Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

SÁNG TÁC VĂN HỌC VỚI BẢN SẮC NGƯỜI NÚI

Vũ Xuân Tửu
Thứ hai ngày 28 tháng 11 năm 2011 5:46 AM
Ngày 18/11/2011, tại thành phố Lạng Sơn, Hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam đã tổ chức hội thảo: “Văn học dân tộc thiểu số với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới”.
150 đại biểu tham dự, 18 tham luận được trình bày tại hội thảo.
 
 Trong báo cáo đề dẫn của đoàn chủ tịch, đánh giá cao những thành tựu sáng tác văn học của các nhà văn, nhưng cũng chỉ ra, hình như còn thiêu thiếu một cái gì đó. Phải chăng, đó là vấn đề về tầm tư tưởng và triết học, trong các tác phẩm văn học dân tộc thiểu số?
Dân tộc thiểu số Việt Nam cư trú hầu hết ở vùng núi. Họ có ngôn ngữ của gió núi, tập tục đá núi. Bây giờ, người dân tộc thiểu số không chỉ bó hẹp trong lũng núi nữa. Nhiều người đã xuống núi, về trung du, đồng bằng, thành thị và ra nước ngoài công tác, sinh sống, tái định cư theo chương trình các dự án, chương trình kinh tế, xã hội. Họ mang theo văn hóa núi, tới nơi định cư; đồng thời, chính họ cũng chịu sự chi phối của cộng đồng để hội nhập, thậm chí, có bộ phận bị hòa tan. Ngay tại miền núi cũng đang có sự giao lưu và tác động văn hóa, diễn ra rộng khắp. Thời đại bùng nổ thông tin, giao lưu hội nhập, văn học núi không có sự khu biệt thuần túy nữa, mà là sự pha trộn. Qua đó, tạo ra một nền văn hóa cộng đồng đa dân tộc, đa bản sắc và cũng thách thức sự giữ gìn nguyên bản.
Bản sắc văn hóa dân tộc và văn hóa núi có quá trình du nhập và thuần hóa.
- Ngôn ngữ là công cụ của nhà văn. Đó là những hòn đá, giúp cho nhà văn dựng nên ngọn núi của riêng mình. Già nửa tiếng Việt là sự vay mượn, thuần hóa ngôn ngữ của phương Bắc,  phương Tây. Riêng bản thân điều này, phần nào đã nói lên sự giao lưu, hội nhập rồi. Chữ Quốc ngữ ghi lại tiếng Việt với sáu thanh điệu (dấu giọng), giúp cho sự giữ gìn tiếng mẹ đẻ và phát huy bản sắc văn hóa, sáng tác văn học. Hơn nữa, nhiều dân tộc lại có chữ viết riêng, càng làm cho văn học núi đa dạng, phong phú. Tiếc rằng, chữ viết của nhiều dân tộc thiểu số đã bị mai một.
- Chúng ta đã du nhập và thuần hóa rất nhiều thứ, từ chuyện lớn là các tôn giáo, chủ thuyết, tư tưởng; rồi các thứ đồ dùng hàng ngày, công cụ sản xuất, phương tiện đi lại, thậm chí, cho đến cách giao tiếp… Những làn sóng văn minh tràn vào và được tiếp nhận. Hiện nay, hoàn cảnh kinh tế, công nghệ sản xuất và hàng hóa thị trường tác động mạnh mẽ vào lối sống, sinh hoạt, tư tưởng và văn hóa của mỗi con người, cũng như đối với các dân tộc. Điều đó cũng tác động rất lớn đến ngòi bút của các nhà văn sáng tác về núi. Bằng vốn sống trong quá trình bươn trải và khả năng của mình, nhà văn phải Việt hóa, dân tộc hóa, miền núi hóa, tạo nên nhân vật, đời sống xã hội trong tác phẩm của mình.
Nhiều bài hát dân ca, câu tục ngữ của dân tộc thiểu số rất sinh động, nhà văn hấp thụ và bồi bổ nhân vật trong tác phẩm của mình, làm giàu có thêm ngôn ngữ văn học núi. Mặt khác, phải hướng ra thế giới tiếp thu nền văn minh công nghiệp, hậu hiện đại, hội nhập thế giới tự do để phát triển. Cả hai vấn đề đó đều rất quan trọng và quyết liệt. Có như vậy, văn học núi mới bảo tồn bản sắc và vươn lên cùng nhân loại.
Văn chương tôi chỉ là hòn đá lát đường, hòn đá bờ rào, văn chương bạn là hòn đá tảng, là trái núi. Chúng ta cùng chung sức bồi đắp đội ngũ và tác phẩm văn chương núi, tạo nên những đỉnh non cao trùng trùng điệp điệp. Nhà văn núi là người đục đá kê cao quên hương.
