Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TẠP BÚT TẠ HỮU ĐÌNH

Tạ Hữu Đỉnh
Thứ năm ngày 10 tháng 11 năm 2011 6:14 AM

                           I -  VÀI ĐIỀU VỀ LƯƠNG TÂM                    
                              (xin trao đổi với nhà thơ Dương Thuấn)
 
Về vụ tập đoàn Vinashin làm thất thoát hàng trăm nghìn tỷ đồng của nhà nước,  báo Văn nghệ số 46, ngày 13 - 11 – 2010 đăng bài: “Ai có lương tâm hãy lên tiếng” của nhà thơ Dương Thuấn.
Vâng, đúng là rất nên như vậy. Mà người có lương tâm ở nước ta hiện nay, mặc dù đạo đức đang có phần xuống cấp, nhưng vẫn còn rất nhiều. Từ trong các cơ quan đảng và nhà nước, đến ngoài dân chúng, từ thành thị đến nông tnôn, từ miền xuôi đến miền ngược, ở đâu đâu cũng có, Và vì có lương tâm, cho nên họ đã và đang rất muốn được “lên tiếng”, chẳng riêng gì về vụ Vinashin, mà còn nhiều vụ khác nữa,..Nhưng lên tiếng bằng cách nào, thưa ông Dương Thuấn ?
Ông là nhà thơ, hôi viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hội có riêng một tơ báo để đăng bài cho các hội viên. Cho nên cái sự “lên tiếng” của ông được báo đăng ngay. Còn hàng triệu người dân thường, nếu họ cũng “lên tiếng”, thì liệu có tờ báo nào đăng cho họ không ?
Ở nước ta, tuy có hàng trăm tờ báo, từ trung ương đến các địa phương. Cơ quan đoàn thể nào cũng có báo, hoặc chí. Và tờ báo nào cũng mệnh danh là cơ quan ngôn luận của giới nọ, đoàn thể kia. Nhưng từ ông (hay bà) Tổng biên tập, đến các phóng viên, nhân viên tạp vụ đều ở trong biên chế và được hưởng lương của nhà nước.Cho nên họ phải viết theo sự chỉ đạo của cơ quan nhà nước.
Tuy cũng có một vài trường hợp, ông nhà báo A, nhà báo B bị kỷ luật. Vì…”viết sai sự thật!”. Nhưng rất hi hữu, Vì bài viết không chỉ “được” kiểm duyệt trước khi in. Mà sau khi in còn “hậu kiểm” nữa. Cho nên mới có những số báo, hoặc  quyển sách đã in xong rồi, thậm chí đã phát hành rồi, nhưng vẫn bị thu hồi về nghiền ra thành bột để tái chế giấy viết.
Nnếu tôi đoán không nhầm, thì ngay cả chính ông, mỗi khi cầm bút viết, cũng không tránh khỏi cái cảm giác nơm nớp lo âu bài của mình sẽ bị kiểm duyệt. Cho nến chữ nghĩa phải mềm mỏng, khéo léo, không dám thẳng tay vạch mặt chỉ tên bọn tham nhũng, ăn cắp ở tập đoan Vinashin, mà phải viết tránh đi là “làm thất thoat”. Thất thoát là mất đi. và cái sự mất đi ấy có thể là do rủi ro, làm ăn thua lỗ, chứ không hẳn là bị bọn quan tham đánh cắp.
