Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

1 - CHU DU CHẾT CÓ HỘC MÁU KHÔNG?

Tạ Hũu Đỉnh
Thứ bẩy ngày 26 tháng 11 năm 2011 9:01 PM

1 - CHU DU CHẾT CÓ HỘC MÁU KHÔNG?
 
      Bài báo: “Ánh sáng bất tận của cuộc đời” (Văn nghệ số 29, ngày 16 – 7 – 2011), nhà văn Vy Thuỳ Linh viết về cố NSND Sỹ Tiến. Ông là một nghệ sỹ đa tài, trong bài viết này, chúng tôi xin chỉ bàn đến một tình tiết nhỏ, trong vai diễn lớn của ông: vai Chu Du.
Vy Thuỳ Linh viết:
“… Ngày ấy nhiều người Hoa tụ cư quanh Hàng Buồm, một ông lang Tầu đã bày cách cho Sỹ Tiến pha một số vị thuốc để tạo thành mầu đỏ như máu. Để diễn vai Chu Du, Sỹ Tiến phải nhịn ăn, uống “thuốc” từ chiều, rèn luyện kỹ thuật, nén hơi luyện khí để ộc máu ba lần, ộc mạnh đến độ phun cả vào Trường Phi, giữa ba lần ấy vẫn thoại và ca. Đoàn nào muốn ăn khách phải mời bằng được Sỹ Tiến. Vai diễn được mến mộ tới mức đoàn đi tới đâu cũng phải trích đoạn này. “Chu Du” đã góp phần nuôi sống ông, tám đứa con và cháu, nuôi nhiều đoàn hát…”.
Nhà văn còn được gia đình nghệ sỹ cho xem tờ quảng cáo 50 năm trước của đoàn Kim Ngọc: “Kịch sĩ Sỹ Tiến thổ tận can tràng - một công nhận sân khấu - Bổn đoàn không quảng cáo hoang đường, quý vị sẽ thấy Chu Du hộc máu như thực được thể hiện bởi Sỹ Tiến”.
Vâng, cũng như mọi người, từ lâu tôi vẫn đinh ninh Chu Du bị Gia Cát Lượng lừa, tức quá hộc máu ra mà chết! Nhưng bây giờ bất chợt tôi bỗng “ngộ” ra rằng: Máu của con người ở trong tim và trong huyết quản, lưu thông trong hệ tuần hoàn, làm sao lại ộc ra miệng được?
Đã đành rằng tiểu thuyết là truyện bịa. Nhưng “Tam Quốc Diễn Nghĩa” là bộ tiểu thuyết sử thi đã được các nhà phê bình văn học nhiều thời đánh giá là: “Bẩy thực, ba hư”. Chỉ có ba phần là bịa thôi. Song muốn bịa gì thì tác giả cũng không thể bỏ qua được sự thật khách quan. Tức là sự tức giận, uất ức thái quá, hay suy nghĩ căng thẳng quá, đối với người bị bệnh huyết áp cao cũng có thể gây ra tử vong, vì vỡ mạch máu não. Nhưng chết vì xuất huyết não, máu không thể ộc ra miệng được
Nhưng chẳng lẽ một nhà văn lớn như La Quán Trung lại không hiểu điều sơ đẳng ấy? Hay hiểu, nhưng ông vẫn cố ý “bịa đặt” ra như vậy…
Từ ngày đầu tiên được nghe người ta nói: “Tức như Chu Du”, rồi từ ngày được đọc Tam Quốc đến nay, thời gian đã quá lâu, trí nhớ mù mờ sương khói, chẳng biết có đúng là Chu Du đã ba lần hộc máu ra như nhà văn Vy Thuỳ Linh đã viết không? Tôi liền mở sách ra tìm và đọc lại tất cả các Hồi có nhân vật Chu Du xuất hiện. Kết quả là chỉ có hai lần Chu Du bị thổ máu. Lần đầu tiên ở Hồi 49. Xin trích mấy dòng để bạn đọc tham khảo:
“…Chu Du đứng trên đỉnh núi, quan sát hồi lâu, bỗng một trận gió đùng đùng thổi đến, sóng tới bờ. Cái giải mũ bay tạt vào mặt Chu Du. Sực nghĩ tới điều gì, Chu Du bỗng rú lên một tiếng rồi ngã vật ra phía sau, miệng thổ máu tươi, Các tướng vội vàng vực Du đứng dậy, thì Du đã mê man không biết gì nữa…”.
