Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

PHIÊU BẠC HAY PHIÊU BẠT ?

Nguyễn Cung Thông
Chủ nhật ngày 27 tháng 11 năm 2011 4:34 PM
 

Tản mạn về từ Hán Việt (phần 3)
Nguyễn Cung Thông
     nguyencungthong@yahoo.com
Bài này ghi lại vài suy nghĩ về từ Hán Việt/HV phiêu bạc so với phiêu bạt cùng những tương quan với một số từ liên hệ trong tiếng Việt như bèo, bều, bêu (lêu bêu)... Một số lớn từ vựng tiếng Việt có dính líu trực tiếp hay gián tiếp đến tiếng Hán, như một số học giả ước đoán khoảng 70 đến 75 phần trăm, thành ra hiểu được ngữ căn tiếng Việt là hiểu được phần nào bản chất phong phú và đa dạng của ngôn ngữ dân tộc. Điều nên biết là không chỉ tiếng Việt mới có liên hệ lâu đời với tiếng Hán, mà tiếng Nhật, Hàn cũng không khác gì mấy. Không còn gì thích hợp hơn là trong giai đoạn này ta xem lại cách dùng của các từ phiêu bạc và phiêu bạt - nhất là khi mà người Việt chúng ta phiêu tán khắp nơi trên thế giới - lại càng thấy thấm thía ý nghĩa bèo dạt mây trôi của chúng. Giọng Bắc Kinh/BK được ghi bằng hệ thống bính âm (pīnyīn) rất phổ thông hiện nay, cần phân biệt số chỉ thanh điệu (như số 3 trong ju3 hay jǔ) và số phụ chú ghi ngay sau một chữ (như nhiều3). Dấu hoa thị (asterisk) đứng trước một âm là một dạng phục nguyên của âm cổ (reconstructed sound): như *bieo (bèo) chẳng hạn. Để ý là giọng BK của bạc 泊 bây giờ là bó (mất phụ âm cuối -c) thành ra không cần phải đặt vấn đề như bài này!
1. Phiêu 漂 hay 𣻔 (Unicode 23ED4), 𤄚 (Unicode 2411A) … có các nghĩa chính sau đây dựa vào Hán Việt Tự Điển của Đào Duy Anh (1931) và Thiều Chửu (1942) làm mốc để so sánh.
1.1 Nổi - theo Thuyết Văn Giải Tự: phiêu, phù dã 漂,浮也 - phù HV là nổi, như trong các cách dùng phù danh, phù vân, phù sa, phù vinh, phù du 浮游 (rong chơi, khác với phù du 蜉蝣 là con vờ/loại trùng sống không lâu) ... Cũng như các cách dùng phiêu lưu 漂流 trôi nổi, phiêu bạc 漂泊 trôi giạt …
1.2 Thổi - cùng nghĩa với chữ phiêu 飄 (bộ phong) - như phong kỳ phiêu nữ 風 其 漂 女 gió thổi cô gái đi (Kinh Thi - Trịnh Phong) … Hay phiêu lưu, phiêu linh, phiêu lạc, phiêu diêu, phiêu đãng ...
1.3 Phiêu là dao động, lay động
Cùng trong phạm trù nghĩa ở trên, phiêu có nghĩa là dao động - như phiêu Côn Lôn 漂昆侖 (Dương Hùng - Trường Dương phú)
Các nghĩa khác của phiêu như tẩy (rửa), đánh, nhỏ nhắn, nhanh nhẹn  ...  đều không thấy dùng trong tiếng Việt so với phiêu bạc, phiêu lưu, phiêu linh, phiêu tán ... Phiêu không thấy dùng một mình (tự do) trừ khi là tên riêng, phù hợp với khuynh hướng dùng từ HV để đặt tên cho có vẻ lịch sự và có ‘văn hoa’ hơn.
