(CLO) Hai hôm nay, có vài ý kiến cho rằng, nhà thơ Phan Hoàng – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM đã đứng ra bảo vệ, bênh vực, tiếp tay cho nhà nhà thơ Phan Huyền Thư trong vụ “đạo thơ” Phan Ngọc Thường Đoan. Những quan điểm trên được đăng trên trang mạng xã hội theo kiểu quy chụp gây xôn xao dư luận.Sự thật câu chuyện như thế nào, người viết bài này có phần liên quan và chứng kiến ngay khi câu chuyện xảy ra.
Tối ngày 18/10/2015, tôi cùng nhà thơ Phan Hoàng và nhà thơ Đặng Huy Giang ( vừa ở Hà Nội vào) cùng nhau ngồi hàn huyên trong một quán ăn ở quận Tân Phú. Khoảng 21h thì chị Phan Ngọc Thường Đoan điện thoại cho anh Phan Hoàng thông báo rằng, Phan Huyền Thư đã “đạo” gần nguyên văn bài thơ “Buổi sáng” của chị. Vụ việc đã được đăng trên FB. Phan Hoàng hết sức ngạc nhiên và có khuyên chị Thường Đoan nên bình tĩnh xem xét và xử lý cho khéo léo, xem động thái Huyền Thư như thế nào, dù sao chị cũng là đàn chị.
Sau cuộc điện thoại của chị Phan Ngọc Thường Đoan, anh Phan Hoàng gọi ngay cho Phan Huyền Thư nhưng không thấy bắt máy. Vài phút sau Huyền Thư gọi lại, và anh Phan Hoàng bảo rằng chị Thường Đoan vừa phản ánh sự việc như vậy, phải kiểm tra lại thực hư thế nào. Anh cho Huyền Thư số điện thoại của chị Thường Đoan để liên lạc.
Chúng tôi tiếp tục ngồi trò chuyện với nhau và chưa tin vào chuyện đạo thơ. Một hồi sau, Phan Huyền Thư gọi cho anh Phan Hoàng nói rằng đúng là bài thơ “Buổi sáng” của chị Thường Đoan in trong tập thơ “Đếm cát” từ năm 2003, trước bài thơ “Bạch lộ” trong tập “Sẹo độc lập”. Huyền Thư cũng báo sự việc đã đăng trên Facebook rồi. Phan Hoàng nói rằng anh chưa biết thực hư thế nào, nhưng về lý thì Huyền Thư đã sai, hãy suy nghĩ cho kỹ và nhanh chóng bay vào TPHCM gặp, trao đổi và xin lỗi chị Thường Đoan.
Tôi liền mở FB xem 2 bài thơ và phần nào đã hiểu sự việc. Chúng tôi cùng nhất trí: Huyền Thư đã sai và ai cũng cảm thấy tiếc, vì sao cô ấy lại làm như vậy?! Tập thơ mới được giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội đã vướng vào chuyện “đạo” một câu thơ của nhà thơ Du Tử Lê, bị dư luận phê phán, bây giờ tiếp tục “dính” chuyện đạo thơ của Thường Đoan thì Huyền Thư sẽ bị sốc mạnh.Anh Phan Hoàng mới gọi cho chị Thường Đoan nói rằng rõ ràng trước mắt Huyền Thư đã sai, nhưng với tư cách đàn chị trong giới văn chương chị nên độ lượng ứng xử nhẹ nhàng giúp cô ấy. Tôi và anh Đặng Huy Giang cũng đồng ý với ý kiến của Phan Hoàng.
Sau đó, qua trao đổi với tôi, Phan Huyền Thư nhờ tôi liên hệ với chị Thường Đoan và thu xếp cuộc hẹn để sáng mai Huyền Thư bay vào gặp chị ấy. Thư còn khẳng định đã đặt vé máy bay rồi, sáng mai bay vào TPHCM sớm. Sau đó tôi chủ đông liên hệ nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan để xin ý kiến chị.Chị Đoan đồng ý và còn khẳng định rằng, nếu Phan Huyền Thư biết lỗi, chị sẽ tiếp chuyện.
