Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

PGS VĂN NHƯ CƯƠNG: ƯỚC MƠ MỘT NỀN GIÁO DỤC SẠCH

Khánh Linh- Hà Anh (Thực hiện)
Thứ ba ngày 15 tháng 11 năm 2011 10:18 PM
 
Dù đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hi, PGS Văn Như Cương vẫn chưa “buông” cương vị hiệu trưởng  trường dân lập Lương Thế Vinh. Xem ra, sự nghiệp “trồng người”đã vận vào đời ông, nên dù đã ở bên kia của đỉnh dốc cuộc đời, ông vẫn mơ giấc mơ đẹp: về một nền giáo dục sạch. Nhiều người bảo rằng, con người Văn Như Cương thẳng thắn, thật thà nên đôi lúc hơi phô. Ông phô đến nỗi “nói không” với các tất cả các danh hiệu thi đua, thành tích ảo. Đối với ông, không thành tích nào bằng: học trò đánh giá về thày cô, bởi hình ảnh của thày cô trong lăng kính của học trò là trung thực và lung linh nhất. Ông tỏ ra “e ngại” trước những khẩu hiệu thi đua kiểu hô hào, hình thức, mang tính phong trào. Thế mới có chuyện những đóng góp của ông về Đề án đổi mới giáo dục luôn thực tế, sát sườn mà lại trái dấu với số đông. Nhưng, đó mới chính là Văn Như Cương…
Hiếu học ở ta cũng…lạc hậu!
Ở Đức, cái gì cải thiện chất lượng cuộc sống thì họ học và làm, không nhất thiết cứ phải học đại học. Còn ở Việt Nam, có một thực tế, các em học sinh đi học chỉ nhăm nhăm vào được Đại học, tìm mọi cách để làm sao đỗ đại học. Và, sau khi con cái đỗ đại học thì cha mẹ mổ trâu, mổ bò, cả hàng xóm láng giềng ăn mừng.
- PV: Học để đi thi, đó là quan niệm sai, thưa thày?
- PGS Văn Như Cương: Đúng thế. Nền giáo dục hiện nay của ta là nền giáo dục “ứng thí”- Học để đi thi. Đó là quan niệm sai lầm. Cái sai này không thể trách các em học sinh vì đó là lỗi hệ thống, lỗi cách dạy và cách học của cả thày và trò trong quá trình dài. Học đối phó, học để đi thi, để có bằng, đó là sự hiếu học lạc hậu.
- PV : Vậy, theo thày, phải sửa thế nào?
- PGS Văn Như Cương : Tôi cho rằng, chúng ta cần phải thay đổi cấu trúc giáo dục. Chẳng hạn, bây giờ học sinh đang phải học 12 năm phổ thông thì rút xuống học 10 hoặc 11 năm thôi, sau đó cấp bằng tốt nghiệp. Những em nào có nguyện vọng học đại học thì sẽ học thêm 1 năm nữa gọi là năm dự bị đại học, sau đó phải thi.
- PV : Nghĩa là giảm tải chương trình giáo dục, thưa thày. Nghe nói Bộ Giáo dục đang quyết liệt ?
- PGS Văn Như Cương : Đương nhiên là phải như vậy rồi. Phải cắt gọt những cái rườm rà, cho học sinh đỡ khổ chứ. Hiện nay, chương trình học đang quá tải, học sinh chỉ lo học hết kiến thức trong sách cũng đã đủ mệt, chứ nói gì đến kiến thức xã hội. Do vậy, các em không có kĩ năng sống. Tôi lấy ví dụ đơn giản, ở cấp 3, mỗi tuần các em học đủ 12 môn, trong khi đó 1 tuần chỉ có 6 ngày đi học. Thật sự là quá tải. Ở các nước khác, họ học cuốn chiếu luôn. Chẳng hạn, học kì này học toán thì sẽ không học lý nữa, học môn sinh thì không học địa…
- PV : Nhưng thưa thày, Bộ Giáo dục đã có chủ trương giảm tải, chẳng hay... ?
- PGS Văn Như Cương : Vâng. Chủ trương của Bộ làm tôi thất vọng quá! Giảm tải theo cách làm của Bộ là làm cho nó có và làm khó cho thày và trò. Bởi vậy, ở trường tôi quyết định dạy nguyên như cũ vì giảm tải không có ý nghĩa gì mà còn làm cho học sinh hoang mang.
- PV: Vậy sao, thưa thày?
- PGS Văn Như Cương: Tôi cho rằng, chương trình cần thu gọn, tập trung vào những cái chính để đào tạo ra những con người thích hợp với từng ngành nghề, làm được việc và phục vụ cho xã hội.
Phải làm cuộc cách mạng về giáo dục