Biết được tin ấy, khổng Minh đến thăm và nhận chữa bệnh cho Chu Du. Chữa bằng một phương thuốc rất lạ: Khổng Minh “cầu phong” giúp Chu Du “phóng hoả” đại phá quân Tào. Chu Du khỏi bệnh.
Lần thứ hai miệng Chu Du bị đổ máu tươi là Hồi 51. Nhưng lần này là “mẹo” của Chu Du để lừa quân Tào, chứ không phải vì tức giận. Xin trích:
“…Tào Nhân bảo các tướng:
- Cứ chửi mắng tợn vào!
Quân sĩ xúm vào mắng nhiếc om xòm. Du giận lắm. Bỗng nhiên rú lên một tiếng, mồm đổ máu tươi, ngã quay xuộng ngựa. Quân Tào xô lại, các tướng đổ ra, đánh túi bụi, cứu được Chu Du đem về trướng. Trình Phổ vào hỏi thăm. Du bảo đó là mẹo của ta đấy!...”.
Cuối cùng Chu Du chết, sau ba lần bị Khổng Minh lừa, nhưng không hộc máu ra miệng, mà vì vết thương cũ ở sườn lại tái phát. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Chu Du còn ngửa mặt lên trời than rằng: “Trời đã sinh ra Du, sao lại còn sinh ra Lượng?”.
Thế mà biết bao thế hệ độc giả đã đọc “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, cũng như khán giả đã xem Cải Lương (nhất là những người đã có may mắn được xem cố NSND Sỹ Tiến đóng vai Chu Du), ai cũng tin rằng Chu Du bị Gia Cát Lượng lừa, tức quá hộc máu ra mà chết.
Dân ta số đông còn nghèo. Nghèo cả của cải và kiến thức. Nhưng rất “giầu” lòng tin. Tin cả những chuyện hoang đường bịa đặt, những cái chẳng ai trông thấy bao giờ mà cũng tin theo. Thậm chí tin cả bọn người làm nghề bói toán, ngoại cảm, đồng cốt quàng xiên. Mấy măm trước người ta còn đổ xô đi Bắc Ninh lễ bà Chúa kho để bà cho vay tiền!
Ngay cả việc ốm đau bệnh tật cũng vậy. Có một dạo người ta ùn ùn kéo đi Thái Nguyên, tìm một bà lang “băm” nào đó. Thấy bảo bà này tài lắm, chẳng cần khám xét, hỏi han gì, người bệnh chỉ “sờ” vàmột cái là bà đã biết người ấy bị bệnh gì rồi. Bà liền đưa cho một túi thuốc đã gói sẵn từ trước, về sắc uống hết là khỏi bệnh.
Nghe đâu bà này còn được cả một ông nhà văn rất nổi tiếng, bị tai biến mạch não, liệt nửa người cũng đến chữa bệnh. Ông không phải uống thuốc. Bà lang chỉ dẵm lên lưng nhà văn mấy cái, mà sau một tuần nhà văn đã rậm rệch đi lại được.
Rồi lại chuyện ở Long An có khu vườn chữa bệnh, và được nhà văn Nguyến Khắc Phê đặt cho cái tên là: “Khu vườn kỳ lạ” (Báo Văn nghệ số 43, ngày 23 – 10 – 2010). Người ốm chẳng cần thuốc thang gì, chỉ đến sinh sống, nghỉ ngơi ở trong khuôn viên ấy một thời gian để: “Hấp thu năng lượng kỳ lạ” của vườn là khỏi bệnh. Có người bị bệnh khớp, tưởng phải tháo khớp. Thế mà sau một thời gian ở khu vườn ra đã khỏi bệnh. Bệnh nhân ở khắp nơi nghe tin  đổ về khu vườn ấy đông như đi trẩy hội.
Thiết nghĩ, nếu đúng như vậy, sao Bộ y tế không trưng mua ngay khu vườn ấy để làm một thứ “thần dược” chữa bách bệnh cho nhân dân?!
 Ngày xưa chưa có các phương tiện tránh thai, cô gái nào chẳng may chưa có chồng mà có chửa, bị người đời xúm vào chê trách: “Nhẹ dạ cả tin. Cho nó chết!”.
Vâng. Vì mình cả tin cho nên người ta mới lợi dụng được mình ./.
Ngày 10 – 11 – 2011
 
