Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CON ĐƯỜNG THỦY CHUNG – TÌNH NGHĨA

Trần Trung
Thứ năm ngày 10 tháng 11 năm 2011 11:03 AM
Con đường rắc vỏ trấu vàng

Ngược con đường lúa về làng
Con đường rắc vỏ trấu vàng mưa sa
Trập trùng ngày tháng lùi xa
Cha ơi, chén rượu quê nhà tiễn đưa
Cha đi từ mái nhà xưa
Hàng hiên khóm cúc lưa thưa khói trầm
Mưa xuân mắt mẹ giọt thầm
Đường trơn làm nhịp bát âm chuyển làn
Cho con đồng vọng “Lên đàng”
Cờ bay phố huyện người sang đường này
Làng mình nam bắc đông tây
Những là nghiên bút cuốc cày với nhau
Những là tre trúc trầu cau
Giọt xuyên lá rách mà đau lá lành
Biển cồn bãi cạn dâu xanh
Nôn nao rau má hũ sành buồn vui
Ngọn đèn chong bếp lửa vùi
Đắng cay cùng sẻ ngọt bùi cùng san
Gốc đa ướm ngọn nồm nam
Trống đình ai đánh còn vang những ngày
Trên vai làng nước mình đây
Cha đi bến lặng sông đầy diễu qua
Bay nghiêng hạt sáng thiên hà
Đường quê bỗng hóa đường xa tận trời!
Nhẹ nhàng vỏ trấu vàng rơi
Bước người như sóng chân người chói chang
Mương dài nở trắng hoa trang
Cỏ xuân nét thảo hai hàng thiết tha
Ở đâu hơn thế quê nhà
Nẻo đường ân nghĩa bắc qua nghìn đời
Trấu vàng rắc dặm vàng phơi
Hạt thơm của đất còn nuôi tình làng
                                                      1994