1.4 Phiêu còn là tên gọi riêng (biệt danh) của bèo hay phù bình 浮 萍 thường gặp trong tiếng Hán - xem phụ chú 3. Bèo hay *biau/bieo là âm cổ của phiêu, xem loạt bài Bụt hay Phật?,  với tương quan b-ph (Bụt Phật, buông phóng, buồng phòng, bèo phiêu ....). Giọng Quảng Đông đọc phiêu là piu1, piu3 so với giọng BK piào, piǎo, piāo. Các giọng đọc ở TQ - trích trang http://www.zdic.net/zd/zi/ZdicE8Zdic96ZdicB8.htm
粵語:piu1 piu4  客家話:[ 海陸豐腔 ] piau1 [ 梅縣腔 ] piau2 [臺灣四縣腔 ] piau1 [ 客英字典 ] piau2 [ 陸豐腔 ] piau3
Việt Ngữ (tức là giọng Quảng Đông/QĐ):piu1 piu4 - Khách Gia Thoại (Hẹ):[Hải Lục Phong Khang] piau1 [Mai Huyện Khang] piau2 [Đài Loan Tứ Huyện khang] piau1 [Khách Anh tự điển] piau2 [Lục Phong khang] piau3
Trong vốn từ Hán có chữ biều 薸 (Unicode 85B8) là chữ hiếm, tần số dùng là 10 trên 172557434 nghĩa là bèo - so với tiếng Hán (phù) bình với tần số dùng là 11361 trên 434717750. Theo Phương Ngôn 方言 (chỉnh sửa bởi Dương Hùng 53 TCN- 18 SCN) ghi nhận các phương ngữ thời Hán (206 TCN- 220 SCN):
江東謂浮萍爲薸
Giang Đông vị phù bình vi biều  (xem thêm hình chụp các văn bản cổ trang 13, Trang đính kèm)
  Phân họ bèo tấm/Lemnoideae - trích trang  http://baike.baidu.com/view/46086.htm/trái                          http://www.hudong.com/wiki/%E6%B5%AE%E8%90%8D/phải
Biều hay bèo (âm cổ), viết là 薸 hay 䕯 (Unicode 456F, rất hiếm - Ngọc Thiên, Tập Vận), rõ ràng là một tiếng địa phương ở Giang Đông1 (hạ lưu sông Dương Tử, thuộc Chiết Giang bây giờ - thuộc Mân Việt). Tam Thiên Tự và Ngũ Thiên Tự đều ghi các chữ biều và bèo. Tiếng Việt là bèo so với pèo (Mường), bèo (Tày-Nùng), bew (Môn, trôi) ... Ngoài ra các từ (láy) lêu bêu, lều bều đều hàm ý trôi nổi (như bèo) cho ta thấy từ bèo (bều, bêu) đã hiện diện rất lâu đời trong tiếng Việt. Bêo (Việt Bồ La/1651) nghĩa là đánh/đâm - một nghĩa cổ của phiêu - bây giờ không thấy dùng nữa. Bêu rêu, bêu riếu là làm cho lộ ra  ...Tóm lại, có khả năng phiêu (biều, bèo là các dạng âm cổ) có nguồn gốc phương Nam2 (tiếng Việt cổ) - hay là loại từ VHHV Việt-Hán-Hán-Việt. Chữ phiêu 膘 thường chỉ mỡ động vật (mập) mà tiếng Việt còn duy trì âm cổ là béo, nên liên hệ phiêu bèo không làm cho ta ngạc nhiên. Thuyết Văn Giải Tự/TVGT (khoảng năm 121 SCN, thời Đông Hán) biên hiệu 502 có chữ phiếu/phiêu 蔈 (Unicode 8508, biāo BK biu1 QĐ) cũng cùng thành phần hài thanh phiếu 票 - là chữ hiếm với tần số dùng là 14 trên 237243358. TVGT ghi là điều 苕 hay loại cây tử uy 紫葳 có hoa vàng; trồng làm cảnh, dùng làm thuốc. Còn gọi là: lăng điều 凌苕, lăng tiêu 凌霄, lăng điều 陵苕 ...
苕之黃華也。 從艸𤐫聲。 一曰末也。 方小切
Điều chi hoàng hoa dã。Tùng thảo phiếu/phiêu thanh。Nhất viết mạt dã。Phương tiểu thiết (TVGT)
Các âm đọc của biều đáng chú ý (và các biến âm)
符消切 phù tiêu thiết (Đường Vận/ĐV) - âm phiêu
毗霄切 bì tiêu thiết (Vận Hội/VH) - âm biều 音瓢 (biều là trái bầu)
紕招切 bì chiêu thiết (Tập Vận/TV) - âm phiêu 音漂
彌遙切, 音描 (TV) di dao thiết - âm miêu
Tiếng Việt đã ngạc hoá mi 彌 thành di, gợi ý cho ta là bèo hay *bieo có khả năng trở thành *dieo hay nhiều3, một nghĩa cổ của bèo (bèo khê, bèo lơ, bèo nhèo). Vẹo tiếng Việt là mười muôn, ví vẹo là vô số (Đại Nam Quốc Âm Tự Vị/ĐNQATV, 1895); tương quan béo véo và nhéo hỗ trợ cho khả năng trên, tự điển Việt Bồ La/VBL còn ghi deù là nheù (nhiều) hay dà (nhà). Cách dùng nheo nhóc (con cái nheo nhóc) cũng cho thấy tương quang nheo và nhiều. Cái gì nhiều cũng trở thành rẻ, nên ta còn có cách dùng rẻ như bèo (phạm trù nghĩa mở rộng).
