiệp chọi quyết liệt và căng thẳng như vậy. Chả trách những người sinh ra ở đất này, đi bốn phương trời mười phương đất không dặn nhau gì, lại chỉ dặn nhớ về chọi trâu có một không hai của quê nhà. Bà Hồng bỗng thấy lòng bồn chồn, một nỗi bồn chồn mông lung rất khó diễn tả. Bà đưa mắt ngơ ngáo nhìn những người xung quanh. Toàn những gương mặt bà chưa từng gặp. Thật khó có thể gặp người mà bà muốn gặp giữa hội chọi trâu đông đúc và náo nhiệt này. Nhưng bất chợt bà giật thột, khi nghe tiếng người chủ hội, đầu đội khăn xếp, áo dài đen, lưng thắt dải lụa điều, tay cầm chiếc loa dài nói oang oang: "Loa. Loa... Lệnh truyền trâu số 11 của chủ trâu Lưu Đình Hạc, phường Vạn Hương, kháp với trâu số 3 của chủ trâu Hoàng Văn Quang, phường Ngọc Hải. Loa. Loa...". Tiếng loa truyền cho hai trâu vào sới cứ lặp đi lặp lại như hồi trống thúc thình thình trong lồng ngực bà Hồng. Bà ngơ ngáo hết nhìn ra phía cửa bên trái, lại quay nhìn sang cửa bên phải. Bỗng hỏi người đứng bên: "Trâu ông Quang số 3 vào cửa nào?". Người kia hơi sẵng: "Đằng Bắc. Bên trái. Bà không nghe à". Nào bà có để ý trâu nào vào cửa nào, nếu như không thình lình nghe được một tiếng "Quang". Nhưng giờ thì bà phải dán mắt ra cửa bên trái. Kia rồi, mấy người rước trâu đang nhanh chân đưa trâu vào sới. Người đi trước đầu chít khăn đỏ, áo lửng ngang gối cũng màu đỏ tươi, ngang lưng thắt dải bao xanh, tay cầm chiếc trống con gõ từng nhịp đều đều theo điệu rước. Hẳn là chủ trâu. Theo sau là năm bảy người cũng mặc áo đỏ lửng, thắt dây lưng xanh nhưng đầu không chít khăn, vừa ghìm rợ cho trâu đi theo nhịp trống, vừa che đầu trâu bằng vuông vải hồng điều để trâu không nhìn thấy đối phương, cũng đang tiến vào sới chọi từ đằng kia.
 Từ lúc nhìn thấy mấy người dẫn trâu số 3 vào sân đấu, bà Hồng hầu như không nhìn đến con trâu có mình trắm, chân cao, tiến lừng lững vào sới, mà chỉ chăm chăm nhìn người đánh trống đi đàu, mà theo cách cảm nhận của bà qua xem cặp trâu vừa chọi xong, thì đấy là chủ trâu số 3, ông Quang, như tiếng loa truyền bà vừa nghe. Nhưng sới chọi  quá rộng, hai trâu ngay từ giây đầu tiên bước ra đã lồng lộn trên sân, làm cả chủ trâu, người đi theo, bảo vệ và tổ trọng tài đều phải chạy theo trâu nhốn nháo. Nên bà Hồng dẫu chăm chú đến mấy cũng không nhận biết gì hơn về chủ trâu số 3, ngoài dáng người cao cao, nai nịt gọn gàng trong bộ khăn áo màu đỏ tươi, đúng dáng một nhà võ.
 Cặp trâu chọi lần này khác cặp trâu trước. Ngay phút đầu, cả hai trâu đều lồng lộn đánh sừng, tìm miếng. Trâu này tưởng có thể nuốt trửng trâu kia, chỉ bằng một miếng đánh hiểm. Nên cả hai đều nôn nóng đánh tới tấp, sừng đối sừng va nhau côm cốp, nhưng không trâu nào có miếng đánh quyết định. Hai trâu cứ quần nhau trên sân, đất cát tung bụi mù mịt. Khi hai trâu lồng lộn quần nhau đến gần cửa Bắc, không hiểu sao, trâu số 3 bất ngờ lồng tế ra cửa, tháo chạy. Trâu số 11 sững lại một giây, rồi cũng cắm đầu đuổi theo, nhưng mấy người theo trâu đã nhanh chân chặn lại. Hiệp trâu chọi không mấy hấp dẫn, nên tiếng người hò reo cũng không vang dội như trận đấu trước đó.
