Cuốn Nhật ký in trong cuốn sách này là của Trần Văn Thuỳ, bạn học với tôi thời cùng học ở ngôi trường mang tên “Biên Hoà” ở thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, đầu những năm 1960.
Các bạn học cùng trường thưở ấy hẳn không thể quên anh bạn thấp bé nhẹ cân có tên là Thuỳ, ở lớp 8E, 9D, 10D, luôn luôn có mặt trong các kỳ thi học sinh giỏi, nhất là môn toán. Nhưng, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Trần Văn Thuỳ lại không được vào học đại học; lý do chính, chung quy là cái “chủ nghĩa lý lịch” trong chính sách nhân sự suốt một thời kỳ dài.
Khoảng hơn một năm sau, khi tôi đã theo trường đại học đi sơ tán lên vùng rừng núi ở Đại Từ, Thái Nguyên, tôi nhận được tin Thuỳ đã gia nhập hàng ngũ Thanh niên Xung phong, đi vào tuyến lửa, vào Nghệ Tĩnh, Quảng Bình và sâu hơn nữa. Chúng tôi vẫn liên lạc thư từ với nhau, Thuỳ kể đôi nét cuộc sống của mình bên cạnh đồng đội mới, − những người chuyên đảm bảo giao thông thông suốt cho con đường ra tiền tuyến, và, chừng như để giải toả chút ít cho cái “mộng đại học” còn chưa thành, Thuỳ bảo tôi viết thư kể cho Thuỳ chuyện ở giảng đường đại học, chuyện đời sống văn học đương thời, v.v…
Rốt cuộc thì ước vọng vào đại học của Thuỳ cũng được thực hiện, chỉ muộn hơn bạn bè cùng lứa chừng 4 - 5 năm. Trần Văn Thuỳ lại trở về là một sinh viên giỏi của trường Đại học giao thông ở Hà Nội. Đầu năm 1975 anh đậu bằng kỹ sư, về làm việc tại công trường xây dựng cầu Thăng Long. Đức tính ham học hỏi cùng với sự tận tụy trong công việc đã giúp anh sớm trở thành một cán bộ kỹ thuật có uy tín trong ngành thiết kế và xây dựng cầu đường. Anh từng là Phó Giám đốc xí nghiệp thiết kế thuộc Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông vận tải Thăng Long, Kỹ sư trưởng tại công trường thi công cầu Trung Hà. Khi đang bắt tay triển khai công trường xây dựng cầu Yên Lệnh thì anh lâm bệnh, ít lâu sau thì mất (18/7/2002).
***
Cuốn nhật ký ghi từ ngày tham gia Thanh niên xung phong, sống và làm việc trong Trường Sơn này, một trong những người đầu tiên của giới văn học được tác giả của nó đưa cho đọc và trò chuyện về nó, chính là nữ nhà văn Phạm Sông Hồng.
Khi Phạm Sông Hồng từ công trường xây dựng thuỷ điện Hoà Bình chuyển về Hà Nội, vừa làm công việc biên tập tại Nhà xuất bản Hội Nhà Văn vừa theo học trường Viết văn Nguyễn Du, khoảng giữa những năm 1980, có một lần Hồng được dịp làm quen với vợ chồng kỹ sư Trần Văn Thùy. Tại căn nhà ở tạm trong khu lán trại của công trường cầu Thăng Long, anh Thuỳ đã đưa cho Hồng xem một số đoạn nhật ký, kể cho Hồng nghe một số tâm sự của anh thời kỳ đang ở giữa núi rừng Trường Sơn, nhiều gian khổ nhưng cũng nhiều mộng ước. Sau đó, dù có vài người khác đề nghị cho khai thác cuốn nhật ký này, anh Thuỳ cho biết vẫn quyết định sẽ giao cuốn nhật ký này cho Phạm Sông Hồng, để Hồng tổ chức công bố. Và cuốn nhật ký, sau khi tác giả của nó qua đời, đã được giao cho nhà văn Phạm Sông Hồng.
