Trang chủ » Tản văn

Tuổi cao nhưng tâm hồn mãi là xuân

Hoài Hương
Thứ bẩy ngày 17 tháng 1 năm 2009 9:19 PM
 
 
Họ là những văn nhân có tuổi trên cả “thất thập cổ lai hy”, đầu đã trắng xoá màu thời gian, gương mặt cũng hằn nhiều dấu vết thăng trầm buồn vui cuộc đời, nhưng với họ, tuổi cao không phải là tuổi già, vẫn rất trẻ trong tâm hồn. Và mùa xuân là mùa đẹp nhất để những thi nhân “ông, bà” thấy mình mãi còn xuân trong cuộc sống và trong sáng tạo nghệ thuật.
Đầu xuân, Văn nghệ Trẻ đã có một cuộc trò chuyện thú vị với 12 nhà văn của TP.Hồ Chí Minh, tuổi của người “trẻ” nhất là 71 tuổi, trong số họ có người đã lên tới chức “cố” nhưng tất cả họ đều như không hề nghĩ tới tuổi “già”, vẫn đầy “lửa” nhiệt huyết  như của 50, 60 năm về trước khi bắt đầu lấy nghiệp văn chương làm ý nghĩa cuộc sống. Đặc biệt họ vẫn luôn viết, và luôn được giới văn chương nhiều thế hệ của TP.HCM nhắc đến với sự khâm phục sức lao động sáng tạo nghệ thuật của họ. Tâm hồn của các văn nhân “ông, bà” hình như không có tuổi, họ nghĩ tới mùa xuân, nghĩ tới một năm mới là nghĩ tới những tốt lành, những ước mơ, những ý tưởng, dự án tràn đầy sức sống và sắc xuân cho sáng tạo nghệ thuật của mình. Cảm xúc trước mùa xuân của họ “trẻ mãi không già”, xuân như mùa xuân.
 
Nhà văn Minh Quân- 81 tuổi. Hơn 60 năm viết văn, và đặc biệt chỉ viết về thiếu nhi.Bà không nghĩ đến cái tuổi “xưa nay hiếm” của mình, vẫn hồn nhiên, trẻ trung, trong giọng nói, trong sáng tác. Dự định năm 2009 bà sẽ in một tập truyện ngắn cho thiếu nhi.Khi nói tới mùa xuân bà hào hứng:Năm nay sau khi Hội Nhà văn mừng thọ 80 tuổi, tôi nghĩ mình như trẻ lại mấy mươi năm, thấy trong tâm hồn mình, suy nghĩ của mình lại tràn đầy nhiệt huyết để sáng tác, để viết, viết những trang văn dành cho thiếu nhi- cũng là mùa xuân của đất nước của tương lai.Thấy mình còn có ích cho xã hội, gia đình, quên luôn tuổi già.Mùa xuân năm nào tôi cũng ra Tuy Hoà dự đêm thơ Nguyên Tiêu, đêm thơ này như một truyền thống hàng năm có từ trước cả “Ngày thơ VN”, nó có một vẻ đẹp lung linh rất khó diễn tả, dù tôi là “ngươi văn” nhưng vẫn đắm đuối với thơ và mùa xuân nào cũng vậy,như một “cố nhân” tìm đến người tình.Với tôi, mình còn làm việc được thì mãi còn mùa xuân.
 