Nếu ví Đề án đổi mới giáo dục như một cuộc cách mạng về giáo dục thì cũng không ngoa. Quan trọng là làm cách mạng thế nào? PGS Văn Như Cương hiến kế: cần lập ra một Uỷ ban Nhà nước về cải cách giáo dục gồm những người tâm huyết, nghiên cứu kĩ, thậm chí phải đặt ra lộ trình xem cái gì làm trước, cái gì làm sau...
- PV : Bỏ ra 70 nghìn tỉ đồng để viết lại sách giáo khoa thì đúng là “cải cách” rồi, thưa thày ?
- PGS Văn Như Cương: Sách giáo khoa phải là cái sau cùng trong Đề án đổi mới. Bây giờ, bỏ ra 70 nghìn tỉ đồng tương đương với khoảng 3,5 tỉ USD để đổi mới chương trình giáo dục thì lãng phí quá. Thử làm phép so sánh thế này, chúng ta vừa mua tàu ngầm của Nga phục vụ cho an ninh quốc phòng, mỗi cái giá 200 triệu. Vậy mà chỉ dám mua 6 cái thôi. Vì vậy, theo tôi phải có một Ủy ban Nhà nước về cải cách giáo dục. Rồi phải định hướng, giải quyết vấn đề học cái gì, để làm gì và học như thế nào? Chất lượng dạy và học ra sao để đào tạo ra những con người thích hợp với từng ngành nghề, phục vụ cho xã hội.
- PV: Giới chuyên môn cho rằng, chất lượng dạy và học hiện nay không phải quá kém, là một nhà quản lí, thày đánh giá thế nào?
- PGS Văn Như Cương: Đúng thế. Hiện nay, chất lượng dạy không phải là tồi. Trình độ giáo viên hiện nay so với những năm trước đây trội hơn hẳn vì họ được đào tạo cơ bản, có kiến thức. Học sinh cũng vậy, trình độ nhận thức của các em tốt hơn ngày trước rất nhiều. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khách quan làm cho việc dạy và học chưa được tốt.
- PV: Cụ thể là gì, thưa thày?
- PGS Văn Như Cương: Đó là bệnh thành tích, chạy theo kết quả thi đua của lớp, của trường; vấn đề lạm thu… Vừa rồi, có một trường ở Thanh Chương, Nghệ An được đề nghị Thủ tướng cấp bằng khen vì thành tích 100% học sinh thi đỗ đại học. Tôi thì cho rằng: Đó là một kiểu chạy theo thành tích. Bởi, nếu trong một trường, tôi chọn ra những học sinh giỏi cho vào một lớp theo mô hình lớp chọn thì thành tích đó trong tầm tay.
- PV: Vậy, ví thử ở cương vị Thủ tướng thày sẽ….
- PGS Văn Như Cương: Nếu tôi là Thủ tướng, tôi sẽ không làm như vậy. Vì nếu cấp bằng khen kiểu ấy, sang năm sẽ có 64 trường của 64 tỉnh, thành đạt thành tích như vậy. Đây chính là kiểu thi đua chạy theo thành tích và nó làm cho thành quả giáo dục bị hạn chế.
- PV: Ở trường của thày, mô hình phân lớp được thực hiện thế nào?
- PGS Văn Như Cương: Ở trường Lương Thế Vinh thì khác, tôi phân lớp theo năng lực học sinh. Tức là đối tượng giáo dục trong một lớp đồng đều. Thầy giáo giỏi tôi đầu tư vào lớp học yếu, còn lớp có các em học giỏi thì thày không  cần phải giỏi nhất. Cho nên vấn đề cơ bản của giáo dục hiện nay là tăng cường chất lượng thày, trò; cần tập trung vào việc học. Đặc biệt, cần hạn chế bệnh thành tích, tiêu cực, lạm thu, dạy thêm, học thêm.
- PV: Thày mong muốn gì cho nền giáo dục?
- PGS Văn Như Cương: Tôi mơ ước một nền giáo dục trong sáng. Bởi, trong  giáo dục không thể có những chuyện tham ô, tham nhũng, lạm thu... Muốn thế, trước tiên ta phải làm cho nó trong sạch đã, rồi trong suốt. Một nền giáo dục không sạch là một nền giáo dục vứt đi. Không sạch là gì? Thu tiền cho nhiều, tiền nộp cho lắm, học đủ các thứ…  Đó là những cái mà chúng ta phải thanh lọc ngay từ hôm nay.
-PV: Xin cảm ơn thày. Chúc cho mơ ước của thày sớm thành hiện thực.

Khánh Linh- Hà Anh (Thực hiện)
Nguồn: Báo Người cao tuổi