CON ĐƯỜNG THỦY CHUNG – TÌNH NGHĨA
(TRẦN TRUNG)
Trong nghệ thuật nói chung và lãnh địa thơ ca nói riêng – sự sáng tạo của nhà thơ hay sự tiếp nhận, thụ cảm của độc giả, rất cần tinh chất của độ “nồng” và “đạm” như cách nói của nhà thơ, nhà phê bình Viên Mai( Đời nhà Thanh – Trung Quốc): “Thơ chỉ nên đạm chứ không nên nồng; nhưng phải đạm sau khi đã nồng”. Với tập thơ tuyển chọn mới đây của Phạm Trọng Thanh(Nhà xuất bản Hội nhà văn – 3/2011), tôi thực sự thích độ “nồng” và “đạm” riêng trong thơ anh. Nói rõ hơn: thơ Phan Trọng Thanh mang được sắc điệu hồn của nhà thơ vừa chân tình nồng hậu với quê hương xứ sở; lại vừa ý thức về sự tìm tòi sáng tạo riêng của thời thơ đương đại. Chất riêng ấy của Phạm Trọng Thanh trong tập này, tôi thích và quí bài “Con đường rắc vỏ trấu vàng”.
Nếu làm cách đếm cơ học thì trong bài thơ trên của Phạm Trọng Thanh có 4(bốn) điệp khúc. Điệp mà không lặp lại hoàn toàn. Mà, biến hóa đầy ấn tượng. Đó là hình ảnh “vỏ trấu vàng”:
              - “Con đường rắc vỏ trấu vàng” (Tiêu đề)
- “Ngược con đường lúa về làng
Con đường rắc vỏ trấu vàng mưa sa”
                                                                  (Khổ thơ đầu).
                                        - “Nhẹ nhàng vỏ trấu vàng rơi
       Bước người như sóng chân người chói chang”
                    ( Khổ thơ 7)
- Và trong khổ thơ kết:
“Trấu vàng rắc dặm vàng phơi
                                        Hạt thơm của đất còn nuôi tình làng”
Phạm Trọng Thanh đã có cách gieo rắc và giăng mắc hình ảnh “vỏ trấu vàng” theo một giọng điệu không mới – điệu thơ kể. Thế mà, tạo lập ấn tượng một tứ thơ khó quên. Đấy chính là cái tình, chất tình nghĩa thủy chung với quê hương và con người.
Ngay từ khổ thơ đầu, hình ảnh quê – con người quê, trên con đường quê đồng hiện – từ sự ra đi của người cha thân quí:
“Trập trùng ngày tháng lùi xa
Cha ơi, chén rượu quê nhà tiễn đưa”
Không gian và thời gian, quê hương và người thân như quyện hòa trong những con chữ với lời thơ chân thành, xúc động của Phạm Trọng Thanh.
Trên con đường quê gắn với hoài niệm, theo mạch cảm xúc tâm tình, nhà thơ đã tạo tiếp những hình ảnh giản dị mà xúc động từ ngoại cảnh tới tâm trạng nhân vật trữ tình – những con người – trong cuộc:
“Mưa xuân mắt mẹ giọt thầm
Đường trơn làm nhịp bát âm chuyển làn”
Tôi thích và quí phục cái chất giản dị mà tĩnh lặng, lại pha chút hom hóm trong lời thơ trộn hòa thực - ảo từ hai câu thơ trên của tác giả.
Phạm Trọng Thanh trong cách triển khai tứ thơ từ hình ảnh “con đường rắc vỏ trấu vàng” mang giọng điệu kể - hoài niệm, lại tiếp chuyển sang cảm hứng yêu thương và tự hào. Ấy là khi nhà thơ làm sống lại hình ảnh quê hương, những tháng năm buồn đau trong nghèo khổ mà lại hào hùng. Xét ở góc độ hội họa và điện ảnh, nhà thơ đã thực sự tạo nên những mảng miếng tương phản – thật ấn tượng: bóng tối và ánh sáng, buồn thương và kiêu hãnh…
Chất liệu quê quen thuộc mà ám ảnh, chợt ùa vào thơ với: “tre trúc trầu cau”; “lá rách mà đau lá lành”, “ngọn đèn chong, bếp lửa vùi”…Thi liệu mang chất “hương đồng gió nội”(Nguyễn Bính) cùng tác hợp mà lên giọng, lên hương theo điệu thơ lục bát, được Phạm Trọng Thanh viết nên nhẹ nhàng, hồn hậu mà gợi cảm, gợi nghĩ:
“Biển cồn bãi cạn dâu xanh
Nôn nao rau má hũ sành buồn vui”
Trên con đường, cũng là theo mạch xúc cảm, hoài niệm, Phạm Trọng Thanh có cách đồng hiện và chuyển hóa trong cách nhìn, cách cảm với quê hương. Chính điều đó, nhà thơ đã đột mở ra những dòng thơ, lời thơ ánh sáng; những hình ảnh kiêu hãnh, tự hào mà không ồn ào, không hô to gọi giật. Mà, xúc động và tài hoa riêng:
- “Bay nghiêng hạt sáng thiên hà
Đường quê bỗng hóa đường xa tận trời!”
- “Mương dài nở trắng hoa trang
Cỏ xuân nét thảo hai hàng thiết tha”
Với khổ thơ thứ tám và cũng là khổ thơ kết nhà thơ nâng tiếp lên một tầng nghĩa mới – cũng là cách đẩy cảm xúc và suy tư lên một tầm khát quát, triết lí:
   “Ở đâu hơn thế quê nhà
Nẻo đường ân nghĩa bắc qua nghìn đời
     Trấu vàng rắc dặm vàng phơi
Hạt thơm của đất còn nuôi tình làng”
Hóa ra, với “Con đường rắc vỏ trấu vàng” nhà thơ họ Phạm đâu chỉ “nói chuyện” về quê mình, về tâm tình thủy chung – tình nghĩa khi hướng tới con người và vùng đất quê hương bản quán của mình.
Hà Nội, cuối tháng 7/2011