Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHUYỆN... XƯA VÀ NAY

Lãn ông
Thứ hai ngày 28 tháng 11 năm 2011 5:41 AM
 
CHUYỆN XƯA:

Đông Chu liệt quốc – Phùng Mộng Long chép việc nước Tấn thời Tấn Điệu công. Bấy giờ Sở và Tấn cùng nhau tranh nước Trịnh, đánh nhau mãi không thôi, hai nước cùng mỏi mệt. Nguyên soái nước Tấn là Tuân Dinh hiến kế chia quân thành 3 đạo thay phiên sang đánh Trịnh, mục đích làm cho Sở vì phải cứu Trịnh mà khốn quẫn. Việc ấy hay dở xin không bàn ở đây. Đây nói chuyện công tử Dương Can là em cùng mẹ với Tấn Điệu công, nghe tin Tuân Dinh luyện quân để sắp sang đánh Trịnh thì hoa chân múa tay, muốn được ra ngay chiến trường để kiếm chút công trạng. Lại thấy Tuân Dinh không dùng gì đến mình, mới tình nguyện xin làm tiên phong. Và thế là sinh chuyện. Đoạn ấy nguyên văn như sau:
“Tuân Dinh nói:
- Tiểu tướng quân đã cố xin như vậy thì quyền cho làm bộ hạ quan Tuân đại phu (tức là Tuân Hội) để tiếp ứng đạo tân quân.
Công tử Dương Can nói:
- Đạo tân quân đến lần thứ ba mới ra đánh thì tôi đợi sao được, xin cho tôi thuộc vào đạo thượng quân.
Tuân Dinh không cho. Công tử Dương Can cậy thế là em Tấn Điệu công, đem ngay quân bản bộ của mình đi theo toán quân Phạm Mang. Quan tư mã là Ngụy Giảng trông thấy công tử Dương Can dám rẽ hàng quân để đi lên trước, liền đánh trống mà tuyên cáo với các tướng rằng:
- Công tử Dương Can dám trái tướng lệnh, đi loạn hàng quân, tội đáng chết chém, nay nể là em chúa công, vậy phải giết người dong xe để thay mạng.
Ngụy Giáng truyền cho quân sĩ bắt người dong xe đem chém.”
Lời bàn: Công tử Dương Can vì là em vua nên không thể động đến, phải giết người dong xe để thay mạng. Phép nước thế là vẫn nghiêm.

CHUYỆN NAY:

Trích thông báo kết thúc kì họp thứ 2, quốc hội khóa 13, nước Cộng hòa XHCN Việt Nam:
 “...Về vụ ly hôn giữa bà Yến và ông Jimmy Trần, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, do thủ tục tố tụng chưa đúng với quy định pháp luật nên vừa qua, ngành tư pháp đã xem xét và yêu cầu TAND tỉnh Long An ra quyết định kỷ luật, hình thức khiển trách với thẩm phán thụ lý vụ án...”
 
Lời bàn: Bà Yến vì là đại biểu quốc hội, là... nên cũng không thể động đến, phải kỉ luật... thẩm phán thụ lý vụ án để thay. Phép nước thế kể cũng nghiêm.
Kết luận: Xưa, Nay có chỗ khác nhau, khác mà giống. Lại có chỗ giống nhau, giống mà khác. Xin dẫn nốt câu chuyện xưa để làm chứng:
“Công tử Dương Can căm tức vô cùng, vội vàng vào thuật chuyện lại cho Tấn Điệu công biết, và khóc mà nói rằng:
- Ngụy Giáng khinh bỉ em như vậy thì em không còn mặt mũi nào mà trông thấy các tướng nữa!
Tấn Điệu công vốn có lòng yêu em, không kịp hỏi rõ, liền nổi giận mà nói rằng:
- Nguỵ Giáng làm nhục em ta, khác nào như làm nhục ta, ta tất phải giết, không thể tha được!
Tấn Điệu công bèn truyền gọi quan trung quân phó súy là Dương Thiệt Chức, sai đi bắt Ngụy Giáng. Dương Thiệt Chức nói với Tấn Điệu công rằng:
- Ngụy Giáng là người có chí khí, có việc thì không tránh khó khăn, có tội thì không trốn hình phạt. Khi việc quân đã xong, tất nhiên đến đây tạ tội, bất tất phải cho đi triệu.
Được một lúc thì quả nhiên Ngụy Giáng đến, tay phải cầm kiếm, tay trái cầm tờ tâu, sắp sửa vào triều để tạ tội. Ngụy Giáng đến triều môn nghe tin Tấn Điệu công toan sai người đi bắt mình, liền giao tờ tâu cho người nhà, rồi toan cầm kiếm tự tử. Bỗng có hai viên quan ở đâu hối hả chạy đến, tức là quan hạ quân phó tướng Sĩ Phường và quan chư hậu đại phu Trương Lão. Sĩ Phường và Trương Lão trông thấy Ngụy Giáng toan tự tử, vội vàng giằng lấy thanh kiếm mà nói rằng:
- Chúng tôi nghe nói quan tư mã (trỏ Ngụy Giáng) vào triều, tất là vì việc công tử Dương Can, vì vậy chúng tôi vội vàng tới đây, định cùng nhau vào tâu để chúa công biết, chẳng hay vì cớ gì mà quan tư mã lại liều mình như thế ?
Ngụy Giáng thuật lại việc Tấn Điệu công toan sai Dương Thiệt Chức đi bắt mình. Sĩ Phường và Trương Lão nói:
- Quan tư mã một lòng giữ phép, không tư vị ai, can gì lại phải liều mình! âu là để chúng tôi vào tâu với chúa công.
Sĩ Phường và Trương Lão đem tờ tâu của Nguỵ Giáng vào dâng Tấn Điệu công. Tấn Điệu công mở ra xem, đại lược nói rằng:
Chúa công không chê tôi là bất tài mà cho sung vào chức tư mã. Tôi nghe nói tính mệnh của ba quân là ở trong tay quan nguyên soái, mà quyền của quan nguyên soái là ở trong mệnh lệnh; chỉ vì không tuân mệnh lệnh mà quân ta bị thua ở Hà Khắc và ở Bí Thành. Mới rồi, tôi có giết một kẻ không tuân theo mệnh lệnh ấy là để làm hết chức phận tư mã. Việc ấy xúc phạm đến ngự đệ, tôi biết tội đáng chết, vậy xin liều thân với lưỡi gươm trước mặt chúa công, để tỏ rõ tấm lòng thân ái của chúa công đối với ngự đệ.
Tấn Điệu công xem xong, hỏi Sĩ Phường và Trương Lão rằng:
- Ngụy Giáng bây giờ ở đâu?
Sĩ Phường và Trương Lão nói:
- Nguỵ Giáng sợ tội đã toan tự tử, chúng tôi cố can mãi, hiện bây giờ đang đứng ở ngoài cửa cung.
Tấn Điệu công hoảng hốt dứng dậy, chân không kịp xỏ giày bước ngay ra ngoài cửa cung, cầm lấy tay Ngụy Giáng mà bảo rằng:
- Câu nói của ta là tình riêng; việc làm của nhà ngươi là phép công. Ta không biết dạy em để phạm đến phép công, đó là lỗi tại ta, chứ nhà ngươi có lỗi gì!”
 
 Than ôi! Chuyện xưa đọc đến câu: “Tấn Điệu công hoảng hốt dứng dậy, chân không kịp xỏ giày bước ngay ra ngoài cửa cung...” sao mà cảm động, cảm động đến gai người...
 Tháng 11/2011