Có khoảng 74 chữ Hán đọc là phiêu (piāo BK): từ phổ thông cho đến rất hiếm hay tục tự; tự điển HV của Thiều Chửu ghi 14 chữ phiêu khác nhau so với Đào Duy Anh ghi 7 chữ. Phần này chú trọng vào chữ phiêu bộ thuỷ và bộ thảo. Những chữ rất hiếm4 như phiếu/phiêu 㵱 cũng hàm ý nước (chảy, di động) nên được tra cứu thêm để thấy vấn đề rõ ràng hơn.
2. Bạc 泊 là ghé vào, đậu thuyền lên bờ …
Bạc là ghé, ngừng như bạc thuyền 泊船; bạc chu 泊 舟 ... Các nghĩa khác là cái hồ (chằm), điềm tĩnh (lặng lẽ, đạm bạc 淡泊). Tự điển VBL còn ghi câu đỗ bạc người nghĩa là trú ở nhà người lạ, ở đậu ở bạc ... Điều này cho thấy bạc (ngừng) đã từng được dùng phổ thông hơn so với phiêu (không hiện diện trong tự điển VBL, Taberd). Các cách đọc HV của bạc là
傍各切 bàng các thiết (Quảng Vận/QV)
白各切 bạch các thiết (TV) âm bác/bạc 音薄
匹陌切, 音拍 thất mạch thiết, âm phách (匹 thất HV hay pǐ BK, âm HV đã đổi p thành t, hiện tượng trùng nữu chóngniǔ BK 重紐) - để ý vận -ach (mạch) của bạc. So với các phương ngữ TQ:
粤语 (giọng QĐ)bok6 paak3 - 客家话 (giọng Hẹ) [东莞腔] pak7 bok7 [陆丰腔] pok8 [梅县腔] pok7 [海陆丰腔] pok7 [客语拼音字汇] pog5 [沙头角腔] pak7 [客英字典] pok7 [宝安腔] pak7 [台湾四县腔] pok7 ... Các phương ngữ này đều còn giữ phụ âm cuối tắc (k/g) cũng như âm HV bạc.
Các vần HV của 泊 là -ac (các) hay -ach (mạch) không phải -at (bát). Rõ nét hơn nữa là một nghĩa của bạc 泊 là mỏng manh, hay dùng tương đương với chữ bạc 薄 (là mỏng, ngắn như bạc mệnh, bạc phúc ...) như ghi nhận trong cuốn Luận Hành 論衡 của Vương Sung 王充 (27-100 SCN):
氣有厚泊, 故性有善惡
Khí hữu hậu bạc, cổ tính hữu thiện ác
Như vậy là cách đây khoảng 2000 năm, bạc 泊 đã từng dùng tương đương với bạc薄 - đây là một dữ kiện đáng chú ý cho thấy bạc và bạt đã có khác biệt từ ngàn xưa. Một điểm lý thú là bạc (bó BK, paak3 QĐ, pak3 Hẹ) bây giờ còn dùng để kí âm tiếng Anh park (đậu xe) trong tiếng Trung (Quốc): hai chữ bạc và Anh park vừa khá giống nhau về nghĩa cũng như âm! Bạc có nhiều cách viết trong vốn từ Hán, dựa vào các bộ thủ khác nhau, và mỗi chữ lại có thể mang nhiều nghĩa khác nhau. Tự điển HV của Thiều Chửu ghi 14 chữ bạc, không có những chữ khác như bạc 狛 viết bằng bộ khuyển hợp với chữ bạch nghĩa là một loài chó sói, bác 胉 viết bằng bộ nhục hợp với chữ bạch nghĩa là (hai bên) sườn ... Bài này chỉ chú trọng đến bạc bộ thuỷ và bộ thảo liên hệ trực tiếp đến phiêu bạc.
