Trong trại sáng tác Vũng Tàu 1982, một trại sáng tác rất nổi tiếng bởi nhiều sự kiện (bài thơ Khóc Nguyên Hồng của Trần Mạnh Hảo kèm theo những “phiền toái” sau đó, những xác chết trôi của người vượt biên bị đẩy dạt vào bờ biển khu vực Trại sáng tác Vũng Tàu mỗi sáng…) ,Nhật Tuấn đã có truyện ngắn Tặng phẩm cho em. Với chỉ hơn 2.500 chữ, anh đã “kể” câu chuyện về cái chết của một nữ công nhân công trường do sập giàn giáo. Anh đã gọi thẳng tên sự việc: chẳng ai chịu trách nhiệm về cái chết đó, từ giám đốc, kỹ sư, đội trưởng... Không ai buồn báo tin cho người chồng sắp cưới của cô, không ai nhận tiền tử tuất từ cái chết của cô (bởi mẹ cô đã đi lấy chồng khác khi cô còn bé) và chút tài sản khiêm tốn cô để lại sẽ được hóa giá để nhập vào công quỹ. “Hãy biến đau thương thành hành động. Hãy ra sức thi đua hoàn thành kế họach của tổng công ty giao cho. Phút mặc niệm bắt đầu...”. Đó là những lời lẽ và vài giây phút người ta dành cho cái chết của cô. Người duy nhất lớn tiếng khóc thương cô là bạn gái của cô, cũng là một công nhân. Còn người lén lút khóc cô sau cặp kính đen chính là người bố đã chối bỏ đứa con rơi của mình, để bảo vệ thứ lợi quyền gì đó…
Là biên tập viên văn học của báo Tuổi Trẻ và sau đó của Thanh Niên, tôi biết đến Nhật Tuấn không chỉ qua tác phẩm mà còn ở những chuyện bên ngoài trang viết. Trong thời gian làm Trưởng đại diện Nhà xuất bản Văn Học tại thành phố Hồ Chí Minh, anh đã cưu mang gia đình một tác giả mới nổi lên ở thời điểm đó: Nguyễn Thị Ấm. Khi gấp rút chuyển từ Hà Nội vào và chưa có chỗ ở, Nguyễn Thị Ấm cùng chồng con đã được tạm trú trong ngôi nhà của NXB Văn Học một thời gian. Và chính Nhật Tuấn đã đột nhiên nhận ra rằng không hiểu sao cô vợ ký tên mình dưới truyện rất ít khi ngồi trước máy chữ trong khi ngược lại, anh chồng họa sĩ thì cứ miệt mài gõ máy chữ suốt ngày không ngưng nghỉ…
Thời đó, gia đình của Nhật Tuấn - Thu Hồng còn đầm ấm với hai con đủ trai đủ gái, và họ là cặp bạn chung của khá nhiều nhà văn, nhà báo. Đáng tiếc là về sau mọi chuyện đã thay đổi và tới ngày ra đi, Nhật Tuấn chỉ đơn độc một mình.
Nhật Tuấn còn đi trước nhiều đồng nghiệp khi anh đã cùng nhóm bạn thực hiện một dạng “tạp chí văn học” xuất bản không định kỳ: Văn Học và Dư Luận, với bài vở và hình thức trình bày khá phóng túng. Vào thời điểm đầu tiên sau đổi mới, đây là một đột phá, một niềm vui cho giới cầm bút, cho dù Văn Học và Dư Luận chỉ góp mặt một thời gian ngắn nhưng đã gây men và gợi mở cho nhiều hoạt động rộng hơn và dài hơi hơn sau này. Chính trên Văn Học và Dư Luận, một số tác giả mới và một số bài viết đa chiều đã có cơ hội trình làng.