Nhà thơ Thanh Giang- 79 tuổi. Ông là nhà thơ chiến sĩ, có lẽ chất “lính” ngấm vào máu và những gian khổ hy sinh một thời chinh chiến ông trải nghiệm đã làm cho ông thấy được sống tới giờ này, trong hoà bình đã là một “tặng vật” của cuộc sống. Hà cớ gì mà lại phải buồn vì tuổi đã cao.Tuổi cao chứ không phải tuổi già, cái đầu chưa già, cái tâm còn đầy nhiệt tình, thì xuân vẫn đang trong mình. Sắp Tết đến, xuân về điều trước tiên là tôi nghĩ sẽ viết gì trong Tết này? Già thì sao mà viết, tâm hồn trẻ thì mới minh mẫn để làm thơ, để ước mơ. Mùa xuân không chờ không đợi ai hết, quỹ thời gian của mình cũng tới lúc ngắn ngắn, không nên lãng phí.Tôi vẫn luôn nhớ tới kỷ niệm chiến tranh, vào xuân 1967, trong chiến khu Dương Minh Châu, Cục Chính trị Miền đóng quân ở đó, có cả Nguyễn Thi và nhiều nhà văn nhà thơ Quân Giải phóng.Giao thừa, mọi người qua nhà nhau chúc Tết, có cây cầu bắc ngang suối bị bom B.52 đánh sập, một cái cây đổ vắt ngang thành cầu, đêm, mọi người cầm đèn qua, in bóng xuống suối, hình ảnh thật đẹp:” Con suối xuyên rừng già/ Cây giáng hương bật gốc bắc qua/ Thay cây cầu đổ nát/ Quên bản thân bầm mình xơ xác/ Cho đêm giao thừa du mùa xuân đi qua..”- Cây cầu hình ngọn lửa.
 
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng- 77 tuổi. Ông già Nam Bộ luôn đắm đuối với những dòng sông quê, như một “lão ngoan đồng”, tóc bạc trắng nhưng nụ cười và phong thái luôn hào sảng, trẻ trung, sôi nổi. Ông uống được nhiều rượu nhưng chưa hề say bao giờ, cũng như với ông, mùa xuân là mùa không dành riêng cho ai, với những người như ông thì mùa xuân còn thật nhiều ý nghĩa.Tôi rất tâm đắc với một câu nói của người bạn già Nam Bộ:”Chúc chúng ta sống đến chết”. Sống là sống có ý nghĩa để khi chết không cảm thấy hối tiếc điều gì.Mùa xuân, ngày trẻ háo hức với kiểu khi ta còn trẻ, nay đã lên chức “ông nội, ông ngoại” thì xuân đến là thấy trên đầu thêm một tuổi, là thấy cũng đã tới lúc “vừa vừa, phải phải”, cuộc đời cho bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, và không nên chần chừ khi đã dự định điều gì. Ăn Tết xong, là tôi bắt tay vào hoàn thành tập truyện ngắn, để in trong mùa xuân Kỷ Sửu 2009 này, hiện đã viết được 8-9 truyện, và đang viết thêm ít truyện nữa cho đầy.Và tôi cũng sẽ còn tiếp tục những dự tính dang dở khác. Còn cảm hứng để viết là còn mùa xuân trong tâm hồn, dù không là mùa xuân thì tất cả những ngày trong năm đều là xuân.
 
Nhà thơ Xuân Quỳ- 72 tuổi. Bà là người gốc Hà Nội, dù tuổi đã cao nhưng dáng vẻ vẫn mang nét đẹp của con gái Hà thành xưa.Bà cũng rất nổi tiếng không chỉ ở thơ mà còn làm công tác từ thiện, như một địa chỉ uy tín, tin cậy của các số phận bất hạnh. Gặp bà là trước tiên gặp nụ cười đằm thắm, đôn hậu, và sự nhanh nhẹn hiếm thấy của một người quá ngoài “thất thập cổ lai hy”.Mùa xuân đối với tôi có nhiều ý nghĩa lắm, trước hết là sự đoàn tụ, sum họp gia đình con cháu nội ngoại, cho một cảm xúc viên mãn tròn đầy hạnh phúc.Tuổi của tôi không còn cái nôn nao háo hức đón Tết như lớp trẻ, nhưng chất lãng mạn thì vẫn không hề vơi khi thấy xuân về, cây cối đâm chồi nảy lộc, và ý thơ, hồn thơ vẫn như dòng chảy trong tâm hồn, như cảm giác được mối giao cảm giữa mình với hoa lá cỏ cây. Mùa xuân còn mang cho tôi một niềm vui khi nhìn lại những việc mình đã thực hiện được trong năm, đó cũng là minh chứng cho bản thân, mình vẫn còn “xuân”, chưa già lão, còn làm được nhiều công việc yêu thích.
 
