Nhà văn Belarus Svetlana Aleksievich – tác giả của những cuốn sách về cuộc chiến ở Checnia, về sự cố ở nhà máy điện nguyên tử Chernobyl, về đất nước Xô viết những năm 1990 và về Thế chiến 2 được nhìn qua con mắt đàn bà- là một tên tuổi không thật nổi trội ở nước Nga, nhưng lại được dịch sang 20 thứ tiếng trên thế giới và luôn luôn được in ấn ở châu Âu.Sau một thời gian dài sống ở nước ngoài, nữ văn sỹ đã trở về Belarus đề viết cuốn sách mới của mình. Nữ phóng viên của Lenta.Ru (CHLB Nga ) đã có dịp trò chuyện với bà Svetlana Aleksievich quanh chủ đề tác phẩm mới của nữ văn sỹ sẽ đề cập tới vấn đề gì, người dân các nước châu Âu đã đón tiếp những người tị nạn ra sao và vì sao bà ít thích nói về mình…
-Bà tự coi mình là một nhà văn Xô Viết, nhà văn Belarus, nhà văn Nga hay nhà văn châu Âu?
- Lẽ đương nhiên tôi mang phận số không bình thường của một người viết bằng tiếng Nga, sinh trưởng tại Ucraina, trong một gia đình mang hai dòng máu Belarus -Ucraina nhưng ngay từ ấu thơ đã trở về sống tại Belarus.Châu Âu ghi dấu ấn rất đáng kể trong tiểu sử của bản thân tôi và tiểu sử các cuốn sách của tôi. Hoàn cảnh tạo nên như thế mà! Có đến hơn 12 năm tôi không có mặt ở quê hương. Những năm tháng ấy tôi sống tại Italy, Đức, Pháp, Thụy sỹ. Tôi mới trở về Minsk được hai năm nay.
- Cuốn “ Lời cầu nguyện Tsenobưn” với lượng phát hành hơn bốn triệu bản-như trước đây, vẫn tác phẩm nổi tiếng nhất của Bà?
-Hiện nay sự chú ý của bạn đọc dành cho cuốn “ Những năm 1990” nhiều hơn.
- Tôi có cảm giác cuốn “ Những năm 1990” không chỉ cuốn hút sự quan tâm trong phạm vi Liên Xô cũ..
-Không..không! Có một nét đã trở nên quen thuộc trên thế giới là như thế này: Người ta hồi tưởng, người ta hiểu thêm những gì đã xẩy ra vào những năm 1990 và dường như để xem lại những điều đã sống trải của chính mình. Tôi cần nói với bạn ngay rằng, vào những năm 1990 ấy châu Âu hoàn toàn khác-tôi đã sống ở châu Âu những năm tháng đó mà! Tôi còn nhớ rõ, tôi và người bạn gái một lần bị lạc đường. Chúng tôi gặp một cặp trai gái người Đức..Lạy chúa, mọi điều được bắt đầu khi đôi nam nữ kia nhận ra chúng tôi là người Nga.Họ quàng vai chúng tôi, áp má hôn, vỗ vỗ lên vai, tỏ ra vui mừng vì được gặp chúng tôi.Bạn biết không, sau đó tôi sống khá lâu ở Đức, tôi hiểu rằng, để người Đức ôm hôn một người không quen biết tình cờ gặp ngoài đường là điều chưa từng có xưa nay.
-Bây giờ vẫn thế sao?
- Không! Bây giờ hoàn toàn không như thế! Châu Âu đã thay đổi! Nói thế nào nhỉ, đơn vị đo lường đã khác !
- Vậy điều gì đang khiến châu Âu lo lắng?
- Hiện nay châu Âu đang diễn ra một cuộc sát hạch về tình người. Tôi vừa mới tới thành phổ cổ kính Mantua của Italy. Giới trí thức của thành phố này mời tôi tham dự Lễ “ Hành khúc của những người đi chân đất”. Cuộc diễu hành như thế này lần đầu tiên đã diễn ra ở Venise, còn bây giờ lan sang tất cả các thành phố khác ở Italy.Mọi người đều tháo hết giày dép, và đi chân trần trên các con đường trong thành phố để biểu thị tình đoàn kết với những người tỵ nạn. Bạn đã nhìn thấy gương mặt của những người tham gia cuộc tuần hành như thế bao giờ chưa? Phong trào này dấy lên ở Italy, một nơi chủ nghĩa dân tộc có thể nói là cực mạnh. Nói đại thể là, với lương tâm của mình, châu Âu đang phải gánh lên đôi vai những thử thách..
