Năm 2014, Nhà xuất bản Phát thanh Truyền hình Trung ương Trung Quốc đã cho ra mắt tại Bắc Kinh, “TRẦN NHUẬN MINH – THI CA TINH TUYỂN TẬP”, gồm 163 bài thơ, viết từ năm 1960 đến 2012 của nhà thơ Trần Nhuận Minh, trong đó nửa tập đầu là những bài trong 2 tập thơ “Nhà thơ và hoa cỏ” và “ Bản Xônat hoang dã”. Phần sau là 2 tập tiếp theo “ 45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh” và “Miền dân gian mây trắng”, do Phùng Trọng Bình, Dương Hạ Nguyệt và Tấn Dương dịch, dựa vào 2 bản dịch tiếng Anh, Thơ Trần Nhuận Minh đã xuất bản là FOUR SEASONS và THE WHITE CLOUD AREA của Vũ Anh Tuấn. Sau phần giới thiệu “Nhà thơ Trần Nhuận Minh” là bài viết rất công phu của GS -TS Phùng Trọng Bình, với sự cộng tác của ThS Dương Hạ Nguyệt ( Đại học Trung Quốc) ở đầu sách dài 35 trang in. Bản dịch ra tiếng Việt của Hoàng Thiên Hương 48 trang A4.
Xin trích giới thiệu đoạn viết về Trường ca ĐÁ CHÁY ( 1985) với bạn đọc.
Thời bấy giờ là xã hội phong kiến triều Nguyễn. Đúng ra phát hiện tài sản quý là điều đáng mừng, giúp cải thiện điều kiện sinh hoạt của người dân, góp phần đẩy mạnh công cuộc xây dựng đất nước. Tuy nhiên, của cải vật chất lúc này lại biến thành tai họa, vàng đen đã nhuốm máu tươi. Triều Nguyễn thối nát không để tâm bảo vệ thần dân của họ, cũng không đủ khả năng để chống lại hành vi cướp bóc của bọn cướp, chính vì thế:
Từ đó bắt đầu
Lán trại tranh dựng vội...
Rắn độc quấn vào xà beng
Hổ đói vồ người
Chủ đói vồ nhau
Túi tiền loảng xoảng...
Máu tím khe sâu
Gan ruột lòng thòng suối cạn
Lấp ló chân trời, tầu viễn chiến Tây Dương...
Trong bản trường ca này, nhà thơ với giọng ca như “đỗ quyên kêu đến rỏ máu”, đã sử dụng thủ pháp tạo hình nghệ thuật “khốc liệt” để phác họa bức tranh chân thực giai đoạn lịch sử gian khổ, bi tráng mà hào hùng của công nhân Việt Nam. Tôi thực sự kinh ngạc trước trái tim nồng nhiệt của nhà thơ, kinh ngạc trước cái nhìn sâu sắc của nhà thơ, càng kinh ngạc hơn với khả năng tạo hình “phi phàm” của nhà thơ!
“Đá cháy” là trường ca miêu tả cuộc sống và số mệnh của công nhân mỏ, với khoảng 5000 câu thơ, là trường ca lịch sử miêu tả 150 năm hình thành và phát triển lưc lượng công nhân mỏ và giai cấp công nhân Việt Nam, bắt đầu từ thời kỳ bóc lột dã man của thực dân Pháp, đến thời kỳ chống Mỹ gian khổ. Tuy cuộc sống đầy gian nan khổ cực, là nhà thơ của công nhân, Trần Nhuận Minh nguyện cùng những người thợ mỏ đồng lòng vượt qua gian khó, nguyện cùng họ chung nhịp thở, chung số mệnh, như người thợ mỏ suốt đời gắn chặt với mỏ than, như một thỏa thuận đã ngầm ký kết. Nhà thơ mượn thủ pháp tương phản để miêu tả môi trường sống khắc nghiệt của người thợ mỏ. Bắt nguồn từ thỏa thuận lao động:
Bản hợp đồng thế là đã kí xong
Giữa Tôi và Đá
Rằng
Tôi đã sống ở đây
sẽ chết ở đây
như một người thợ
Ngày đêm trút linh hồn vào chữ...
Từng giọt mồ hôi đều dâng hiến cho Đời
Từng chữ trong câu đều vang động hồn Người
Đến giọt mặn cuối cùng của máu
Đến giọt đắng cuối cùng của máu
Đến giọt chát cuối cùng của máu...
Về mặt nghệ thuật, Trần Nhuận Minh đã kế thừa chủ nghĩa hiện thực truyền thống trong văn học Phương Đông, sử dụng thủ pháp tương phản để miêu tả cảnh vui và nỗi buồn. Ông luôn luôn phát hiện màu sắc số phận con người sau tàn tích chiến tranh với góc nhìn độc đáo, lấy nó làm cơ sở để lên án chiến tranh và sự hung tàn của quân xâm lược, qua đó mà ca tụng sức mạnh ngoan cường và tinh thần chiến đấu bất khuất của người dân Việt Nam trong chiến tranh.
Chúng ta có thể thấy, kể từ sau khi Việt Nam tiến hành công cuộc cải cách năm 1986, Trần Nhuận Minh đã đón làn gió sáng tác thơ ca hoàn toàn mới, chuyển ngòi bút sáng tác sang những số phận đau thương và bất hạnh xung quanh mình, cùng họ nếm trải cuộc sống, phản ánh tâm trạng bối rối của con người trước cuộc sống và số mệnh, như ông nói, “phải thể hiện được cái tôi trong tác phẩm của mình”. Chính vì tinh thần tự giác và nhu cầu đổi mới này, nên thơ ca của ông, tuy vẻ ngoài rất bình dị và nhẹ nhàng, nhưng bên trong, lại chất chứa một sức mạnh phi thường, tạo xúc cảm mãnh liệt cho người đọc. Cũng chính vì thế, thơ Trần Nhuận Minh vượt qua mọi giới hạn về không gian và thời gian, tạo ra một bước chuyển mình lớn, “từ nhà thơ của công nhân thành nhà thơ của nhân loại”.
( HOÀNG THIÊN HƯƠNG, Hệ Phát thanh Đối ngoại,
Đài Tiếng nói Việt Nam
dịch từ nguyên bản tiếng Trung )
.