Nhà văn Trần Thanh Giao -77 tuổi. Ông là người lên rừng, xuống biển, dạo gót đồng bằng châu thổ 2 miền Nam Bắc với những trại viết, và những chuyến “du” nước ngoài giao lưu bạn hữu văn chương nhiều nhất trong năm so với những người trẻ trong Hội Nhà văn TP.HCM.Hình như tuổi tác không hề “đậu” lại trên ông, ở ông luôn toát lên sức trẻ, dù vóc người nhỏ bé, da mồi tóc bạc.Mùa xuân là mùa của thi hứng, mùa của những cảm xúc bất tận trong tâm hồn người nghệ sĩ. Cây cỏ muôn loài đều trong nhịp điệu hoan ca,sinh sôi nảy nở, nói gì con người, dù có tuổi cao cũng thấy chút gì niềm phấn khích.Tuổi thì già, nhưng tâm hồn không già,cuộc sống không già, sự sáng tạo nghệ thuật là mùa xuân vĩnh viễn cho cuộc đời.Cả với những danh nhân nghệ sĩ xưa thì tuổi tác không là vấn đề, mà tác phẩm mới thật sự là “mùa” của họ như Goethe, Charlie Chaplin, Picasso…tác phẩm sống mãi với thời gian. Tôi cũng xin chúc những người trẻ mãi giữ sức xuân cho dù năm tháng có chất thêm tuổi tác lên đầu.
 
Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương- 72 tuổi. Nữ thi sĩ mang dòng máu Hoàng tộc triều Nguyễn, người của sông Hương núi Ngự, là miền đất thấm đẫm chất thi ca nhạc hoạ xưa và nay,miền đất của văn nhân, nên  trong tâm hồn  bà “chất “ thơ luôn thường trực. Không chỉ là sự sâu lắng thâm trầm của xứ Huế, mà ở bà còn có sự sôi nổi trẻ trung như tính cách của TP.HCM, nơi bà sống và làm việc.Tuổi tác không làm bà lo lắng hay thiếu tự tin như những đàn bà thường tình khác. Ai mà không già, nhưng biết tạo niềm vui cho mình thì sẽ mãi trẻ.” Đến tuổi này không quên mới lạ/ Chuyện lãng quên là chuyện bình thường/ Chỉ cầu xin Phật độ Trời thương/ Quên ít ít đừng quên tất cả”;”Xuân đến mừng xuân biết viết gì/ Nôm na gọi có ít vần thi/ Nương theo cánh nhạn đề thơ Tết/ Thăm hỏi đôi lời bạn cố tri”.
 
Nhà văn Đinh Phong- 71 tuổi. Ông luôn tự nhận mình là “nhà văn trẻ” vì chỉ mới gia nhập Hội Nhà văn VN mấy năm gần đây, trong khi truyện ngắn đầu tiên ông viết là năm 1959 “Năm tóm mạ”, bài thơ đầu tiên đăng báo Tiền Phong năm 1957, chưa kể ông có 54 năm làm báo.Một sự hóm hỉnh, và cũng thật chân tình, ông ngỏ chút tâm sự đầu năm:Tuổi thì qua 70, nhưng tuổi cầm bút mới 50 năm, tôi là nhà báo già nhưng là nhà văn  trẻ, thấy tinh thần còn minh mẫn, thấy mình vẫn còn đầy lửa trong tim để viết như chưa hề biết “già” là gì. Một năm mới bắt đầu, chỉ thấy thêm xuân, vì những điều ấp ủ đã có thể thực hiện, bao nhiêu trải nghiệm và kinh nghiệm cũng như thực tế cuộc sống đã tới lúc mang ra trải lòng với đời trong văn chương.  Năm Kỷ Sửu này tôi sẽ ra một tập truyện ngắn “Đinh Phong & 50 truyện ngắn”, kỷ niệm 50 năm viết truyện, tập thơ 100 bài dự định mang tên “Em & Nắng”. Và tôi cũng thành thật, thơ của tôi là thơ tình, tình như thời thanh niên tuổi đôi mươi, tình tứ, lãng mạn, đắm say, da diết…
 
