Cột: - Tớ hỏi cậu câu này, Kèo này…
Kèo: - Hỏi câu gì thì hỏi đi?
Cột: - Cái sự CƯỜI của con người ta có liên quan gì đến cái MŨI không nhỉ?
Kèo: - Liên quan gì á?.. Để xem nào… À! Khi cười thì thường cái mũi nó… hơi nhăn lại, đúng chưa?..
Cột: - Đúng mà chưa đủ! Bởi khi cười, không chỉ mình cái mũi nhăn lại, mà hai con mắt cũng nheo theo… Rồi cái môi cũng động đậy làm hở những chiếc răng ra… Tớ hỏi là hỏi cái sự liên quan của cái cười với riêng cái mũi thôi cơ.
Kèo: - Cái cười liên quan riêng với mỗi mình cái mũi thôi?.. Điều ấy thì tớ chịu. Cậu nói tớ nghe xem nào?
Cột: - Chịu hả?.. Cố nghĩ xem…
Kèo: - Tớ chịu thật. Cậu nói đi…
Cột: - Vậy trước khi nói, tớ hỏi cậu thêm một câu, cậu có biết chuyện “cậu bé vàng” Diego Maradona sau khi vượt qua một loạt các ứng viên sáng giá khác là Carlos Bianchi, Miguel Angel Russo và Sergio Batista, trở thành HLV trưởng đội tuyển Argentina (Ngày 29 tháng 10 năm 2008). Trước dư luận cho rằng ông “không đủ kinh nghiệm” để dẫn dắt đội tuyển quốc gia, Maradona đã có thái độ thế nào?
Kèo: - Thái độ thế nào?.. Tớ cũng không biết!
Cột: - Cậu này ít đọc báo quá, hỏi cái gì cũng không biết. Chuyện là thế này: Khi được báo chí phỏng vấn, Maradona đã “phản pháo”: “Tôi cười vào mũi những kẻ chỉ trích tôi”.
Kèo: - “Cười vào… mũi”?..
Cột: - Đúng!.. Cười vào mũi!.. Lại kể cậu nghe thêm chuyện này nữa nghe: Ngày 14/08/2011 báo pháp luật TP HCM khi viết về những chuyện bi hài trong quá trình diễn ra giải V-League 2011 sắp “khóa sổ”, đã trích ý kiến của chuyên gia Trần Văn Phúc: “Năm nay VFF bị đặt vào thế khó ăn khó nói đây. Tổng kết giải “tốt đẹp” hay “thắng lợi” là không được. Nói thật thì dở quá. Khó nhất là nói sao đừng để người ta cười vào mũi”! (
http://phapluattp.vn/20110813111911121p0c1020/chuyen-gia-tran-van-phuc-vff-noi-doi-nguoi-ta-cuoi-vao-mui.htm),
Kèo: - Sao không nói cười vào đâu lại nói cười vào mũi? Cái mũi thì có tội tình gì nhỉ? Ví dụ sao người ta không nói “cười vào mồm”, “cười vào mắt”, “cười vào… tai”, mà cứ nhất thiết phải “cười vào mũi”?..
Cột: - Tại sao ấy à?.. Theo tớ thì tại trên bộ mặt của bất cứ động vật nào, cái mũi bao giờ chả… cao nhất?
Kèo: - Ừ nhỉ!
Cột: - Không chỉ cao hơn các bộ phận khác của mặt, mà cái mũi còn là thứ luôn được người người… “nể trọng” nữa.
Kèo: - Cái mũi mà cũng được người người nể trọng?.. Cậu nói thế nào chứ, tớ không tin được!
Cột: - Không tin? Thế cậu biết câu nói dân gian: “vuốt mặt phải nể mũi” không?
Kèo: - Câu đó ai chả biết! Vậy có nghĩa rằng… người ta chọn cái mũi để cười là vì nó cao hơn và đáng nể hơn những cái khác của bộ mặt?
Cột: - Cũng có khi nhận thấy, nếu chỉ cười mỗi cái mũi - “vật đại diện” thôi thì chưa đủ, lúc ấy, người ta chọn cách cười mang tính tổng hợp hơn, đó là… “cười vào mặt”!..
Kèo: - Ra thế đấy!.. Quả cậu là thằng biết nhiều, tớ công nhận. Nhưng, bây giờ đến lượt tớ hỏi lại cậu nhé?