2.1 Bạt 跋 cũng hàm ý di chuyển (đi lại)
Vấn đề trở nên phức tạp khi âm bạt Hán Việt hay Việt (xem 2.2) cũng hàm ý dao động và rất dễ dùng chung với phiêu (phiêu du, phiêu lãng ...) với cùng phạm trù nghĩa mở rộng. Trích Kinh Thi, Mao Truyện 毛傳: Thảo hành viết bạt, thuỷ hành viết thiệp 草行曰跋, 水行曰涉; ít người biết nghĩa nguyên thuỷ của bạt là đi trên cỏ, và thiệp là đi (lội) nước và do đó bạt thiệp hàm ý cuộc sống cơ cực gian lao (tiêu cực) so với nghĩa bây giờ của bạt thiệp (bặt thiệp) trong tiếng Việt lại là biết nhiều, lanh lợi (tích cực). Tuy nhiên nên để ý các cách đọc của bạt như sau
蒲撥切 bồ bát thiết (ĐV)
北末切 bắc mạt thiết (TV, CV)
蒲麥切 bồ mạch thiết - Vận Hội/VH (khoảng 1297) ghi vần -ach (mạch) hiện diện sau vần -at (bạt), cho thấy tiếng Hán cũng có vấn đề tương tự như hệ thống âm thanh tiếng Việt (bạc và bạt). Các vần Hán cổ (trước thời VH) đều ghi là -at (bạt) chứ không phải là -ac (bạc) hay –ach (mạch)!
【 集韻】 博蓋切, 音貝
[Tập Vận] bác cái thiết, âm bối - giọng BK bây giờ đã mất hết các phụ âm cuối tắc như p/k/t, phản ánh qua cách đọc bối của bát.
2.2 Bạt là bỏ qua một bên, dạt đi
Bạt chữ Nôm viết bằng chữ Hán bạt 拔 (nhổ, tuốt ra) nhưng nghĩa có khác nhau, bạt ra là đưa ra, bỏ ra (ĐNQATV)
Tàu bạt tàu trôi bạt (tự điển Việt Bồ La/1651)
...
Bèn bạt nước mắt làm chia (Truyền Kỳ Mạn Lục/TKML)
Con gái ấy khâm mặt mũi, bạt nước mắt rằng ... (TKML)
...
Trông vời bạt lệ phân tay (Kiều, câu 909 - Đào Duy Anh ghi là gạt thay vì bạt)
Cuối đầu chàng những bạt thầm giọt tương (Kiều, câu 1858)
...
3. Phiêu bạc
Các từ ghép từ chữ phiêu và các chữ liên hệ như phù (nổi), lưu (trôi giạt/dạt), bình (bèo), di (dời), du (đi lại, đi chơi) … để trở thành phiêu phù, phiêu lưu, phiêu bình, phiêu di (thông thường trong tiếng Hán) ... cũng như một số từ trở nên phổ thông trong tiếng Việt như phiêu du, phiêu lạc … Ghép hai từ phiêu (xem 1.1) và bạc (xem 2) thì ta thấy rõ nghĩa là là trôi dạt, như phiêu bạc tha phương (Việt Nam Tự Điển, 1931/1956) hay phiêu bạc giang hồ, phiêu bạc đến nơi nào, phiêu bạc khắp nơi, cuộc đời phiêu bạc ... Các tự điển Hán Việt như của Đào Duy Anh (1931), Guatave Hue (1937), Thiều Chửu (1942), Hoàng Thúc Trâm (1951), Nguyễn Văn Khôn (1960) đều ghi là phiêu bạc, nhưng không thấy ghi phiêu bạt. Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý và khá oái ăm là người viết (NCT) có mua một cuốn tự điển HV của Thiều Chửu in lại (và ‘…sửa lại cho chính xác…’ - trích lời Nhà Xuất Bản Đà Nẵng, 2005), thì phiêu bạc trong bản cũ hơn lại ghi thành phiêu bạt (trang 336). “Từ điển HV” (chủ biên Phan Văn Các, NXB Thành Phố HCM, 2001) cũng ghi phiêu bạt (trang 118). Trước đó, các tự điển như Việt Bồ La (1651), Taberd (1838), J. Bonet (1899) không thấy ghi phiêu bạc, học giả Hùinh Tịnh Của (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, 1895) định nghĩa phiêu bạc là dật lạc (trang 199, Tome II). Trong Việt Ngữ Chánh Tả Tự Vị (1959 - tái bản lần thứ 1, SàiGòn 1972), học giả Lê Ngọc Trụ cũng ghi là phiêu bạc và cũng lặp lại trong bộ Việt Nam Tự Điển (Lê Văn Đức chủ biên, Lê Ngọc Trụ hiệu đính – NXB Khai Trí - trang 1159).
