Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGUYỄN DU VÀ NHỮNG BƯỚC THĂNG TRẦM TRÊN CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT

Hoàng Quốc Hải
Thứ ba ngày 13 tháng 10 năm 2015 4:19 PM


(Tham luận tại Hội thảo Ảnh hưởng của Nguyễn Du với văn chương hiện đại)

Từ xưa ta chỉ tìm hiểu Nguyễn Du trên cương vị nhà thơ lớn và xoay quanh tác phẩm Truyện Kiều.
Gần trăm năm nay người ta tranh luận triền miên về Truyện Kiều. Đôi khi có những cuộc tranh luận vì động cơ chính trị, người ta cũng mạt sát Truyện Kiều. Nhưng giá trị văn chương và nhân văn của Truyện Kiều ngày càng khẳng định vị trí số một của Truyện Kiều trong lòng công chúng Việt Nam.
Vài chục năm gần đây lại tiến thêm một bước nữa, tìm hiểu Nguyễn Du trên cương vị một nhà văn hóa.
Tuy nhiên, nếu chỉ đóng khung Nguyễn Du với tác phẩm Truyện Kiều, chắc là ta hiểu Nguyễn Du chưa trọn vẹn. Sự thật, cuộc đời và quá trình chuyển hóa tư duy của Nguyễn Du, được phản ánh khá phong phú và trung thực trong các tác phẩm chữ Hán của ông. Bài viết này nhằm bước đầu tìm hiểu những thăng trầm của Nguyễn Du từ Vị ngã đến Bản ngã và từ Phi ngã tới Giác ngộ và Giải thoát.
TỪ VỊ NGÃ…
Gia cảnh lâm nạn, Nguyễn Du mất chỗ dựa. Đã vậy, đất nước lại rơi vào cảnh loạn ly. Vốn con nhà dòng dõi thế gia lại có học thức, Nguyễn Du cũng lo lập thân, lập nghiệp như các nhà nho khác.
Khi Nguyễn Du vào tuổi cận 30, cũng là lúc Thăng Long rối loạn, nội bộ Lê- Trịnh lục đục, Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc diệt Trịnh dưới danh nghĩa phù Lê. Lê Chiêu Thống ngồi chưa ấm chỗ đã đón 29 vạn quân Thanh sang nhằm ổn định đất nước. Thực chất là đất nước có nguy cơ bị chiếm đóng. Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc phối hợp với các lực lượng yêu nước do các sĩ phu Bắc Hà tập hợp.Và chỉ trong vòng 10 ngày đã đánh cho 29 vạn quân Thanh tan tác. Quang Trung lên ngôi hoàng đế. Đất nước tạm yên, nhưng chưa ổn.
Năm 1789 khi Quang Trung đại phá quân Thanh, anh vợ Nguyễn Du là Đoàn Nguyên Tuấn hợp tác với Tây Sơn, nên được vời giữ chức Thị lang Bộ lại. Lúc này Nguyễn Du về quê vợ ở Quỳnh Côi Thái Bình, năm ấy ông mới 24 tuổi.
Với phong trào Tây Sơn, gia đình Nguyễn Du có sự phân hóa cao độ.
Người anh thứ tư cùng cha khác mẹ với Nguyễn Du là Nguyễn Quýnh, do chống Tây Sơn nên bị bắt và bị hành quyết vào tháng 10 năm Tân hợi ( 1791 ). Do đó dinh cơ của cụ Nguyễn Nghiễm ở Tiên Điền bị quân Tây Sơn tàn phá.
Thế nhưng Nguyễn Du lại có người anh ruột cùng cha khác mẹ khác là Nguyễn Đễ theo Tây Sơn, đang giữ chức Thái sử ở viện cơ mật, sau được thăng tới chức Tả đồng nghi Trung thư sảnh.
Các sự việc trên diễn ra khi Quang Trung Nguyễn Huệ vẫn còn đang giữ ngôi báu. Nguyễn Du bỏ Thăng Long về ẩn cư nơi quê vợ, chắc là ông có cân nhắc nên không ra hợp tác với triều đại Quang Trung, thời gian này ông đã vào tuổi 27.
Trên đường đi ở ẩn, cũng có nghĩa là đi trốn, tâm sự của Nguyễn Du được bộc lộ khá trung thực trong “Thanh hiên thi tập”.
Trong bài “Đêm nguyên tiêu ở Quỳnh Hải”, bốn câu cuối, Nguyễn Du giãi bầy tâm sự:
Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán
Bạch đầu đa hận thế thi thiên
Cùng đồ lân nhữ dao tương kiến
Hải giác thiên nhai tam thập niên
Nghĩa là;
Nơi non Hồng không có nhà, anh em tan tác
Đầu bạc nhiều hận mà năm tháng đổi dời
Thương cho người lúc cùng đường chỉ được nhìn thấy nhau từ xa
Ở góc bể bên trời đã ba chục năm rồi.
Non Hồng ở đây là chỉ núi Hồng Lĩnh quê hương ông ở Tiên Điền. Nhà cửa do quân Tây Sơn phá nát, còn anh em thì tan tác mỗi người mỗi ngả.
Nguyễn Du có 21 người anh chị em, trong đó có 12 anh em trai, bởi cha ông có 8 bà vợ. Lúc này các anh lớn như Nguyễn Khản, Nguyễn Điều đều đã chết. Và Nguyễn Quýnh bị Tây Sơn giết. Các anh em Nguyễn Du thường mỗi người một mẹ. Nay gia đường bị khủng bố, nên anh em tan tác thường ẩn lánh nơi quê mẹ của mỗi người. Vì thế khi nghĩ về anh em, Nguyễn Du mới thốt lên: “ Cùng đồ lân nhữ dao tương kiến”. Nghĩa là gặp bước đường cùng (anh em ) chỉ nhìn thấy nhau từ xa.
