Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BÌNH BÀI THƠ "CHỊ" CỦA TRƯƠNG NAM HƯƠNG

Trần Thị Tích
Thứ ba ngày 15 tháng 11 năm 2011 8:50 PM
Trương Nam Hương

CHỊ
Hổng hơ mùa hạ qua rồi
Thu nhơm nhớm tím
    khoảng trời 
          chị tôi
Ngoài đầm hoa súng rũ phơi
Đám mây vảy cá 
    ngồi soi
       bóng chiều!
 
LỜI BÌNH:
Nếu ví những thông điệp của bài thơ như một hang động bí ẩn thì phải đi tìm những chìa khóa – mật mã của hang động ấy. Chìa khóa – mật mã ấy là gì? Câu thần chú “ Vừng ơi, mở ra” nằm ở đâu?  Đọc kỹ bài thơ, tôi cảm thấy: mật mã chính là ở những từ “ hổng hơ”, “ nhơm nhớm” và “ vảy cá”. Những câu, từ còn lại chỉ phụ trợ chứ không phải là chính yếu để giải mã bài thơ.
 “ Hổng hơ mùa hạ qua rồi”
“ Hổng hơ” – cái từ sao mà buồn và trống lạnh đến thế. Trong từ điển tiếng Việt không có từ này. Và sao lại là mùa hạ? Xưa nay, mùa hạ trong thơ thường là mùa được gắn với nhiều kỷ niệm:
“ Mùa hạ đi rồi em ở đây
Con ve kêu nát cả thân gầy”
( “Chia tay mùa hạ” ( Nguyễn Thị Kim Chi).
“ Tình yêu như tháng Năm
Mang gió nồng nắng lửa”
( “Tháng Năm” ( Xuân Quỳnh).
Mùa hạ, cái mùa rực rỡ, sôi trào, đầy sinh lực của thiên nhiên cũng thường được ví như một khoảng thời gian đẹp đẽ, sung sức của đời người. Thế nhưng với người chị ở đây, mùa hạ ấy đã qua đi chóng vánh, không tròn trịa, thêm nữa còn chống chếnh đến bàng hoàng:
“ Hổng hơ mùa hạ qua rồi”
Có thể đoán được: cái thời gian đẹp đẽ của đời người ấy đã rơi đi, hổng đi với người chị, để lại nỗi xót xa. Bao nhiêu là tiếc nuối, buồn bã, dở dang trong hai từ “hổng hơ” ấy!
Và “ Thu nhơm nhớm tím 
                    khoảng trời
                           chị tôi”
Lại một từ nữa không có trong từ điển tiếng Việt:“ nhơm nhớm”. Cũng là một âm điệu buồn, gợi nhớ đến từ “ rơm rớm”( rơm rớm nước mắt). Chỉ là vừa chớm thu thôi, chưa đến mức úa tàn, nhưng thật nao lòng...Câu thơ gợi nhớ đến những người chị trong “ Tống biệt hành” ( Thâm Tâm):
“ Ta biết ngươi buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt
Một chị hai chị cùng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót”
Những đóa sen cuối hạ, những mùa thu “ nhơm nhớm tím” trong đời người, những người con gái đã đi qua  thời thiếu nữ mà chưa tròn vẹn ước mơ... sao mà đẹp và buồn thế!
Nhẹ nhàng, tinh tế, không trực tiếp mà diễn tả sâu sắc một cuộc đời chớm xế, điều đó cho thấy sự nâng niu, trân trọng và an ủi của tác giả khi nói về “ chị”:
“ Thu nhơm nhớm tím
                                   khoảng trời
                                                    chị tôi”.
        Người con gái không còn trẻ nữa, sự lỡ làng đã hiển hiện khi “ mùa hạ” đã qua. Câu thơ tiếp đẩy lên mức cao hơn sự lỡ làng buồn bã ấy:
“ Ngoài đầm hoa súng rũ phơi”
Không còn gì buồn hơn! Cái từ “ rũ” ở đây mới thảm đạm làm sao! Còn gì để hy vọng nữa khi sự úa tàn, hết sức sống đã phơi bày lồ lộ. Tất yếu chỉ còn sự hồi tưởng, soi lại đời mình:
“Đám mây vảy cá
                           ngồi soi bóng chiều”.
Thú thật tôi chưa hiểu hết hình ảnh“ vảy cá” ở đây. Nó cụ thể quá, mà ẩn ý quá. Cả câu thơ u buồn đến đau nhói cả lòng. Người chị ngồi soi lại cuộc đời mình đã về chiều, như đám mây soi hình dưới nước lúc hoàng hôn. Bài thơ chấm dứt, nhưng cái cô đơn lẻ loi còn đọng mãi...
Bài thơ ngắn, nhưng đã thâu tóm gần cả một đời thanh nữ: từ lúc bắt đầu qua tuổi thanh xuân đến lúc xuân tàn. Tính nhân văn của bài thơ được diễn tả  qua những diễn đạt độc quyền của Trương Nam Hương, những mật mã. Cách ngắt quãng ở câu 2 và câu 4 càng gợi lên sự dang dở, đứt đoạn...Đó là sự độc đáo và thu hút của bài thơ.