Nhà thơ Lê Giang-79 tuổi. Khi nhắc đến bà thường mọi người hay gọi một cách trìu mến “Chị Năm dân ca”. Bà là người có những cuộc hành trình dài để tìm về cội nguồn dân tộc, người nối quá khứ với hiện tại, bà thổi hồn và mang sức sống mới cho các làn điệu dân ca Nam Bộ, để vốn quý dân gian được “sống” như mùa xuân. Mùa xuân bao giờ với tôi cũng thật đẹp, tôi không nghĩ mình đã thêm tuổi trên mái đầu bạc mà nghĩ mình sẽ làm gì trong năm nay, sẽ lại đi đâu, tiếp tục sưu tầm dân ca vùng nào… và nghĩ đến những bài thơ tình mình sẽ làm. Điều tôi mong nhất là có sức khoẻ để có thể đi được nhiều, làm được nhiều, mỗi ngày trôi qua tôi không sợ mình già mà sợ lỡ có một khúc dân ca nào đó vuột mất. Ước mơ của tôi cũng đơn giản lắm, những gì gọi là vốn quý truyền thống dân tộc Việt Nam sẽ được bảo tồn, giữ gìn, phát triển cho nhiều thế hệ sau này.
 
Nhà văn Minh Khoa- 81 tuổi. Ông đang trong thời gian điều trị bệnh nan y nhưng tinh thần “Ông Tám Khỏe”- một nhân vật Nam Bộ nổi tiếng trong tác phẩm của ông,vẫn như đọng lại trong giọng nói, nụ cười và phong thái sắc diện của ông. Tôi đã trải qua chinh chiến, đã từng sống và chết với người dân Nam Bộ những năm đánh Mỹ, tính cách người Nam Bộ đã “ăn’ trong máu tôi, lúc nào tôi cũng muốn viết về họ. Đó là những con người mạnh mẽ, quyết liệt, giàu lòng vị tha, yêu ghét rạch ròi, sẵn sàng hy sinh bản thân vì nghĩa, vì nhân.Tôi đã hoàn thành bộ truyện “những người hào kiệt “ cùng tập kịch bản sân khấu “Hào kiệt đêm thế kỷ”. Mùa xuân tới, một năm mới bắt đầu, đời người cũng chỉ có hạn, hiểu cái gì sẽ đến, chỉ mong cho những dự định sẽ làm được trọn vẹn, như món nợ nghiệp cầm bút với những người mình yêu mến- những người dân Nam Bộ.
 
Nhà thơ Kiên Giang(Hà Huy Hà)- 80 tuổi. Sinh thời nhà cố nhà văn Sơn Nam viết về người bạn tâm giao Kiên Giang:”Một cuộc đời lăn lóc, chẳng bao giờ khấm khá, về già làm chuyện ái hữu, tương tế, quả là thành đạt, không xấu hổ với đất nước. Đây là người bạn cùng xóm, cùng làng, cùng xứ U Minh mà tôi lấy làm tự hào và thật lòng ca ngợi”. Ông là một nhà thơ mà cả phương Nam đều biết với bài thơ “Hoa tím thôi cài trên áo tím”, là một soạn giả cải lương cùng thời Hà Triều Hoa Phượng, Trần Hữu Trang với nhiều vở nổi tiếng cho đến hôm nay vẫn được hát trên sân khấu. Tôi vẫn chưa nghĩ mình già, chỉ là nhiều tuổi, tôi vẫn hàng ngày đi đây đó làm công việc thiện nguyện, vẫn làm thơ,gặp bạn bè văn chương. Vừa mới rồi các bạn văn nghệ có tổ chức cho tôi một đêm thơ thật vui, tôi thấy hình như mình trẻ ra. Năm Kỷ Sửu, tôi sẽ hoàn thành tập hồi ký cuộc đời với cái tên rất miệt vườ, dân giã:” Lối mòn xe trâu”. Thêm một năm mới thấy mình còn khỏe, còn viết được là vẫn còn xuân, vẫn còn trẻ.
 