Cứ như ý bài thơ thì lúc này Nguyễn Du đã 30 tuổi. Mới 30 tuổi mà đã “Bạch đầu đa hận thế thi thiên”. Bạc đầu do có nhiều mối hận lòng do năm tháng dời đổi.
Năm tháng dời đổi, ngụ ý nói đến sự đổi thay triều đại, đổi thay thời đại. Đa hận ở đây là nhiều mối bận tâm lo lắng, nhiều mối buồn đau. Đau nhất là anh bị giết nhà bị phá, khiến “Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán”. Đó là mối hận lớn. Phải chăng vì thế mà ông không nhòm ngó gì đến nhà Tây Sơn, và quyết dời bỏ kinh thành đi lánh nạn.
Hãy xem khi đi lánh trú, Nguyễn Du lo cho thân phận mình như thế nào. Tâm sự ấy được giãi bầy trong hai bài:
TỰ THÁN I
Sinh vị thành danh thân dĩ suy
Nghĩa là sống chưa thành danh phận gì thì thân đã già yếu.
Hai câu kết của bài’Tự thán I” không chỉ là nỗi buồn về thân phận mà còn biểu thị nỗi lo về số phận.
Đoạn bồng nhất phiến tây phong cấp,
Tất cánh phiêu linh hà xứ qui?
Cỏ bồng là loại có hình tròn mà ruột xốp như cánh bèo Nhật Bản, ta thường gọi là lục bình. Loại này bị đứt rễ cứ theo nước và gió mà trôi. Thực ra là nó lăn trên mặt nước tựa như quả bóng giấy bị gió thổi lăn lông lốc. Thân phận tác giả lúc này ví như cỏ bồng đứt rễ lại gặp gió tây thổi mạnh ( phong cấp).
Bởi vậy ông thất vọng kêu than:
Tất cánh phiêu linh hà xứ qui?
Có nghĩa là rốt cuộc chẳng biết rồi sẽ xiêu dạt về nơi chốn nào đây?
TỰ THÁN II
Nửa cuối của bài này, Nguyễn Du viết:
Thư kiếm vô thành sinh kế xúc,
Xuân thu đại tự bạch đầu tân.
Hà năng lạc phát qui lâm khứ,
Ngọa thính tùng thanh hưởng bán văn.
Thư kiếm nghĩa là sách và kiếm. Ý tác giả muốn nói ông đã học qua cả văn lẫn võ, nhưng vẫn không bảo đảm được sinh kế.
Đoạn thơ trên có nghĩa:
Nghiệp thư kiếm không thành, sinh kế khó khăn. Xuân thu ( tuổi tác hoặc năm tháng ) đắp đổi đầu thêm bạc. Uớc sao có thể cắt tóc về quách. Nằm nghe tiếng thông reo ở nửa từng mây.
Có học hành chữ nghĩa hẳn hoi mà không kiếm nổi một công việc làm sinh kế. Cứ lận đận tới bạc đầu. Ước mơ cắt tóc đi ở ẩn như một đạo sĩ, nằm nghe tiếng thông vút gió trên ngàn. Nhưng mơ ước ấy với ông trong thời loạn này cũng là một sự xa vời.
Ta có cảm giác, có lúc Nguyễn Du đã rơi vào bi lụy. Trong bài “U cư” ông bộc bạch:
Niên thâm cánh giác lão tùy thân,
Dị hương dưỡng chuyết sơ phong tục.
Loạn thế toàn sinh cửu úy nhân,
Lưu lạc bạch đầu thành để sự.
Nghĩa là : Trải nhiều năm tháng biết cái già đã đến với mình. Chốn tha hương giữ sự vụng về để phòng kẻ tục. Đời loạn muốn bảo toàn sinh mệnh nên sợ người đã lâu. Lưu lạc đến bạc đầu có nên chuyện gì đâu?
Ông thường than về tuỏi già và đầu bạc. Sự thật, ông mới ở tuổi ba mươi. Ông luôn nơm nớp lo sợ có kẻ phản phúc nên đề phòng bằng cách giấu mình bằng sự vụng về. Và nghĩ mình sống trong thời loạn nên luôn luôn “úy nhân”, tức là sợ người. Ở đây tác giả có ý sợ kẻ nào đó tố cáo mình.
Lúc này Nguyễn Du mới ở tuổi 30, ứng với năm 1795. Vậy Nguyễn Huệ đã mất cách đấy 2 năm ( 1793 ). Và người đang trị vì là Nguyễn Quang Toản, một người bất tài lại được ông cậu ruột lộng quyền, cũng góp phần đắc lực làm cho thời đại Quang Trung mau chóng sụp đổ.
Gian nan vất vả cùng thiếu thốn kéo dài khiến cơ thể đổ bệnh. Có thể nói giai đoạn này Nguyễn Du không chỉ mắc thân bệnh mà cả tâm bệnh nữa. Nỗi buồn này ông bộc lộ trong bài:
MẠN HỨNG
Bách niên thân thế ủy phong trần,
Lũ thực giang tân hựu hải tân.
Cao hứng cửu vô hoàng các mộng,
Hư danh vị phóng bạch đầu nhân.
Tam xuân tích bệnh bần vô dược,
Táp tải phù sinh hoạn hữu thân.