2 –NĂM CHIẾC Ô TÔ
 
Đã thành lệ từ lâu, hôm nào tôi cũng nghe, xem thời sự. Hôm kỉ niệm sinh nhật một trăm mười lăm năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi mở ti vi, trên màn hình thấy một người (không rõ có phải là ông Vũ Kỳ không?) đang trỏ vào chiếc ô tô ở bên cạnh, nói “Cả đời làm Chủ tịch nước, Bác chỉ đi có mỗi chiếc xe này. Thế mà có người 5 năm thay 5 chiếc ô tô. Báo chí đã đăng đấy!”. Ông không nói cụ thể là báo nào, và cũng không cho khán giả màn ảnh nhỏ biết cái ông thay năm ô tô ấy là ai, chức vụ gì, ở đâu?
          Báo chí của ta vẫn vậy. Là cơ quan thông tin nhưng lại coi trọng chức năng tuyên truyền hơn chức năng thông tin. Việc tốt, người tốt thì viết kỹ cả tên nguời, tên viêc và địa chỉ. Thậm chí có khi việc tốt chưa đến mười phân đã cho là mười. Còn việc xấu thi…”kiêng” không viết tên tuổi địa chỉ cụ thể (trừ trường hơp những kẻ xấu đã bị bắt ).Thí dụ như bài báo :”Bàn về hiện trạng vô cảm” của tắc giả Lê Đăng Khánh (Văn nghệ số 30-26-2008) viết: ”Quan lại thời nay, những tư sản đỏ, quan đầu ngành, đầu tỉnh bằng đồng luơng chức vụ chân chỉ hạt bột có nằm mơ cũng không xây nổi những biệt thự hàng chục tỷ đồng. Có người còn có vài ba biệt thự, hàng chục lô đất mặt tiền. Chưa hết, họ còn có hàng trăm mẫu đất công được phù phép thành “sổ đỏ” hẳn hoi, xây tường bao chắn lại, gọi con chău dưới quê lên ngày đêm canh giữ. Cứ nhìn vào cung cách ấy thì các vị quan lại kia chưa có dấu hiệu thỏa  mãn trong sự tích tụ nhà đất…”.
          Vậy những ”ông quan”ấy tên là gì, chức vụ gì, ở đâu? Sao tác giả bài báo không viết cụ thể ra? Hay, sao không tố cáo với cơ quan pháp luật? Phải chăng vì họ là”quan” đầu ngành, đầu tỉnh, trứng không thể chọi với đá, nên tác giả chỉ nửa kín nửa hở như vậy?..
          Xin trở lại chuyện thay ô tô. Xã hội nào cũng có kẻ hiền người ác, kẻ trí người ngu. Bác Hồ là bậc đại trí, đại liêm, nên với Người thi ô tô hoàn toàn chỉ là phương tiện đi lại. Mà đã là phương tiện thì công năng sử dụng bao giờ cũng quan trọng hơn hình thức cũ mới, xấu đẹp. Ngoài ra Bác còn quan tâm  đến một điều nữa quan trọng hơn nhiều. Đó là “Y phục xứng kỳ đức”. Người được sử dụng phương tiện ấy, sự cống hiến của bản thân có xứng đáng với sự đãi ngộ ấy không?
          Bác là người có công to lớn nhất nước, là chủ tịch đứng đầu chính phủ, nhưng dân ta còn nghèo, nên bấy nhiêu năm Bác chỉ dùng một chiêc ô tô thôi. Còn cái ông cán bộ  nào đó năm năm thay năm ô tô, thì hiển nhiên đó là một kẻ tiểu nhân, vị kỷ (nếu không muốn nói là kẻ tham nhũng). Họ coi chiếc ô tô mới, đắt tiền, sang trọng là biểu tượng của địa vị và quyền lực. Và họ lấy cái đó làm đòn bẩy để đề cao phẩm giá của mình. Họ không hiểu. Hay cố tình không muốn hiểu đó là ”tiếm dụng”, là trái với đạo đức cách mạng, và trái với cả luật pháp nhà nước nữa.
           Ngày xưa  đức Phật răn dậy chúng sinh phải diệt dục. Ngày nay Bác Hồ cũng kêu gọi cán bộ dảng viên “phải chống chủ nghĩa cá nhân”. Nhưng  xem ra cái đích nhắm tới chẳng gần lại được là bao, mà có nơi, có lúc dường như lại càng xa hơn. Đạo đức của mỗi cá nhân cũng như của mỗi tổ chức, mỗi cộng đông là vô cùng quan trọng. Song nhìn về góc độ quản lý xã hội, nếu lấy “Đức trị” làm trọng mà coi nhẹ”Pháp trị” thì cũng không ổn. Có lẽ một thời gian dài ta đã coi trọng ”Đức”, coi nhẹ ”Pháp”, cho nên tham nhũng mới trở thành quốc nạn...
          Ngày nay ta đã nêu khẩu hiệu:”Sống và làm việc theo pháp luật”. Nhà nước đã ban hành luật chống tham nhũng. Nhưng luật vẫn chưa phát huy được bao nhiêu tác dụng, nạn tham ô lãng phí, cửa quyền, nhũng nhiễu, ức hiếp dân lành vẫn hoành hành và đã trở thành “quốc nạn”, thành ”nội xâm”.Vậy nếu đã là nội xâm thì sao Nhà nước không dùng sức mạnh như một cuộc nội chiến?
         
          “Nhà dột từ nóc dột xuống”. Chống tham nhũng cũng như đánh rắn phải đánh dâp đầu. Đánh từ các ông “quan” có vài ba biệt thự bạc tỷ mỗi cái, có hàng chục lô đất mặt tiền, có hàng trăm mẫu đất công đã biến thành tư, xây tường bao gọi con cháu đến bảo vệ, ngang nhiên hơn cả địa chủ ngày xưa. Và đánh từ những ông quan mỗi năm thay một chiếc ô tô, chứ chỉ đánh khúc giữa, đánh cái đuôi thì chẳng bao giờ kết quả./.
 
Tháng 8 năm 2008