Trang chủ » Tản văn

NGẪU HỨNG THIÊN TRƯỜNG (3)

Trần Nhương
Thứ ba ngày 9 tháng 6 năm 2009 5:35 PM
 
Mảnh đất Hải Hậu đúng là địa linh nhân kiệt. Rất nhiều các địa danh nổi tiếng như chùa Lương, Cầu Ngói, nhà thờ Quần Phương, bãi biển Thịnh Long, đồng muối Văn Lí, chợ Cồn . Ngày nay người Hải Hậu đang làm thêm nhiều địa chỉ Văn hoá mới.
   Nét độc dáo và nhân nghĩa là người Hải Hậu xây dựng nhiều công trình ghi ơn những người ngã xuống vì Tổ quốc. Không chỉ để tưởng niệm mỗi ngày lễ trọng mà chính là để các thế hệ bây giờ và mai sau noi gương, biết ơn những người ngã xuống. Biết ơn và ghi công họ việc quan trọng là hành động với dân với nước thế nào để người ngã xuống hôm qua không tủi. Hỡi những người có trách nhiệm hãy làm lòng câu “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
   Khu đền thờ huyện Hải Hậu là một quần thể xây dựng rất đẹp, khá bề thế ngay tại thị trấn. Khu đền mái cong lớp lớp tạo nên một thế sóng vỗ, lớp nọ nối lớp kia. Một tháp cao 15 tầng xây rất công phu như một nén nhang lại như một cây bảo kiếm khổng lồ vươn lên trời xanh nói lên hồn cốt Hải Hậu muôn đời…
  Trong những vị tướng tôi gặp, có lẽ tướng Nguyễn Văn Hiệu là một trong những người canh cánh nghĩ về đồng đội đã hy sinh. Ông là một vị tướng đánh trận cùng chiến sĩ, sống chết cùng họ, nằm gai nếm mật cùng họ. Ông kể rằng tiểu đội ông có 18 người, khi thu được một chiếc dù hoa có 18 múi, họ cắt ra chia nhau và hẹn với nhau rằng: ai sống thì dù làm chăn, làm khăn, ai chết thì bó xác. Cho đến hết chiến tranh thì 17 múi dù đã bó xác, chỉ còn lại múi dù của Nguyễn Huy Hiệu. Trời Phật cho anh được sống vậy thì anh không thể yên lòng mà thụ hưởng hạnh phúc hôm nay. Tướng Hiệu đã để tâm nhiều năm xin tài trợ xây dựng đền thờ anh hùng liệt sĩ, xây dựng bệnh viện.
  Nghia trang đền thờ xã Hải Long quê anh là một địa chỉ ấy. Tướng Hiệu nhờ sự giúp đỡ của công ty Him Lam đã xây dựng một nghĩa trang theo kiểu một đền thờ. Hai bên vẫn những hàng mộ các liệt sĩ, ở giữa là một ngôi đền thờ xây dựng theo kiểu cổ, có đủ hoành phi, câu đối bằng tiếng Việt. Chúng tôi vào ngôi đền thắp hương, ngắm công trình với câu đầu, con tiện, hoanh phi sơn son thiếp vàng đủ biết những người thực hiện đã cẩn trọng thế nào. Có lẽ chưa có một nghĩa trang nào với khu đền thờ đẹp như Hải Long.
Ở một góc một cây bồ đề đã cao ba, bốn mét, lá xanh mướt lắp lánh, lao xao trong gió. Cây bồ đề mà vợ chồng tướng Hiệu đã mang từ Chùa Phật tại Ấn Độ về năm 2003. Tướng Hiệu xin ba cây bồ đề, một cây trồng tại nghĩa trang quê nhà, một cây tại nghĩa trang Đường 9, một cây tại BCH quân sự Quảng Trị. Tướng Hiệu kể khi xin 3 cây bồ đề, thượng toạ chùa bên Ấn Độ bắt làm nghi lễ bái Phật rồi ôm cây đi vòng chùa ba lần.
  Anh em chúng tôi chụp ảnh bên cây bồ đề và mỗi người xin 1 lá mang về ướp trong sách để được Phật trời phù hộ.
  Đến Bệnh viện đa khoa huyện Hải Hậu lại thấy công trình khoa Đông y khang trang do tướng Hiệu xin một doanh nghiệp tài trợ. Tướng Hiệu nói khoa Đông y có thể chữa bệnh cho nhiều người nhất là người nghèo. Trước ngôi nhà 2 tầng là pho tượng Hải Thượng Lãn ông trắng trên bệ cao. Đây là quà tặng của vợ chồng tướng Hiệu.
  Tôi đã được anh Nguyễn Hải Triều tặng một cuốn Một thời Quảng Trị mà anh ghi cho tướng Hiệu. Thú thật là chưa đọc hết. Hôm nay đi cùng anh về Nam Định tôi hiểu thêm tấm lòng một vị tướng. Khác với nhiều vị tướng phần nhiều ở sở chỉ huy, nhưng tướng Hiệu là người của trận mạc, ông gắn đời mình với chiến sĩ. Thế là hiếm, không nhiều những vị tướng thân gàn bên chiến sĩ lắm đâu. Anh nói chỉ vài năm nữa là về hưu, lúc ấy thôi công việc quân đội là về đi làm từ thiện. Mình sẽ đấu giá múi dù hoa quý hiếm đặc biệt của mình lấy tiền cho công việc này. Tôi nghĩ tướng Hiệu nói thế rồi anh sẽ làm, bởi vì trong anh vẫn còn đau đáu bao nhiêu đồng đội còn nằm trên Tây Nguyên, Quảng Trị mà chưa quy tập được.
  Buổi trưa Bí thư huyện uỷ Hải Hậu, anh Thắng, mơì chúng tôi dùng cơm ngay tại văn phòng. Cha cha toàn đặc sản như gỏi cá nhệch, lươn om củ chuối, cá chim…Tôi ngồi cùng mâm với tướng Hiệu, Linh mục Tiên và bí thư Thắng. Các anh giới thiệu món gỏi đặc biệt và bảo ăn đi, không có làm sao. Cơ man nào là rau ăn kèm món gỏi chắc nó sẽ làm chín những lát cá tươi trong vắt. Tôi chén thật lực, mấy khi được ăn tươi sống chất biển khơi thế này. Tôi ngồi gần cha Tiên hỏi nhỏ nhà Chúa bây giờ không quy định lúc nào cũng phải mặc y phục nhà Chúa phải không ? Cha Tiên nói, đúng, chỉ khi làm lễ và những ngày quan trọng còn thì thoải mái cho dễ bề sinh hoạt. Thế cũng phải cứ mũ cao áo dài mãi cũng sợ.
  Quỹ tín dụng Thiên Trường muốn níu văn nhân về qua Nam Định để uống nước rồi mới chia tay. Phạm Ngọc Vũ chủ tịch HĐQT và Trần Hiếu, Giám đốc có chút quà quê tặng các văn nhân. Chia tay vẫn hẹn hôm nào mát trời mời các văn nhân về thăm khu sinh thái biển của Nam Định, nơi ấy là vườn chim tự nhiên rất tuyệt vời.
  Tướng Hiệu chia tay chúng tôi ngay tại Hải Hậu, ông về thăm quê nhân ngày nghỉ cuối tuần. Ông nói về một loáng còn lên làm nhiệm vụ ông Nghị.

Ảnh: 1- Tháp 15 tầng Hải Hậu
2- Bên cây bồ đề mang về từ Ấn Độ
3- Trước dòng sông Xẻ, nơi đây hồi nhỏ tướng Hiệu thường đánh trận giả