Dao ức gia hương thiên lý ngoại,
Trạch xa đoạn mã quí đông lân.
Dịch thơ:Kim Hưng
Trăm năm thân thế gió sương lồng,
Ở đậu ăn nhờ bể lại sông.
Giấc mộng gác vàng lâu chẳng hứng,
Bạc đầu danh hão mãi chưa xong.
Phù sinh một kiếp thân lo nghĩ,
Nghèo bệnh ba xuân thuốc rỗng không.
Xa nhớ quê nhà nghìn dậm cách,
Xe rong ngựa ruổi thẹn lân ông.
Cái thân đi lánh nạn mãi với biết bao khó khăn, thiếu thốn khiến cho cái mộng lập thân chốn quan trường với Nguyễn Du dường như đã khép lại. Ông cảm thấy cái thân gió bụi cứ ăn nhờ ở đậu hết mạn biển lại đến mạn sông, cho nên cái thứ “ hoàng các mộng” tức là giấc mơ làm tể tướng chỉ là chuyện hão. Thực tế là đã ốm ròng ba tháng xuân mà không có tiền mua thuốc, còn nói chi công danh nữa. Và sở dĩ phải khổ đau trôi nổi theo Nguyễn Du là vì có thân “ Táp tải phù sinh hoạn hữu thân”. Lão Tử cũng từng nói: “Ngô sở dĩ đại hoạn giả vi ngô hữu thân” ( Ta sở dĩ có lo lớn là bởi ta có thân).
Cuộc đời Nguyễn Du ngày càng bế tắc. Suốt thời trai trẻ gắng sức học tập và rèn luyện văn, võ mong có ngày đạt tới “hoàng các mộng”. Thì nay đã thấy “Thư kiếm vô thành sinh kế xúc” .Tức là văn võ rốt cục chẳng giúp gì cho sinh kế, nói chi đến việc đem tài năng ấy tham gia vào việc trị quốc bình thiên hạ. Thậm chí mọi nẻo đường đều bị chặn, mọi cánh cửa đều đóng chặt, nhà thơ tuyệt vọng viết bài “Khất thực” để nói lên cái bi phẫn của quãng đời long đong. Khất thực nghĩa là ăn xin. Tại sao phải ăn xin. Bởi vì tài năng ông là ở nơi chữ nghĩa. Mà chữ nghĩa với ông tới lúc này chưa từng được dùng vào việc gì:
Văn tự hà tằng vi ngã dụng
Cơ hàn bất giác thụ nhân liên.
Chữ nghĩa chưa từng là việc giúp ích cho ta. Bất giác đói rét khiến người ta thương.
Cái gì đến ắt phải đến.
Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền chép: “ Mùa đông năm Bính thân ( 1796 ) Nguyễn Du toan vào Gia Định theo Nguyễn Ánh, việc bại lộ, bị tướng Tây Sơn là Nguyễn Thận lúc ấy làm đốc trấn Nghệ An bắt giam.
Quận công Nguyễn Thận lại là bạn thân với anh ruột Nguyễn Du là Nguyễn Nễ, nên Nguyễn Thận chỉ giam Nguyễn Du có ba tháng rồi thả. Nhân chuyện này Nguyễn Du viết bài “ My trung mạn hứng” là mạn hứng ở trong tù.
Bài này được nhà thơ Quách Tấn dịch thơ lột tả được nguyên văn và cả viễn ý của tác giả.
MY TRUNG MẠN HỨNG
Đường tơ chung tử khúc Nam cầm,
Giường bệnh Trang lang tiếng Việt ngâm.
Bụi ngấm non sông dòng khổ lệ,
Tù treo sống thác mối kiên tâm.
Bình Chương hận cũ bao giờ dứt?
Cô Trúc gương trong khó nỗi tầm!
Tâm sự biết cùng ai giãi tỏ,
Non Hồng sông Quế cảnh cao thâm.
Nguyễn Du mượn các điển tích Trung Hoa để tỏ lòng mình ngoái hướng về cái xưa cũ, có lẽ ngụ ý của ông là hoài nhớ nhà Lê.
Tuy nhiên, quan niệm của Nguyễn Du cũng dần thay đổi. Bởi cái nhà Lê- Trịnh mà cha anh ông ăn lộc, nó đã suy đồi mục ruỗng chẳng còn gì để yêu tin. Vì vậy trong bài “Vị Hoàng dinh” ông khẳng định: “ Cổ kim vi kiến thiên niên quốc”. Nghĩa là xưa nay chưa từng thấy triều đại nào ( tồn tại ) được ngàn năm. Ngụ ý, nếu nhà Lê sụp đổ cũng là điều tất yếu.
Có lẽ sống dưới triều Quang Toản, ông thấy triều đình bộc lộ nhiều điều quái gở, nên ông tỏ nỗi bất bình, và bộc lộ trong bài “Dạ hành”.
Bài “Đi đêm” này bốn câu cuối nói rõ thái độ bất bình của Nguyễn Du:
Hắc dạ hà kỳ mê thất hiểu,
Bạch đầu vô lại chuyết tàng thân.
Bất sầu cửu lộ triêm y duệ,
Thả hỷ tu my bất nhiễm trần.
Nghĩa là: Sao cái đêm đen này lại cứ kéo dài mãi như là quên mất sáng. Ý ông muốn chê cái thể chế bất minh cứ triền miên đến vô vọng. Rồi ông tự trách mình đến bạc đầu đã không làm được việc gì, lại còn vụng về trong việc giấu lẩn mình đi. Và ông cũng chẳng buồn lòng vì chuyện đi đêm sương sa làm ướt áo, nhưng lại mừng vì lông mày và râu tóc không bị nhuốm bụi. Tác giả muốn nói rằng mình đi đêm để không phải nhìn thấy cảnh đau lòng diễn ra lúc ban ngày.
