Trao đổi
Trong chương trình “Ai là triệu phú” của VTV3 ĐÀI TRUYỀN HìNH VIỆT NAM phát lúc 19h45 ngày 4-1-2005 có câu hỏi đại ý như sau: Bạn hãy cho biết trong bài ca dao “Thằng Bờm” thì Bờm đã đổi quạt mo lấy gì trong bốn thứ sau: ao sâu cá mè, bè gỗ lim, chim đồi mồi, nắm xôi. Người chơi trả lời: “Nắm xôi”. Đáp án của nhà tổ chức là đúng và người chơi được điểm.
Sau khi xem xong chương trình, tôi đã viết thư gửi tới tạp chí Truyền Hình, phân tích kỹ về đáp án này của nhà tổ chức là sai. Tiến sĩ Đậu Ngọc Đản, tổng biên tập, đã viết thư trả lời đề ngày 30-5-2005, (hiện nay tôi vẫn giữ). Tôi xin trích đoạn đầu có mấy câu như sau:
"Thân gửi bạn Trần Kế Hoàn!
Tạp chí truyền hình rất vui mừng nhận được thư của bạn. Những góp ý của bạn thật đáng quý và thiết thực.Về quan điểm văn hoá đối với bài ca dao Thằng Bờm, chúng tôi xin ghi nhận và sẽ trao đổi về vấn đề này..."
Thế nhưng cũng ở VTV3 ĐÀI TRUYỀN HìNH VIỆT NAM trong chương trình: “Chúng tôi là chiến sĩ” phát vào khoảng trung tuần tháng 8-2913 thì một đơn vị bộ đội đã cho các chiến sĩ lên diễn một hoạt cảnh ca nhạc vui dựa theo nội dung bài ca dao: THẰNG BỜM có cảnh đạo diễn cho nhân vật Bờm cầm nắm xôi của Phú Ông ăn ngon lành.
Tôi liền đưa vấn đề này ra thăm dò cách hiểu của bạn bè, anh em, cùng bà con làng xóm xung quanh thì thấy ai cũng cho là Bờm đồng ý!
Trời ơi! Qủa là một sai lầm nghiêm trọng! Hai từ cuối của bài ca dao là: “Bờm cười” chứ có từ nào thể hiện là Bờm đồng ý đổi đâu! Chúng ta hãy suy ngẫm xem “Bờm cười” như thế nào nhé!
Bài ca dao nhắc đến hai nhân vật Phú Ông và thằng Bờm. Nếu ta hiểu thằng Bờm như cách hiểu của nhiều người hiện nay thì có thể coi đó là một người ngớ ngẩn, dở hơi, hâm hấp… giống như bộ phim truyện “Thằng Bờm” đã mô tả. Nếu vậy Phú ông lại là người dở hơi, hâm hấp hơn cả Bờm. Không thế thì tại sao hắn lại đem những tài sản khổng lồ đổi lấy cái quạt mo, một thứ mà ở nông thôn Việt nam có thể đi xin được. Họa chăng chỉ có thằng điên mới đổi thế. Vậy Phú Ông ở đây có điên không? Xin thưa là không điên! Nếu hắn điên thì sao giàu có đến như vậy? Phú Ông là đại diện cho tầng lớp người giàu có xưa. Chúng rất nham hiểm, mưu mô, thủ đoạn! Đã có biết bao nhiêu tác phẩm văn chương của các nhà văn lớn như Ngô tất Tố, Nguyễn công Hoan, Nam Cao… viết về những hạng người này. Mọi cách bòn rút của cải, mồ hôi, nước mắt… của những người nông dân như Bờm là tinh quái lắm. Vậy Phú Ông gạ đổi những tài sản kếch xù kia lấy cái quạt mo là thật hay giả? Nhằm mục đích gì? Nếu hiểu đúng thì ở ngay những lần gạ đổi đầu này Phú Ông đã xúc phạm đến Bờm. Giai cấp bóc lột đã xúc phạm đến giai cấp bị bóc lột. Kẻ giàu sang đã thẳng thừng mỉa mai người nghèo khó. Phú Ông vờ vịt gạ đổi để khoe của một cách hợm hĩnh. Trong bụng Phú Ông muốn thầm bảo với Bờm rằng: “Bờm ơi! Mày nghèo kiết xác, chả có gì ngoài cái quạt mo. Mày hãy xem tao đây này: Ba bò chin trâu, ao sâu cá mè, gỗ lim, chim đồi mồi…” Đặt chúng ta ở cương vị Bờm sẽ phản ứng ra sao? Ai mà chả xử trí như Bờm, tức là “ sẽ tặng” cho Phú Ông- kẻ đang mỉa mai mình- một nụ cười khinh bỉ. Bờm khinh những bè gỗ lim, chim đồi mồi là có lí lắm chứ! Bởi những thứ đó là mồ hôi, nước mắt của Bờm và bao người nông dân nghèo khó khác. Gía trị kinh tế của những tài sản đó lớn nhưng về giá trị tinh thần thì sao thơm tho bằng cái quạt mo của Bờm! Cho đến khi Phú Ông tỏ ra đứng đắn hơn trong cuộc gạ đổi này là đưa ra một nắm xôi, thứ có giá trị tương đương với cái quạt mo thì hàm ý mỉa mai vẫn chưa hết. Phú Ông một lần nữa muốn thầm bảo Bờm rằng: “Thôi lại đây ông cho nắm xôi mà ăn kẻo đói”. Hiểu rất rõ hàm ý đểu cáng của Phú Ông nên tác giả dân gian để cho “Bờm cười”. Vậy hà cớ chi chúng ta không hiểu đó là nụ cười mỉa mai, khinh bỉ của một người thông minh, biết ta biết người?