Là người lớn lên ở miền Nam, tôi còn được “bổ sung” thêm thông tin về Nhật Tuấn: tác phẩm của anh trai anh, nhà văn Nhật Tiến. Những Thềm hoang (Đời nay, 1961 - Giải thưởng Văn chương toàn quốc 1962), Chim hót trong lồng (nhật ký, Huyền Trân, 1966), Lá chúc thư (Huyền Trân, 1971), Thuở mơ làm văn sĩ (Huyền Trân, 1973)… đã trở thành là một phần không thể thiếu trong tuổi thơ và tuổi học trò trong trẻo của chúng tôi.
Nhật Tuấn đã ra đi quá đột ngột. Trên Facebook của mình, anh thường xuyên post luân phiên Yêu thời đồ đểu và Sống như là chết, bên cạnh Hẻm buôn chuyện (một chuyên mục anh viết cho báo Pháp Luật TP.HCM chủ nhật), và những status có tính thời sự. Cũng chính trên Facebook, anh bộc lộ cuộc sống cô đơn của mình: chỉ lặp đi lặp lại hình ảnh những người bạn/khách ghé nhà uống rượu, và những dòng chữ cũng lặp đi lặp lại, tự nó nói lên nhiều thứ:
“Chiều nay biết... nhậu nơi đâu?” (13.9.2015).
“Ôi… hết gạo... chạy vội ra chợ làm thùng mì… Cuộc đời vẫn đẹp sao... mì tôm vẫn đẹp sao !!!!” (19.8.2015).
“Sống một mình trên đỉnh núi đá này được không? Sống được, nếu có laptop và wifi...” (29.6.2015)…
Như rất nhiều bè bạn và đồng nghiệp của anh, tôi cầu mong cho Nhật Tuấn sớm tìm tới cõi thanh thản vĩnh hằng mà trong cuộc sống vừa trải qua anh đã không có được.
Ngô Thị Kim Cúc
TÁC PHẨM CHÍNH:
-Trang 17 (tập truyện, 1978)
-Con chim biết chọn hạt (tập truyện, 1981)
-Bận rộn (tiểu thuyết, 1985)
-Mô hình và thực thể (tiểu thuyết, 1986)
-Lửa lạnh (tiểu thuyết, 1987)
-Biển bờ (tiểu thuyết, 1987)
-Tín hiệu của con người (tiểu thuyết, 1987)
-Đi về nơi hoang dã (tiểu thuyết, 1988)
-Niềm vui trần thế (tiểu thuyết, 1989)
-Những mảnh tình đã vỡ (tiểu thuyết, 1990)
-Quê nhà Quê người (chung với Nhật Tiến, 1994)
-Tặng phẩm cho em (tập truyện, 1995)
-Một cái chết thong thả (tập truyện, 1995)
Truyện ngắn của Nhật Tuấn ở Trại sáng tác Vũng Tàu, 1982
Báo điện tử Một Thế Giới xin đăng lại một truyện ngắn tiêu biểu đầy phong cách Nhật Tuấn trong tập truyện cùng tên xuất bản năm 1995:
TẶNG PHẨM CHO EM
Người đàn ông ngồi cuối xe khóc lặng lẽ. Không ai nhìn thấy những giọt nước mắt đang làm nhòa cặp kính đen to tướng. Chiếc xe buýt chạy rất chậm. Con đường dọc theo những ngôi nhà nhiều tầng đang xây. Buổi chiều thu muộn trong veo làm rõ những đường gờ đỉnh núi lãng đãng mây trắng. Trên đó là vệt mòn chân thú chạy ngoằn ngoèo qua tầng lá mục. Những cây đại thụ cổ kính. Chú sóc nào đó nhởn nhơ và vô tư trên sợi dây leo đu đưa. Trên đó nữa là...bầu trời.
“Nó mới nói cuối năm hai đứa sẽ làm đám cưới”.
Cô gái nói bâng quơ bên tai người đàn ông mang kính đen. Trong xe, những người ngồi và những người đứng vẫn im lìm. Tiếng máy rù rì chảy dài trên đường. Bắt đầu lên dốc, người lái gạt cần chuyển số và bất ngờ lên tiếng: “Chiếc xe này lẽ ra sáng nay chở khách về Hà Nội. Hôm trước nó mới xin tôi cho nó đi nhờ. Nhà chồng nó ở phố Bà Triệu phải không?”.