Nguyễn Du đã trải qua trường ốc, qua rèn giũa văn võ ( thư kiến ) mong lập thân, lập chí. Nhưng xã hội biến động làm đảo lộn đến tận cùng. Ông phải nếm trải đủ mùi cay đắng từ tuổi thơ đến tuổi tráng niên. Cuối cùng nhận ra rằng xã hội không cần người tài: “ Văn tự hà tằng vi ngã dụng”. Không những không được đem tài năng ra thi thố, mà cả gia đình và bản thân đều mang hệ lụy. Từ khi có ý định bỏ Quang Toản đầu Nguyễn Ánh bị bại lộ và bị tù ngục, tới khi trở về ông dần ngộ ra cái lẽ thường hằng của tạo hóa. Nhận thức mang tính triết luận này được thể hiện trong bài “Tạp thi”. Hai câu kết nói rõ sự ngộ ra của nhà thơ:
Hoa lạc hoa khai nhãn tiền sự,
Tứ thì tâm kính tự như như.
Hai câu trên có thể chuyển dịch
Hoa nở hoa tàn qua trước mắt,
Bốn mùa lòng vẫn sáng như gương.
Từ nhận thức này Nguyễn Du có cái nhìn đời bình thản như một triết gia. Dường như ông đã bắt đầu buông bỏ.
ĐẾN BẢN NGÃ
Nguyễn Du vừa hình thành một triết lý buông bỏ kiểu nhà Phật, thì Nguyễn Ánh thành công trong việc thanh toán triều đại Quang Toản, thống nhất đất nước năm Nhâm tuất ( 1802 ). Ngay năm đó Nguyễn Du được triều đình Gia Long triệu ra làm tri huyện Phù Dung, phủ Khoái Châu, trấn Sơm Nam hạ. Mấy tháng sau thăng tri phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam thượng.
Năm Quí hợi ( 1803 ), Nguyễn Du được triều đình cử lên ải Nam quan, tiếp sứ nhà Thanh sang phong sắc cho Gia Long.
Năm Ất sửu ( 1805 ), thăng Đông các Đại học sĩ, tước Du đức hầu, và vào nhậm chức tại kinh đô Phú Xuân.
Năm Đinh mão ( 1807 ), được cử làm giám khảo thi hương tại Hải Dương.
Năm Mậu thìn (1808 ), Nguyễn Du xin về nghỉ tại quê nhà.
Năm Kỷ tị ( 1809 ), Nguyễn Du được vời và bổ làm Cai bạ Quảng Bình.
Năm Quí dậu ( 1813 ), thăng Cần chánh điện Đại học sĩ, được cử làm chánh sứ sang nhà Thanh.
Năm Giáp tuất (1814 ), Nguyễn Du đi sứ về thăng Hữu tham tri Bộ lễ.
Cứ xem quá trình thăng bổ, chứng tỏ triều đình Gia Long hết sức ưu ái ông, trọng dụng tài năng của ông. Ngay việc ông mới chỉ đỗ tam trường ( hương cống tức tú tài ) từ năm Quí mão ( 1783 ) khi mới 18 tuổi, thế mà nhà vua vẫn cử ông đi làm giám khảo cuộc thi hương. Đủ biết vua Gia Long đã biệt đãi ông tới mức nào. Như thế còn lo gì chuyện “ Văn tự hà tằng vi ngã dụng” như trước đây ông từng than thở.
Tưởng cuộc đời một nho sĩ được triều đình trọng dụng như thế thì lo gì “hoàng các mộng” ( mộng làm tể tướng ) không có cơ may.
Vậy hãy xem thời gian Nguyễn Du làm quan tại triều đình Phú Xuân, đã đạt chí hướng của ông chưa.
THƯƠNG CON CHÓ
(Bài này tác giả viết khi vào Phú Xuân.)
Ngựa tốt không chết già,
Gái liệt đời không trọn.
Phàm sinh có khí phách,
Khó dung trong đất trời.
Nghĩ mày là giống súc,
Xương thịt in hệt người.
Ham tiến, dừng chẳng biết,
Núi hoang bỏ thây phơi.
Bỏ thây chẳng than thở,
Thử sức mãi công toi.
Đào Duy Anh dịch
Tác giả lấy hình ảnh con chó làm ẩn dụ cho cuộc đời một viên quan. Tức là thân phận kẻ làm tôi, chỉ biết tiến không biết dừng, cuối cùng đều phải chết một cách phí hoài chẳng ai biết đến. Tác giả thương hại con chó ra sức lập công với chủ, kết cục cũng chả nên công trạng gì. Thật ra là tác giả ý thức được về thân phận mình.
Như thế thì việc ra làm quan với triều đình dù có được ưu trọng, nhưng đâu phải là đích đến mà Nguyễn Du hằng khao khát.
Thật lạ lùng. Và tại sao Nguyễn Du lại viết:
Phàm sinh phụ kỳ khí,
Thiên dịa phi sở dung.
Nghiã là: Phàm sinh ra đã mang khí lạ tức là người có khí phách, thì khó có chỗ dung trong trời đất.
Một sự nhạy bén kỳ lạ, phi các bậc thiên tài không thể ngửi thấy vị chát đắng này khi sự việc còn chưa có manh nha.