-Vậy họ không sợ hậu quả sao?
- Hãy nghe tôi nói đây..Vào năm 1917 châu Âu đã tiếp nhận 3 triệu người Nga lưu vong, tạo công ăn việc làm, cung cấp thực phẩm nuôi sống lượng người đó. Mà châu Âu đâu có chết ! Từ thời điểm ấy trở đi, ở những năm tháng khác nhau, khi tại các nước xẩy ra những sự biến nặng nề, châu Âu lại tiếp nhận hết triệu người này tới triệu người khác...
Tôi còn nhớ cũng ở Italy, một buổi sáng thức dạy tôi nghe ai đó hát rất to, rất hay ngay phía dưới cửa sổ.Thì ra là người quét sân. Tôi đi xuống hỏi chuyện ông ta. Người quét sân tâm sự ông ta có một ngôi nhà nhỏ, muốn mời những người tỵ nạn về ở chừng nào họ còn chưa tìm được chỗ ở mới. Hồn cốt của châu Âu đấy! Điều cần nói ngay cái hồn cốt ấy được lan tỏa từ tầng lớp trí thức. Và xã hội nhanh chóng tiếp nhận...
-Tức là cái thiểu số có giáo dục, có văn hóa- tầng lớp tinh hoa của xã hội mà vào những năm 1990 luôn luôn bị đè nén, trấn áp...
-Đã từ lâu con người trên thế giới này nhận ra con đường duy lý của sự phát triển là nẻo đường cụt. Châu Âu được khai sáng tin rằng thế giới đang và sẽ được cứu rỗi bởi con người nhân văn. Nếu chúng ta không nghĩ đến điều này chúng ta sẽ suy sụp. Và trách nhiệm đối với tương lai mai sau, những ý tưởng về tương lai ấy xã hội trao cho những con người nhân văn. Điều này hiện nay đang được nhấn mạnh. Ở khắp mọi nơi. Trong các buổi gặp gỡ, các cuộc hội thảo, thậm chí trên truyền hình.
Ví dụ như ở Pháp, bạn bật tivi lên, bạn sẽ bắt gặp những cuộc trao đổi giữa khán giả và cử tọa. Mà không phải chỉ kéo dài 10 phút, sau đó là 2 tiếng ca nhạc và các trò gây cười như ở Nga và ở Belarus.Một người có thể giãi bày quan điểm của mình tới nửa giờ, sau đó là người thứ hai, thứ 3…Mỗi người được nói cho kỳ hết những gì chất chứa trong lòng, để những người khác hiểu được diễn giả muốn nói gì. Cách đây không lâu, tôi đã được nghe ông Bộ trưởng Bộ văn hóa Đức phát biểu quanh chủ đề về lòng thù hận giữa con người ta với nhau và làm gì đây để xóa bỏ lòng thù hận đó. Ông Bộ trưởng nói một cách nhiệt thành, cởi mở về tuổi thơ của mình, về những gì ông còn thiếu sót, về những điều cần sửa đổi trong luật pháp…Tôi có cảm tưởng, ông ta không phải là cái loa của một bộ máy quan liêu, mà ông là một con người cụ thể, gần gụi, xương thịt đang cất lên tiếng nói từ đáy lòng mình…
-Những cuộc đàm đạo về lòng hận thù, về cách nào để đề cao đạo đức xã hội đang là hiện tượng mang tính quốc tế. Nhưng ở Nga thì mọi người cảm thấy đấy đúng là vấn đề tồn tại của họ; còn ở Belarus thì lại cho rằng đó là chuyện của người khác. Vì sao vậy?
- Những cuộc trò chuyện, trao đổi quanh chủ đề này cũng đã diễn ra ở các mức độ khác nhau. Ở Nga hay Belarus, lòng hận thù đó được thổi phồng lên thế này, thế kia chung quy đơn giản cũng là một sự man rợ được biến thái. Và sự man rợ ấy đối lập với toàn bộ những gì đang diễn ra trên thế giới hiện nay.Đó là trạng thái điện rồ đã xâm chiếm một dân tộc. Trạng thái tinh thần ấy đã ngự trị không chỉ ở nước Nga, mà còn “ nuốt chửng” cả người Đức, người Mỹ, ngừời Nhật. Mỗi dân tộc, mỗi quốc gia thoát ra khỏi căn bệnh này bằng những con đường phức tạp khác nhau. Tại Đức, hai mươi năm sau Thế chiến 2, người Đức đã nín lặng để quên đi tất cả. Và cắm mặt làm việc, làm việc cho đến tận hôm nay. Với người Nhật-theo tôi, chặng đường diễn ra khó khăn, trầy trật hơn các dân tộc khác. Người Nhật mang nặng lòng sùng kính nhà vua cùng các truyền thống xa xưa. Dân tộc này đã phải trải qua hai lần chấn động vì thua trận, vì những quả bom nguyên tử. Nhưng rồi những ý tưởng nhân văn đã giải cứu, dẫn dắt nước Nhật. Thử hính dung xem, nếu như Mỹ chỉ thả bom thôi và Nhật không phải ký hiệp ước đầu hàng vô điều kiện? Nhưng làm gì có chuyện đó!
