Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ÔNG NGOẠI

Huỳnh Văn Úc
Thứ tư ngày 9 tháng 11 năm 2011 9:25 PM
 
Bố mẹ và tôi phải ở nhờ nhà ông bà ngoại cho đến khi tôi ba tuổi mới mua được nhà riêng  là một căn hộ trên tầng 8 nhà CT6 khu đô thị Mỹ Đình. Cho đến bây giờ khi đã học lớp 5 tôi vẫn còn nhớ- có những sự việc khi tôi còn quá nhỏ thì được nghe bố mẹ kể lại- về sự săn sóc ân tình của ông bà ngoại dành cho tôi. Bà bế tôi cho ăn bột, ông đứng cạnh làm trò con thỏ, con khỉ thu hút sự chú ý của tôi. Lúc bà nấu cơm thì ông cõng tôi đi chơi, tôi sốt thì ông ngoại ngồi cạnh thở dài lo lắng. Vì vậy khi lớn lên và gia đình tôi đã có nhà riêng, tôi vẫn quý ông bà ngoại lắm. Ngày nhà ông bà có giỗ hay thỉnh thoảng chủ nhật ngày nghỉ chúng tôi về nhà ông ngoại. Mai nhà mình về ông ngoại nhé! Chỉ cần nghe thế là tôi nhảy cẫng lên vui sướng.
Ông ngoại biết làm thơ. Thơ là sự thăng hoa của tình cảm con người. Tôi không biết ông ngoại thăng hoa đến đâu nhưng thơ ông làm ra mà tôi biết được đại khái nó như thế này:

Ông là buổi chiều tà
Cháu là bình minh rực rỡ.
Ông là quả chín trên cành
Cháu là nụ hoa mới nở.

Một hôm qua điện thoại tôi báo cho ông ngoại biết con diều của tôi bị đứt dây bay mất, ông đọc ngay:
Chiều hôm qua con diều bay mất
Ông mua cho con khác cháu chơi.
Ông ngoại còn biết xem đường chỉ tay. Ông bảo số mệnh con người, vui buồn, thành đạt, thất bại…tất cả đều thể hiện trên lòng bàn tay. Có lần ông bảo tôi đưa bàn tay trái để ông xem và lẩm bẩm về những sinh đạo, tâm đạo, trí đạo. Tôi không hiểu lắm về những đường ấy. Tôi nắm lấy tay ông, vô tình lật đôi bàn tay lên và ngạc nhiên thấy đôi mu bàn tay màu nâu dăn deo dúm dó, trên đó nổi rõ những đường gân xanh chằng chịt. Lòng tôi dấy lên một niềm thương cảm sâu sắc, giá mà biết làm thơ tôi đã có thể viết ngay một bài thơ về đôi bàn tay ấy. Đôi bàn tay ngày còn trẻ đã từng nắm vô lăng của tủ điều khiển góc tà trong ca bin đài điều khiển tên lửa phòng không. Cũng đôi bàn tay này khi về già đã nâng niu nựng nịu dỗ dành tôi khi tôi còn bé và còn ở chung nhà với ông. Ông ơi! Tại sao, điều gì đã khiến cho đôi bàn tay của ông trở nên như thế này hở ông?

Vào dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 năm ngoái lúc tôi học lớp 4 cô giáo dặn cả lớp viết bài văn hoặc bài thơ nói về tình cảm của học sinh đối với thầy cô giáo. Nói đến thơ là tôi nhớ ngay đến ông ngoại, mẹ tôi gọi điện thoại cho ông lúc sắp ngồi vào bàn ăn tối, khi cả nhà ăn cơm xong đã thấy điện thoại trả lời của ông để tôi lấy giấy bút ra chép bài thơ:
Cô giáo
Cô là ai, cô giáo hay nàng tiên
Cô dịu dàng và cô yêu trẻ
Đứng bên cô em thấy mình nhỏ bé
Như là em đứng cạnh mẹ hiền.