Có khuynh hướng viết phiêu bạc với phụ âm cuối t (phiêu bạt) trong nhiều năm gần đây, nhất là qua các môi trường thông tin đại chúng, thí dụ
-các bài hát như Phiêu Bạt Trời Xa (ca sĩ Vương Tuấn Kiệt), Con Người Phiêu Bạt (DK), Bài Ca Phiêu Bạt, Phiêu Bạt Trôi Xa, Đời Trai Phiêu Bạt, Cánh Chim Phiêu Bạt …
-các truyện ngắn, tiểu thuyết như “Nhánh Rong Phiêu Bạt “(Võ Hồng, NXB Văn Học, 2009)
-phim ảnh, như “Những Dấu Chân Phiêu Bạt” (LM Vũ Thế Toàn, Truyền hình công giáo VN)
-các bài viết ngắn, diễn đàn trao đổi, phóng sự, báo chí ... Như trong một bài báo ...Chỉ vì trót mê “bác thằng bần”, Mai phải bỏ dở việc học hành và phiêu bạt nơi xứ người ... (2/8/2011) - xem trang http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=283155  hay bài báo ‘Những Tú Tài Phiêu Bạt’ (2007 CAND, đăng lại 2/11/2011) - xem trang http://tintuc.xalo.vn/00766157494/Nhung_tu_tai_phieu_bat.html
- Lễ Tháng Bảy cho những oan hồn phiêu bạt (27/7/2008) - bài viết của TT Thích Tuệ Sỹ đăng trên trang http://vn.360plus.yahoo.com/lientongtinhdononbong/article?mid=204&fid=-1
...
Đây là một (phần) của bài thơ Tình Hạt Bụi (1/12/2009) viết bởi Cát Bụi Tình Xa - trích từ trang http://cat-bui.blogtiengviet.net/?cat=73847 
...
Theo dòng đời Bụi cuốn với phong ba
Phiêu bạt mãi nơi chân trời góc bể
Dẫu vẫn biết tình mình là không thể
Nhưng lòng anh không thể xoá hình em
 …v.v…
Phiêu bạc5 có thể dùng như tính từ hay động từ, đã hiện diện trong thư tịch TQ từ lâu, như trong “Ai Giang Nam Phú” 哀江南賦 của Dựu Tín 庾信 (513-581), nhà văn học lớn thời Nam Bắc Triều, viết rằng6
... 下亭漂泊, 高橋羈旅 ;  楚   歌非取樂之方,  魯   酒無忘懮之用。 追為此賦, 聊以記言
... hạ đình phiêu bạc,cao kiều ky lữ; Sở ca phi thủ lạc chi phương, lỗ tửu vô vong ưu chi dụng。Truy vi thử phú,liêu dĩ kí ngôn
Trong bài thơ Dữ tử do đồng du Hàn khê Tây San 與子由同游寒溪西山 (năm 1080), Tô Đông Pha (Tô Thức, 1037-1101) cũng dùng phiêu bạc7
...
空山古寺亦何有
歸路萬頃青玻璃 
我今漂泊等鴻鴈
江南江北無常棲
...
Không san cổ tự diệc hà hữu
Quy lộ vạn khoảnh thanh pha li
Ngã kim phiêu bạc đẳng hồng nhạn
Giang Nam Giang Bắc vô thường tê
Thái Bình Quảng Kí 太平廣記 (khoảng năm 977, hợp soạn theo lệnh của Tống Thái Tông) trích tiểu thuyết Tập Dị Kí 集異記 của Tiết Dụng Nhược 薛用弱 (Thứ Sử đời Đường) như sau
... 江之滸有   烏陽   巨木, 長百餘尺, 圍將半焉, 漂泊搖撼於江波者久矣, 而莫知奚自
... giang chi hử hữu ô dương cự mộc,trường bách dư xích,vi tương bán yên,phiêu bạc diêu hám ư giang ba giả cửu hĩ,nhi mạc tri hề tự
Tiểu thuyết Liêu Trai Chí Dị 聊齋志異 (cuối thế kỷ XVII) của Bồ Tùng Linh cũng dùng phiêu bạc
... 生北歸, 復經   洞庭  , 大風覆舟。 幸扳一竹簏, 漂泊終夜, 絓木而止
...sanh bắc quy,phúc kinh Động Đình ,đại phong Phục Chu。Hạnh ban nhất trúc lộc,phiêu bạc chung dạ,quái mộc nhi chỉ
Cho đến gần đây hơn trong Nhân Dân Nhật Báo  人民日報 (28/3/1970) viết
…戰艇在原地漂泊
… Chiến đĩnh tại nguyên địa phiêu bạc
…v.v…
3.1 Phiêu bạt/lang bạt
3.1.1 Gustave Hue/GH, trong cuốn “Dictionnaire vietnamien chinois francais” (Impremerie Trung Hoà, 1937), từng ghi nhận sự khác biệt giữa phiêu bạc và phiêu bạt (trang 738):
Phiêu E) 漂 Flotter, surnager: phiêu bạc ballotté; phiêu bạt échoué
(tạm dịch/NCT) Phiêu E) nổi: phiêu bạc lung lay (dao động); phiêu bạt mắc cạn (trôi dạt vào bờ)
3.1.2 Theo từ điển mở Wiktionary (cập nhật 23/9/2011), suốt 5 năm liên tiếp (từ 11/10/2006) thì ta có phiêu bạt (không thấy ghi phiêu bạc) - xem trang  http://vi.wiktionary.org/wiki/phi%C3%AAu_b%E1%BA%A1t
Động từ phiêu bạt
Trôi giạt nay đây mai đó.