Lại như phần cuối của bài II “ Ngẫu nhiên viết ở vách nhà công” cho ta thấy khí chất của Nguyễn Du. Nhà công đây là nơi làm việc của Nguyễn ở kinh đô Phú Xuân.
Nhân ỷ thiên nhai hệ nhất quan
Mãn địa phiền thanh văn dạ vũ
Nhất sàng cô muộn địch xuân hàn
Đào hoa mạc trượng Đông quân ý
Bàng hữu phong di tính tối toan
Nghĩa là:
Người tựa bên trời bị một chức quan giữ lại.
Nghe tiếng mưa đêm ồn ào khắp mặt đất,
Trên giường mối buồn cô quạnh chống với rét xuân.
Hoa đào chớ trông cậy vào ý của Đông quân nữa,
Bên cạnh có dì gió tính rất chua cay.
Tâm trạng Nguyễn Du với việc ra làm quan với nhà Nguyễn như là một sự khiên cưỡng. Sự nghèo thiếu của một liêm quan đã đành. Cái quan trọng nhất là ông không đặt niềm tin vào vị Chúa xuân nữa. Đông quân có nghĩa là Chúa xuân,ở đây chỉ vua Gia Long.Và cái ông Chúa xuân này lại có “dì gió chua cay”, tức một lũ nịnh thần soi mói đồng liêu để nịnh vua.
Nguyễn Du tách mình ra thành người quan sát vua tôi của cả triều đình chứ ông không nhập cuộc.
Trong bài “Ngẫu hứng” thể tứ tuyệt, Nguyễn Du viết :
Hữu nhất nhân yên lương khả ai,
Phá y tàn lạp sắc như khôi.
Ty nhân đãn mịch đạo bàng tẩu,
Tri thị Thăng Long thành lý lai.
Dịch nghĩa:
Có một người kia trông thật khá thương,
Áo rách nón nát sắc mặt như tro.
Tránh người chỉ tìm bên đường mà rảo bước,
Biết là người từ thành Thăng Long mới đến.
Rõ là có một sự kỳ thị Bắc Hà, nên người Bắc Hà dù là cố đô Thăng Long cũng luôn có mặc cảm mình bị coi thường và cả lo sợ nữa. Đó chính là tâm trạng Nguyễn Du. Bởi ông thấy nó bắt nguồn từ vị “Đông quân” và lũ “dì gió”.
Lại một quan sát thú vị khác. Trong bài “Thu chí” có hai câu vừa bi vừa hài:
Hữu hình đồ dịch dịch,
Vô bệnh cố câu câu.
Nghĩa là có hình hài, tức là có thân chỉ thêm vất vả. Và chẳng có bệnh tật mà cứ lom khom, khúm núm cong như chiếc lưỡi câu.
Ở đây nhà thơ muốn nói tới lũ người luồn cúi, nịnh bợ cấp trên, lúc nào cũng tỏ ra sợ sệt. Chợt nhớ Nguyễn Trãi tỏ sự bất bình trước cái xã hội mà ông đang sống, nên viết :
Ai ai cũng bằng câu hết,
Đời chẳng còn có Sử Ngư.
Tức là mọi người đều khom lưng như chiếc lưỡi câu, và đời chẳng còn ai chính trực như Sử Ngư thời nhà Xuân Thu nữa.
Bài “ Tân thu ngẫu hứng”, bốn câu dưới tác giả viết:
Thử thân dĩ tác phàn lung vật,
Hà xứ trùng tầm hãn mạn du.
Mạc hướng thiên nhai thán luân lạc,
Hà nam kim thị đế vương chầu.
Dịch nghĩa:
Ngẫu hứng lúc mới thu
Thân này đã làm vật ở trong lồng
Chốn nào tìm lại được thú vui lang thang
Chớ có nhìn về bên trời mà than nỗi luân lạc nữa,
Phía nam sông lớn nay là đất đế vương rồi.
Cảnh cá chậu chim lồng là cảnh bị cầm bắt. Rõ ràng Nguyễn Du không cảm thấy thoải mái khi làm quan với nhà Nguyễn. Ta không hề thấy Nguyễn Du bị bạc đãi. Nhưng với nhãn quan thấu thị nên ông nhìn sự vật từ bên trong của nó, và ông chán nó.
Đầu óc ông lúc nào cũng lởn vởn việc từ quan, thể hiện trong bài “tặng nhân”. Tức là tặng một ai đó. Thực ra đây chỉ là cái cớ để nói lên nỗi lòng mình. Bài này chú ý ở câu kết:
“Ngã dục quải quan tòng thử thệ”, nghĩa là ta cũng muốn treo mũ mà đi từ đây. Đi từ đây, tức là đi từ Phú Xuân, từ cái triều đình nhà Nguyễn mà ông đang tòng sự.
Suốt thời gian làm quan ở Phú Xuân, ta không hề nghe thấy một tiếng cười vui thỏa mãn nào thốt ra từ Nguyễn Du, mà ông chỉ chú tâm quan sát và cuối cùng là muốn chia tay với nó. Đúng là người có khí phách, có bản lĩnh thì đến thiên tử cũng không bắt làm tôi được. Và khát vọng của ông là ở chỗ khác chứ không phải chốn quan trường.Rõ ràng là Nguyễn Du đã tìm thấy mình ( bản ngã ) và trung thành với cái mình đã chọn. Rồi dây ta sẽ thấy một Nguyễn Du khác.