Nhà văn Trần Kim Trắc
- 80 tuổi. Ông tuy tuổi cao nhưng giọng nói rổn rảng, rõ ràng, mạch lạc, minh mẫn và hơi hài hước. Ông lại rất cẩn thận, nghiêm túc, khi gặp ông phỏng vấn, ông xin câu hỏi,dù chỉ 1 câu “Cảm xúc trước mùa xuân”, nhưng ông vẫn viết ra giấy, rồi cầm nói chuyện, tạo cảm giác cho người đối diện thái độ trọng thị, song không kém thân mật như  người bạn chân tình của ông.Mùa xuân đến là thêm một thâm niên cho cuộc đời, người già có ước mơ cao nhất là được thanh thản. Hai chữ tự do, hạnh phúc ai cũng biết từ lâu, muốn được thanh thản ở tuổi cuối đời, người già cần xem lại ta đã vươn tới được mục tiêu đời người, ta đã thực sự là người tự do từ trong sâu thẳm tâm hồn ta hay chưa? Đã thật là người hạnh phúc trong nội tại gia đình ta hay chưa? Để được thanh thản rằng ta đã “hạ cánh an toàn”. Tôi e  có một số chẳng ít người gác tay lên trán suy gẫm rằng: Gần đến hết đời ta chưa là người được tư do, hạnh phúc. Vì ta chưa chiến thắng được chính mình. Ơn của cuộc đời ta chưa trả xong, tội lỗi với cuộc đời ta chưa sám hối, nên ta lại bị mặc cảm chưa trong sạch, hay là dù đã ằm dưới đáy mồ, người ta vẫn còn lật lại “hồ sơ vụ án”… Kể ra tôi còn tồn tại đế năm con Sửu này, thời gian đã hào phóng với tôi quá đủ rồi, nếu còn ao ước được như người ta mừng thọ “sống lâu trăm tuổi” đó là ích kỷ và tham lam quá. Tôi chỉ mong còn tồn tại được ngày nào, đầu óc tôi còn minh mẫn để viết lách ghẹo đời chơi.
 
Nhà văn Thẩm Thệ Hà- 86 tuổi. Ông là một nhà văn “lão” của giới văn chương Nam Bộ, như một cội mai già, mỗi mùa xuân lại trổ hoa vàng, mang đến niềm hứng khởi cho những người trẻ cầm bút. Mùa xuân Kỷ Sửu này, vẫn như những mùa xuân trước, cho dù mắt đã hơi mờ, phải nhờ con cháu đọc hộ, nhưng ông vẫn viết văn làm thơ, viết hồi ký “Bâng khuâng nhới lại một thời”.Tôi thích mùa xuân, Tết đến. Vì tôi được đọc báo Xuân của 3 miền. Rồi là sum họp gia đình, con cháu mấy thề hệ đông vui,từ khắp nơi về chúc thọ ông bà.Tôi có bài thơ  Mừng Xuân Kỷ Sửu thân tặng bạn đọc báo Văn nghệ Trẻ:
Nàng xuân vừa đến ngõ
Hạnh phúc đã chan hoà
Thần Lộc dâng kim ốc
Thần Phúc tạo nguy nga
Mai vàng đơm phú quý
Đào thắm trổ vinh hoa
Đất nước bừng hương sắc
Xuân quang ấm cả nhà./.

Hoài Hương thực hiện