Góp ý Dự thảo NQ Đại hội 12
Tiêu đề của "Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng", đã khái quát các chủ đề trọng tâm của đại hội, cũng như tư tưởng cốt lõi đường lối chủ trương của Đảng trong 5 năm tới: "Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình ổn định; xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại".
Theo tôi, chủ đề đầu tiên: "Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh", nên đổi thành: "Kiên quyết xây dựng Đảng đạo đức và văn minh". Lí do như sau:
1- Năm mươi lăm năm trước, Cụ Hồ đã định nghĩa: Đảng ta là đạo đức, là văn minh.
Dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, ngày 5/1/1960, tại Hà Nội, Hồ Chủ tịch đã có buổi nói chuyện tại lễ mít tinh trước đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Sau khi điểm lại lịch sử truyền thống của Đảng, nhắc nhở nhiệm vụ trước mắt của cách mạng, Cụ đã kết thúc bài nói bằng một đoạn thơ, trong đó có 2 câu:
"Đảng ta là đạo đức, là văn minh,
Là thống nhất, độc lập, là hoà bình ấm no". (1)
Câu đầu là một định nghĩa về Đảng ngắn gọn, khái quát phẩm chất cơ bản kiến tạo nên sự vững mạnh của Đảng. Câu thứ hai là kết quả được đảm bảo bằng điều kiện nêu trong câu đầu. "Đạo đức và văn minh" là quan điểm về Đảng xuyên suốt các trước tác của Cụ Hồ. Trong bài nói chuyện kể trên, Cụ Hồ thay mặt Trung ương: "kêu gọi toàn thể đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động, bất kỳ ở cương vị nào, làm công việc gì đều phải trau dồi đạo đức cách mạng(LNB gạch chân), tẩy trừ chủ nghĩa cá nhân, cố gắng học tập chính trị, văn hoá và khoa học, kỹ thuật, làm tốt công tác kinh tế tài chính, gương mẫu trong mọi việc làm. Phải đoàn kết và học hỏi những anh em ngoài Đảng và ngoài Đoàn, để cùng nhau tiến bộ". Trong Di chúc, văn bản cuối cùng, trước khi đi xa, Cụ Hồ dặn việc khẩn thiết trước mắt: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng", việc quan trọng cho tương lại: "Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khǎn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ". Tóm lại, khi nói về Đảng, trong bất kì bài viết nào, Cụ Hồ cũng đều diễn giải và đặc biệt nhấn mạnh hai phẩm chất đạo đức và văn minh của Đảng.
Hiện nay BCH Trung ương phát động một phong trào rộng lớn "Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"chính là chúng ta đã nắm rõ một trong những giá trị cốt lõi, rất đáng học tập ở Cụ Hồ, mà đáng tiếc đến nay vẫn chưa có mấy người thuộc. Vì vậy, là Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, không có lí gì không đề cao tư tưởng cốt lõi của Hồ Chủ tịch, không kiên quyết xây dựng phẩm chất đạo đức và văn minh cho Đảng.
2- Nhưng điều quan trọng nhất là về nghĩa, nói về phẩm chất của một con người hay của một tổ chức, thì khái niệm trong sạch, vững mạnh có phần mù mờ, trong khi khái niệm đạo đức, văn minh lại rất sáng rõ.
a- Theo từ điển Tiếng Việt, từ "trong sạch" có hai nghĩa:1.Trong và không có chất bẩn lẫn vào (nói khái quát). Giữ cho nước giếng trong sạch. Bầu không khí trong sạch. 2- Có phẩm chất đạo đức tốt đẹp, không có một vết nhơ bẩn nào. Sống cuộc đời trong sạch. Một cuộc đời trong sạch. Làm trong sạch đội ngũ (2)
Cũng theo cuốn từ điển trên, đạo đức được giải nghĩa: "1.Những tiêu chuẩn nguyên tắc được dư luận xã hội thừa nhận, quy định hành vi, quan hệ của con người đối với nhau, và đối với xã hội. 2.Phẩm chất tốt đẹp của con người do tu dưỡng theo những tiêu chuẩn đạo đức mà có. Người có đạo đức. Giọng đạo đức giả." (3)
Như vậy,trong sạch nghĩa đầu tiên là để chỉ về phẩm chất của sự vật (nước, không khí,...). Còn nghĩa thứ hai mới nói về phẩm chất con người, nhưng là một cách nói bóng. Trong khi từ đạo đức thì lại chỉ một cách trực tiếp về phẩm chất của con người.
