Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HÀ NỘI TIẾU LÂM TRUYỀN KỲ( Kì 18)

Vũ Duy Chu
Thứ tư ngày 16 tháng 11 năm 2011 6:24 AM
(Sưu tầm và sáng tác)

GACHOAYMA

Lần đầu tiên Gachoayma - một nước thuộc Châu Phi cử hai học sinh phổ thông trung học giỏi toán đi dự thi toán quốc tế đoạt liền hai huy chương, một vàng một bạc. Sự kiện này như một cú động đất 9 độ rich-te, làm bừng tỉnh niềm tự hào từ người dân tới Tổng thống. Họ thống nhất khẳng định rằng chỉ số IQ của người dân xứ họ cao ngất ngưởng, chứ không hề lùn tẹt như họ vẫn thường nghĩ trước đây.
Ngay lập tức, Tổng thống quyết định xây một tòa nhà uy nghi tráng lệ, với tên gọi Trung tâm toán học Gachoayma. Những học sinh giỏi toán của tất cả các trường phổ thông trong cả nước, qua sàng lọc, ai đủ điều kiện, sẽ được đưa về trung tâm mài giũa để dự các kì thi toán quốc tế. Tổng thống lên truyền hình nói rằng từ Trung tâm toán học này, nhân loại sẽ biết đến Gachoayma – vương quốc của trí tuệ…
Cuộc thi thiết kế ngôi nhà Trung tâm toán học đã quy tụ hàng trăm kiến trúc sư nổi tiếng thế giới tham dự. Cuối cùng, hội đồng tuyển chọn nhất trí chọn bản thiết kế của  ông kiến trúc sư, kiêm chủ thầu xây dựng có tiếng của Việt Nam. Nghe đâu hồi học trung học, ông này đã từng có huy chương trong một kỳ thi toán quốc tế.
Ông đã đính kèm hai câu slogan rất ấn tượng theo bản thiết kế. Câu thứ nhất “ Rung chuông vàng”. Câu thứ hai “Đem chuông đi đánh xứ người”. Trung tâm toán học Gachoayma được thiết kế và xây dựng giống như một quả chuông. Thật là một ý tưởng độc đáo, vô tiền khoáng hậu….
***
Đã có hàng trăm học sinh của Trung tâm toán học Gachoayma giành được huy chương vàng, bạc trong các kì thi quốc tế. Nhưng những học sinh này vào đại học rồi tốt nghiệp ra trường cũng chỉ là những kỹ sư, bác sĩ, cử nhân bình thường, chưa có gì nổi bật. Một số vào khoa Toán Đại học Sư phạm ra trường vừa dạy, vừa mở lò luyện thi đại học, kiếm bộn bạc. Tổng thống Gachoayma cho rằng nhân tài đất nước họ còn có thể vươn tới những tầm cao chót vót, chứ kết quả chỉ như thế, chỉ làm những việc ấy thì chưa xứng với kì vọng của nhân dân…
Nhưng nhân dân của ông thì choáng váng thực sự khi biết rằng ở các nước Châu Âu, người ta chỉ chọn ngẫu nhiên một số học sinh giỏi toán của vài trường trung học bất kì nào đó dự thi quốc tế. Và học sinh của họ cũng đoạt huy chương vàng lia lịa như ai…
***
Thế rồi, nhân dịp một lần sang Việt Nam, vị giáo sư Trung tâm Toán học Gachoayma tìm đến thăm tác giả thiết kế ngôi nhà Trung tâm Toán học. Giáo sư hết sức ngạc nhiên thấy tác giả cởi trần, quần đùi đang tung những nắm ngô cho gà ăn. Ngắm nghía sân gà hồi lâu, đột nhiên giáo sư  nhào tới vỗ vai tác giả:
- Này, tôi hỏi thật ông nhé. Cái Trung tâm toán học Gachoayma được ông lấy cảm hứng thiết kế là từ cái này phải không?
- Chính xác! Cái ngài đang cầm trên tay người Việt Nam chúng tôi gọi là cái…. bu nhốt gà. Từ cái bu gà này tôi đã có ý tưởng lãng mạn cho việc thiết kế Trung tâm Toán học của các ngài. Lãng mạn ở chỗ hình dáng cái bu gà cũng nhang nhác hình dáng một quả chuông…
- Ông còn lồng ghép thêm ý nghĩa nào khác nữa không?
- Có chứ, thưa ngài. Việc các ngài tập trung học sinh lại, chỉ để học thật giỏi một môn nào đó rồi cho đi thi quốc tế lấy huy chương, thì cũng giống như việc người Việt Nam chúng tôi nuôi gà chọi chỉ để thi chọi. Ngài biết gà chọi và xem chọi gà rồi chứ?
- Ồ, tôi biết, tôi biết… gà chọi mà. Nhưng xin hỏi ông, làm thế nào để chúng tôi có thể biến một chú gà chọi thành đại bàng?
- Vô phương, thưa ngài! Câu hỏi này ngài phải hỏi người Pháp, người Mỹ, người Anh, người Đức… Chỉ có họ mới làm được điều đó…
- Ồ, thế mà tôi cứ nghĩ Việt Nam….
- Thưa ngài, còn một điều này nữa, tôi chỉ bật mí cho riêng ngài biết thôi nhá. Người Việt Nam chúng tôi hay cắt dán các từ, các cụm từ cho ngắn gọn, đọc lên nghe mài mại tiếng Anh. Vì vậy tôi vô cùng sửng sốt khi thấy như thể tự nhiên có một sự sắp xếp thần bí nào đó, trợ giúp, gợi ý cho tôi khi thiết kế Trung tâm toán học của ngài. Đó là khi tôi nhìn thấy dòng chữ Gachoayma…
- Xin ông nói rõ hơn.
- Người Việt chúng tôi sẽ diễn giải cụm từ Trung tâm Toán học Gachoayma là: TRUNG -TÂM –TOÁN- HỌC-