NHẬN THỨC LẠI CÁC GIÁ TRỊ TRUNG HOA
Thường các nhà nho Việt Nam đều lấy đạo lý thánh hiền Trung Hoa làm khuôn mẫu, lấy các nhân vật lịch sử và danh nhân văn hóa Trung Hoa làm tấm gương để phấn đấu. Và mỗi người khi đi sứ Trung Hoa về đều có thơ xướng họa với các nhân vật Trung Hoa đương thời. Từ Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn đến Phùng Khắc Khoan đều như vậy. Với Nguyễn Du hoàn toàn khác. Suốt cả tập “ Bắc hành tạp lục” ghi chép năm đi sứ ( Quí dậu- 1813 ) không hề có một bài xướng họa nào với bất cứ một nhân vật nào của Trung Hoa. Phải chăng khi mới đặt chân lên đất Trung Hoa đã có nhiều điều làm ông thất vọng. Cuộc đi thuyền trên sông Ninh Minh ( Ninh Minh giang chu hành ) trải bao chặng hiểm nguy khiến Nguyễn Du phải thốt lên:
“ Cộng đạo Trung Hoa lộ thản bình,
Trung Hoa đạo trung phù như thị.
Oa bàn khuất khúc tự nhân tâm…”
( Người ta đều nói đường Trung Hoa bằng phẳng,
Đường Trung Hoa mà thế này ôi!
Sâu hiểm quanh co giống lòng người…)
Đường sá thì hiểm nguy, người dân thì cực khổ như ông thấy và viết trong bài “Thái Bình mại ca giả” . Trong bài, Nguyễn Du mô tả một người mù hát rong, vẻ tiều tụy có một đứa bé dắt. Thuyền bên cạnh có người muốn nghe hát nên gọi ông ta xuống. Trong thuyền lúc ấy chưa thắp đèn nhưng cơm thừa, canh bỏ quá bừa bãi. Ông lão vừa đàn vừa hát. Miệng trào bọt trắng, tay co quắp. Chắc là đói quá. Dùng hết tâm lực hát chừng một canh giờ ( một canh giờ tương ứng với 2 giờ thời nay). Tuy vậy số tiền được trả chỉ năm , sáu đồng. Trước cảnh thương tâm ấy Nguyễn Du hạ bút:
Ngã sạ kiến chi bi thả tân,
Phàm nhân nguyện tử bất nguyện bần.
Chỉ đạo Trung Nguyên tận ôn bão,
Trung Nguyên diệc hữu như thử nhân?
Trần Lê Văn dịch nghĩa:
Ta chợt thấy thế buồn lại xót,
Phàm người mong chết chẳng mong nghèo.
Chỉ nghe nói ở Trung Nguyên người người đều no ấm,
Trung Nguyên cũng có người thế này sao?
Việc trong một nước, dù là nước Trung Hoa vẫn còn người nghèo đói, điều ấy không xa lạ với Nguyễn Du. Cái mà ông quan tâm là bọn quan lại sống thừa mứa, không quan tâm đến thân phận người nghèo. Thế nhưng đạo lý Khổng- Mạnh Trung Hoa luôn dạy bảo người ta phải lo cho dân, dưỡng dân. Thậm chí Khổng Tử nói về dân rất hay: “Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Hoặc Mạnh Tử còn nói “ Dân vi bản”. Tức là hai ông đều dạy phải lấy dân làm gốc. Nay mục kích cảnh tượng người hát rong, nhà thơ vừa động tâm vừa thất vọng.
Chắc còn một lẽ thầm kín nữa mà Nguyễn Du không nói ra. Rằng người Hán vẫn tự hào mình là dân Hoa Hạ văn minh nhất, sang quí nhất, hào hùng nhất. Con trai Hán đều là hảo Hán. Đám quí tộc, nho sĩ đều là quân tử. Nghĩa là cái gì họ cũng hơn đời, hơn người. Các dân tộc khác xung quanh Trung Hoa, họ gọi là tứ di: Đông di, Nam man, Bắc địch, Tây nhung. Chữ Man có bộ trùng, chữ Địch có bộ khuyển. Ý người Trung Hoa coi các dân tộc khác như sâu bọ, chó má. Tức là còn mông muội. Thế nhưng chính cái nước Trung Hoa mênh mông của người Hán văn minh kia lại nằm dưới sự thống trị của người Mãn ở phía bắc: Bắc địch. Dân tộc mà người Hán gọi là Bắc địch, tức người Mãn Thanh đã thống trị toàn nước Trung Hoa từ năm Kỷ sửu ( 1649 ). Và trước nữa người Mông Cổ đã từng chinh phục và thống trị Trung Hoa.
Hẳn vì lẽ đó mà trong “Bắc hành thi tập”, Nguyễn Du chỉ đối thoại với các nhân vật lịch sử tầm cỡ như Đỗ Phủ, Khuất Nguyên, Hàn Tín, Văn Thiên Tường, Nhạc Phi, Âu Dương Tu, Liêm Pha, Tô Tần v.v… Các chính khách và một số nhân vật phản diện cũng được Nguyễn Du đề cập đến.Còn người Hán đương thời họ đang chìm đắm trong kiếp nô lệ,có tìm ra ai mà xương họa.
Lời lẽ trong các bài đề vịnh của Nguyễn Du rất khiêm nhường, đúng mức, nhưng đều vạch ra được chỗ khả ái hoặc bất túc của họ. Với Đỗ Phủ, Nguyễn Du tôn vinh ông là bậc: “Thiên cổ văn chương thiên cổ sư”, có nghĩa ông là người có văn chương lưu truyền đến muôn đời, và cũng là bậc thầy của muôn đời.