Không ai trả lời. Xe vẫn chạy rất chậm và lên cao dần. Chiều thu muộn trải ra mênh mông trên dòng sông quanh co. Ven bờ, những máy san màu vàng đang gạt đất, lầm lũi như con dế trũi. Xa hơn nữa những cánh tay cần trục đang quay trên những hàng giáo nhọn hoắt.
“Năm ngoái đã có một người ngã từ giàn giáo tầng năm xuống đất, chết ngay...”.
“Tại sao không đeo dây phòng hộ? Tại sao an toàn viên không kiểm tra? Tại sao...”.
Giọng gay gắt của một người ngồi đầu xe chìm vào tiếng động cơ rầm rì. Không ai trả lời ông ta. Mắt mọi người dường như đang nhìn xuống.
Người đàn ông dừng khóc, đưa khăn tay lau kính. Cô gái ngồi bên nói rất khẽ:
“Ông ấy mới trên tổng công đoàn xuống. Ông ấy đã hỏi rất nhiều câu “tại sao” mà không ai trả lời được”.
“Rồi sẽ phải trả lời. Tại tôi, tại các anh hay tại nó?”.
“Ồ...không đâu. Đã có nhiều chuyện xảy ra không quy được tại ai cả”.
Cô gái nghĩ một điều gì đó, chợt trừng mắt:
“Nhưng rút cuộc, vẫn do một người nào đó chứ”.
“Tôi không biết. Tôi không được biết chuyện đó”.
“Nó hiền như đất ấy. Nó sợ tất cả mọi người. Bố chết, mẹ đi lấy chồng từ khi nó còn bé. Nó ở thuê cho người ta rồi lớn lên, đi công trường”.
Ngưòi đàn ông quay đi và lại khóc trong cặp kính. Xe buýt đi vào thung lũng, không còn nhà cao tầng, không còn cần trục, không còn giàn giáo. Phía trước, những nếp nhà sàn nằm nép mình trong lùm cây xanh tươi. Đường máng nước mảnh khảnh đổ xuống từ sườn núi. Chiếc cối cổ xưa nặng nhọc kéo cần và tự rơi buồn bã. Một con trâu đen bỗng nhô ra từ bụi rậm. Nó nhìn ngây ngô, chớp chớp đôi mắt ướt nhoèn và nhảy quàng lên đồi. Tiếng lục lạc trên cổ lóc cóc điểm vào không gian ngưng đọng.
Sau đó, người đàn ông ngồi cuối xe không còn nhìn thấy gì nữa, ngọai trừ cặp mắt kính đen nhòa nước.
Cô gái ngồi bên nhìn thấy những gương mặt căng thẳng. Tất cả mọi người đều đang nghĩ. Trong giây phút này, không ai là không nghĩ một điều gì đó.
Nguời có tuổi đứng giữa xe nghĩ về trách nhiệm của mình. "Tôi đã đôn đốc thực hiện mọi quy tắc. Tất nhiên, là giám đốc tôi không thể đi lay từng cái cột giáo xem có chắc chắn hay là không”.
Chàng kỹ sư ngồi đầu xe nghĩ về cái “ngày hôm ấy”. Thật là may, ngay từ đầu giờ, mình đã đến giao việc tỉ mỉ, đầy đủ cho bà đội trưởng”.
Bà đội trưởng đang âm thầm ngồi ở gần cửa xe. Hai hôm nay, bà luôn luôn cảm thấy bị nhìn bằng những con mắt kết tội. “Các đồng chí kết tội tôi sao được? Tôi không thể chờ phòng vật tư cấp cho tôi gỗ tốt hơn để làn giàn giáo. Ai cho phép tôi chờ? Tiến độ là cái cao hơn hết thảy. Thành tích của chúng tôi ở đó. Trong hàng trăm cây gỗ, làm sao biết đuợc cây nào đã mục ruỗng ở bên trong? Không ai có thể biết được. Năm nay, đội tôi mất danh hiệu đội lao động xã hội chủ nghĩa là cái chắc. Nhưng cái đó đâu phải tại tôi...”.