Dân ta do nhiều nguồn gốc tụ hợp mà thành cộng đồng Việt Nam, lại trải qua bao cuộc xâm lược của phong kiến, đế quốc, chưa được sống trong không khí tự do, dân chủ, nên tâm lý sống thu mình, mở ra chỉ sợ mất, cũng là điều khó tránh khỏi. Vả lại, vốn là một nước nhược tiểu, kém phát triển, chưa có phát minh lớn, không có những nhà hiền triết và tư tưởng lớn, thì không nên tham vọng dẫn dắt nhân loại, như có thời ảo tưởng, mà phải tăng tốc chạy theo con đường nhân loại đang đi. Nhà văn núi cũng có con đường văn chương của mình. Sự nghiệp văn chương núi là một quá trình khó nhọc, không ai có thể đi tắt đón đầu được đâu.
Sáng tác văn học núi, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa và đưa dân tộc phát triển. Muốn vậy phải trọng trí thức, văn nghệ sỹ là người dân tộc thiểu số và trí thức và văn nghệ sỹ từ đồng bằng, thành thị đến với núi. Trong các tác phẩm đậm đà của nhà văn Cao Duy Sơn, trí tuệ của nhà thơ Inrasara và cách viết hiện đại của nhà văn Mã A Lềnh, cũng như  nhiều tác giả khác, thể hiện những nhân vật trí thức, văn nghệ sỹ, nhà báo là người dân tộc thiểu số đã trăn trở với quê hương, quyết liệt đấu tranh, vượt qua bao rào cản, thách thức, xây dựng sự nghiệp.
Trong xã hội hiện đại, sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật, nhưng trong các tác phẩm viết về dân tộc, miền núi còn thiếu bóng dáng các nhân vật luật gia, luật sư dân tộc thiểu số. Xã hội văn minh, luật pháp thượng tôn, nó đòi hỏi phải đặt ra hành lang pháp lý rộng rãi, đặc thù, tạo điều kiện cho con người hoạt động tự do.
Cái gì quan trọng nhất trong sáng tạo tác phẩm văn học núi? Tất nhiên vẫn là bản sắc, nhưng cái quan trọng hơn, đó là vấn đề triết học và tư tưởng, nâng cao tầm tác phẩm văn học. Dù sáng tác về núi, nhưng đòi hỏi nhà văn phải mở rộng tấm lòng và biên độ tác phẩm ra với nhân loại, thế giới. Ra-xun Gam-ra-tốp, người dân tộc A-vác, sống ở Đa-ghét-xtan, viết: “Chúc cho những người tốt sẽ gặp những điều tốt đẹp, mong cho kẻ xấu sẽ gặp những điều xấu xa. Dù rằng điều đó thường xẩy ra ngược lại." Điều này, vẫn mang bản sắc và lại tải được ý nghĩa triết lý, tư tưởng sâu sa.
Bây giờ, vùng nông thôn miền núi còn ít sách văn học quá. Nghe nói, ở nhiều nước, người ta mua sách phát không, hoặc bán giá rẻ cho dân đọc. Có lẽ, ngoài phần nhà nước đầu tư sáng tác,  cần đề nghị cũng nên làm như thế, thì sách văn học mới đến với dân được. Nhưng một điều khác, quan trọng hơn, là sách văn học đã nói được cái mà người dân tộc thiểu số, người dân miền núi đang cần, để vươn tới về tầm triết học và tư tưởng chưa?
Văn học đã nói được nhiều về phong tục, tập quán trong sinh hoạt và lao động sản xuất, chiến đấu bảo vệ đất nước, phản ánh tình cảm quê hương và tình yêu trai gái, nhưng về vấn đề tự do, dân chủ thì chưa ngang tầm thời đại. Điều căn bản nhất của con người, cần phải có tri  thức, để tìm ra chân trời mới cho bản thân mình và dân tộc mình. Một khi dân tộc trở nên suy tàn, thì dễ lụy vào vòng nô lệ và nguy cơ bị thôn tính, bị đồng hóa rất cao. Nếu dân tộc đánh mất bản sắc, người dân bị bần cùng hóa, thì một phần lỗi cũng là do các nhà văn, chưa có tác phẩm văn học, những áng văn chương lay động lòng người, đốt lên ngọn lửa  thức tỉnh đồng bào. Điều đó, cần phải có sự đột phá nhận thức, bùng nổ tác phẩm của nhà văn núi về vùng núi, người núi.
Phải chăng, sáng tác văn học góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc, là xây dựng hình tượng nhân vật, phản ánh thân phận người núi, gợi cái nhìn về bản thân mình, dân tộc mình, đất nước mình, mà vươn tới tự do, khát vọng quyền làm người, chủ nhân ông?
V.X.T