Cuộc đời phiêu bạt  (hết trích)
3.1.3 Phiêu dạt
Vấn đề trở nên thú vị hơn khi từ HV phiêu ghép với chữ dạt (giạt, rạt) để cho ra phiêu dạt hầu như cùng nghĩa với phiêu bạc. Từ ghép này không thấy trong tự điển VN (hội Khai Trí Tiến Đức/1931/1956), không phổ thông như phiêu bạc hay phiêu bạt nhưng cùng vần; thí dụ như
Những linh hồn phiêu dạt (11/8/2010 – sách8 dịch ra tiếng Việt, tác giả Wayne Karlin)
Hành Giả Phiêu Dạt (2/7/2011 - bài viết9 của Nguyễn Hàng Tình) …v.v…
Cách dùng phiêu dạt, trôi dạt/giạt cũng như lang bạt (kỳ hồ) có lẽ ảnh hưởng đến cách dùng phiêu bạt thay vì phiêu bạc. Trường hợp lang bạt kỳ hồ thì nghĩa lại hoàn toàn đổi ngược - đi đây đó, không còn nghĩa nguyên thủy HV là ‘không đi được’ như con sói/tiến thoái lưỡng nan - đúng như nhận xét của học giả Đào Duy Anh (sđd, 1931 – trang 482).
3.2 Khả năng lẫn lộn -c và -t
3.2.1 Giọng miền Nam VN thường không phân biệt phụ âm cuối tắc -c và -t (so với giọng Bắc VN): các và cát, lục và lụt ... bạc và bạt phát âm như bạc. Đây là yếu tố không gian (địa phương, phương ngữ).
3.2.2 Ngược dòng thời gian, chữ Nôm cũng phản ánh phần nào khả năng lẫn lộn giữa các phụ âm cuối -c và -t như
buộc - bộc 僕 hay bột 勃
mụt - mục 目 (ĐNQATV, Đại Tự Điển Chữ Nôm/Vũ Văn Kính/VVK)
chợt - trực 直  (Dương Từ Hà Mậu/DTHM: Hà Năng chợt thấy hãi kinh)
dạt/giạt - bộ thủ + dặc 弋 (ĐNQATV, VVK)
dệt - bộ mịch + diệc 亦 (DTHM, VVK)
đất - bộ thổ + đắc 得 (Tự Đức Thánh Chế tự học giải nghĩa ca)
lượt - lược 掠 (xâm lược)
thút - thúc 束 (khóc thút thít, ĐNQATV, VVK)
Đắc (Đắt) Kỷ thường nghe hơn là Đát Kỷ 妲己 (Đát theo Quảng Vận đọc là đương cát thiết, âm đát 當割切,音怛) - để ý thành phần hài thanh 旦 có thể đọc là đát hay đán.
...v.v...
Ngoài ra, có khi -c dùng như –t : ‘bán phức đi - bán phứt đi , nhảy phóc (phót) lên cao …’ (Gustave Hue, 1937 - sđd).
3.2.3 Hạt (hột) là hặc/hạch 核
Hạch 核 có các cách đọc là 下革切 hạ cách thiết (âm hạch 覈) (Đường Vận, Tập Vận), hay 胡德切 hồ đức thiết, âm hặc 劾; so với các giọng địa phương10 như Quảng Đông, Hẹ có khuynh hướng đổi phụ âm cuối -c (-ch) thành -t cũng như tiếng Việt hạt hay hột.
3.2.4 Bát còn đọc là bạc 潑
Bát là âm Hán trung cổ: phổ mạt 末 thiết (Ngọc Thiên), phổ hoạt thiết 普活切 (Long Kham Thủ Giám, Tập Vận); nhưng sau này còn đọc là bạc: bàng các thiết, âm bạc 傍各切,音泊 (Vận Bổ) . Bát là nước vọt ra, mở rộng nghĩa trong cách dùng hoạt bát 活潑.