Vậy ai là người phải chịu trách nhiệm về nó trong tất cả những gương mặt căng thẳng kia? Ông giám đốc,anh kỹ sư hay bà đội trưởng? Không, không ai cả. Thế còn ông thư ký công đoàn đang trầm tư và ông trưởng phòng tổ chức đang nhìn xuống cuốn sổ ghi chép kia? Cũng không phải nốt. Thôi thì ...tại trời.
Nhưng ông trời cũng đã chết từ lâu rồi, chết trong từng mỗi nguời. Trong chuyến xe này, không có ai còn tin cái điều nhảm nhí nói rằng có một ông trời ở trên cao và ở cả trong từng mỗi con nguời. Đó là một bày đặt nhảm nhí, mê tín,dị đoan. Tít trên cao kia có con tàu vũ trụ và sâu mãi trong ta chỉ có ta mà thôi. Và những “cái ta” ấy đều đã sắp sẵn một cung cách tự bào chữa một khi bị hỏi tới trách nhiệm về nó.
Riêng người lái xe, từ nãy vẫn chăm chú nhìn con đuường, nghĩ về những chiếc ổ gà sẽ phải tránh, chợt quay lại hỏi to:
“Cái thằng chồng sắp cưới của nó có lên kịp không hả các ông?".
“Có biết đâu mà lên”.
“Tại sao ông không điện cho người ta?”.
“Nó chưa xin giấy chứng nhận để làm giá thú. Trong lý lịch, nó cũng chưa khai tình trạng hôn nhân. Vậy hà cớ gì phải đánh điện?”.
Rồi ông trưởng phòng tổ chức nói thật to cho mọi người đều nghe thấy:
“Trong mục “Khi cần báo tin cho ai” nó cũng không khai ai cả”.
Người lái xe lại hỏi tiếp:
“Vậy ai sẽ lĩnh tiền tuất? Tài sản của nó sẽ thuộc về ai?”.
Bà tài vụ ngồi ghế trên cùng trả lời rành rọt:
“Không ai được lĩnh tiền tuất cả. Tài sản của nó sẽ bán hóa giá nhập công quỹ. Ngay sau cái lúc đó, chúng tôi đã cử người phối hợp với công đoàn làm bản kiểm kê. Một cái hòm gỗ, hai bộ quần áo, một chăn bông vỏ hoa, một cái gương con và một cái chậu thau".
Bà tài vụ quay xuống nhìn ông giám đốc và yên tâm về câu trả lời của mình, bà trở lại vẻ mặt rầu rĩ cần thiết.
Trong buổi chiều thu êm đềm chiếc xe buýt chạy rất chậm. Nó đã đi hết đọan đường lớn trải nhựa chạy qua công trường. Nó đã leo đường dốc sang bên kia dãy núi. Nó đang đi vào thung sâu để đến một nơi mà mọi người đều nóng lòng muốn đến: nghĩa trang.
Lẽ ra sáng nay nó chở cô ấy về phố Bà Triệu gặp chồng sắp cưới. Bây giờ nó đang chạy rất chậm theo sau chiếc xe tải chở cô ấy. Đó là đọan đường đi xe cuối cùng của một cô gái công trường. Nhưng lần này, cô không mang theo chiếc hòm gỗ tùy thân chứa đựng tất cả gia tài góp nhóp được sau bao chuyến đi qua các công trường.
Trong chuyến di chuyển này,cô chỉ mang theo chiếc hòm gỗ dài, chứa đựng hình hài của chính cô.
