Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRONG LỜI RU YÊU EM

Xuân Trường
Thứ tư ngày 16 tháng 11 năm 2011 3:12 PM

Nguyễn Vũ Quỳnh, anh đã từng mang ba lô đi chiến đấu qua các chiến trường.chống Mỹ. Hành trang sau lưng anh có khoảng trời xứ Thanh, xứ Nghệ quê hương nặng trĩu ca dao, hình ảnh người mẹ, tiếng hát rong chơi tuổi thơ, cánh diều nhớ gió quê nhà. Sung sức thời thanh niên là động lực mạnh mẽ đưa anh qua cuộc hành trình gian khổ bảo vệ tổ quốc mà lòng còn nặng trĩu thơ ca. Chất quê hương trong người lính đã trở thành máu thịt của cuộc đời họ, cái cảnh quê, tình quê và người quê, đã có mối quan hệ bền vững lâu đời, hữu cơ với nhau, có lẽ đây cũng là sức đề kháng mạnh mẽ khiến các kẻ thù xâm lược khó lấn chiếm và tồn tại ở vùng quê đất nước ta lâu dài : Ôm bóng quê cuộn tròn vào giấc ngủ / Dáng xưa về lục lọi cả tuổi thơ. (Dáng xưa)
Tâm hồn anh là vùng giao lưu giữa văn hóa Bắc trung bộ và văn hóa sông nước Nam bộ. Do đó, thơ anh có ngôn ngữ riêng, âm điệu giao hòa. Anh đã chắt lọc và cho ra đời những tác phẩm: “Khúc hát xa quê” (thơ) – năm 2005. Tôi chưa đọc tập thơ khúc hát xa quê của Nguyễn Vũ Quỳnh nhưng được nhiều người đọc rồi nói lại rằng : Đó là khúc hát ba mươi năm cầm súng, cầm bút. “Hai mươi năm sau” truyện ký (2008), “Trò chuyện với 50 nhà báo” in chung năm 2007. ? “Tâm và tầm” Ký sự văn học 2010. Vừa rồi anh lại cho ra đời tập thơ tiếp theo “Ru lời yêu em”.
Sáu mươi tư bài thơ trong tập thơ này là một thông điệp về tình yêu đôi lứa, cuộc sống con người, quê hương và ký ức thời chiến tranh chưa xa… mang đậm nỗi riêng tư về tình cảm, cũng như nét riêng trong lĩnh vực thi ca. cái thời chiến tranh ác liệt chắc chắn chưa có nhà thơ nào dám viết về cái hôn trong thô mặc dù họ đã hôn nhau. Song Nguyễn Vũ Quỳnh đã viết thật nụ hôn của mình ở giữa chiến trường ác liệt : Nụ hôn đến giữa chiến trường / Sướng hơn ở cõi thiên đường mênh mông. ( Hơn cả thiên đường ) Anh không rạch ròi nêu ra một bố cục như nhiều nhà thơ khác đã làm nhưng khi đọc qua ta thấy được: để viết cho tình yêu lứa đôi, quê hương và hình ảnh người mẹ. Anh dùng thể lục bát viết cho đồng đội ngày xưa và các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc thì anh dùng thể thơ tự do, lãng mạn, đẹp đẽ và ý nhị xúc động trong tâm can người đọc. Sông còn có lúc đầy vơi / Còn tôi say đắm ru lời yêu em. (Ru lời yêu em)
Anh đã ru lời yêu em mà không ru em, ở đây anh đã tinh tế hòa lời ru em vào dòng sông để cái hữu hạn ru em trở thành cái vô hạn ru lời như dòng sông cứ chảy đến vô cùng, nó đồng nghĩa với tình yêu là bất tận với loài người. Cũng trong bài thơ này anh viết : Với tay cắt nữa bầu trời / Giấu vào nỗi nhớ để chồi mầm xanh.
Thật là lãng mạn khi anh giấu cái mênh mông bầu trời kia vào trong nỗi nhớ. Vậy nỗi nhớ ấy của anh sẽ vô cùng lớn mà sức chứa căng đầy làm cho nỗi nhớ bật ra mầm xanh, luôn luôn mới mẻ. Nói cách khác anh làm mới nổi nhớ một cách thi vị. Phải chăng đấy là cái riêng biệt của thơ Vũ Quỳnh ?