Đánh giá một người trong sạch, một tổ chức trong sạch, là khó, Bởi bắt buộc phải định nghĩa trong sạch là gì? Nếu theo từ điển nói trên, có thể nêu: trong sạch là không bị bẩn. Lại phải tiếp tục thế nào là không bị bẩn? Các câu hỏi sẽ không bao giờ hết. Bởi chữ trong sạch rất khó định lượng định tính. Còn theo nghĩa 2: trong sạch là phẩm chất đạo đức, thì cuối cùng cũng phải quay lại chữ đạo đức. Thế thì tại sao lại phải vòng vèo, lãng phí như vậy? Mà không phải chỉ là lãng phí chữ nghĩa thời gian mà cái quan trọng là người ta có thể tùy tiện gia giảm nội dung cho chữ trong sạch. Trong khi chữ đạo đức có nghĩa được xác định rất rõ ràng: đó là những "tiêu chuẩn, nguyên tắc, quy định". Cụ Hồ cũng xác định rất cụ thể 5 tiêu chuẩn, nguyên tắc, quy định của đạo đức cách mạng là: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Từ đó, dễ dàng suy ra kẻ vô đạo đức là kẻ lười nhác, xa hoa, lãng phí, ăn cắp, tà tâm, vô công chí tư (chỉ nghĩ đến quyện lợi riêng tư), có nghĩa là ngược lại người có đạo đức, là cách hành xử vô nguyên tắc, trái quy định, phá bỏ chuẩn mực. Người ta có thể làm không hết trách nhiệm, có thể chi tiền của nhân dân vào các trò hội hè, mua sắm xe cộ, đi nước ngoài một, xây những công trình,...một cách vô bổ, nhưng vẫn có thể được coi là trong sạch, trong khi theo tiêu chí của Cụ Hồ thì đó là kẻ vô đạo đức.
Như vậy, dùng chữ đạo đức với một nội dung gồm 5 tiêu chí xác định, như cách của Cụ Hồ, dễ để cho mỗi Đảng viên cũng như mỗi tổ chức Đảng phấn đấu, cũng như nhân dân đánh giá kết quảphấn đấu của Đảng.
b- So sánh chữ vững mạnh và chữ văn minh
Có thể nói ngay rằng vững mạnh chưa chắc đã văn minh, nhưng văn minh chắc chắn là vững mạnh.
Theo Từ điển (đã dẫn): "Vững mạnh: có khả năng chịu đựng mọi thử thách và phát huy tác dụng một cách mạnh mẽ". (tr. 1096). "Văn minh: 1.Trình độ phát triển đạt đến một mức độ nhất định của xã hội loài người, có nền văn hóa vật chất và tinh thần với những đặc trưng riêng. 2. Có những đặc trưng của (...)nền văn hóa phát triển cao. (tr. 1062).
Theo Wikipedia : Văn minh là sự kết hợp đầy đủ các yếu tố tiên tiến tại thời điểm xét đến để tạo nên, duy trì, vận hành và tiến hoá xã hội loài người. Các yếu tố của văn minh có thể hiểu gọn lại là di sản tích lũy tri thức, tinh thần và vật chất của con người kể từ khi loài người hình thành cho đến thời điểm xét đến. Đối nghịch với văn minh là hoang dã, man rợ, lạc hậu."(4)
Như vậy khái niệm "vững mạnh" rất chung chung. Thế nào là "khả năng chịu đựng"? Thế nào là "phát huy tác dụng"? Tác dụng gì? Khả năng gì?... Làm sao có thể phân biệt được sự vững mạnh của Đảng và sự vững mạnh của một tổ chức, một nhóm người khác?...
Còn khái niệm "văn minh" thì rất sáng rõ: Văn minh là đối lập với hoang dã, man rợ, lạc hậu. Văn minh là những giá trị văn hóa, là con người, là tiên tiến, hiện đại.Cho thấy, Cụ Hồ dùng từ hết sức chuẩn xác.
Thực tiễn cho thấy, có những đảng cầm quyền rất vững mạnh nhưng chắc gì đã đạo đức và văn minh. Ví dụ như anh hàng xóm cạnh ta. Người cầm lái vĩ đại có quyền lực trùm trời đất. Đưa ra những chính sách, khiến hàng triệu người chết đói, hay bị tù đày. Làm cách mạng văn hóa, mà thực chất là vùi dập nền văn hóa mấy ngàn năm của dân tộc, kéo theo sự bức tử biết bao người tử tế,... Bên trong thì tắm máu và nước mắt của đồng bào. Bên ngoài thì lấn chiếm, lừa dối, gây đau thương cho các dân tộc khác. Thế mà "nhà vua" vẫn sống trong châu báu ngọc ngà đến cuối đời. Ai bảo không vững mạnh? Nhưng sự vững mạnh ấy không dựa vào đạo đức và văn minh mà dựa vào sức mạnh của cảnh sát và quân đội. Thay vì chăm lo để đạo đức và văn minh ra hoa kết trái, thì người ta khuất phục triệu triệu người bằng họng súng và màn đêm sợ hãi triền miên.