***
Cô nằm trong đó, chiếc quan tài màu đỏ xung quanh đặt những vòng hoa rừng sặc sỡ. Hoa bằng lăng tím ngát, hoa mò o đỏ tươi, hoa tóc tiên vàng dịu. Không tìm được đâu ra bông hoa màu trắng để biểu thị sự trinh nguyên của cô...
Người con gái nằm xuống không được nói đúng về mình - đó là lỗi tự thiên nhiên.
Chiếc xe tải đi rất chậm rất chậm cũng không sao tránh hết được những lồi lõm mặt đường. Mỗi lần ổ gà, chiếc quan tài giật nảy, gõ vào thùng xe, gõ vào đầu anh lái, gõ vào chiều thu mênh mông. Con đường, con đường - xin đừng gồ ghề cho cô được nằm yên để đi cho hết đọan cuối cùng. Phađin... Cam Đuờng... Trái Hút...
Những chặng đường cầm mòn cán cuốc, người con gái công trường không bao giờ còn vần chiếc hòm gỗ lên những chuyến xe di chuyển, không bao giờ còn thức dậy trong tiếng kẻng thúc vào giấc ngủ chập chờn, không bao giờ còn bịt khăn vuông kín mặt chống che nắng gió. Màu da cô, thân xác cô sắp được ấp ủ trong lòng đất kín.
Chiếc xe tải đi rất chậm, rất chậm. Đã nhìn thấy màu đất đỏ bãi san sườn núi dùng làm nghĩa địa.
”Ngát ơi..Ngát ơi…”.
Tiếng kêu than níu kéo thảng thốt chấn động trời chiều. Một cô gái ngồi trên xe tải chợt ôm cứng lấy chiếc quan tài đỏ. Đó là người duy nhất phá bỏ tập tục, chít vành khăn đại tang để trở bạn. Suốt dọc đường, cô ngồi bên thùng xe như hóa đá. Đôi mắt cạn khô và vô tri. Dường như cô không còn nhìn cái gì nữa. Cô chỉ thấy ở bên trong cô “cái Ngát”. Nó đấy. Miệng cười mơ hồ, ánh mắt xa xăm, thân quen lắm và cũng xa lạ nhiều.
“Ngát ơi,có đau lắm không?”.
“Không đau đâu, chỉ thấy tối sầm lại rồi có còn biết gì nữa đâu…”.
“Tại cái xô đấy. Lúc giàn gíáo đổ xuống, cái xô úp lên đầu Ngát, hai trăm viên gạch đè lên người Ngát. Rồi thì... thôi, đừng nhắc lại chuyện ấy nữa. Không có cái chuyện ấy đâu. Ngát không chui xuống giàn giáo để gánh nước đâu, cái xô vẫn treo ở đầu hồi đấy. Ngát về Hà Nội với anh Uyên rồi. Vài ba hôm nữa Ngát lại lên, đúng không?”.
“Không đúng đâu...”.
“Đúng đấy, hôm nào Ngát lên, mình phải đi dỡ sắn đấy. Tháng này mỗi người phải trừ một cân gạo tiết kiệm. Cả năm phải cắt đi một tháng đấy. Mình chẳng sợ Ngát nhỉ. Mình đã thái và phơi đuợc ngót một yến sắn khô rồi. Chẳng đói đuợc đâu mà lo. Mình lại còn vạt khoai lang đằng sau nhà kho nữa à... Ngát này ,con gà mái tơ sáng nay nó đẻ đấy. Trứng to lắm. Tớ đã cất vào thùng gạo rồi. Chả mấy chốc mà đủ một chục. Dành cả cho Ngát bồi dưỡng anh Uyên đấy. Phấn khởi nhé. Dậy đi…”.
“Không dậy được đâu...”.
“Tháng hai này hai đứa có bảy công tăng ca đấy. Dành cả tiền cho Ngát để mua lụa cung cấp nhé. Về Hà Nội đi chơi với người yêu mà cứ diện mãi quần ta tăng cũ chẳng sợ người ta cười cho. Còn tiền bán đỗ xanh thì để cuối năm Ngát làm đám cưới nhé. Lo cho cô đến vậy, mai kia cô mải chồng quên tôi, mất chị mất em thì đừng có trách. Dậy đi, anh Uyên anh ấy ở Hà Nội về kìa…”.