Câu chuyện diễn ra khá bất ngờ đối với chúng tôi.Mọi người ai cũng cảm thấy tiếc cho Phan Huyền Thư, một người đa năng và có tâm huyết.Anh Phan Hoàng cũng tắt máy, không liên lạc với ai nữa. Có lẽ anh thận trọng, vì dù sao anh cũng đang giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, trong khi tập thơ “Sẹo độc lập” của Phan Huyền Thư vừa nhận giải của Hội Nhà văn Hà Nội.
7h sáng hôm sau, vừa thức dậy, tôi đã thấy điện thoại mình có 4 cuộc gọi nhỡ của Phan Huyền Thư. Tôi gọi lại thì Thư , với chất giọng buồn bã, Thư nói, Hiệu à, Thư không bay vào TP.HCM nữa đâu, vì chị Đoan đã cho hàng chục báo đăng rồi. Tôi hỏi, vậy bây giờ làm sao? “Tưởng chị ấy im lặng để dàn xếp cho Thư, không ngờ chị ấy đã bung bét trên báo chí rồi Hiệu ạ!” – Huyền Thư nghèn nghẹn…
Vài giây sau cô nói tiếp: “Hiệu có thể tư vấn cho Thư điều gì không?”. Tôi hỏi: “Vậy sự thật như thế nào, bài thơ này có chính xác của Thư không?”. Thư đáp:“Thư chưa từng đọc thơ chị Đoan nhưng đã nghe bài hát do Phú Quang phổ”. “Thế khi nhạc sĩ Phú Quang phổ bài thơ này có xin ý kiến của Thư không, sao lúc đó Thư không lên tiếng?”. Thư im lặng. Tôi tiếp: “Khi tập Đếm cát của chị Thường Đoan in năm 2003, trong đó có bài thơ này sao Thư không nói gì cả?”. “Tại Thư không có tập thơ chị ấy nên không biết, nhưng Thư khẳng định với Hiệu là năm 1996 Thư đã làm bài thơ này và gửi sang Mỹ để in trong tạp chí nào đó, Thư không nhớ được. Tuy nhiên Thư sẽ liên lạc với các bạn bên Mỹ để nhờ tìm lại bản gốc đã đăng, lúc đó Hiệu giúp Thư nói lại trên báo nhé” – Huyền Thư nói.
Câu chuyện giữa chúng tôi chỉ có như vậy. Tuy nhiên không hiểu sao trên FB của một vài cá nhân lại có thông tin suy diễn là nhà thơ Phan Hoàng bênh vực cho Phan Huyền Thư như để cho “im lặng” vụ này. Im lặng làm sao được khi chúng tôi còn ngồi với nhau thì trên FB đã lan truyền thông tin về việc Huyền Thư đạo thơ và tôi lại cập nhật liên tục. Anh Phan Hoàng thừa biết điều đó, nhưng vì thương tình bạn thơ trẻ là Phan Huyền Thư bị hết tai nạn này đến tai nạn khác, có thể do vô tình hoặc cố ý của chính cô ấy, anh sợ nếu quá nặng tay thì cô ấy không vượt qua nổi, nên có lời với chị Thường Đoan như đã nói trên.
Việc quy chụp cho nhà thơ Phan Hoàng bênh vực chuyện Phan Huyền Thư đạo thơ nhà thơ PN Thường Đoan là hoàn toàn thiếu chính xác và không có cơ sở.Tôi là người trong cuộc biết rõ điều này. Rồi từ đó vu khống, quy chụp “tư cách” Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM của anh lại càng không đúng.
Phan Hoàng với tư cách Phó chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM không dại gì nhảy vào bênh vực , bảo vệ, tiếp tay cho một người sai trái như vậy, càng không thể có chuyện Phan Hoàng chỉ đạo cho chị Thường Đoan im lặng nếu truyền thông hỏi tới, trong khi đó mạng xã hội đăng tràn lan, và Phan Hoàng cũng thừa hiểu rằng mình không có quyền chỉ đạo nào đối với Phan Ngọc Thường Đoan trong vụ này.
Tôi viết bài này vì sự trung thực của lòng mình, cũng vì sự yêu quý đối với một người nhiệt huyết với văn chương, thấu hiểu nỗi đau của người này và cũng là sự mất mát của người kia, chứ không có ý gì bênh vực nhà thơ Phan Hoàng.
Nguồn: Congluan