Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÔNG BẰNG VỚI TÀI NĂNG VÀ NGHĨ VỀ "CHỦ NGHĨA LÍ LỊCH MỚI"

Bùi Hoàng Tám
Thứ hai ngày 12 tháng 10 năm 2015 9:00 AM

(Dân trí) - Vấn đề quan trọng ở đây là cơ chế tuyển chọn nhân tài để con một người lao động bình thường cũng có cơ hội như con một vị lãnh đạo cao cấp. Công bằng, công bằng và công bằng với tất cả những tài năng, đó mới là điều quan trọng
>> Nghĩ về quy trình bổ nhiệm cán bộ trẻ!

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Gần đây, việc bổ nhiệm một số cán bộ trẻ, con các vị lãnh đạo (dân gian thường gọi là CCCC) đã dấy lên nhiều ý kiến khác nhau.

Ý kiến khá chủ đạo là phản đối bởi những biểu hiện của tư tưởng cha truyền, con nối, con ông cháu cha, “Con vua rồi lại làm vua…”. Có những cán bộ, công chức được bổ nhiệm là nhờ bố mẹ, ông bà và họ còn quá trẻ, chưa có thành tích, công trạng…

Đây là ý kiến đúng và tư tưởng trên rất đáng lên án.

Song, cũng có ý kiến ngược lại không thể nói là không đúng. Đó là phải chăng đang tái diễn một “chủ nghĩa lý lịch mới” trong khi “chủ nghĩa lý lịch” đã hãm hại biết bao nhiêu tài năng của đất nước qua nhiều thời kỳ.

Nhiều và rất nhiều những tài năng đã bị bỏ phí, thậm chí bị hủy hoại bởi thành phần xuất thân thời Cải cách ruộng đất hay là con em những người tham gia chế độ Việt nam cộng hòa sau năm 1975.

Đã có nhiều và rất nhiều ý kiến đề nghị xóa bỏ chủ nghĩa lý lịch bởi ai làm người đó chịu.

Thế nhưng có thể sẽ xuất hiện một “chủ nghĩa lý lịch mới” nếu như chúng ta vẫn giữ nguyên suy nghĩ về lớp người “con ông cháu cha” mà cụ thể là con cái các vị lãnh đạo như dư luận hiện nay.

Đã có tư tưởng cho rằng “con ông cháu cha” phần lớn là “ngu dốt” và “kém cỏi”. Trong khi đó, công bằng là thứ nhất, về khoa học, có thể họ được di truyền bởi tài năng từ cha mẹ như câu dân gian “Con nhà tông, chẳng giống lông cũng giống cánh”.

Thứ hai, nhiều người trong số họ rất có nghị lực, không nương bóng bố mẹ mà tự lập. Chỉ riêng việc tuổi trẻ, bố (mẹ) làm to, gia đình “có điều kiện” nhưng họ không ỷ thế làm càn, hư hỏng trước biết bao cám dỗ cũng là điều đáng ghi nhận.

Chúng ta luôn tuyên dương những học sinh nghèo học giỏi mà không tuyên dương con nhà giàu vượt qua muôn ngàn cám dỗ mà vẫn học giỏi phải chăng là điều chưa công bằng?

Thứ ba, do lợi thế gia đình, họ có nhiều cơ hội hơn những người khác và điều đó đương nhiên khó tránh khỏi.

Đó là chưa kể họ luôn luôn chịu những áp lực từ bè bạn và cả dư luận xã hội. Nếu cùng một việc, một người bình thường làm thì được khen ngợi ngút trời nhưng nếu thuộc thành phần “con cháu” thì may mắn lắm là nhận được sự im lặng. Còn không hơn thế, là cái bĩu môi với hai tiếng: “Úi giời…!”.

Tại sao họ lại phải chịu sự đối xử bất công như thế nếu như họ thực tài và có tâm?

Con ông cháu cha thì đã sao? “Cha truyền, con nối” đã sao nếu như họ thật sự xứng đáng?

Các nước tiến tiến như Mỹ hay Singapore chẳng hạn, gia đình nhà But đã nhiều đời làm Tổng thống Hoa Kỳ. Ông Lý Hiển Long là con trai của vị Thủ tướng tài ba Lý Quang Diệu. Rồi Tổng thống Hàn Quốc hiện nay cũng tương tự.

Họ, tất cả các vị “con cháu các cụ” nói trên đã làm rất tốt công việc của mình.

Nói như thế không có nghĩa là người viết bài này “bao biện” và không căm ghét tư tưởng “con ông cháu cha”. Song, gia đình từng là nạn nhân nên tôi căm ghét “chủ nghĩa lý lịch” không kém.

Nhân tài thời nào chẳng “như lá mùa thu”, nếu để thui chột dù chỉ một nhân tài cũng không chỉ có tội với cá nhân họ mà còn có tội với đất nước.

Hãy đánh giá chính anh (chị) ta là ai? Có đủ phẩm chất để đảm nhiệm công việc đó hay không? Hãy quên đi việc bố mẹ họ là con địa chủ, tư sản, Việt Nam cộng hòa hay con ông này, bà nọ hiện nay.

Công bằng, minh bạch với tài năng chứ không phải chuyển từ “chủ nghĩa lý lịch” này sang một kiểu “chủ nghĩa lý lịch” khác.

Vấn đề quan trọng ở đây là cơ chế tuyển chọn nhân tài để con một người lao động bình thường cũng có cơ hội như con một vị lãnh đạo cao cấp. Muốn vậy, trước hết phải ngăn chặn lợi dụng quyền chức để nâng đỡ con cháu mình và sau đó, tạo cơ chế để những người có năng lực có cơ họi phát triển mà không bị chèn ép.

Công bằng, công bằng và công bằng với tất cả những tài năng, đó mới là điều quan trọng.

Chỉ có sự công bằng, minh bạch mới không bỏ sót nhân tài và dân chủ thực sự.

Bùi Hoàng Tám