Bài thơ vẻn vẹn chỉ có bốn câu. Mẹ tôi bảo: học lớp 4 mà làm được bài thơ bốn câu như thế là quá đạt rồi, cứ chép đi và nộp cho cô. Tôi chép bài thơ vào một tờ giấy A4, vẽ vào đấy một chùm hoa dây leo, phía dưới nắn nót ghi tên tôi: Nguyễn Quốc Phiên. Bốn hôm sau tôi được gọi lên bảng đọc bài thơ ấy, kết thúc bài thơ là tiếng vỗ tay vang dội của cả lớp. Mũi tôi nở ra, khắp cả người rân rân một cảm giác tự hào vui sướng.

Không lâu sau cái buổi đọc thơ đáng nhớ ấy là tiết học đạo đức về sự trung thực. Thiếu trung thực là giả dối, mọi việc làm không trung thực đều xấu xa. Tôi ngồi nghe cô giáo giảng về sự trung thực mà đôi tai đỏ dừ, tôi lấy làm thẹn về việc đã được khen một bài thơ không phải do mình làm ra. Thơ? Cỡ như tôi mà cũng làm được thơ hay sao trong khi điểm trung bình những bài tập làm văn của tôi chỉ được điểm năm hoặc sáu. Cô giáo chắc cũng thừa biết như thế, tại sao lại bắt cả lớp hoan hô khen ngợi bài thơ của tôi, à không, của ông ngoại tôi?

Thế rồi Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 năm nay lại đến. Tôi đang học lớp 5. Cô giáo lại bắt học sinh phải làm thơ hoặc văn nói về tình cảm của học sinh đối với thầy cô giáo. Mẹ tôi bảo cứ chép bài thơ năm ngoái nộp cho cô cũng được vì cô giáo năm nay không phải là cô năm ngoái. Nhớ đến bài học đạo đức về sự trung thực, tôi tỏ ra ngần ngừ. Thấy thế mẹ tôi bảo: “ Chê bài thơ ngắn chứ gì! Thôi được, học lớp 4 làm bốn câu thơ, năm nay lên lớp 5 làm thêm vài câu nữa. Để đấy mẹ gọi cho ông ngoại”. Yêu cầu của mẹ con tôi được đáp ứng hầu như tức khắc, qua điện thoại ông ngoại đọc cho tôi chép:

Cô giáo
Cô là ai, cô giáo hay nàng tiên
Cô dịu dàng và cô yêu trẻ
Đứng bên cô em thấy mình nhỏ bé
Như là em đứng cạnh mẹ hiền.
Người ta bảo cô là người chèo thuyền
Đưa chúng em sang bờ hạnh phúc
Hết năm này lại sang năm khác
Vững tay chèo cô giáo-cô tiên.

Đọc cho tôi chép bài thơ hôm trước thì hôm sau ông ngoại phải nằm bệnh viện. Không phải vì làm thơ mà ông ngã bệnh đâu, người già như chuối chín cây, hôm trước khỏe hôm sau ốm nó là cái sự thường tình. Buổi chiều hôm ấy bố tôi vào viện thăm ông, tối về trong mâm cơm nét mặt không vui bảo rằng từ chiều ông đã phải thở ôxy rồi. “Thở ôxy là thế nào hở bố?”. “ Là yếu lắm không tự thở được phải đeo một cái chụp bằng nhựa vào mũi và thở qua đó với dây nhợ lằng nhằng nối với một cái bình”. Cổ tôi nghẹn lại với miếng cơm chưa kịp nuốt, tôi lặng người đi vì thương ông lắm.

Buổi học chiều hôm sau cô giáo gọi tôi lên đọc thơ chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam. Bài học về sự trung thực khiến bước chân tôi đi lên bảng ngập ngừng. Đọc xong tám câu thơ tôi bỗng dưng hình dung ông ngoại nằm trên giường bệnh với cái chụp thở ôxy, hết câu cuối cùng lúc tiếng vỗ tay nồng nhiệt của cả lớp vang lên cũng là lúc cổ tôi nghẹn lại, nước mắt tôi dân dấn, tim tôi thổn thức: ”Ông ngoại ơi!” ./.