Thực tế, không thể mô tả hết được uy quyền cũng như vai trò to lớn của lực lượng lãnh đạo. Cho nên, nếu họ chỉ có quyền mà không có kiến thức khoa học hiện đại, thì tiền của tích cóp của cả một đất nước sẽ bị đổ xuống sông biển. Dốt nát cộng với nhiệt tình là phá hoại (ý Cụ Hồ). Nếu ngồi trên chiếc ghế quyết định vận mệnh của hàng triệu người, mà hoang dã, vô nhân tính, vô văn hóa, thì người ta có thể cướp hết mồ hôi và nước mắt của một dân tộc, đưa cả họ cả hàng ra nắm hết mọi chức tước, để mặc cho đất nước lúc nào cũng hèn kém, thua thiệt. Và khi đã có quyền, có tiền thì họ vô cùng vững mạnh. Lúc nào họ cũng đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh.
Chắc chắn, Đảngkhông cần và đang hết sức lên án kiểu trong sạnh, vững mạnh như vậy.
Bởi lẽ, người lãnh đạo, tổ chức lãnh đạo là biểu tượng của một quốc gia. Nhỏ như Singapore, như Israel, nhưng ai dám coi thường họ. Ngang ngang ta (về đất đai và dân số) như Nhật Bản, Hàn Quốc, thì bỏ xa ta lắm lắm. Sự hùng mạnh của họ là ở chỗ đất nước có tầng lớp đạo đức và văn minh lãnh đạo. Cho nên, người dân của họ, quốc gia của họ cũng rất đạo đức và văn minh. Đất nước thu hút được những con người tài năng. Còn không, thì ngược lại. Nhà rột từ nóc. Thượng bất chính, hạ tắc loạn. Bên trên mà vô đạo đức, hoang dã thì bên dưới sẽ là trộm cắp, giết hiếp hoành hành. Lịch sử nước nào cũng ghi như vậy.
Nắm được toàn bộ chính quyền, tắt hết các tiếng nói đối lập, cấm tiệt các ý nghĩ ngược chiều, quyếtlàm được mọi việc chỉ vì mục tiêu chính trị, (không cần lí lẽ khoa học),... có thể coi là vững mạnh. Nhưng văn minh thì ngược lại. Một đảng Văn minh cầm quyền là có thể đối thoại với tất cả, là tôn trọng lẽ phải, là chỉ có một mục đích duy nhất là "cơm ăn áo mặc", "hạnh phúc" cho nhân dân". Văn minh là "làm cho thôn cùng ngõ vắng không có tiếng hờn giận oán sầu", (Nguyễn Trãi).
Có thế nói, hiện nay, so với các chính đảng trên thế giới, thì Đảng Cộng sản Việt Nam thuộc hàng vững mạnh nhất. Đảng có lực lượng bảo vệ hùng hậu. Đảng có toàn quyền ra quyết sách mà không sợ bất cứ đảng phái nào cản trở. Là một Đảng lãnh đạo mọi lĩnh vực đời sống, xã hội, trên hết sự vững mạnh của Đảng phải là ở phẩm chất đạo đức và văn minh. Cái đó được gọi là sức mạnh mềm. Tương lai của nước Việt ta phụ thuộc vào tương lai của Đảng. Nước ta có sánh vai với các cường quốc văn minh năm châu được hay không là nhờ vào Đảng có đạo đức văn minh hay không, có tạo nên sức mạnh mềm hay không.
3- Lấy lại 4 chữ đạo đức, văn minh, là đã xác định được tiêu chí đánh giá xuyên suốt từ đảng viên đến Bộ Chính trị, mọi cấp tổ chức của Đảng một cách cụ thể rõ ràng.
Việc có được tiêu chí đánh giá, phân loại đảng viên cũng như tổ chức các cấp của Đảng là rất quan trọng. Nhưng hàng năm, chỉ có chi bộ được xếp loại trong sạch, vững mạnh. Còn các cấp khác, như với Đảng ủy, Chi ủy, Đảng bộ, Tỉnh ủy, Bộ chính trị,... tiêu chí là gì? Ngay cả với Đảng viên, do không thể xếp loại chung là đảng viên trong sạch vững mạnh được cho nên việc xếp loại theo những cái tên rất khó xác định nội hàm: Đảng viên hoàn thành nhiệm vụ, Đảng viên xuất sắc,... Tứcnhững thước đo khó xác định mức độ chính xác.Và không phải cứ mỗi mùa đánh giá, cấp trên lại phải thông báo về tiêu chuẩn xếp loại Đảng viên, và không phải lúc nào cũng thống nhất.