Trong tình yêu vốn có nhiều điều phức tạp, đa dạng, chính những mâu thuẫn làm cho tình yêu lại mới ra ở trạng thái tâm lý cao hơn, nhạy cảm hơn. Nguyễn Vũ Quỳnh có những cảm xúc kỳ lạ : Em về bóng lẫn vào trong / Trời xanh hắt vạt nắng cong ven thềm
(Lỡ nhịp) hay : Nắng vàng lọt thỏm vào đêm / Tình duyên trời đất bật lên tiếng cười. ( Không ngủ )
Ký ức anh luôn luôn đầy ắp cảnh quê, người quê – đã thành một nỗi đau đáu quanh mình. Bật lên trong cảnh nghèo khó nỗi thèm khát bình thường, thật thà mà sâu lắng biết bao : Bếp chiều con tép bờ sông / Chạy qua hành mỡ ngoài đồng cũng thơm / Quê thời bếp núc rạ rơm / Bụi trên lưng mẹ nồi cơm độn đầy. (Qua miền ký ức)
Mỗi người có cái nhìn nhận về đồng quê khác nhau. Người phố thị thì thường mến cái cảnh quê yên bình thanh thản, tìm đến ruộng đồng, làng mạc để tránh ồn ào… Người ở quê thì sâu nặng với cái tình quê của tuổi thơ, chân đất, trường làng, cây đa bến nước, con đò, ca dao tục ngữ, cổng làng thành khuôn thước chuẩn mực thiêng liêng của tâm hồn, do vậy mà đi xa, họ luôn luôn đau đáu với quê nhà. Hình ảnh chợ quê đã nổi bật lên trong bức tranh thanh bình ấy. Nơi ấy không chỉ mua bán thuần túy mà còn là nơi gắn bó tình cảm mật thiết giữa người quê với nhau thật là thánh thiện biết bao ! Nơi ấy người ta gặp gỡ để hỏi thăm tin tức của nhau, để chia sẽ nổi buồn và chung vui. Vũ Quỳnh đã khái quát thành công hình ảnh ấy : Trong chợ toàn những người quen / Vừa mua vừa bán vừa chen lời chào. Và : Đi chợ cốt để hỏi thăm / Hỏi xem người chốn xa xăm có về.  (Chợ quê)
Khi tình yêu đã chín muồi rụng xuống ái ân thì cảm xúc người thơ mở ra biên độ ngôn từ được lệch chuyển vào cõi hư với sự bềnh bồng vô biên. Thời tiền chiến Xuân Diệu đã nói: “Hãy trộn nhau hai mái tóc ngắn dài” thì ở thời hậu chiến Vũ Quỳnh cũng quan tâm chuyện ấy nhưng lại là : Để rồi môi lận vào môi / Nâng bàn tay ấm bồi hồi trong tay. (Chiêm bao) Anh mạnh mẽ, thực tế hơn song vẫn lịch lãm.
Đợi người ấy không được Vũ Quỳnh đã hờn trách một cách rất thơ, tặng lại cho em cả buổi chiều ấy được lưu lại trong ký ức bằng cánh diều mà anh đã mượn gió cắt hôm nào: đó là hình tượng đẹp, sang trọng : Nhờ gió cắt nữa cánh diều / Tặng em trọn một buổi chiều đợi em. (Gọi đò không sang) Trong thơ ca cần thiết phải có hình tượng được nhân cách hóa để tránh thành thứ thơ thẩn.
Nguyễn Vũ Quỳnh đã trải lòng ra trên giấy cho những người lính đang làm nhiệm vụ ngoài hải đảo nơi mà đất trong tổ quốc nằm ngoài biển khơi : Mai mốt em có về Trường Sa / Nơi tổ quốc các anh nhìn từ biển / Đừng cảm nhận thời bình hay thời chiến / Anh với đất trời tổ quốc tình yêu. ( Em có về Trường Sa)
Anh hoài niệm với đồng đội : Đồng đội ơi / Chúng ta đứa nào mà chẳng có tên / khi điểm danh đứa nào cũng có / Lúc ngã xuống trong mưa bom bảo đạn / Dưới mộ phần tên đứa có đứa không. ( Chiều nghĩa trang liệt sĩ)
Nguyễn Vũ Quỳnh nhớ quê rất lạ lẫm mà tinh tế trong veo bằng những câu thơ đẹp : Mong được thấy vòm trời qua đáy giếng / Gàu nước kéo lên cạn những trưa hè .(Giấc mơ trôi)
Trưa sâu tận bên kia đáy giếng tức là vòm trời, múc cạn trời trưa là thơ, là lãng mạn biết bao. Lâu rồi tôi mới gặp một giọng thơ như vậy. Anh mang bóng dáng của cái thật vào thơ, nâng tầm sự thật thành lãng mạn, bay bỗng mà lắng sâu tình đời. Trong thơ Vũ Quỳnh không thấy điều gì gượng ép mà nó đi ra một mạch của tự nhiên đúng với niêm luật của thơ. Thế mà anh chỉ nhận mình là nhà báo viết được nhiều thể loại trong đó có thơ và văn ./.