Không những thế, ông còn hỏi thăm Đỗ Phủ với cái ý khôi hài, dí dỏm:
Trạc đầu cựu chứng y thuyên vị?
Địa hạ vô linh quỉ bối xi.
( Vậy chứ cái chứng lắc đầu ( ngày nay gọi là Pakinson ) của ông đã khỏi chưa. Phải trị đi kẻo lũ quỉ ở dưới đất nó cười cho).
Với Khuất Nguyên ông viết:
Người ưa đức tốt đã đi khuất hai nghìn năm rồi,
Đất này còn nghe mùi hương của cây lan cây chỉ.
Buồn suốt mười năm bị đuổi xa Tổ quốc,
Muôn đời Sở từ vẫn là áng văn chương hay nhất.
Nguyễn Du đánh giá rất cao Sở từ của Khuất Nguyên, ông lên án bọn quyền thần xiểm nịnh và cả Sở Hoài vương đã đầy Khuất Nguyên tới 10 năm. Nhưng ông lại nghĩ, nếu Hiến lệnh của Khuất Nguyên được thi hành, nghĩa là Khuất Nguyên không bị đi đầy thì làm gì có được thơ Ly tao mà nối tiếp thơ Quốc phong thời Xuân Thu.
Trực giao Hiến lệnh hành thiên hạ,
Khởi hữu Ly tao kế Quốc phong?
Thiên cổ thùy nhân lân độc tỉnh?
Từ phương hà xứ thác cô trung?
Bốn câu này Bùi Kỷ- Phan Võ- Nguyễn Khắc Hanh dịch:
Ví bằng Hiến lệnh ban thiên hạ,
Sao có Ly tao nối Quốc phong?
Nghìn thuở ai thương người độc tỉnh?
Bốn phương đâu gửi dạ cô trung?
Dường như cái thần của Nguyễn Du đã gặp được cái tinh anh của Khuất Nguyên, nên da diết thương cảm và viết “Phản chiêu hồn”. Bởi trước đó Tống Ngọc có làm bài “Chiêu hồn” muốn dụ hồn Khuất Nguyên về với nước Sở. Vì nước Sở bây giờ đã khác. Nguyễn Du khuyên dứt khoát không nên về:
Đừng về đây nữa, người khinh khi,
Đời sau người người đều Thượng quan.
Mặt đất đâu đâu chẳng dòng Mịch La,
Cá tôm không rỉa hùm sói nuốt.
Hồn ơi, hồn hỡi! biết sao mà!
Trong Sở từ, Khuất Nguyên khẳng định:
“ Chúng nhân giai túy ngã độc tỉnh’
Nghĩa là mọi người đều say chỉ có mình ta tỉnh. Hẳn nhiên Nguyễn Du cũng có khí chất này.
Nguyễn Du đặc biệt ưu trọng Đỗ Phủ và Khuất Nguyên.Bởi Đỗ Phủ là người từng nếm trải vị chát của đời nên ông hết sức cảm thương các thân phận bất hạnh,lạc loài-những tầng lớp dưới đáy xã hội.Còn Khuất Nguyên là người yêu nước đến đau khổ mà vua Sở và bọn quyền thần u tối không cho ông yêu,chúng còn lưu đầy ông tới 10 năm.Khuất Nguyên còn là người khí phách nữa.Với hai nhân vật hết sức đang kính này của Trung Hoa,dường như Nguyễn Du tìm thất nét đồng thanh tương ứng.
Cuộc đi sứ của Nguyễn Du dường như để ông thẩm định lại các giá trị Trung Hoa. Dưới con mắt ông thì cái nước Trung Hoa ông thấy, nó khác xa nước Trung Hoa trong sách vở.
Và chính ông cũng trở thành con người khác: Độc lập, tự tin, khí phách hơn và cũng uyển chuyển hơn để rồi… giác ngộ và giải thoát.
GIÁC NGỘ VÀ GIẢI THOÁT
Nhân tố giác ngộ, hiểu theo nghĩa nhà Phật đã nảy nở trong Nguyễn Du từ sau khi ông có ý định vào Nam với Nguyễn Ánh, việc đi bại lộ, bị bắt và bị ngồi tù. Và khi làm quan ở Phú Xuân, tư tưởng buông bỏ ngày càng lớn dần trong tâm trí ông. Rõ ràng là Nguyễn Du rất thờ ơ với chức tước, và con đường quan lộ thăng tiến đến chóng mặt, ông vẫn dửng dưng. Biết bao đặc ân của Gia long mà ông không hề có một biểu tạ ân.
Ông thờ ơ bởi ông thấy mọi sự ở đời đều là hư vô, giả tạm. Ta chưa biết ông nghiên cứu Phật pháp từ bao giờ. Nhưng tới khi ông đi sứ sang Trung Hoa và viết: “ Lương Chiêu Minh Thái tử Phân kinh thạch đài” thì kiến thức của ông về Phật học thật là siêu việt. Ông hiểu Phật đến chỗ rốt ráo của người đã giác ngộ. Thật vậy, về Phật pháp, ông là người đốn ngộ. Tuy là một cư sĩ, nhưng ông hoằng pháp như một thiền sư, và tâm ông trải ra để hóa độ chúng sinh như một vị Bồ tát.
Khi nghiên cứu Truyện Kiều, ta thường nghiêng về quan điểm nho gia, nhưng đọc bài “Phân kinh thạch đài của Chiêu Minh Thái tử nhà Lương” ông viết khi đi sứ, mới biết đích thị Nguyễn Du là một nhà thiền học.
