Trang chủ » Tản văn

NGẪU HỨNG THIÊN TRƯỜNG (2)

Trần Nhương
Thứ hai ngày 8 tháng 6 năm 2009 4:53 PM
 
Tôi chưa từng đến huyện Giao Thuỷ và Hải Hậu của Nam Định. Ngớ ngẩn thế, nhà quê thế. Hai huyện này có hai nơi nghỉ mát nổi tiếng Quất Lâm và Hải Thịnh. Nghe mấy vị giới vui vẻ tẹt ga nói rằng :

 Cuộc đời mà chưa xuống Quất
Lâm gì cũng chỉ lâm ly.
 

   Thế cho nên mình không vào được giới ấy là đúng rồi.
   Chúng tôi qua cơ quan huyện uỷ Giao Thuỷ. Anh Nguyễn Xuân Nghinh bí thư kiêm Chủ tịch huyện tiếp chúng tôi ít phút. Huyện này thí điểm dồn hai chức làm một cho đỡ cán bộ, đỡ một suất lương. Anh Nghinh mời chúng tôi xuống Quất Lâm dùng cơm và nghỉ lại một đêm cho thoáng mát. Tôi háo hức xuống cái địa danh nổi tiếng này.
Tranh thủ trời còn sáng, tướng Hiệu rủ chúng tôi ra dạo bờ biển. Tôi bị thất vọng ngay từ phút đầu gặp gỡ. Bờ biển được kè bê tông, đường bê tông phẳng phiu nhưng tịnh không một cây xanh. Trời đất ạ, bên bờ biển mà không có một hàng cây thì khác nào trên gương mặt xinh tươi bị cạo sạch đôi hàng lông mày. Trông Quất Lâm có cái gì đó khô cong như người đàn bà không biết sinh nở. Ấy là mình nói theo cái nghĩ già nua của mình chứ nghe nói nơi đây mát mẻ cực kỳ.
  Cơm tối tại khách sạn Ánh Dương toàn món hải sản ngon và lạ. Các anh ở huyện nâng cốc chúc mừng liên tục. Mình không chơi được rượu nên mấy cô tiếp viên ưu tiên cho 2 lon nước cam.
  Không biết vì thay đổi thời tiết hay sao mà mình thấy mỏi mệt như sắp ốm, hai bắp chân tưng tức như sắp vỡ ra. Lén ra khỏi phòng tiệc về phòng nằm nghỉ. Hay nhỉ, vừa đầu tuần từ Sapa đi một lèo 400  cây số về Hà Nội mà khoẻ như không, hôm nay mới đi có hơn 100 cây mà người não ra đến lạ.
   9 giờ tối Lê Hoài Nam, Võ Thị Hảo, Quỳnh Giao vào rủ đi hát karaoke. Thấy mình nằm sù sù trên giường các bạn lắc đầu cám cảnh. Nằm nghĩ lại câu chuyện Ngô Vĩnh Bình kể lại có chuyến đi nào đó có bao nhiêu cám dỗ mời gọi mà Nguyễn Đức Mậu không mần gì được, Mậu buông một câu cảm thán chém cha cái tuổi già. Mình bây giờ cũng xin mượn ý của Nguyễn Đức Mậu mà than rằng Thảm hại cái tuổi già. Đêm ấy ngủ một mạch không vẫy tai mặc dù cách có mươi bước chân sóng biển dạt dào mời gọi…
  Sáng 6-6 chúng tôi đi Hải Hậu. Nơi chúng tôi đến đầu tiên là nhà thờ Quần Phương, xã Hải Phượng. Cha xứ Tiên một người hiền lành như lão nông, tuổi Nhâm Ngọ, đón chúng tôi vào nhà khách. Cha Tiên mặc áo sơ mi đóng thùng bình dị như mọi người. Tôi hơi ngạc nhiên. Rồi Phạm Trọng Thanh giải thích Vatican 2 rất thoáng và cởi mở, họ tương thích với đời sống hiện đại. Tôi nghĩ thế ra mấy bác Kitô giáo này lại không bảo thủ như một số tôn giáo khác, mấy trăm năm mà vẫn khư khư cái cũ là bất biến. Cha Tiên mời uống bia với trái cây sởi lởi vui chuyện. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu tặng cha Tiên đĩa phim tài liệu có hình ảnh ông thăm nhà thờ Quần Phương. Nhà văn Lê Hoài Nam tặng cha Tiên cuốn bút ký Bến sông tuổi thơ trong đó có những dòng viết về nhà thờ Quần Phương. Gia đình Nguyễn Huy Hiệu không theo công giáo nhưng khi nhỏ anh hay được các cha xứ cho vào dự lễ. Sau khi tụng hết bài kinh được lên hôn bàn chân Đức Giêsu và bốc nắm nả thơm lừng tượng trưng cho việc nhận phúc lộc của Chúa. Nhà thờ Quần Phương kiến trúc rất đẹp, có nét Tây lại có nhiều nét Việt. Xung quanh là một khuôn viên cây cảnh và nhiều nhóm tượng thể hiện các bước Chúa bị hành hình. Cha Tiên mời chúng tôi vào thăm thánh đường. Đẹp, lộng lẫy, vòm cong cao vút gợi một khoảng trời đầm ấm trên đầu. Nhiều bức bích hoạ rất đẹp. Có một bức vẽ mô tả Đức Chúa rửa chân bằng nước sữa cho tông đồ, bên trên là câu khẩu hiệu: “Hãy yêu thương nhau như Đức Chúa từng yêu thương các con”. Ngô Vĩnh Bình đập vào vai tôi, chỉ tay vào tranh đó, nói bác lấy câu này sửa đi một vài chữ mang về Hội Nhà văn ta. Tôi suýt bật cười giữa thánh đường…
  Nơi đây là quê nhà thơ Vũ Quần Phương. Thú thật là cùng làm việc với ông mà tôi cũng không biết quê ông ở đây. Chúng tôi hay thắc mắc vì sao ông lại lấy tên là Quần Phương, nghe nó có vẻ y phục quá. Ở Ban Sáng tác cùng ông có nhà thơ Y Phương nên chúng tôi phải phân biệt một ông Phương áo, một ông Phương quần. Bây giờ thì đứng giữa quê ông mới vỡ lẽ nhà thơ yêu quê hương mình đến nhường nào mới gắn tên quê vào tên mình để trên đài, trên TV Quần Phương cứ vang lên da diết….

Hết kì 2



  
 
 
 
 Ảnh: 1- Buổi sáng Quất Lâm
2- Chợ sớm
3- Cá tươi đáo để
4- Dáng đứng Quất Lâm