 Bà Hồng ngay lúc thấy trâu số 3 cùng mấy người theo trâu chạy ra cửa phía Bắc đã một tay kéo cháu, một tay gạt những người xung quanh, mở lối ra ngoài. Mọi người lấy làm lạ khi thấy hai bà cháu đang đứng ở chỗ xem thuận lợi thế, lại đùng đùng chen ra. Nhưng có người ra càng thêm rộng chỗ, người ta sẵn lòng dạt ra hai bên để bà cháu dắt díu nhau ra. Bà Hồng cố hết sức bươn bải khỏi chỗ người đứng đông nghịt. Còn thằng cháu dẫu chưa hiểu bà vội vã chen ra để làm gì, nhưng sợ lạc, cũng cố bám chặt tay bà, chen vai thích cánh đám người đông như nêm để được thoát ra ngoài. Đến cổng, bà Hồng vội buông tay cháu, chạy rảo tới đám người đang đứng vây quanh  ông trâu vừa chạy ra, túm tay một người đàn ông mặc áo đỏ, thắt lưng xanh, hỏi:
 -Ai là ông Quang ở đây, hả chú?
 Người đàn ông chừng năm mươi tuổi, to béo, quắc thước, quay lại nhìn người đàn bà xa lạ, rồi chỉ tay vào người cầm chiếc trống con:
 -Kia, ông Quang chủ trâu đang đứng kia.
 Bà Hồng lại vội dạt mấy người ra, săm săm bước đến đứng trước mặt người đàn ông chít trên đầu chiếc khăn đỏ, mặc áo đỏ lửng đến đầu gối, tay cầm dùi, tay cầm trống đang giục mấy người nam giới rước ông trâu về. Bà Hồng bước đến, không ý tứ giữ gìn, chằm chằm nhìn vào khuôn mặt ông ta. Một người đàn ông dễ mới vào tuổi lục tuần, mặt khuôn chữ điền, nước da đen sạm, chắc khoẻ và nhanh nhẹn tướng nhà võ. Bao nhiêu năm trôi qua, gặp nhau một lần ngắn ngủi, phần lớn thời gian lại là đêm, trong lúc bà còn mê mệt vì vết thương ra nhiều máu, bà Hồng thực không sao nhớ nổi khuôn mặt Quang ngày ấy. Thế nên, giờ đây bà đành làm một cử chỉ có phần khiếm nhã, nhìn sát vào khuôn mặt người chủ trâu, hỏi:
 -Ông, ông có phải là... anh Quang, bộ đội giải phóng...
 Người chủ trâu quay lại, một thoáng ngỡ ngàng, rồi lướt nhìn nhanh khuôn mặt bầu bỉnh của bà Hồng, hỏi:
 -Bộ đội thì tôi có đi. Nhưng bà là ai?
 Bà Hồng chuyển cách xưng hô, mừng rỡ:
 -Tôi là người được anh cứu trong đêm quân giải phóng đánh vào Sài Gòn, hồi tháng năm sáu tám đây mà!
 Người chủ trâu bỗng dừng lại. Cả đám rước trâu cũng đứng sững. Dường như không ai hiểu ông chủ trâu của họ và người đàn bà xa lạ kia đang nói gì. Chỉ nghe tiếng người chủ trâu:
 -Thế thì lần ấy tôi ở ngoài Củ Chi, chứ không vào Sài Gòn. Nhưng sau gặp nhau, anh Quang có nói tổ anh ấy đã cứu sống một cô gái, bị thương vào bắp đùi rất nặng.
 Bà Hồng không nén được xúc động, cầm chặt hai cánh tay ông chủ trâu, lắc lắc:
 -Anh, anh biết anh Quang nhà ở đâu?
 Ông chủ trâu đưa tay lên đầu rút chiếc khăn đỏ xuống vò vò trong tay, giọng lạc đi:
 -Nhà ở cùng làng tôi. Nhưng anh ấy mất năm nọ rồi!
 Bà Hồng bỗng thấy hụt hẫng, lòng cuộn lên nỗi buồn giận mung lung. Bao năm mải làm lụng đến lãng quên nhiều thứ, cả tuổi xuân, cả tháng ngày đớn đau khó nhọc của kiếp người mà cứ đằng thẳng ra cũng khó có thể quên. Lòng bà man mác một nỗi buồn thương, tiếc nuối. Thằng cháu từ nãy vẫn đứng nghe bà và ông chủ trâu trò chuyện, giờ vội quay đi, đưa nhẹ ngón tay lên chấm hai đuôi mắt. Người chủ trâu đặt tay lên vai bà Hồng, như đỡ bà chậm chạp đi từng bước. Đám rước trâu lặng lẽ đi theo. Không một tiếng hò reo trống phách rước trâu về làng như bao đám khác. Dường như mọi người trong phường trâu chọi Ngọc Hải đều cảm thông với người đàn bà từ nơi xa vẫn nhớ tìm về hội chọi trâu quê họ./

        Viết 12-1996
               Sửa lại 12-2008
              C.N.