3.2.5 Bộc phát 爆發 (hay bạo phát) cũng có thể dùng tương đương12 với bột phát 勃發, như Lý Chí (1527-1602), nhà triết học thời Minh, từng viết  ‘忠義勃發在天地閒 Trung nghĩa bột phát tại thiên địa gian’. Hay Lỗ Tấn viết  以為藝術是藝術家的‘靈感’的爆發 ... dĩ vi nghệ thuật thị nghệ thuật gia đích ‘linh cảm’ đích bạo (bộc) phát .... Các trường hợp dùng bộc phát và bột phát trong tiếng Việt
Chiến tranh bộc phát ở Lybia .... so với tiếng Trung (Quốc) dùng chiến tranh bột phát 戰爭勃發
Hành động bột phát, phong trào bột phát ...
3.2.6 Bát Nhã hay Bàn Nhã 般若?
Bát còn là cách đọc đặc biệt của bàn/ban 般 trong cụm danh từ phiên âm Bát Nhã 般若 từ tiếng Phạn (bàn đọc như bát 鉢, Chính Tự Thông/1670).
…v.v…
Tóm lại, ta có nhiều cơ sở giải thích được khả năng lẫn lộn bạc và bạt trong tiếng Việt và Hán Việt.
4. Thay lời kết luận
Lướt qua các cách dùng phiêu bạc và phiêu bạt trong văn bản (mà ta luôn kiểm chứng được) như trên, một cách nhìn cực đoan có thể dẫn đến kết luận cách dùng phiêu bạt là hoàn toàn sai vì không tương thích với gốc HV (phiêu bạc). Một cách nhìn khác là khả năng Việt hoá (tiếp biến) phiêu bạc thành phiêu bạt và nếu được dùng phổ thông và không gây trở ngại gì thì thành chuẩn. Lại một cách nhìn khác hơn là khả năng tiếng Việt (cổ) đã đóng góp không ít vào vốn từ tiếng Hán, như *bieo/bèo (trôi nổi trên sông nước) chẳng hạn, để cho ra các từ biều 薸, 䕯, phiêu 漂, phao, bài 篺, 棑 (bè) ... Các từ VHHV (Hán có gốc phương Nam) này thường bị đào thải và trở thành từ hiếm. Đây là những đề tài nên được tra cứu thêm để xem ảnh hưởng của ngữ âm lịch sử (quá trình hình thành tiếng Việt hiện đại), ảnh hưởng thời gian (lịch đại), không gian (ảnh hưởng của người dùng đa số từ một miền nào đó), yếu tố lịch sử (khái niệm phiêu bạc trong thời kỳ chiến tranh so với thời kỳ hoà bình) hay môi trường truyền thông (báo chí, văn thơ)…
5. Phụ chú và phê bình thêm
Phần này không hoàn toàn theo cách ghi tài liệu (Bibliography) tham khảo APA hay MLA vì bao gồm các phê bình thêm về đề tài, tài liệu và tác giả để người đọc có thể tra cứu thêm. Khi tra các trang mạng dùng hai chữ phiêu bạc (dùng google) vào ngày 3/11/2011 (11pm) thì ta thấy có khoảng 4,680,000 kết quả (About 4,680,000 results) so với phiêu bạt (214,000 kết quả) và phiêu dạt (612,000 kết quả). Điều này cho thấy phần nào mức độ phổ thông của từng cách dùng. Khi tăng số chữ tra cứu thành cuộc đời - phiêu bạc thì số kết quả tìm thấy qua google là 3,670,000 (bạc), 739,000 (bạt) và 451,000 (dạt)...v.v... So sánh với số kết quả khi truy cập hai chữ Hán 漂泊 phiêu bạc (từ các trang mạng TQ) thì được 21,500,000 (dùng phiêu bộ thuỷ) hay 2,520,000 (phiêu bộ phong).
1) Tôn Kiên (155-191) là một danh tướng thời Hán, cha của Tôn Quyền 孫權 (sau là vua Đại Đế, Đông Ngô). Tôn Kiên sau này được đặt là Vũ Liệt Hoàng Đế 武烈皇帝, từng nổi tiếng là con hổ Giang Đông.
2) Alex Schuessler (2007) ABC Etymological Dictionary Of Old Chinese NXB University of Hawaii Press, Honolulu. GS Schuessler cũng đề nghị nguồn gốc Môn-Khme của biều 薸 (trang 415).
