Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỚ ANH HOÀNG PHỤNG CẦM

Phùng Văn Khai
Thứ ba ngày 8 tháng 11 năm 2011 7:53 PM

Phùng Văn Khai: Sáng nay, vừa đưa con đi học thì nhận được tin nhắn từ Sài Gòn: Nhà thơ Hoàng Phụng Cầm mất. Có thể văn nhân Sài Gòn không biết nhiều đến cái tên Hoàng Phụng Cầm, nhưng với Tạp chí VNQĐ, thơ anh đã in ở đó cách đây trên 30 năm. Rồi bẵng đi chừng ấy thời gian, anh bặt tiếng. Cơ duyên thế nào, tôi lại vớ được tập thơ của anh ở hàng giấy vụn. Đọc thơ thấy rưng rưng. Thơ đích thực. Tôi bèn viết giới thiệu như công việc thông thường của người biên tập. Từ Sài Gòn, anh viết ra một lá thư tay, lời lẽ khiến tôi buốt nhói. Tôi cũng viết thư gửi anh. Thư qua thư lại. Đã 10 năm mới lại viết thư kể cũng lạ. Rồi VNQĐ mời anh đi trại viết Bến Tre, Quy Nhơn. Thơ anh đăng đều trên VNQĐ. Hôm ở Quy Nhơn anh bảo chỉ vài tháng nữa là tạm biệt trần gian. Anh cho tôi chai rượu. Chúng tôi mở ra uống coi như tạm biệt anh. Tôi biết anh không nói đùa. Tôi nói: Chết cũng phải bình tĩnh. Anh Email sáng tác mới em sẽ in một tập giúp anh. Rồi đa đoan công việc. Tôi đang làm nhà thì chị Thanh Long, bạn anh gửi thơ của anh và báo anh sắp mất.
Tôi khẩn trương in tập thơ và gửi vào Sài Gòn.
Thỉnh thoảng anh điện cho tôi và bảo sắp đi.
Và anh giã biệt chúng tôi thật.
Xin được có nén nhang kính viếng  hương hồn anh.

Thơ trong những tập thơ
HÁT VỚI LÔNG CHÔNG
(Thơ Hoàng Phụng Cầm-NXB Thanh niên 2008)

