Nguyễn Duy Liễm
Đối với những người cầm bút, đề tài chiến tranh không còn là mới nữa, nhưng lại chẳng biết khi nào thấy cũ, chỉ có khác chăng là tác giả chọn nó ở khía cạnh nào để thể hiện. Trần Ngọc Dương đã tìm cho mình một hướng đi riêng khi viết tiểu thuyết Ngôi nhà có giàn hoa giấy, cho dù con đường đưa được tác phẩm của mình đến với bạn đọc của tác giả là con đường gai góc.
Cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc năm 1979 bỗng dưng xảy ra. Nó ập đến khi dân tộc ta vừa thoát ra khỏi những cuộc chiến chống giặc ngoại xâm dai dẳng. Vậy mà nền văn học nước nhà vẫn chưa làm tròn được trách nhiệm và bổn phận của mình, cho dù cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia chấm dứt đã lâu. Dẫu rằng, đâu đó lẻ tẻ đã có những tác giả viết về cuộc chiến tranh đầy tai tiếng và không ít hệ lụy cho đất nước Việt Nam này, nhưng các tác phẩm của họ mới chỉ đề cập ở mức độ dè chừng vì nhiều lý do tế nhị. Điều bức xúc ấy người cầm bút ai cũng biết!
Trong tiểu thuyết Ngôi nhà có giàn hoa giấy vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành tháng 8 năm 2015, tác giả Trần Ngọc Dương đã vẽ lại được phần nào bộ mặt và tâm địa thật của cuộc chiến tranh bẩn thỉu này - Cuộc chiến tranh xâm lược nào xảy ra cũng là bẩn thỉu. Nhưng cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc không chỉ bẩn về hình thức mà còn bẩn cả ở tính chất và nhân cách - lẽ ra nó không nên xảy ra.
Số phận của người lính tên Minh trong tiểu thuyết Ngôi nhà có giàn hoa giấy, bị chi phối theo các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ nền độc lập tư do của dân tộc. Minh được phác họa không có gì đặc biệt. Anh cũng giống như bao người trai cùng thời, phải bỏ học nửa chừng ở tuổi hoa niên để cầm súng lao vào cuộc chiến đấu trên các mặt trận chống lại kẻ thù xâm lược. Minh tham gia nhiều trận đánh sinh tử, đã chiến đấu hết mình, anh cũng đã làm tròn những nhiệm vụ và bổn phận được phân công. Khác chăng là Minh may mắn còn sống, rồi vinh dự thay măt những đồng đội đã ngã xuống có mặt ở dinh Độc Lập vào trưa ngày 30 tháng tư năm 1975, cái điểm hẹn cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mĩ.
Điều làm ra bước ngoặt cho cuộc đời Minh là: lẽ ra được quân đội tạo cho cơ hội vào một trường Đại học thì buộc phải về đơn vị thu dung để chờ kỷ luật rồi ra quân, vì: Đã tự ý dẫn thân nhân của một người lính Cộng Hòa đi lấy hài cốt của con em họ khi chưa được phép của đơn vị.
Minh ra quân trở về lại đất mỏ yêu thương. Nhưng anh không xin được việc làm vì sức khỏe yếu, không có nghề nghiệp được đào tạo cơ bản. Anh phải chờ đến khi mẹ về nghỉ hưu mới được vào làm thế chỗ một công nhân mỏ.
Rồi Minh gặp Hoa - Cô em gái của một đồng đội đã hy sinh - và cái duyên nợ “tiền định” đã gắn kết họ. Vào một ngày định mệnh, cặp vợ chồng Minh - Hoa (Hai người mới chỉ làm đăng ký kết hôn mà chưa kịp làm đám cưới) đưa nhau về thăm quê ngoại, một mảnh đất sát vành đai biên giới phía Bắc. Về đến nơi họ mới biết: Cả một vùng quê yên bình đang nóng lên từng giờ vì sự trở mặt bất thường của những người từng là bạn ở phía bên kia biên giới.
Hoa quay về căn nhà của mình đúng vào buổi sáng mà quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa tràn qua đường biên, nổ súng làm cuộc xâm lăng bờ cõi Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Hoa đã bị bắt bởi những người một thời là bạn, cùng học trường làng, cùng lớn lên bằng hạt lúa củ khoai trên mảnh đất Việt như thằng Bẩu, thằng Hắm. Những đứa đã nghe theo tiếng gọi của “tổ quốc Trung Hoa vĩ đại” ào về bên kia biên giới, nay quay trở lại trong đội hình quân xâm lược, làm kẻ tiên phong tàn phá mảnh đất đã cưu mang mình. Hoa bị chúng dí súng bắt làm vật thí mạng dẫn độ cho quân Trung Quốc vượt qua bãi mìn, đưa chúng tiến sâu vào nội địa Việt Nam.
Hoa - Người mẹ trẻ mới chạm chân tới ngưỡng cửa của hạnh phúc. Đứa con vừa hoài thai mới có dấu hiệu quẫy đạp trong cơ thể để người mẹ kịp dấy lên niềm vui rung cảm hạnh phúc. Nhưng lũ giặc buộc chị phải cân đong giữa: Tổ quốc và mạng sống của mình với đứa con?