3) Theo các học giả Lê Ngọc Trụ (Tầm Nguyên Tự Điển Việt Nam, 1993) hay Paul Schneider (Dictionnaire Historique des Ideogrammes Vietnamiens, 1992) thì bèo có gốc Hán là biều. Các danh từ Hán gọi bèo (biệt danh) – trích http://baike.baidu.com/view/46086.htm . Paul Schneider (sđd) đề nghị béo có gốc là 肥 phì HV, nhưng các tương quan của bò và ba 爬, bồ (cào) và ba/bà 杷, bừa và bá 耙, bó và bả 把 … không phù hợp với nhận xét trên. Các cách gọi bèo trong tiếng Hán thường là (không thấy ghi chữ biều, một chữ hiếm đã bị ‘đào thải’)
苹(《尔雅》)、水萍、水花(喀本经》)、浮萍、藻(《尔雅》郭理注)、萍子草(《补缺肘后方》)、水白、水苏(《别录》)、小萍子(《本草拾遗》)、浮萍草(名本草图经》)、水藓(《品汇精要》)、水帘、九子萍(《群芳谱》)、田萍《中药志》
Tần ( theo 《Nhĩ nhã》 ) 、thủy bình、thủy hoa (《Khách bản kinh》 ) 、phù bình、tảo ( 《Nhĩ nhã》 Quách Lý chú) 、bình tử thảo ( 《Bổ khuyết trửu hậu phương》 ) 、thủy bạch、thủy tô ( 《Biệt lục》 ) 、tiểu bình tử ( 《Bản Thảo thập di》 ) 、phù bình thảo (Banh Bản Thảo đồ kinh》 ) 、thủy tiển ( 《Phẩm hối tinh yếu》 ) 、thủy liêm、cửu tử bình ( 《Quần phương phổ》 ) 、điền bình ( 《Trung Dược chí》 ).
4) Chữ phiêu/phiếu 㵱 trích Khang Hy tự điển
【 集 韻】 匹 沼 切,音 縹。 水 貌
[Tập Vận] thất chiểu thiết, âm phiếu - thuỷ mạo
5) trích trang 1868.2 Từ Nguyên (Thương Vụ Ấn Thư Quán, Bắc Kinh - 2004), hay xem thêm chi tiết tự điển trên mạng  http://www.zdic.net/cd/ci/14/ZdicE6ZdicBCZdic82132762.htm
6) thật ra phiêu ghép với phù 漂 (cùng nghĩa với phiêu bạc) đã được nhà văn Lưu Cơ 陸機 (261-303 SCN) thời Tây Tấn dùng trong tác phẩm Văn Phú 文賦
辭浮漂而不歸
Từ phù phiêu nhi bất quy
7) bạn đọc có thể xem thêm nhiều chi tiết về Tô Thức Thi Tập 蘇軾詩集 trang này http://cls.hs.yzu.edu.tw/cm/bin/poem_showlist.asp?sPoem_ID=1052
10) trích trang http://www.zdic.net/zd/zi/ZdicE6ZdicA0ZdicB8.htm
Các giọng đọc核 hạch/hắc HV khác nhau - giọng Bắc Kinh he2,hu2 (hé, hú)
粵語:hat6 wat6  - Việt Ngữ (giọng Quảng Đông):hat6 wat6
客家話:[ 海陸豐腔 ] het8 fut8 [ 客英字典 ] fut8 het7 het8 [臺灣四縣腔 ] het8 fut8 [ 梅縣腔 ] fut8 het8 ep7 [ 沙頭角腔 ] fut8 [ 東莞腔 ] hak8 fut8 [ 寶安腔 ] het8 | fut8 [ 客語拼音字匯 ] fud6 had5 hed5
Khách Gia Thoại (giọng Hẹ):[Hải Lục Phong Khang] het8 fut8 [Khách anh tự điển] fut8 het7 het8 [Đài Loan Tứ huyện khang] het8 fut8 [Mai huyện khang] fut8 het8 ep7 [Sa Đầu giác khang] fut8 [Đông hoàn khang] hak8 fut8 [Bảo an khang] het8 | fut8 [Khách ngữ bính âm tự hối] fud6 had5 hed5
潮州話:hug8(h û k) h ê g4(hek)   Triều Châu thoại (giọng Tiều Châu):hug8 (hûk) hêg4 (hek)
Trang đính kèm
(Biều/biêu là chữ Việt-Hán-Hán-Việt VHHV đã bị đào thải dần trong vốn từ Hán, cùng chung số phận với các tên gọi 12 con giáp - không còn mang nghĩa nguyên thuỷ hay tên gọi 12 loài vật đã từng sinh sống rất gần với xã hội nông nghiệp)
   (A)                                                                          (B)
(A) Loại Thiên (1039/1066) ghi thêm Giang Đông vị   (B)  Ngọc Thiên (năm 543) ghi phiêu
phù bình vi biêu/biều (Giang Đông gọi bèo là phiêu/biêu) đọc là bì chiêu thiết (biêu), thuỷ thảo (cỏ
 và dạng ngạc hoá di dao thiết (Tập Vận - âm miêu 描)  nước’) bình thuộc (loài bèo)
Trích từ trang http://dict.variants.moe.edu.tw/yitic/frc/frc11970.htm