Và đối với những tên thủ phạm trực tiếp gây ra sự “thất thoat” ấy, ông cũng không dám thẳng thắn yêu cầu nhà nước đưa bọn chúng ra Tòa xét sử. mà chỉ yêu cầu: “…phải xử lý nghiêm để làm gương”. Ôi chao! Biết bao nhiêu cái bảo “nghiêm” mà chẳng hề “nghiêm”.
Và đây, kết quả của cái sự “nghiêm” ấy là: Vừa qua, tại kỳ họp cuối cùng (tháng 3-2011) của Quốc hội Khoá 12, Thủ tướng chính phủ đọc báo cáo đã cho Quốc hội và nhân dân cả nước biết rằng: Bộ chính trị đã quyết định không kỷ luật tập đoàn Vinashin.
.
Thưa nhà thơ Dương Thuấn, ông là nhà thơ có chữ nghĩa và vị thế hơn hẳn những người dân thường. Thế mà khi bày tỏ quan điểm của mình về một vấn nạn của đất nước, ông còn phải đắn đo, nhìn trước ngó sau như vậy. Thì hàng triệu người dân vô danh, dù có thừa lương tâm, cũng không thể “lên tiếng” như ông được.
Còn nếu bảo ta là một nước dân chủ, người dân được quyền tự do ngôn luận. Nếu ngại viết báo khó được đăng, thì có thể viết thư lên Quộc hội, lên Chính phủ, hay Chủ tịch nước để bày tỏ quan điểm của mình, cũng đều được cả. Vâng đúng là như vậy. Nhưng xin ông hãy nhìn lại vụ Bốxit Tây Nguyên, hay viếc mở rộng thủ đô Hà Nội xem. Có biết bao ý kiến phản biện của các nhà khoa học, các giáo sư tiến sĩ, và đơn thu ý kiến của các vị lão thành cách mạng, các vị tướng lĩnh đã từng đánh đông dẹp bắc, vào sinh ra tử, thương tích đầy mình,, huân chương đầy ngực, cũng chẳng có tác dụng gì. Cuối cùng thì Bốxit vẵn được khai thác, và thủ đô Hà Nội vẫn được mở rộng đến cả mấy bản, làng người dân tộc thiểu số của tỉnh Hoà Bình..
Thôi! “Mũ ni che tai”. Im lặng là vàng. Giả câm giả điếc là bạc. Trông thấy thằng ăn cắp móc túi người lương thiện thì nhắm mắt lại, hay ngoảnh mặt đi, mặc cha nó. Chịu mang cái tiếng là người không có “lương tâm”, hay “vô cảm”, còn hơn là hô hoán lên, rồi nó đón đường nó rạch mặt cho. Ai bênh?..
Thái độ đó tuy không phải là hay, nhưng trong bối cảnh hiện nay, thì đó là một cách phòng thân hữu hiệu nhất của người dân thường.
Ngoài ông ra, Hội Nhà văn Việt Nam còn gần một nghìn hội viên nữa, chưa thấy họ “lên tiếng”, hoặc họ sẽ không “lên tiếng”, nhưng như vậy đâu phải là vì họ không có “lương tâm”, thưa nhà thơ Dương Thuấn./.
 
