(Dân trí) - Sếp biết mình là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nên giao nhiệm vụ viết bài xung quanh đề xuất của một đại biểu về xây dựng Luật nhà văn. Mình chẳng có quan điểm gì, đành đến phỏng vấn vị thủy tổ văn chương Ê dốp. (Minh họa: Ngọc Diệp)>>>>
PV: Xin kính chào Văn hào Ê dốp, tác giả của những chuyện ngụ ngôn bất tử.
Ê dốp: Cám ơn cậu. Nhưng cậu nhớ hộ, không có bất cứ thứ gì trên đời này là muôn năm, bất tử bởi chẳng có thứ gì có thể còn mãi với thời gian.
Kể cả những câu chuyện ngụ ngôn?
Đương nhiên là như vậy. Nó cũng sẽ chết như tất cả mọi vật trên đời có sinh, có tử. Khi hình thái cuộc sống thay đổi, tất cả thay đổi theo.
Tôi không hiểu. Nghĩa là những câu chuyện của ngài sẽ khác nếu như chúng được viết vào ngày hôm nay?
Đúng vậy. Nếu bây giờ viết lại những câu chuyện đó, các nhân vật của ta sẽ không phải là con hổ, con sư tử hay con cáo.
Nó sẽ là những con gì và vì sao vậy?
Vì những con vật đó đang ngày càng vắng bóng trên mặt đất. Mà khi chúng tuyệt chủng, độc giả của ta sẽ không có khái niệm về chúng. Các nhân vật của ta sẽ là những chú mèo máy Đô rê mon, những con chuột Pô li hay những chú cừu Đô li.
Còn tư tưởng của những câu chuyện đó?
Cũng thay đổi theo.
Ngài có thể cho ví dụ?
“Một con cừu sinh ra trong ông nghiệm hỏi một con cừu sinh ra như cách tổ tiên nó từng sinh ra: “Này anh bạn, bố mẹ là cái quái gì mà cậu cứ be be gọi cả ngày thế hả”. Hoặc “Một con cáo trèo lên giàn nho chín mọng. Nó vừa ăn vừa kêu: Chua quá. Nho hãy còn xanh”.
Vì sao phải thay đổi nội dung như vậy?
Đó là bởi khoa học phát triển thì hình thái xã hội, quan hệ xã hội cũng thay đổi. Con cáo bây giờ ít thắng lợi tinh thần nhưng lại giàu ý chí. Nếu không với tới chùm nho, cáo sẽ phá nát giàn nho hoặc chí ít là cắn đứt gốc nho.
Nó kêu lên như vậy để nhằm mục đích gì?
Để đánh lừa kẻ khác.
Ê dốp ạ, những chuyện của ngài làm mệt tôi quá. Gác những chuyện đó lại. Ngài nhìn nhận đề xuất của một Đại biểu Quốc hội về việc xây dựng Luật Nhà văn vừa qua như thế nào?
Việc đó là cần thiết, vô cùng cần thiết.
Vì sao vậy, thưa Văn hào Ê dốp vĩ đại?
Chúng ta đang xây dựng một Nhà nước pháp quyền. Mọi hành vi của công dân đều được bảo vệ bằng hành lang pháp lý. Người đi đường có Luật đường bộ. Người nuôi trồng thủy sản, đánh bắt cá có Luật thủy sản. Đến cậu bé đi học còn có Luật giáo dục thì tại sao nhà văn, nhà thơ, những người làm ra sản phẩm tinh thần lại không cần có luật.
Nhiều nhà văn, nhà thơ và cả đại biểu Quốc hội cho rằng trong khi đất nước có biết bao nhiêu luật cần được xây dựng để bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế thì chúng ta lại bỏ thời gian, công sức đi làm một cái luật rất lãng mạn này…?
Ta biết có những ý kiến như thế nhưng đó là những người không biết nhìn xa, trông rộng. Họ ấu trĩ, không hiểu hết được sức mạnh của văn chương. Khi văn chương phát triển, nó có sức lay động lòng người và đó chính là động lực để bảo vệ và phát triển đất nước. Đã từng có những tác phẩm văn chương có sức mạnh ngang một sư đoàn. Có những tác phẩm văn chương làm ra nhiều của cải hơn một nhà máy…
Nếu là người được mời tham gia xây dựng Luật nhà văn, ngài sẽ làm điều gì đầu tiên?
Ta sẽ đề nghị đưa vào Điều I: “Cấm tất cả các nhà văn công bố những tác phẩm không có người đọc, các tác phẩm hay không hay, dở cũng không dở. Văn chương không chấp nhận sự làng nhàng”. Và qui trách nhiệm cụ thể: “Những người sáng tác không hay – Chính là thủ phạm phá cây, đốt rừng”.
Thưa, sao viết văn, làm thơ không hay lại là kẻ phá cây, đốt rừng được?
Vì để in một tập thơ hoặc một tập văn xuôi, phải tốn hàng vạn trang giấy mà muốn có hàng vạn trang giấy thì phải phá đi hàng mẫu rừng nguyên liệu. Vì vậy, văn chương không hay không những làm ô nhiễm môi trường văn chương mà còn gián tiêp tiếp tay cho nạn phá rừng.
Ôi, Ngài qui chụp thế thì nguy quá. Rồi sẽ chả ai còn dám làm thơ, viết văn nữa. Thế còn điều cuối cùng trong bộ luật đó, Ngài sẽ đề xuất như thế nào?
Để tạo dấu ấn và sự độc đáo, ta đề nghị toàn bộ Luật nhà thơ được viết bằng thơ. Mà ta phải đi đây. Bai bai nhé!
Vâng, xin cám ơn Ngài!