Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

SUY NGHĨ RIÊNG

Nguyễn Đăng Minh
Thứ ba ngày 15 tháng 11 năm 2011 8:54 PM
 
Trên con đường âm nhạc của nhạc sỹ Phạm Tuyên trải dài theo hai cuộc chiến tranh giữ nước và xây dựng cuộc sống của Dân tộc ta, thật vô cùng trân trọng bởi tác phẩm âm nhạc của Ông đã thấm vào tâm hồn nhiều thế hệ người Việt và chắc chắn có những tác phẩm còn sống mãi với thời gian. Tất cả những công sức của nhạc sỹ Phạm Tuyên dành cho nền âm nhạc nước nhà đã và đang được khẳng định mà đỉnh cao là Nhà nước xét duyệt để tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Một suy nghĩ riêng về một bài hát Ông viết cho thiếu nhi với ý định giáo dục lớp măng non tương lai của một  Dân tộc – Dân tộc ấy có bề dày lịch sử truân truyên, vất vả đủ đường, từ giặc giã nội quốc cho đến giặc ngoại xâm, cùng quanh năm đời nọ tiếp đời kia sấp ngửa với cây lúa nước,… mà vẫn chưa giầu bằng bạn bằng bè. Xem ra nguyên nhân là do giáo dục, giáo dục phiến diện chỉ chăm chú đến truyền thống đánh nhau với giặc chứ chưa đặt giáo dục làm sao giầu có lên thì sẽ bớt kẻ thù đi, trong dân dã đã truyền câu “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Bên cạnh đó còn có những khía cạnh giáo dục xa thực tế như trong bài hát dành cho lứa tuổi đang háo hức, tò mò tìm hiểu cuộc sống. Lời bài hát của nhạc sỹ Phạm Tuyên : “… Gánh gánh gồng gồng, xây căn nhà bếp, nấu nồi cơm nếp, chia ra 5 phần: Một phần cho cha, một phần cho mẹ, một phần cho bà, một phần cho chị, một phần cho anh,…”. Một người lao động vất vả gánh gánh gồng gồng… để xây dựng lên cơ ngơi khang trang, làm ra miếng cơm nuôi sống con người… Thế mà như người xưa dậy “miếng ăn đến mồm còn để mất” thì đáng trách biết nhường nào, còn trong thâm tâm bài hát là sự dâng hiến; sự dâng hiến ở đây dành cho những người ruột thịt mà hy sinh đi phần ăn của chính bản thân mình. Nghe lời hát ở đoạn này tôi cứ thấy gai gai trong lòng về sự phi thực tế này. Nếu lời bài hát xẩy ra trong thực tế thì sẽ thấy người tối ngày gánh gánh gồng gồng mà trong bụng rỗng không khi thành quả lao động của mình được chia hết rồi… và nhìn mọi người đang ăn? Hình ảnh của sự bất công! Lời cho âm nhạc thật khó trọn vẹn, song không phải vì thế mà lãng quên sự hợp lý của thực tế trong cuộc sống con người nhất là những tác phẩm ấy phục vụ giáo dục lớp người tương lai của Dân tộc.

Hà Nội, mùa thu 2011