Thái tử Chiêu Minh là con của Lương Võ đế ( 544- 548 ), hai cha con nhà vua đều mê Phật. Truyền thuyết kể, Thái tử đem sách kinh Phật chia cho các tín đồ, và chia cả cho người dân. Nguyễn Du đến Kiến Khang ( tức Nam Kinh, kinh đô cũ của nhà Lương) để xem di tích này, nhưng đài đá đã mờ hết chữ.
Cha con Lương võ đế sùng bái Phật tới mê mụ, đến nỗi giặc vào không đánh, chỉ ngồi niệm Phật để tướng giặc là Hầu Cảnh thiêu rụi cả cung điện, bắt giam Lương Võ đế và bỏ đói cho đến chết.
Xem toàn bài, ta thấy Nguyễn Du vừa thuyết pháp vừa phê phán thái độ ngu tín của cha con Lương Vũ đế.Ông công nhận quan điểm triệt để về “tính không” của Huệ năng, và không thừa nhận vào sự bám víu của Thần Tú với tinh thần “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” của kinh Kim Cương.
Rõ ràng Nguyễn Du không chỉ nhận thức về tính minh triết của Bát Chánh đạo, mà ông còn sống theo lối sống đó. ( Chánh niệm- Chánh kiến- Chánh tư duy- Chánh ngữ- Chánh nghiệp- Chánh mệnh- Chánh tinh tấn- Chánh định).
Trong “Phân kinh Phật đài”, Nguyễn Du phê phán kẻ ngu tín “Si tâm qui Phật, Phật sinh ma”. Và ông chê Lương Vũ đế “ Nhất môn phụ tử đa giao tế”- một nhà cha con đều bị che lấp, tức là u minh.
Và ông cảnh báo:
“Không lưu vô ích vạn thiên ngôn,
Hậu thế ngu tăng đồ điềm nhĩ.”
Chớ lưu lại hàng ngàn vạn lời vô ích làm gì. Chỉ để bọn ngu tăng đời sau nghe lọt tai thôi.
Bài viết kết thúc :
Cập đáo Phân kinh thạch đài hạ,
Tài tri vô tự thị chân kinh.
Cho tới khi đến đài đá Phân kinh này, mới nhận ra rằng kinh không có chữ mới thật là chân kinh.
Bởi ý chỉ của Thiền Tôn là “Dĩ tâm truyền tâm, bất lập văn tự”, tức là lấy tâm truyền tâm chứ không qua trung gian của chữ nghĩa.
Vậy đó, Nguyễn Du đã đi vào cái cốt tủy của đạo Phật. Đúng vậy, qua 49 năm thuyết pháp, Thích- ca-mâu-ni chưa hề viết ra một chữ nào.
Nếu ta xét qua “Văn chiêu hồn” nữa, sẽ cho ta niềm tin một cách mạnh mẽ, Nguyễn Du là bậc đốn ngộ và ông đã buông bỏ tất cả từ “Vị ngã”, “Bản ngã” mà tiến vào “Giác ngộ” để “giải thoát”.
Hãy xem lòng từ bi của Nguyễn Du phả qua lời văn “Chiêu hồn”, nay đã trở thành kinh giải thoát cho mọi người trì tụng trong dịp lễ Vu Lan rằm tháng bảy. Ta thấy ông hiện lên như một vị Bồ tát đi hóa độ cho chúng sinh.
… Tiết đầu thu lập đàn giải thoát
Nước tĩnh đàn sái hạt dương chi
Muôn nhờ đức Phật từ bi
Giải oan cứu khổ cùng về Tây phương…
Nguyễn Du quan niệm thế gian lầm lạc cứ đeo bám vào hư vô, nên tham sân chưa dứt. Có người cố ý, có người vô tình dính vào tội ác, từ vua chúa đến dân thường đều là chúng sinh và không phân biệt:
“ Còn chi ai khá ai hèn
Còn chi mà nói kẻ hiền người ngu
Thật ra khi Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều cũng đã thấm đẫm tinh thần nhà Phật.
Như Thúy Kiều “ Thanh lâu hai lượt thanh y hai lần” mà khi gặp lại Kim Trọng lại được xem là: “ Hoa tàn mà lại thêm tươi
Trăng tà mà lại hơn mười rằm xưa”
Đúng như Phật dạy: “ Hồi đầu thị ngạn”, quay đầu là bờ. Tức là khi ta đoạn tuyệt với cái xấu, tất ta là người tốt.
Và ông còn khuyên:
“Tu là cõi phúc tình là dây oan”.
Khi kết thúc truyện Kiều,Nguyễn Du viết:
Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
Điều đó có nghĩa là DUYÊN và NGHIỆP tức là phúc và họa của mỗi con người đều do mình tạo ra,ấy là điều căn cốt nhất trong nghiệp tu của mỗi con người mà Phật đã chỉ ra.
Nguyễn Du không chỉ là bậc thi bá đã sáng tạo ra kiệt tác phẩm Truyện Kiều mà ông còn là nhà nhân đạo chủ nghĩa,hơn thế ông là người có con mắt trông suốt sáu cõi và tấm lòng hiểu thấu ngàn đời.Vượt lên tất cả,ông là một vị Bồ tát đang hóa độ cho mọi loại chúng sinh
Rõ ràng Nguyễn Du đã đi từ Vị ngã đến Vô ngã và ông đạt tới Tính không. Ông chính là ông và cũng không là ông nữa.
Ngày 10.10.2015
HQH
( Viết cho Hội thảo của Hội Nhà văn VN )