Cột: - Tớ biết đến đâu, sẵn sàng trả lời cậu đến đấy. Hỏi đi.
Kèo: - Vậy vừa rồi, một sếp lớn của ngành điện khi “tiết lộ” mức lương của nhân viên trong ngành năm 2010 là 7,3 triệu đồng/cán bộ, sếp ấy đã nói gì cậu có biết không?
Cột: - Dễ ợt, cái đó thì báo nào chả đưa tin. Sếp đã “ngậm ngùi” nói rằng: “Là tổng giám đốc, tôi rất đau lòng khi lương của cán bộ tập đoàn chỉ có ngần đó”, đúng chửa?
Kèo: - Giỏi! Nhưng chưa đủ, ông sếp này trước đó đã nói rất cụ thể rằng: “… có thể mức thu nhập của cán bộ EVN cao hơn song lương để hạch toán vào chi phí giá thành điện thì “chỉ ở mức 7,3 triệu đồng/cán bộ” và “đây là mức tương đối thấp, nếu ở nông thôn thì có thể được, còn ở thành thị thì không thể sống được”.
Cột: - Nghĩa là mức 7,3 triệu đồng chỉ là con số hạch toán, còn thực tế thì mức thu nhập của nhân viên ngành này còn cao hơn nữa?
Kèo: - Không, đã trích dẫn, phải trích dẫn thật chính xác, sếp không khẳng định cao hơn mà chỉ nói… “có thể cao hơn”!..
Cột: - Thế mà trong khi đó, cũng năm 2010, lương bình quân của ngành ta lại rất “khiêm tốn”, chưa đến 2,2 triệu/đầu người. Nghĩa là không bằng 1/3 lương bình quân của EVN!
Kèo: - Ông bộ trưởng cấp trên trực tiếp của sếp ấy có lý giải chuyện lương ngành điện cao là vì họ có mấy khoản phụ cấp lên tới 25% so với các ngành nghề khác. Và còn khuyên không nên láy lương ngành nọ so sánh ngành kia…
Cột: - Nói lạ! Thứ nhất, cứ cho cái con số 25% đó là đúng, thì nó cũng chỉ tạo chênh lệch tăng ¼ chứ không phải là gấp 3 lần. Thứ hai, trong hệ thống các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước, mỗi ngành nghề có thể có sự chênh lệc thu nhập, nhưng lương thì cả nước là một chế độ, trong đó những yếu tố nghề nghiệp khác biệt đã được điều chỉnh bằng hệ thống hệ số như ngài bộ trưởng nọ đã nói.
Kèo: - Ôi! May mà sếp ấy không phải là sếp của ngành mình, chứ nếu làm sếp ngành mình, khi biết lương của anh em ta thấp đến mức ấy, chắc chắn sếp sẽ… khóc, chứ đâu chỉ “đau lòng” với “ngậm ngùi”, nhẩy?.. Hai đứa mình khéo phải khênh chậu đến đựng nước mắt của sếp, cũng nên, chứ không thì lênh láng ra cả phòng làm việc mất!..
Cột: - Sếp khóc là cái chắc. Lương đã quá thấp, thưởng lại chả mấy khi có, có cũng đâu nhiều như bên ngành của sếp ấy… Mà đấy là ngành ngài mấy năm qua đều… lỗ đấy. Cậu biết không, “tại buổi họp báo chiều ngày 19/11, EVN đã công bố số lỗ năm 2010 trong việc sản xuất, kinh doanh điện, chưa kể các công ty cổ phần điện do doanh nghiệp này góp vốn là 10.162 tỉ đồng” lận!.. Ngành ngài mà không lỗ, chắc lương nhân viên còn phải gấp mấy lần nữa cơ!.. (
http://tintuc.me/kinh-te/Thi-truong/TGD-EVN-dau-long-vi-luong-can-bo-7-3-trieu-dong-thang/214359.html).
Kèo: - Tớ còn cho rằng, sếp EVN mà biết tường tận cánh mình lao động vất vả như thế nào, tăng ca tăng giờ làm việc ra sao, chắc chắn sếp sẽ cười vào mũi cái ngành mình nữa ấy chứ, nhẩy?!.
Cột: - Đúng rồi! Cười thối mũi ra ấy chứ. Mà không chỉ cười có mỗi cái mũi thôi đâu nhá, sếp còn cười cả vào cái mặt chúng mình nữa cơ, Kèo ạ!..