Bài ca dao sử dụng cách nói bóng thật dung dị như lối nói thông thường của người Việt. Cách dùng đại từ nhân xưng; “THẰNG” để chỉ Bờm đã đạt hiệu quả thể hiện tối đa. Phú Ông chỉ dám mỉa mai “THẰNG BỜM” chứ không dám trêu vào “BỐ BỜM” hay “CỤ BỜM” thì còn là “ÁC LIỆT” hơn nhiều.
Hiệu quả sử dụng điệp ngữ ở đây đã được phát huy để hỗ trợ cho chủ đề tư tưởng. Cụm từ: "phú ông xin đổi" được điệp lại tới năm lần thể hiện sự cố tình đến đáng gét của một kẻ trịch thượng, khoe khoang.
Ngược lại cụm từ: "Bờm rằng Bờm chẳng" được điệp lại lần lượt tới bốn lần thể hiện thái độ khẳng khái, dứt khoát không hề do dự của Bờm trước ý đồ xấu của phú ông.
Đặc biệt cấu trúc số lượng âm tiết trong thể thơ lục bát cũng được tác giả dân gian tận dụng để thể hiện thái độ khinh miệt của Bờm đối với những món tài sản kếch sù mà phú ông muốn khoe khoang. Các món tài sản đưa ra khoe, phú ông phải dùng tới bốn âm tiết để chỉ rất trang trọng: "ba bò chín trâu", "ao sâu cá mè", "ba bè gỗ lim", "con chim đồi mồi". Với Bờm mỗi món tài sản ấy lại chỉ cần gọi bằng một âm tiết cuối, lần lượt là: "trâu", "mè", "lim", "mồi". Thậm chí cho đến lần gạ đổi cuối cùng của Phú Ông, Bờm không thèm trả lời nữa mà chỉ : "CƯỜI"
Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu
Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu
Phú ông xin đổi ao sâu cá mè
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè
Phú ông xin đổi ba bè gỗ lim
Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi nắm xôi. Bờm cười.
Đây là cách nói rất dân dã của nhân dân ta để thể hiện thái độ trong câu thoại từ cổ xưa, thế mà có quá nhiều người (kể cả những người làm công việc định hướng thẩm mỹ cho công chúng trên những phương tiện thông tin đại chúng có tầm cỡ quốc gia) lâu nay vẫn hiểu sai???... Theo tôi đây có lẽ là một bài học nhỏ nhắc nhở chúng ta cần nghiêm túc hơn trước những giá trị tinh thần quý giá mà cha ông ta để lại tự ngàn xưa.
Nếu ta hiểu Bờm đồng ý đổi quạt mo lấy nắm xôi, quả là oan cho Bờm quá.
Nếu ta hiểu nụ cười của Bờm ở đây là nụ cười viên mãn thì vô tình đã hạ thấp giá trị tư tưởng, giá trị thẩm mỹ, giá trị nghệ thuật của bài ca dao “THẰNG BỜM”, MỘT BÀI CA DAO HAY TRONG KHO TÀNG THƠ CA DÂN TỘC.
TRẦN KẾ HOÀN
Hội VHNT Nam định