Với tôi, một bạn học cũ, sau này khi gặp lại nhau, Thuỳ đưa lại cho tôi một số lá thư tôi từng gửi và Thuỳ còn giữ được; Thuỳ cũng nói chuyện với tôi ít nhiều về việc Thùy ghi nhật ký hồi còn ở Trường Sơn, nhưng chính cuốn nhật ký ấy thì chưa lần nào Thuỳ đưa tôi xem, mặc dù cái ý định chuyển cho Phạm Sông Hồng để tuỳ dịp sẽ công bố thì Thuỳ cũng đã nói từ khá sớm với tôi.
Từ lúc các cuốn nhật ký của Thuỳ được giao cho Phạm Sông Hồng, tôi và Hồng, hai người cùng làm nghề biên tập sách ở cùng một nhà xuất bản (nhà xuất bản Hội Nhà Văn, nơi tôi − Lại Nguyên Ân − làm việc từ tháng 9/1977 đến lúc nghỉ hưu: tháng 12/2007), thường bàn bạc với nhau về cách thức khai thác hoặc công bố những ghi chép này, những ghi chép mà hiển nhiên, với thời gian, ngày càng trở thành một loại chứng từ quý hiếm về những mảng đời sống đã một đi không trở lại.
Cuối năm 2007 đầu 2008, kiếm được chút thời giờ ngắt quãng giữa các loại công việc sách vở khác nhau, tôi đề nghị Phạm Sông Hồng chuyển cho tôi cuốn nhật ký nói trên của Trần Văn Thuỳ, − tôi sẽ giành thời gian xem kỹ hơn và lần này sẽ đề xuất một cách khai thác.
Xem kỹ các cuốn sổ ghi chép, tôi nhận ra rằng chính tác giả Trần Văn Thuỳ đã chuẩn bị sẵn một bản Nhật ký Thanh Niên Xung Phong của mình để sau này Phạm Sông Hồng tiện dùng khi công bố.
Toàn bộ di cảo của tác giả gồm 5 cuốn sổ, trong đó 3 cuốn là sổ tay cũ, chủ yếu dùng để ghi nhật ký hàng ngày, từ tháng 5/1964 đến tháng 8/1968, cạnh đó đôi khi cũng dùng để chép nhạc, chép các bài tóm tắt kiến thức lượng giác, hình học, v.v… Hai cuốn còn lại, thật ra là 2 tập gồm những tờ giấy rời đóng ghép lại, trên đó tác giả chép lại hầu hết các phần nhật ký đã ghi từ 3 cuốn sổ kể trên; tập thứ nhất ngoài bìa ghi rõ: “từ 7/1965 (ngày đi TNXF) đến 9/1968”; tập thứ hai ngoài bìa ghi rõ: “từ 9/1968 đến 9/1969 (ngày ra về)”. Hai tập này được thực hiện về sau, có lẽ khi tác giả đang học Đại học Giao thông, thậm chí đang làm việc ở công trường cầu Thăng Long, tức là vào những năm 1970-80; tác giả đã chép lại, nhiều khi phải tự dịch lại các ghi chép cũ, thường đã phai màu mực, lại cũng thường được viết, trong khá nhiều đoạn, bằng một thứ mật ngữ riêng, hình như để chỉ riêng mình hiểu, dùng lẫn lộn cố ý các chữ cái Nga và chữ cái Việt (La-tinh); [1] tất nhiên cũng có nhiều trang ghi chép cũ còn khá dễ đọc, tác giả chỉ đưa chụp photocopy từng trang rồi đóng gộp vào với các trang chép lại.
Tôi và Phạm Sông Hồng cho rằng, nội dung mà Trần Văn Thuỳ thể hiện lại vào 2 tập giấy đóng thành sổ kể sau đó chính là nội dung “Nhật Ký Thanh Niên Xung Phong” mà anh muốn công bố.
