Gần đây, dư luận xôn xao xung quanh bài phát biểu của Đại biểu Hoàng Hữu Phước về việc loại bỏ Luật lập hội và Luật biểu tình ra khỏi danh sách dự án luật suốt nhiệm kỳ XIII. Có ý kiến đồng tính và nhiều ý kiến phản đối đại biểu Phước. Cá nhân tôi ủng hộ đại biểu Hoàng Hữu Phước.
Khoan hãy nói đến lý do ủng hộ mà hãy nói đôi lời lý giải vì sao đại biểu Phước lại có đề nghị như vậy theo suy nghĩ của cá nhân tôi. Đã có không ít người bảo bác Phước “nghị trí thấp”. Đành rằng gần đây, Quốc hội nổi lên một dạng “đại biểu rau muống”, “đại biểu luật nhà văn”… nhưng bảo bác Phước, bác Hồng là “nghị trí” thấp cũng chả đúng. Người ta có bằng thạc sĩ (dù thật hay dởm), từng làm hiệu trưởng một trường gì đó có tên là Fosco Khai Minh, lại giàu có, kẻ hầu người hạ mà bảo người ta ngu thì lạ thật. Xin lỗi, có chúng ta ngu thì có. Vả lại, nhìn các bác ấy dung nhan cũng phong lưu, sáng sủa. Lại có người bảo đại biểu Phước là nhân vật “cài cắm” theo tôi cũng chả đúng. Thiếu quái gì người có vị thế mà phải cài cắm vào bác Phước? Rồi nếu không muốn, họ có quyền ném thẳng bất cứ một luật nào ra từ đầu, cần gì phải đưa ra, đưa vào rồi cài cắm cho mệt.
Tôi thì tôi tin rằng bác Phước tự nguyện. 100% tự nguyện. Vậy thì vì sao bác Phước lại tự nguyện? Tôi nghĩ chỉ có một lý do thôi. Bác đã đánh hơi thấy đây là một “món hời”. Tóm lại, cái “món hời” này sẽ khiến bác “cao giá” trong mắt những người nắm quyền lực hoặc ít nhất, nó cũng thể hiện lòng cúc cung trung thành của đối với những người nắm quyền lực. Nó còn một thông điệp: Đấy, các bác thấy chưa, một người như tôi nhưng vẫn yêu mến, ủng hộ đấy nhé!
Về Luật biểu tình và Luật lập hội có cần không và vì sao cần, có lẽ tôi không nên nói thêm nữa vì nó là điều tất yếu của một nhà nước dân chủ. Nó đã được hiến định trong Hiến pháp 1992, một bản Hiến pháp hiện hành.
Vậy thì tại sao tôi lại đồng ý với Đại biểu Hoàng Hữu Phước? Nó đơn giản thôi. Đó là nếu có được ban hành, tôi vẫn hoài nghi luật này đi vào cuộc sống. Kinh nghiệm cho thấy có những điều luật ra đời hơn 10 năm nay, trải qua 3 nhiệm kỳ Quốc hội như việc qui định về bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn chẳng hạn, đến nay vẫn nằm im trên giấy. Một điều luật hay bộ luật dù hay đến mấy, tốt đến mấy nhưng không đi vào cuộc sống thì chỉ là mớ giấy. Nó càng nguy hại hơn nếu đó là hình thức.
Tóm lại, nếu không có chủ trương ban hành thì nên “huỵch toẹt” như đại biểu Phước, ném ra khỏi danh sách dự án luật còn nếu đã ban hành luật thì phải tạo điều kiện để luật đi vào cuộc sống. Theo nhận định của tôi, để điều luật này đi vào cuộc sống là rất khó xảy ra. Vì vậy, tôi ủng hộ đại biểu Phước, hãy đưa nó ra khỏi danh sách dự án luật ít nhất là hết nhiệm kỳ XIII.
Nhưng trong đời sống xã hội những việc biểu tình, đình công vẫn xảy ra. Ngay lúc Quốc hội đang bàn về dự luạt biểu tình thì bà con vẫn tập trung kéo nhau đến các cơ quan tại Hà Nội. Vậy thì không có luật các cơ quan rất lúng túng như thời gian vừa qua...Kể cũng khó lắm thay.!!!