GÀ- CHỌI- ẤY- MÀ.

Bất thình lình, giáo sư ôm ghì lấy tác giả. Rồi cả hai cùng chạy vòng quanh sân, người trước người sau, tay vỗ vào mông bộp bộp bộp, đoạn hai cánh tay nghiêng nghiêng, cảnh con trống rượt con mái, làm lũ gà giật mình chạy tán loạn…
He….he…he….Hí…hí…hí…
CẢM XÚC VĂN CHƯƠNG
Hai vợ chồng thấy thằng con trai học văn kém quá thì lo sốt vó. Thay vì mắng mỏ, la rầy thì họ lại chọn phương pháp sư phạm hiện đại, gợi mở thẩm mỹ, bồi dưỡng cảm xúc văn chương cho con.
Vợ bảo chồng:
- Anh còn nhớ bài văn, bài thơ nào hay hay hồi nhỏ mình học, anh đọc cho em và con  nghe một bài đi.
Ông chồng liền đọc:
Bố Tý làm công nhân
Ở bến tàu khuân vác
Vừa làm lại vừa hát
Trong buổi sáng mùa xuân.
Thằng con học lớp 10 nghe xong cười phe phé, bảo:
- Thảo nào chế độ Xã hội chủ nghĩa của bố chưa thành công là đúng rồi bố ạ.
- Sao, con nói sao? - Bà mẹ ngạc nhiên.
- Thì đấy, bố Tý làm công nhân khuân vác ở bến cảng mà vừa làm vừa hát, thì lấy đâu năng suất, thì quá là dạo chơi, chứ làm lụng cái gì?
- Thôi! Thôi, anh đọc bài khác đi - Bà vợ giục.
Ông chồng hắng giọng:
Trời mưa, trời gió đùng đùng
Cha con ông Sùng đi lấy cứt trâu
Lấy về trồng bí trồng bầu
Trồng hoa, trồng quả, trồng trầu, trồng cau.
Thằng con nghe xong lại cười phe phé, bảo:
- Khổ! Con trâu trong bài thơ này bị bệnh táo bón rồi mẹ ơi!
- Sao, sao con lại nói thế?- Bà mẹ bức xúc
- Thì đấy, mưa gió xối xả, sấm chớp đùng đùng như thế mà cứt trâu không bị tan ra, trôi đi, thì cứt nó phải cứng ngắc rồi. Rõ là con trâu này bị bệnh táo bón, chứ còn gì nữa.
Hí…hí…hí…

Sài Gòn, 14.11.2011

VDC
( Còn tiếp)