Hoàng Phụng Cầm quê ở Lệ Thủy, Quảng Bình nhưng ông lại sinh ra ở Kim Sơn, Ninh Bình. Vùng đất ở miên man cát trắng hòa trộn với nơi chào đời trùng điệp núi đá vôi dường như đã tạo nên một cá tính thơ Hoàng Phụng Cầm với sự quyết liệt pha chút cực đoan nhưng giàu suy tư chiêm nghiệm và rất kiệm lời đa ý của người từng trải, thậm chí là trải nhiều thua thiệt. Hiện ông sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông làm thơ từ những năm 70, từng có thơ đăng trên Tạp chí VNQĐ thời điểm ấy. Thủy chung với thơ, thủy chung với đời sống, thơ Hoàng Phụng Cầm trong Hát với lông chông với hai phần Bụi trần và Mẹ là những suy tư trải nghiệm nhiều chục năm trước biết bao đổi thay, biến cố thời cuộc nhưng mạch thơ thì nhất quán trước sau như một: Lá thu còn mấy chiếc/ Cây vẫn buông xuống thềm/ Mùa sinh nở ngầm đan trong mùa chết/ Cái nao lòng giữa vạn cái vô tâm/... Phút buông lá/ cây thả điều thanh thản/ Lá lìa cành/  lá dạy ta hôn... (Lá) Nắm tay em bỗng xót lòng/ Từ trong mỗi đốt đã không còn đầy/ Ngón khô theo tháng theo ngày/ Ngón xanh xao bởi đêm chày mà xanh (Bụi trần) Ta hóa sóng quay đầu vào bến vỗ/ Hóa cỏ gà ôm chặt chân đê (Làng) là những câu thơ dường như chỉ đến với những người đã đi qua bể dâu thời cuộc. Với 49 bài, Hát với lông chông như là một tổng kết với chính mình về những gì đã trải qua, đã nhìn thấy, đã cảm nhận, được chưng cất kỹ càng, đến độ mà vẫn có sự nhuần nhụy, đôi khi bồng bột, ngu ngơ: Tan biến vào khói trắng/ Máu gặp đất máu thành im lặng/ Mắt không còn lệ đắng/ Mặt trời nguội hơn trái tim (Trắng) Cành đau/ Chồi sẽ quên mau/ Lá vàng đâu thể/ Dễ nhàu trong ta (Thu) Cuộc đời như tờ giấy/ Trắng đấy mà dễ đen/ Nó trong như nắng vậy/ Hai mặt đều mong manh (Mong manh).
Thơ Hoàng Phụng Cầm khiến người đọc bâng khuâng, xót xa nhưng không bi lụy, điều này cũng là thế mạnh của Hát với lông chông. Có cảm giác Hoàng Phụng Cầm chỉ viết cho riêng mình nhưng người đọc vẫn đồng cảm một cách tự nhiên từ những gì ông gợi đến, dù thật riêng. Ông có những câu thơ viết về mẹ thực sự xúc động: Chén cơm ủ trong chăn dành cho ta ngày bé/ Ngồi ngắm ta ăn Người nói: Mẹ no rồi/ Những lời nói dối này theo suốt cuộc đời tôi (Mẹ).
Trong lời tựa Hát với lông chông, nhà thơ Trúc Chi viết:  Tuổi ấu thơ gặp đất, gặp miền rung lục lạc. Tuổi thơ sáu mươi về gặp cát, gặp miền lông chông. Cát và lông chông là cả một sự sống. Cái tuổi làm nên câu thơ chạm đến đằm thắm kỷ niệm “Hình như mẹ nhòe trên hình cát / Những hạt cơm bọc tròn nước mắt”, chạm đến da diết khát khao “Những hạt cỏ lông chông / Theo gió chạy dọc biển miền rung khát đất” (Hát với lông chông). Cũng từ bàn tay nhăn nheo bụm lá bụm cát của mẹ để thành lời cát nói với con, nói với truyền kiếp thành trong lời thơ, thành lời báo bão trong con: “Mẹ nói với ta ít về thăm thôi / Tiền dằn lưng lo cơm gạo / Đấy chính là lời báo bão” (Lời cát ).
Gạt ra số ít bài, những câu còn gượng ép, đơn giản, Hát với lông chông như một niềm tâm sự sâu sắc, trách nhiệm với cuộc sống, với con người, như nhắc nhở con người hãy sống tốt hơn lên, điều mà văn chương thời nào cũng luôn hướng đến.
Nhà văn Phùng Văn Khai chọn và giới thiệu
Tiễn bạn thơ
(Tiễn anh Trúc Chi)
Bạn về
Mưa cũng theo sau
Tứ thơ ngấm lạnh
Giấy nhàu, mực loang.
Bạn về
Cổng đóng, chốt han
Vần thơ kết bụi
Vườn hoang cỏ dày.
Bạn đi
Ta hỏi câu này
Mà thôi, im lặng
Vẫn đầy đặn hơn...
 
Đất
(Viết trước những nấm mộ liệt sĩ vô danh)
Đất không phải là hoa
Không phải là mặt trời
Chỉ thoảng chút hương đêm đồng nội
Chẳng có gì để nhớ dưới gót giày bước vội
Đất âm thầm cỏ mọc lên.
Người ta đặt tên làng tên sông
Tên cầu tên bến
Đất chỉ là đất bạc màu mưa nắng
Có tên mà không tên.
Khi ta trượt chân
Đỡ ta đứng lên là đất
Không có đất lấy gì cỏ mọc
Hoa nở từ đâu, hương đọng chốn nào
Giấc mơ con người không chốn gởi chiêm bao.
Nghiêng mình trước mọi vô danh
Những lớn lao thuộc về đất
Từ giữa lằn ranh còn mất
Hạt mầm cong như dấu hỏi chồm lên.

Hát với lông chông
Những hạt cỏ lông chông
Theo gió chạy dọc biển miền Trung khát đất
Bông cỏ hình cầu gai trắng đục
Chơi trò đuổi bắt
Dưới mặt trời trắng
Cát bay.
Mẹ vun từng bụm lá phi lao
Bàn tay nhăn nheo cằn khô mặt đất
Bên mẹ là thằng chắt
Đuổi theo hoa cỏ lông chông.
Đi khắp dọc biển miền Trung
Hình mẹ nhòe trên hình cát
Những hạt cơm bọc tròn nước mắt
Lăn lóc cùng lông chông.
Bàn tay nhăn nheo lẻ vết đất
Che nắng trên đầu thằng chắt
Mười ngón chân xòe bám đất
Lội giữa mặt trời lóa
Cát bay.
Cát ơi sao trắng đến thế này
Khiến truyền kiếp lông chông khát đất.