***
Hẳn sẽ có bạn hỏi: cuốn nhật ký này nên được đánh giá ra sao, nếu đặt cạnh một số cuốn sách thuộc loại tương tự, được cho ra mắt mấy năm gần đây?
Trước hết, tôi nghĩ, sẽ là nhẫn tâm đến mức đáng trách nếu ta đặt câu hỏi về điều gọi là “giá trị” hơn kém đối với các ghi chép vốn dĩ ngay từ đầu chỉ là những tư liệu cá nhân, các tác giả không hề tạo ra nó theo cung cách làm ra tác phẩm ngôn từ nghệ thuật. Từ khi được phát hiện và được sử dụng trong đời sống con người, ghi nhật ký trở thành một trong những phương thức, phương tiện sống của con người. Có nhiều loại “nhật ký”, nhưng tựu trung là nó được dùng để ghi lại những sự việc, những nhận xét, những trải nghiệm của bản thân người ghi. Điều đáng nói là, với độ lùi trong thời gian, khi những ghi chép kia trở thành quá khứ, chúng sẽ còn lại với thời gian như những chứng từ sống, nảy sinh từ những tình thế đời sống cụ thể của một cá nhân. Về sau, được giới thiệu cho những người khác, − tức là các độc giả, − chúng sẽ được những độc giả chúng ta cảm nhận khác nhau, tuỳ theo việc những trải nghiệm sống gắn với các chứng từ kia có ý nghĩa ra sao đối với mỗi người tiếp nhận. Điều đáng kể là những trải nghiệm sống được ghi lại trong những chứng từ này, chứ không phải tài năng hư cấu hay nghệ thuật dùng từ.
Viết đến đây, tôi không thể không trích dẫn một nhận xét sâu sắc tuy không dễ đồng tình của một học giả:
“Sự thật duy nhất trong lịch sử là không có sự thật lịch sử, chỉ có hàng loạt những trải nghiệm mà phần lớn bị lãng quên nhanh chóng, một số được ghi nhớ và trau chuốt bởi những người hát rong, các tiểu thuyết gia, nhà triết học, linh mục, nhà làm phim, và tất nhiên là các nhà sử học chuyên nghiệp” [2]
Ta có thể thậm chí không đồng ý với nhận xét này, song nhân đây lại nhận ra, − mà nếu nhận ra rồi thì càng thấy rõ hơn − vai trò của những trải nghiệm mà những cá nhân nhất định đã ghi lại. Ký ức về những trải nghiệm kia, từng cái một, hẳn không thể tạo ra cái có thể gọi là sự thật lịch sử; song mỗi ký ức được ghi lại kia, từng cái một, có thể gợi dậy những trải nghiệm đã từng có, đã từng gắn với những biến cố của lịch sử.
Về cuốn nhật ký này của bạn tôi, điều rõ ràng, nó bao gồm những trải nghiệm của một thanh niên đã tham gia duy trì con đường Trường Sơn máu lửa thời chiến. Tác giả cuốn nhật ký này đã sống và làm việc hết sức mình. Như anh từng viết, không chỉ một lần, anh không có gì để phải bị trách cứ, ngược lại, anh hoàn toàn có thể tự hào vì đã sống, lao động và chiến đấu như một chiến sĩ vì sự nghiệp chung, trong những năm tháng ấy.
Với tư cách là ghi chép của người trong cuộc, các trang nhật ký của anh đã ghi lại được một phần đáng kể cái diện mạo cuộc sống “ngày thường” của những thanh niên xung phong tại tuyến lửa: làm đường, sửa đường, duy trì cuộc sống của mình và đồng đội giữa nơi rừng già nhiều thiếu thốn, nhiều hiểm họa, trước hết là hiểm họa bom đạn từ máy bay địch đánh phá con đường. Cặp mắt và con tim chàng học trò lần đầu vào chiến trường, lần đầu đối mặt với mọi thử thách, mọi tai họa… đã để lại trên các ghi chép những ấn tượng mạnh về nhiều thứ, từ sự thương vong của đồng đội, sự xúc tiếp với cái chết, với tử thi, đến những cái lạ, những vẻ đẹp của thiên nhiên hoang dã. Lao động tập thể, cuộc sống tập thể cưu mang chăm sóc lẫn nhau của các đội viên thanh niên xung phong, đã được ghi lại ở phần lớn các trang viết, trong đó có những trường đoạn rất cảm động.