Uông Bí, ngày 23/11/2010
Sửa, ngày 6/5/2011    
                                                                                
                           

                       II - TAI NẠN NGHỀ NGHIỆP
 
         
          Báo Văn nghệ số 12, ngày 15/3/2006 đăng bài tham luận “Sân khấu thực trạng và giải pháp”, của NSND Trọng Khôi, đọc tại hội nghị lý luận phê bình VHNT vừa qua. Là người đọc báo, chúng tôi thấy có điều cần phát biểu về bản tham luận đó. Vậy xin trích mấy dòng để bạn đọc tiện theo dõi:
“Vừa qua Hội đồng xét tặng giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh của Hội Nhà văn Việt Nam đã đề xuất thông qua việc tặng các nhà văn, nhà thơ Hoàng Cầm, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng v..v…giải thưởng Nhà nước. Thời xa xưa, họ là nhóm chống Đảng và đã tiếp nhận một hình thức kỉ luật kéo dài. Vậy mà bây giờ đã có sự cởi mở, sau khi họ đã sửa chữa sai lầm. Tôi cho rằng đây là một thái độ dũng cảm, trung thực của Hội Nhà văn Việt Nam rất đáng khâm phục…”.
          Khoan hãy nói đến quan diểm của nghệ sĩ Trọng Khôi về vấn đề này. Trước hết người viết bài này xin được bày tỏ sự vui mừng cùng các Văn nghệ sĩ được giải và cùng quý Hội Nhà văn Việt Nam. Vâng, quả là rất đáng mừng cho những người ở trong cuộc, và mừng cho cả đất nước ta, từ đây đã bớt đi được một nỗi oan khiên day dứt.
          Song, tin vui này cũng gợi lên một nỗi buồn và cả sự nuối tiếc cho những ai cùng họi cùng thuyền với họ, nhưng chẳng may vì ốm đau bệnh tật đã qua đời. Ở nơi “chín suối” chẳng hay họ có biết cái tin vui này, và họ có “ngậm cười” không? Hay họ vẫn…chau mày buồn bã như những năm nào, trước khi nhắm mắt xuôi tay?
          Còn chúng tôi trong niềm vui chung này, cũng cảm thấy một chút buồn riêng. Vì trong số những người đã khuất ấy có cả người anh yêu quý của chúng tôi, nhà văn Tạ Hữu Thiện, tác giả của hai bài thơ “Đuổi đám mây mù” và “Người không tên tuổi”. Hai bài thơ này được Báo Văn nghệ in vào khoảng cuối năm 1956, thế kỷ trước. Năm 2000, Nhà xuất bản Quân đội in “Tổng tập nhà văn quân đội, kỷ yếu và tác phẩm”, có in lại bài “Đuổi đám mây mù”, tại tập hai, trang 154. Sau đây chúng tôi sẽ kể tiếp về tác giả hai bài thơ nói trên. Bây giờ xin được trở lại bài tham luận của NSND Trọng Khôi:
          Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên, không hiểu tại sao đến bây giờ là năm hai nghìn lẻ sáu rồi mà một nghệ sĩ tài danh, đồng thời là một vị chức sắc đứng đầu ngành nghệ thuật sân khấu như ông mà vẫn còn dùng những lời lẽ hết sức nặng nề như: “Họ là nhóm chống Đảng”, để nói về anh em, bè bạn mình, những nhà văn, nhà thơ danh tiếng của nhân dân và đất nước? Chẳng lẽ ông không hiểu rằng cái danh xưng “nguy hiểm, chết người” ấy vốn chỉ là “cái mũ” mà một thời lịch sử đã phũ phàng chụp lên đầu những con người lương thiện ấy hay sao?
          Trong bài “ Minh định của thời đại” (Văn nghế số 20, ngày 17/5/2008) tác giả Phạm Quang Trung đã viết: “ Chế Lan Viên trả lời bạn đọc phỏng vấn ông về số phận anh em Nhân văn thì năm 1973, đồng chí Lê Đức Thọ đã thay mặt Bộ chính trị gặp anh em xóa bỏ cái án ấy…”. Chẵng lẽ là người lãnh đạo, NSND Trọng    Khôi lại không biết việc ấy hay sao?
          Viết như vậy chẳng những đã gây ra sự nực cười cho những người đương thời hiểu rõ vụ việc, mà còn gây ra sự hiểu lầm cho thế hệ mai sau. Vì không hiểu những ” uẩn khúc” của quá khứ lịch sử, họ sẽ lầm tưởng các nhà văn, nhà thơ ấy đã có thời lầm lỡ chống Đảng, làm Việt gian bán nước hại dân, hay đi theo Quốc dân đảng phản động…
          Nghệ sĩ Trọng Khôi còn cho việc làm đó (đề nghị tặng giải thưởng) của Hội Nhà văn là “dũng cảm”, là “đáng khâm phục”. Ô hay người ta đang đi, ông xô người ta ngã vỡ đầu, gẫy cẳng. Rồi ba bốn mươi năm sau mới nâng dậy, chẳng những đã không được bồi thường thiệt hại, mà đến nửa câu xin lỗi cũng chẳng được. Thế mà vẫn được coi là “dũng cảm”, là “trung thực” thì có nực cười không ? Hay bây giờ những mĩ từ ấy cũng bị “hủ hóa”, bị xuống cấp rồi?
