Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Gs-Ts TOÁN MÊ KIỀU VÀ CHUYỆN TIẾU LÂM

Dương Đức Quảng
Chủ nhật ngày 20 tháng 11 năm 2011 7:04 PM

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11năm nay tôi không có bài viết nào về các thầy cô giáo cũ của mình như mọi năm nhưng lại dành bài viết nhỏ này để nói về một vị Giáo sư Tiến sĩ  (GSTS) toán khả kính mà tôi mới quen gần đây.
Số là, giữa tháng 10/2011 vừa rồi, tôi bị đau, phải vào nằm điều trị tại bênh viện Hữu nghị một tuần lễ. Người ta nói “trong cái rủi lại có cái may”, những ngày nằm bệnh viện mang lại cho tôi một vài người bạn mới, đều đã ở tuổi “xưa nay hiếm”  và đều là những người khả kính mà tôi quý trọng, trong  đó có GSTS.Trần Túc, nguyên Trưởng Khoa, Trưởng bộ môn Toán kinh tế của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.
GSTS Trần Túc vào viện trước tôi cả tuần lễ. Ông bị bệnh về cột sống, hai chân lại đau, nhiều ngày phải nằm gần như  bất động. Người ta bảo quả đất bây giờ thật nhỏ, cứ như là một cái làng, cái xã, đến đâu cũng có thể gặp người quen của mình hoặc người quen của bạn bè hay người thân của mình. Tôi không ngờ GSTS Trần Túc lại là chỗ thân quen của nhà báo thể thao Nguyễn Lưu, một người bạn tôi quen cách đây đã gần 50 năm, từ thời còn học phổ thông ở Hà Nội. Nguyễn Lưu có thời cùng dậy toán ở trường Đại học Kinh tế Quôc dân với GSTS Trần Túc.
Tôi là người rất dốt về toán, vì thế mỗi khi gặp ai giỏi toán, lại là  GSTS toán như  ông Trần Túc là tôi cứ phải ngả mũ kính chào. Ông là GSTS toán, lại là Toán kinh tế mới cao siêu chứ! Với một chút tò mò, tôi vào Googole, gõ mấy chữ “GSTS Trần Túc” để mong biết thêm thông tin về ông. Phải thật lòng mà nói, trên mạng không có nhiều thông tin về GSTS. Trần Túc. Ông là tác giả của tập Giáo trình “Quy hoạch tuyến tính” mà các nghiên cứu sinh cao học giới thiệu cho nhau là “rất bổ ích; xem các ví dụ hướng dẫn giải một số dạng (toán), dạy cách trình bày, hơn nữa có tất nhiều bài tập (có kèm  đáp số để luyện tập…”. Một bloger là chủ nhân của blog “ Ngôi nhà bình yên”  đã viết về GSTS Trần Túc mấy dòng như sau: “Mấy buổi ôn thi Toán Kinh Tế trôi qua cái vèo, đọng lại được tí kiến thức với lại... mấy chục trang giấy A4 chép trước hiểu sau. Hôm đến học đã bị chậm mất 2 tuần, thấy có thầy giáo đã nhiều tuổi cỡ ông mình hăng hái giảng bài, giọng thầy sang sảng và thầy dạy rất dễ hiểu, dễ nhớ (hơn thầy Lâm dạy mình hồi xưa =;>). Hỏi đứa bên cạnh thì thầy là thầy Túc, trường KTQD. Đến hôm nay mở lại mấy quyển giáo trình Toán kinh tế, Qui hoạch tuyến tính xuất bản từ những năm 1998 thì ohno! "ĐH KTQD, Bộ môn Điều khiển kinh tế - Giáo Sư Trần Túc" Mọa ơi con có mắt mà ko thấy núi Thái Sơn rồi! Mr.Lâm trường mình chắc là học trò thế hệ thứ mấy mấy của Thầy”. Còn anh Nguyễn Thanh Sơn, một sinh viên cũ của trường Đại học Kinh tế Quốc dân, hiện là Chánh Văn phòng Công đoàn Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam kể lại với tôi ấn tượng khó quên về người thầy của mình:
- Ngày trước lớp chúng tôi học dùng bảng đen và phấn trắng chứ không dùng bảng trắng và bút dạ như bây giờ. Thầy Trần Túc hầu như không có soạn giáo án mà những bài giảng của thầy đã có sẵn trong đầu. Thầy không dùng giẻ lau bảng khi giảng bài. Thầy vừa giảng vừa dùng phấn viết tóm tắt nội dung bài giảng lên bảng. Khi thầy viết hết bảng thì cũng là lúc kết thúc một tiết học 
Tôi hơi dài dòng một chút về vị GSTS này trước khi viết về điều ông đã để lại ấn tượng khó quên đối với tôi trong mấy ngày cùng nằm bệnh viện.  Đó là, vị GSTS về Toán kinh tế cao siêu như thế nhưng lại là một người rất yêu văn học, thậm chí hiểu biết khá sâu sắc về nhiều vấn đề trong lĩnh vực văn chương chữ nghĩa. Ông lại là người có khiếu hài hước, biết nhiều chuyện tiếu lâm, cả trong nước và ngoài nước, kể cả tiếu lâm chính trị mà không phải ai cũng muốn biết và muốn nghe! Ông thuộc lòng Truyện Kiều, Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du, Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm và nhiều tác phẩm văn thơ cổ kim khác. Ông bảo những năm chiến tranh, con nhỏ, vợ hay đi công tác và trực cơ quan vào ban đêm, một mình trông con ông thường đọc thơ, đọc Truyện Kiều để ru con ngủ nên đến bây giờ vẫn nhớ. Mấy ngày cùng nằm viện với ông, tôi được nghe ông đọc thuộc từng đoạn thơ trong Truyện Kiều và bình giảng nó theo kiểu tếu táo rất độc đáo của riêng ông, khác hẳn những lời bình giảng “khuôn vàng thước ngọc” của các nhà giáo, nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình về Truyện Kiều mà tôi từng được nghe. Chẳng hạn Nguyễn Du tả cảnh Thúy Kiều “xăm xăm băng nẻo vườn khuya một mình” để đến gặp Kim Trọng nhưng không gặp được, bèn để lại chiếc kim thoa trên cành hoa đào ở vườn nhà Kim Trọng, đến khi Kim Trọng  “Lần theo tường gấm dạo quanh/Trên đào nhác thấy một cành kim thoa/Giơ tay vớ lấy về nhà/Nay trong khuê các đâu mà đến đây?..,” ông GSTS toán Trần Túc bình rằng: Thúy Kiều là người cao quá khổ, cỡ phải trên 2 mét mới có thể để chiếc kim thoa của mình trên cành đào mà Vương Trọng phải với tay lên mới lấy được!”. Còn Kim Trọng chẳng phải văn nhân hay thư sinh đèn sách gì mà là người đi bán quạt, bởi Nguyễn Du viết: “Đề huề lưng túi gió trăng”, trong túi Kim Trọng mang theo có mấy cái quạt vẽ hình ông trăng, chứ làm sao lại có gió trăng trong túi được!”… Những lời bình của ông quả là có một không hai, bất ngờ và rất hài hước.