Một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò tinh túy của tầng lớp trí thức. Hình như đã xuất hiện một thời buổi thế giới cần tới bản thân họ, những ý tưởng dẫn dắt của họ…
-Trở lại cuốn “ Trong chiến tranh không có gương mặt đàn bà”-tác phẩm gây tiếng vang đầu tiên của bà…
- Cuốn sách này ra đời bởi những gì người ta kể cho tôi nghe. “ Sveta, đừng cho vào trong sách! “. Những người bộc bạch tâm tư luôn nói với tôi như thế. Quả là tôi rất phân vân, lưỡng lự trước khi trao sách cho nhà xuất bản.Sau đó tôi chợt nhớ tới cuốn “ Quần đảo GULAG” của Solzhenitsyn và tự hỏi, cuốn sách có ra đời được không nếu ví như trao cho những người mang bóng dáng các nhân vật trong tác phẩm đọc? Quả là nhiều nữ nhân vật trong cuốn sách của tôi khi đọc những gì đã thành chữ nghĩa, họ đã bị sốc. Bởi vì họ luôn tự an ủi rằng: “ Dù sao chúng ta đã chiến thắng! ”. Còn chiến thắng đó phải trả bằng giá nào-đối với họ, không quan trọng! Bạn hiểu không? Cái giá của mạng sống không là gì hết mà! Nói thế nào đây, suốt cả thế kỷ 20, ở cả Nga, cả Belarus cái giá của mạng sống đã bị hạ thấp thành con số không tròn trĩnh!
-Và như thế, chính nhân dân là người có lỗi..
-Không đâu ! Hiện nay tôi đang chuẩn bị để bắt tay vào một cuộc trò chuyện mới với người đọc của tôi về tội lỗi của chính chúng ta, tội lỗi của giới trí thức trong những năm 1990 vừa qua. Đó sẽ là một cuộc trò chuyện thật xót xa, buốt tim buốt ruột. Và sẽ phải kể lâu, kể dài. Và với những hậu họa tôi sẽ phải hứng chịu là không lường trước được..
- Hỏi những người đang đi trên đường phố Moskva hay Minsk Svetlana Aleksievist là ai, họ nhún vai…Cũng cần nói thêm, ở châu Âu người ta chỉ biết về nước Nga thế kỷ 19 qua các tác phẩm của Dostoievsky và Tolstoi. Còn về người Nga, người Belarus trong thể kỷ 20, 21 châu Âu chỉ biết đến qua các tác phẩm của bà. Điều này có lợi hay là chuyện lạ lùng?
-Theo tôi, sự không nổi tiếng của tôi tại nước Nga gắn với thể loại văn học mà tôi viết. Văn học Nga, rất hoành tráng, đồ sộ, nhưng cũng rất kinh điển, hệt như một lâu đài cổ trong thế giới này.Nếu nhà hát thiên về cách tân, phim ảnh cách tân ít hơn, chả nhẽ văn học không động đậy sao?
Tại châu Âu, thể loại văn chương mà tôi đang đeo đẳng rất được ưa chuộng.Tiểu thuyết của những giọng kể, khi chân dung và những ức đoán,và câu chuyện của rất nhiều người hòa quện với nhau trong một chỉnh thể. Mỗi người đọc sẽ tự tìm lấy một điều gì, chuyện gì, nhân vật nào gây ấn tượng để tự suy ngẫm, tự phân tích bằng trải nghiệm và điều ấy, chuyện ấy, nhân vật ấy sẽ ở lại với họ mãi mãi.Cách cảm thụ này quen thuộc với bản tính ưa thích được chủ động lựa lọc của người phương Tây hiện đại…
Trong thể loại tôi đang viết tác giả là chứng nhân; cũng là nhân vật chính. Thủ pháp này vừa quyến rũ, vừa rất nguy hiểm.
( LenTa. Ru )