“ ....”
“Giời ơi... Ngát đâu rồi. Ngát đi đâu thế này. Đêm nay Ngát ngủ đâu. Ngày mai, ngày kia... Ối Ngát ơi là Ngát ơi...”.
Cô gái òa khóc và kể lể. Chiếc quan tài giật nảy trong vòng tay cô khi chiếc xe tải dừng sững lại. Xe buýt cũng vừa tới nơi. Nghĩa trang là một vạt đất do xe ủi san bằng ven sườn núi. Màu đất đỏ, ráng chiều đỏ. Những hàng cây trang nghiêm. Những con bướm trắng bay chập chờn. Tất cả mọi người đều đã xuống xe và vây quanh chiếc áo quan đang được buộc dây.
Ông giám đốc ra lệnh khẽ:
“Nhanh tay lên...”.
Đám ma đi trong sương chiều, tiếng khóc và những bước chân bấm trên mặt đất trơn lầy. Huyệt mộ đã được đào sẵn. Những búi cỏ giập nát đã chớm héo vàng. Người đàn ông mang kính đen đứng lẫn vào đám người xung quanh huyệt. Hai sợi dây ni lông trắng chầm chậm đưa xuống chiếc quan tài đỏ. Từ đâu đó, anh cán bộ nhân sự bước ra cầm mảnh giấy đọc những lời điếu viết sẵn. Trong im lặng nặng trĩu, giọng anh khê nặc và trầm bổng.
“Cô Phạm Thị Ngát sinh năm 1960, bố chết, từ nhỏ ở với mẹ, năm mười lăm tuổi theo tiếng gọi của đoàn và của đảng, cô xung phong đi làm công nhân công trường…”.
Người đàn ông khóc nức lên sau cặp kính. Cổ ông tắc nghẹn trong lúc chính ông muốn ông phải nói: “Không đúng, không đúng đâu. Bố “nó” không chết. Bố “nó” còn sống đấy. Tôi đã im lặng từ hai mươi năm nay và cho tới bây giờ tôi vẫn còn im lặng”. Ông ta chới với níu cong xuống một cành cây gần đó.
Người con gái nằm xuống không được nói đúng về mình, đó là lỗi tự con người.
“Hãy biến đau thương thành hành động. Hãy ra sức thi đua hoàn thành kế họach của tổng công ty giao cho. Phút mặc niệm bắt đầu...”.
Cô ấy sắp đi hẳn rồi. Đi về đâu em ơi? Về những nếp nhà sàn có chiếc cối nước rơi buồn bã. Về ngôi nhà đang xây với cánh tay cần trục quay tròn trên hàng giáo nhọn hoắt. Đi về đâu em ơi? Về đỉnh núi có chú sóc nhỏ vô tư hay về bầu trời mây trắng lãng đãng. Không ai biết, không ai có thể biết được. Cái điều huyền bí ấy là của riêng em, là tặng phẩm duy nhất em mang theo được cho một đời nỗ lực.
Những hòn đất đỏ đã rơi xuống rồi. Ngôi mộ đầy lên và sau cùng người ta đặt lên đó một bát cơm và một quả trứng bửa đôi. Gió đưa khói hương bốc lên cao và tan đi mất.
Một cánh bướm chập chọang trong nhá nhem tối. Hai chiếc ô tô nổ máy trở về công trường.
Người đàn ông mang kính đen ngồi bên ngôi mộ mới. Ông còn ngồi lại làm gì? Người con gái do chính ông sinh ra và ông đã chối từ cho tới tận lúc nó chết chỉ vì sự bình yên cho chức quyền của riêng ông, đâu còn nói được những lời tha thứ nữa...
Và ông cầu xin ai?
Nhật Tuấn