Bản thân sự làm việc và suy nghĩ của nhân vật chính − người ghi nhật ký − đã cho thấy con đường đúng đắn mà anh đã trải qua để vươn lên trong cuộc sống. Anh ra trận không phải với cảm giác hoan hỉ phấn chấn mà ngược lại, với một số mặc cảm thua thiệt thậm chí khá nặng nề, nhưng anh hiểu con đường duy nhất của mình là cống hiến sức lực của tuổi trẻ cho công việc chung, và bằng sự cống hiến ấy có thể tìm lại sự đền đáp công bằng hơn của xã hội đối với bản thân mình. Trong đời sống lao động cực nhọc, nguy hiểm, đầy vất vả gian lao, đầy những thiếu thốn về điều kiện vật chất, anh và đồng đội phần đông vẫn giữ được sự cân bằng về tinh thần; riêng anh, một người ham chuộng văn học, giữa bom đạn và lao động mệt nhọc vẫn duy trì được thói quen đọc sách, trên trang nhật ký vẫn sống với các nhân vật văn học, vẫn không ngừng tìm kiếm thông tin, tìm kiếm hiểu biết về văn học qua trao đổi thư từ với bè bạn ở hậu phương, vẫn duy trì nếp sống tinh thần với các hoạt động ca hát, làm hội diễn, làm thơ dựng kịch… Những con người lao động hết mình đảm bảo sự thông suốt của con đường ra trận vẫn đồng thời là những con người có lý tưởng, luôn luôn hướng về tương lai của mình ở cuộc sống sau chiến tranh, luôn hy vọng về cuộc sống ấy với những sắc màu tươi sáng hơn, đáng mong ước hơn… Có thể nói, họ sống được qua cuộc chiến tranh ác liệt, một phần đáng kể là vì suốt thời gian đó họ đã tự chứng tỏ là những người sống một cách có niềm tin, có lý tưởng.
***
Như đã biết, bạn tôi, Trần Văn Thùy, người ghi nhật ký này chỉ có 4 năm sống và làm việc với tư cách một đội viên thanh niên xung phong tham gia mở đường và duy trì con đường Trường Sơn, − con đường ra trận 1959-1975 mà nay đã thành danh như một con đường huyền thoại. Thế nhưng, trong ký ức và tâm hồn anh, đoạn thời gian này là mãi mãi không thể quên được. Nó gắn với sự “vào đời” của anh, một sự vào đời với những cái giá phải trả và đã trả một cách sòng phẳng, một cách quả cảm, kiên cường; nhưng còn cao hơn, đáng nói hơn, nó gắn với một “thời ra trận” của cả một thế hệ thanh niên, vượt qua những mặc cảm riêng tư khác nhau, họ đã xả thân mình làm nên lịch sử, ghi dấu thế hệ mình vào lịch sử hiện đại đầy máu lửa của dân tộc. Có lẽ chính vì vậy, những trải nghiệm, những ký ức của một thời gian khổ và đáng kiêu hãnh kia, anh bạn tôi không muốn quên. Ngược lại, anh muốn chia sẻ với đồng loại. Thiết nghĩ, đây là ý hướng cần được ủng hộ, khích lệ.
Chúng tôi, một số bạn học cũ của Trần Văn Thùy, quyết định cho in ra để giới thiệu với bạn đọc cuốn nhật ký nhỏ này của anh, chính bởi lý lẽ vừa kể.
Hà Nội, những ngày cuối Hè 2011