Nếu ta coi đạo đức và văn minh là tiêu chí cốt lõi để đánh giá về Đảng thì mọi việc rất minh bạch, dễ kiểm soát, và mãi mãi về sau không hề lạc hậu. Ta sẽ có Ban chấp hành đạo đức văn minh (hoặc không), Bộ chính trị đạo đức và văn minh (hoặc không), Tỉnh ủy đạo đức, văn minh (hoặc không), rồi Đảng ủy, Chi ủy, Đảng bộ, Chi bộ,... cũng vậy. Đặc biệt, với Đảng viên, cũng vậy: Đảng viên đạo đức và văn minh, (hay không đạt). Từ trên xuống dưới, cùng một thước đo chung. Tất nhiên mỗi cương vị công tác có đặc thù riêng, nhưng xét cho cùng cũng chỉ có đạo đức, văn minh hay vô đạo đức và hoang dã lạc hậu mà thôi.
4- Nên thay chữ "tăng cường" bằng chữ "kiên quyết": Kiên quyết xây dựng Đảng đạo đức và văn minh.
Tăng cường là "làm cho mạnh thêm, nhiều thêm". (sđd. tr. 863). Như vậy, "tăng cường" là thêm vào cái đã có. Mà lấy cái gì để do đếm cái sự thêm đó. Còn "kiên quyết" là: "Tỏ ra quyết tâm làm bằng được điều đã định, dù trở ngại đến mấy cũng không thay đổi", (sđd.tr.505). Kiên quyết là kiên cường, kiện định, kiên nhẫn, kiên nghị, kiên tâm, kiên trì, kiên trung, kiên trinh. Kiên quyết là: quyết tâm, quyết chí, quyết chiến. Kiên quyết là không thể không làm; làm không thể không xong; là nói phải đi đôi với làm. Nếu không kiên quyết thì chắc chắn hỏng việc.
Như vậy, về nghĩa, "kiên quyết" khác hẳn về tính chất và mức độ so với "tăng cường". Nói "kiên quyết xử lý", mạnh mẽ, khẩn thiết hơn hẳn với "Tăng cường xử lý".
Vì vậy, việc xây dựng Đảng không thể chỉ "tăng cường" mà phải là việc cấp bách, phải "kiên quyết", với mong thắng lợi.
***
Có thể xây dựng được một Đảng vững mạnh, nắm được quyền lực tuyệt đối bằng sự trung thành của lực lượng vũ trang, nhưng chưa lấy gì đảm bảo cho đất nước hưng thịnh. Chỉ có một Đảng cầm quyền kiên quyết xây dựng phẩm chất đạo đức và văn minh, mới có sức mạnh thực sự, mới là đảm bảo chắn chắn có một quốc gia dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh.
Một đảng đạo đức và văn minh thì chẳng phải sợ bất cứ một thế lực thù địch, một đảng phái nào khác. Đảng ấy có muốn nghỉ thì dân cũng không cho nghỉ. Điều ấy lí giải tại sao đảng cầm quyền ở Singapore vừa rồi lại một lần nữa thắng cử một cách vẻ vang. Lí giải tại sao thời Đảng chưa nắm chính quyền, gia tài của Đảng chỉ có ổ rơm, căm hầm bí mật của nhân dân, mà sức mạnh, tầm vóc của Đảng "như biển rộng, như núi cao".
Từ những lí do trên, tôi đề nghị tiêu đềBáo cáo chính trị Đại hội XII nên mở đầu là: "Kiên quyết xây dựng Đảng đạo đức và văn minh". Ước mong sao kì đại hội này, Đảng sẽ bắt hết bầy sâu bọ tham nhũng hoang dã, để đất nước có một Đảng đạo đức, văn minh lãnh đạo, để dân tộc ta luôn được đứng vào hàng văn minh của nhân loại.
Thanh Hóa, 1.10.2015
........................
1- Hồ Chí Minh - Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, 2011, tr. 404
2- Viện ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, (Hoàng Phê chủ biên), NXB. Khoa học xã hội, Trung tâm từ điển học, 1994, tr. 1003
3- Viện ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, (Hoàng Phê chủ biên), (sđd). tr. 280
4-
https://vi.wikipedia.org/wiki/Văn_minh