Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐIẾU VĂN VĨNH BIỆT NHÀ VĂN NHẬT TUẤN

Nguyễn Trí Huân
Thứ hai ngày 12 tháng 10 năm 2015 2:19 PM




Nhà văn Nguyễn Trí Huân - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã xúc động đọc Điếu văn tiễn đưa nhà văn Nhật Tuấn, trong đó có đoạn:

“Những truyện ngắn đánh dấu giai đoạn đầu sự nghiệp văn chương của nhà văn, được gom lại trong hai tập “Trang 17” và “Con chim biết chọn hạt” đều là những tác phẩm ấm áp tình người, giàu chất thơ, bộc lộ một cái nhìn trong sáng, tin yêu, đó đây biểu hiện nỗi buồn, sự bùi ngùi, xót xa cho thân phận con người, của một trái tim dễ rung cảm.

Về Nhà xuất bản Văn học làm công tác biên tập không bao lâu, nhà văn xin chuyển vào Chi nhánh phía Nam. Mảnh đất mới, những mẫu người mới, lại đúng vào những năm tháng đất nước mạnh dạn rút chân ra khỏi cơ chế quan liêu bao cấp; dò dẫm những bước đầu tiên trong cánh rừng lạ của cơ chế thị trường. Phải chăng những yếu tố khách quan ấy khiến nhà văn lao vào lĩnh vực tiểu thuyết, rồi ông viết, ông cho xuất bản như một người đàn bà mắn đẻ. “Bận rộn”, “Mô hình và thực thể”, “Lửa lạnh”, “Biển bờ”, “Tín hiệu của con người”, “Đi về nơi hoang dã”, “Niềm vui trần thế’, “Những mảnh tình đã vỡ”, “Tặng phẩm cho em”, “Một cái chết thong thả”… Nhân vật trong các cuốn tiểu thuyết này là lớp người trung lưu trong xã hội, phần đông là tầng lớp trí thức - những người như ông, giống ông, tâm trạng và những thăng trầm của họ ông tường tận. Đề tài và chất liệu ông lựa lọc không phải là những diễn biến lịch sử, những vấn đề “nóng” về phương diện chính trị, những xung đột xã hội gay gắt… Nhà văn tựa như thiên về lắng nghe tiếng rì rầm của đời thường; những đụng độ, va chạm giữa dục vọng thường tình giữa con người với nhau; giữa con người với những diễn tiến xã hội xẩy ra ở xung quanh. Cứ thế, nhà văn Nhật Tuấn thủng thẳng, nhẩn nha trên hướng đi đã chọn; bám sát, không buông rời đích đến lâu bền của văn chương: Đó là cuộc vật lộn của con người trong mưu sinh, trong ước muốn vươn tới những giá trị chân thiện mỹ giữa biết bao trái ngang của cuộc đời trần tục; trong những ảo tưởng bị lừa lọc và những tự huyễn do mình gây ra cho chính mình.

Trong từng ấy cuốn tiểu thuyết, bạn hữu cầm bút và giới đam mê văn chương đánh giá cao hơn cả là cuốn “Đi về nơi hoang dã”. Tác phẩm này được in ấn đàng hoàng; đã đến tay cả chục vạn bạn đọc. Ngay từ dạo đó, trên báo chí địa phương và trung ương đã có bài viết phê bình, giới thiệu sách. Lẽ đương nhiên, giống như bất cứ cuốn sách nào đánh động được dư luận xã hội đều có lời khen và tiếng chê. Sách kể về một đoàn khảo sát địa chất. Trong một lần lạc rừng, gặp trăm ngàn thử thách cam go, dữ dội, mỗi thành viên trong đoàn đều phơi bày ra hết cái TÔI bấy lâu nay được che đậy, cất dấu kỹ càng. Với bút pháp thiên về xu hướng tượng trưng, với sức khái quát hóa cao, với sự “cứng tay” của một cây bút đã tích tụ được nhiều kinh nghiệm bằng vài ngàn trang viết, “Đi về nơi hoang dã” vẫn đạt tới độ sắc nhọn khi lên án những gì là trái tự nhiên, khô cứng, giáo điều; là tiếng nói mạnh mẽ, triệt để trong việc “vĩnh biệt những ngày buồn”.

Xin vĩnh biệt một tài năng, một tấm lòng dành cho văn chương. Chúng ta sẽ đọc lại tất cả những trang sách của ông. Để ghi nhận trong suốt mấy chục năm theo đuổi nghiệp cầm bút, mọi niềm vui, nỗi buồn; mọi vật vã, trở trăn của ông đều gắn liền với những hy vọng, thất vọng của đồng bào mình; gắn liền với những trồi trụt, thăng trầm của non sông, đất nước này…

Xin vĩnh biệt một nhà văn chuyên nghiệp đã miệt mài, cần mẫn, không mệt mỏi trong việc tìm kiếm đề tài; săn đuổi con chữ; minh mẫn, tinh tường để nhìn ra cái đích cần đến của những giá trị văn chương đích thực. Hình như tính chuyên nghiệp nơi ông còn là ở chỗ ông luôn luôn chỉ biết lấy trang viết là nơi gửi gấm, ký thác tâm trạng vui buồn; bấu víu vào văn chương để an ủi, xoa dịu những mất mát,những tổn thương mà ông gặp phải trong cuộc đời”.