Để hình dung được quy mô của cuộc tổng duyệt văn chương thế kỷ XX thật khó nhưng chỉ riêng cuốn VĂN HỌC VIỆT NAM thế kỷ XX ( Thơ ca 1945 - 1975) quyển 4, tập VIII với độ dầy hơn nghìn trang được in trên những trang giấy trắng muốt dầy dặn. Với:
Nhóm biên soạn: PGS.TS Lưu Khánh Thơ ( chủ biên), PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, PGS.TS Nguyễn Bích Thu, ThS Đoàn Ánh Dương.
Hội đồng tư vấn biên soạn: Huy Cận, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Anh Đức, Hữu Thỉnh, Hà Xuân Trường, Hà Minh Đức, Trần Thanh Đạm, Mai Quốc Liên, Nguyễn Văn Lưu.
Thư ký biên soạn: Nguyễn Cừ, Nguyễn Thị Hạnh.
Và đặc biệt là dòng chữ SÁCH NHÀ NƯỚC ĐẶT HÀNG.
Độc giả cũng có thể tưởng tượng được quy mô cũng như độ sang trọng của công trình văn hóa mang tầm quốc gia này. Đây được coi là bộ từ điển về những nhà văn hiện đại, rất có thể là một trong di sản văn hóa được gửi lại cho đời sau. Và là nguồn tra cứu chính thức của các thày cô giáo, các nghiên cứu sinh trong quá trình thực hiện những luận văn, luận án để có những học hàm học vị văn chương. Vì thế, tôi với tư cách một độc giả , rất băn khoăn trước những sơ suất có thể làm ảnh hưởng đến độ sang trọng đòi hỏi sự chuẩn xác của công trình có tầm thế kỷ này.
Biết được những trăn trở của tôi, chủ biên, phó giáo sư, tiến sĩ Khánh Thơ có gọi điện chia sẻ. Với tư cách chủ biên, chị thấy có trách nhiệm phải giải thích ...
Về việc in sai tên thật nhà thơ Lê Đạt - Đào Công Đạt thành Đà Công Đạt, chị giải thích chị chỉ phụ trách phần nội dung còn phần trích ngang lý lịch là do nhà xuất bản ( NXB) đảm nhiệm . Mà cụ thể ở đây là giám đốc NXB Nguyễn Cừ chịu trách nhiệm xuất bản và Nguyễn Thị Hạnh, chịu trách nhiệm nội dung.
Việc Hội Nhà văn sáng tác...họ tên nhà thơ Lê Đạt đã tồn tại từ lâu và có lẽ sẽ không ai biết nếu nhà thơ không đột ngột bỏ cuộc chơi để lang thang trang lần quê chữ tìm mình ( thơ Lê Đạt) vào năm 2008. Theo Thanh Hằng, báo CAND, để có một nén nhang thành kính với người phu chữ, chị đã phải cẩn thận tra cứu cả hai cuốn kỷ yếu Nhà văn hiện đại của Hội Nhà văn VN năm 1997 và năm 2007 nhưng cả hai cuốn đều in tên thật của nhà thơ là Đà Công Đạt. Và khi phát hiện nhà thơ họ Đào, chị đã gọi đây là sự cẩu thả xuyên thế kỷ. Nhưng có lẽ để sự cẩu thả này đi trọn con đường của mình, các nhà làm sách năm 2010 vẫn sao chép y nguyên những gì đã từng sai ở những năm 1997 và 2007.
Và để trọn vẹn trách nhiệm của mình, NXB chịu trách nhiệm chọn ảnh giới thiệu các nhà văn, nhà thơ. Tôi nghĩ việc giới thiệu chân dung ảnh các nhà thơ không cần đẹp nhưng phải phản ánh được khí chất của nhà thơ đó và thật bất ngờ khi thấy ban lãnh đạo NXB chọn giới thiệu ảnh nhà thơ Lê Đạt trong trạng thái nhìn xuống, nhắm mắt như ngủ. Phải chăng đó là một gửi gắm về một khí chất khác của nhà thơ mà các nhà làm sách muốn thể hiện? Tấm ảnh đó có thể phản ánh đúng một nét tính cách nhà thơ nhưng có lẽ phần nào ảnh hưởng đến dung nhan cuốn sách sang trọng này của những người làm sách.
Với thắc mắc sao không có bài CHA TÔI, NHÂN CÂU CHUYỆN NHỮNG NGƯỜI TỰ TỬ cùng một số bài làm nên VÂN CHỮ Lê Đạt, chị Khánh Thơ nói vì trong tay tôi là cuốn bốn, tập VIII, nên tôi không biết nguyên tắc tuyển chọn thơ bắt buộc phải từ năm1945 - 1975. Nhưng khi nghe tôi nói bài CHA TÔI và NHÂN CÂU CHUYỆN NHỮNG NGƯỜI TỰ TỬ đã được in từ năm 1956, thậm chí CHA TÔI đã được đưa vào sách giáo khoa cuối cấp phổ thông những năm cuối 50 đầu 60 của thế kỷ trước, chị lý giải rằng với một công trình đồ sộ như vầy, không thể tránh được sai sót và cũng không thể liên lạc được với từng tác giả để hỏi.
Khi nói điều này, chắc chị Khánh Thơ với tư cách chủ biên không hề biết đến sự tồn tại của khá nhiều bài thơ mới được in khoảng năm 1997-1998 ở ngay trong quyển 4 tập VIII này.
Và khi viết những dòng này, tôi thật sự thắc mắc về vai trò của người chủ biên, người biên tập, phụ trách nội dung cũng như của hội đồng tư vấn biên soạn trong việc cho ra đời một cuốn sách, một sản phẩm văn hóa?
Theo tôi, đó là những người quan trọng cuối cùng, có trách nhiệm phát hiện và chỉnh sửa những sai sót trong quá trình chuẩn bị nội dung của cuốn sách. Hay vì sự cả tin và uy tín của những học hàm học vị mà khâu quan trọng này bị bỏ qua?
Dẫu sao, với phần tuyển của nhà thơ Lê Đạt, chủ yếu nằm trong cuốn BÀI THƠ TRÊN GHẾ ĐÁ và hai bài MỚI , LÀM THƠ ( mà nhà thơ viết trích Thơ gửi người yêu chứ không phải Thơ gửi người Việt - như trong sách đã in ) được làm từ thập niên 50 của thế kỷ trước, bạn đọc sẽ không hề thấy dấu ấn cách trở của thời gian, hoàn toàn cảm nhận được sự tươi mới của hơi thơ, cách lập ý, lập câu cũng như ý thức công dân của nhà thơ.
ĐÀO PHƯƠNG LIÊN