Sự hy sinh ở đây nếu chỉ mình Hoa thì hẳn là cô chẳng phải đắn đo lựa chọn! Nhưng nếu phải hủy hoại theo luôn cả giọt máu của tình yêu, khi mầm sống đã hình thành lại là một tội lỗi. Lòng người mẹ nào không dậy sóng trước tình của đứa con chưa nói thành lời. Âm thanh bước chân của Hoa, hay tiếng những nhát búa gõ thẳng vào trái tim ta?
Hoa không có nhiều thời gian để đắn đo phán xét.
Cô đã chọn phương án báo cho đồng đội biết cuộc xâm lăng của quân Trung Quốc bằng cách đạp thẳng vào quả mìn lệnh trong bãi mìn.
Hoa đã chọn tổ quốc của mình! Cô hy sinh cùng với đứa con chưa kịp chào đời!
Tội lỗi ác nghiệt này ai sẽ phải gánh chịu? Người mẹ hay đám người ở phía bên kia biên giới?
Có lẽ, chẳng có thứ tòa án nào đứng ra xét xử cả. Thôi thì ta đành để cho lương tâm loài người phán xét vậy.
Cũng xin nhắc lại: Cuộc chiến tranh xâm lược nào cũng là bẩn thỉu cả. Nhưng cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979 không chỉ bẩn thỉu về hình thức, tính hủy diệt, sự tàn độc mà còn bẩn cả ở tính chất vì nó chà đạp lên lương tri của nhân loại...
Tiểu thuyết Ngôi nhà có giàn hoa giấy của Trần Ngọc Dương giá chỉ khai thác ngần ấy chi tiết thôi cũng đủ để người đọc nâng niu, trân trọng lắm rồi. Tuy những vấn đề mà tiểu thuyết nêu ra không thuộc : “vùng cấm đất thiêng”, nhưng lại đụng chạm đến một vấn đề vương vướng bấy lâu nay, không dễ gì phóng bút mà viết ào ra được, nên ta thấy trân trọng nỗi niềm và trách nhiệm trước ngòi bút của tác giả.
Vấn đề bứt phá thứ hai trong tiểu thuyết Ngôi nhà có giàn hoa giấy, Trần Ngọc Dương đã đề cập đến khía cạnh về nỗi niềm trăn trở của những người lính phía Việt Nam Cộng Hòa sau ngày 30/4/1975. Họ đã trở thành những kẻ thất sủng, bị “tập trung cải tạo tư tưởng”. Nhưng khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, những người lính pháo binh tài giỏi như Trung úy Hoàng, Thượng sĩ Khang và Thiếu úy Hạ... được trưng dụng lên biên giới phía Bắc, cùng tham gia chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Những người chiến binh này đã chiến đấu dũng cảm ngoan cường, hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ với Tổ quốc. Có chiến sĩ bị thương tật như Trung úy Hoàng và có cả những người đã nằm xuống miền biên viễn phía Bắc mù sương như Thiếu úy Hạ...
Nhẽ ra, như nhà văn Khuất Quang Thụy đã viết trong tiểu thuyết “Đối Chiến”:
- Phải công bằng với tất cả máu xương!
Nhưng những người lính này chỉ được xem như những kẻ đang mắc trọng tội, được trưng dụng đi lao dịch chiến trường. Khi cuộc chiến kết thúc, họ chỉ được ân sủng duy nhất là mỗi người được cấp một mảnh giấy như một chứng chỉ: đã hoàn thành nhiệm vụ phục vụ chiến trường và được phóng thích về lại với gia đình. (Trong khi đó những người lính đương nhiệm của Quân đội nhân dân Việt Nam được nhà nước tặng thưởng huân chương chiến công...) Nhưng khi về đến địa phương, những người lính Cộng Hòa ấy vẫn bị kỳ thị. Có người vì mặc cảm đã phải tìm đường vượt biên chạy ra nước ngoài để nhiều năm sau quay trở về với tư cách: Việt kiều - mang theo nguồn ngoại tệ về đầu tư cho đất nước như Hoàng.
Vâng! Đấy cũng lại là một giai đoạn mà lịch sử đất nước đã trải qua về một thời cố chấp. Bởi ngày ấy chúng ta đang chói lòa với ánh hào quang chiến thắng mà mình tự tỏa.
Tiểu thuyết Ngôi nhà có giàn hoa giấy nếu chỉ có như vậy thì tác phẩm cũng đã chuyển tải tới bạn đọc được những vấn đề cần chuyển. Nhưng hình như để câu chuyện “có hậu”, Trần Ngọc Dương lại đặt thêm một số chi tiết phụ, làm tác phẩm có phần loãng ra, khiến người đọc đôi phần tiếc nuối...
Dẫu vậy, khi đọc tiểu thuyết Ngôi nhà có giàn hoa giấy, ta không thể phủ nhận: Tác phẩm đã đóng góp vai trò tích cực để lưu lại một quá trình lịch sử mà thế hệ chúng ta đã trải qua.
Đó là một thời: Hào hùng - gian nan - mông muội.
Thành phố Cẩm Phả tháng 10 năm 2015
Nguyễn Duy Liễm