Ông tự giễu mình là xấu trai, ế vợ và “nhà quê” đến mức thời còn chiến tranh chống Mỹ, học và thi xong Phó Tiến sĩ ở Liên Xô về nước, xuống ga Hàng Cỏ ông không biết đường và cũng chả có ai thân thích tại Hà Nội, bèn viết mấy chữ vào một tấm bìa rồi nhờ một ông xích lô chở đi khắp phố. Mấy chữ đó là: “Có bằng Phó Tiến sĩ, không nhà cửa, nhờ người thương tình giúp cho ở nhờ!”. Và nhờ “sáng kiến” này mà một bà cụ đã cho ở nhờ, sau này lại còn gả con gái cho nữa! Nghe kể vậy, vợ ông, một sĩ quan công an cấp tá đã về hưu, ngày nào cũng ở bệnh viện chăm chồng, cười vui: “Ông nhà em nói vui ấy mà!”. Bà bảo vui thế nên trước đây khu tập thể gia đình ông bà ở mỗi lần mất điện thấy ông kéo ghế ra sân là trẻ con cả khu kéo đến để được nghe ông kể chuyện!”
Những lúc bớt đau, GSTS Trần Túc lại gắng ngồi dậy, dáng người to lớn, giọng nói vẫn sang sảng. Ông kể nhiều chuyện tiếu lâm hiện đại, có chuyện mới, có chuyện cũ vài chục năm trước, từ thời ông còn học ở Liên Xô. Ông đọc thơ, câu đối và kể nhiều chuyện khôi hài về thầy giáo và nghề dậy học,“nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”! Có những câu thơ, câu đối tôi từng nghe nhưng nay nghe lại qua lời kể và “bình giảng” của ông vừa thấy buồn cười vừa chạnh lòng ngao ngán. Chẳng hạn câu đối: “Thầy giáo tháo giầy, tháo cả ủng, thủng cả áo, lấy giáo án dán áo/Nhà trường nhường trà, nhường cả hoa, nhòa cả hương, lấy lương hưu lưu hương”. Ông bảo thời bao cấp “nhà văn, nhà báo, nhà giáo là nhà nghèo”.  Khổ là thế, đồng lương của các thầy cô giáo ít ỏi là thế nhưng ai cũng giữ được phẩm chất của người thầy, lấy lương hưu để lưu hương thơm cho học trò. Còn cái cảnh “ăn như sư, ở như phạm”, câu nói cửa miệng của nhiều người một thời khó khăn  được ông diễn nôm trong một bài thơ tự vịnh. Ngày ấy được phong hàm Phó Giáo sư, ông đã làm bài thơ tứ tuyệt như sau:
Nhà nước phong tớ cái Giáo sư
Tớ thấy hay hay, tớ cũng ừ
Trong nhà toàn sách, ấy là giáo
Sơi toàn rau muống, ấy là sư.Ông bảo bây giờ cuộc sống của nhà giáo khá lên nhiều so với trước, không còn cái cảnh “ăn như sư, ở như phạm” nữa, nhưng thu nhập thực tế của giáo viên vẫn còn thấp so với cán bộ, nhân viên nhiều ngành nghề khác trong xã hội. Vì thế mới có câu: “Nhà giáo nhân dân không bằng lông chân cô hoa hậu” hay “ Nhà giáo ưu tú không bằng đầu vú cô chân dài!”…
GSTS Trần Túc giờ đã quá tuổi xưa nay hiếm. Ông đã rời bục giảng trường đại học từ mấy năm nay và hiện đang đối đầu với nhiều căn bệnh của người già. Song gặp ông, nghe ông nói chuyện ai cũng thấy ở ông toát ra lòng nhiệt huyết với sự nghiệp giáo dục của một người thầy, luôn lạc quan, sống vui, sống khỏe, sống có ích cho xã hội.
Nhân ngày 20/11 năm nay, gọi điện thoại chúc ông tôi lại được nghe giọng nói vẫn sang sảng, cuốn hút và những tiếng cười vui trong máy của ông - vị GSTS Toán kinh tế cao siêu nhưng lại thật dân dã đối với tôi.
Hà Nội, ngày 19/11/2011