          Chúng tôi còn nhớ khi nhóm Nhân văn bị ” đánh” tơi bời thì các nhà văn, nhà thơ, các nghệ sĩ ở ngoài vòng (kể cả ông lớn đến ông bé) đều ngoảnh mặt đi, im thin thít. Coi như hàng xóm cháy nhả, mình bình chân như vại. Chẳng thấy ai lên tiếng nói đỡ cho họ, dù chỉ là một chữ, một câu. Vậy, thử hỏi cái chữ “dũng cảm” kia, lúc bấy giờ lẩn trốn đi đâu?..
.                                                         *
                                                     *          *
                    Vậy đâu là sự thật?
          Theo sự hiểu biết hạn hẹp của chúng tôi thì những năm 1955-1956, cuộc kháng chiến chống Pháp vừa kết thúc thắng lợi. Trong không khí hòa bình, nhân dân ta nô nức, ai cũng muốn góp công gớp sức để dựng xây đất nước. Trên mặt trận văn hóa, tư tưởng cũng vậy. Các văn nghệ sĩ cũng muốn góp công sức của mình. Người sáng tác ai cũng muốn viết được hay, được nhiều. Và muốn làm được như vậy, thì trước hết họ phải được tự do, viết theo con tim và khối óc của  họ, chứ không phải viết theo yêu cầu, theo kiểu đã vạch sẵn của người khác áp đặt. Bức tranh phải có tối có sáng. Con người cũng vậy, có xấu, có tốt, có vui có buồn, có thành công và cả thất bại nữa. Nhưng quan điểm đó không đồng nhất với quan điểm của các nhà lãnh đạo Văn nghệ, Họ cho rằng xã hội ta “ưu việt”, không có bi kịch. Văn học nghệ thuật chỉ đề cao cái tốt, tôn vinh các nhân vật tích cực, cũng là phê phán cái xấu, cái tiêu cực. Có lẽ vì quan diểm này nên mới có câu nói một thời khá nổi tiêng  “Đánh Mỹ là một ngày hội lớn”!
          Và thê là họ (các văn nghệ sĩ đòi tự do) bị phê phán, bị quy kết là” nhóm bôi đen”…
          Cùng thời gian ấy ở bên kia biên giới, nước láng diềng nổi lên phong trào: “Trăm hoa đua nở - Trăm nhà đua tiếng”. Nhân đấy, các văn nghệ sĩ có khuynh hướng tự do sáng tác của ta khởi xướng ra phong trào: “Nhân văn – Giai phẩm”. Đối lập với khuynh hướng sáng tác một chiều, chỉ phản ánh cái tốt, mặt tích cực, còn cái xấu, tiêu cực chỉ là những nét mờ nhạt, điểm qua trong bức chân dung xã hội. Họ gọi đó là nhóm “Tô hồng”.
          Để đăng tải tác phẩm của mình, nhóm Nhân văn cho ra tờ báo “Trăm Hoa”. Do nhà thơ Nguyễn Bính làm chủ bút. Nhưng tờ báo chỉ ra được hai số thì bị “bọn côn đồ” đến hành hung. Nhà thơ Nguyễn Bính phải bỏ chạy. Chúng thả sức đập phá nhà cửa, bàn ghế, đồ đạc tan hoang chán rồi bỏ đi. Chẳng ai can thiệp. Rồi có lệnh cấm, tờ “Trăm Hoa” phải đình bản vĩnh viễn. Và vụ hành hung tự nhiên thành ra “ngòi nổ”. Khiến tất cả các báo đài, các nhà lý luận phê bình văn học, các nhà tuyên giáo cùng đồng loạt “ra quân”, tạo thành một  “chiến dịch” phê phán, công kích nhóm “Nhân văn” sôi lên sùng sục. Người ta gọi họ là” bọn bôi đen”, “bọn chống Đảng”. Thậm chí khi nói chuyện thời sự với cán bộ công nhân viên, ông Trưởng ban tuyên giáo tỉnh chúng tôi còn bảo: ”Bọn chúng núp dưới cái chiêu bài đòi tự do sáng tác, nhưng sự thực là chúng muốn chia quyền lãnh đạo của Đảng. Chúng nhầm. Bọn chúng chỉ là mấy con ruồi. Đảng ta đã dùng búa đập ruồi”.Sau đó, chúng tôi có hỏi nhà văn Tạ Hữu Thiện về câu nói đó. Ông bảo: “ Lão bịa đấy. Bọn Văn nghệ xưa nay chỉ quan tâm đến tác phẩm, chứ họ có thiết gì quyền hành đâu”.
          Trong cái “Chiến dịch” trùng trùng, điệp điệp những lý lẽ, những ngôn từ và giấy mực ấy, toàn bộ nền Văn học cách mạng non trẻ đã được rà soát lại. Tác phẩm và tác giả nảo mà các nhà lãnh đạo Văn nghệ cho là “có vấn đề” thì đều phải đưa ra trước công luận để vạch lá tìm sâu, phanh phui, mổ xẻ xem nội dung tác phẩm có “tính Đảng”, “tính giai cấp”, “tính dân tộc”, không ?...
          Chiều thứ bẩy chủ nhật nào Ban tuyên giáo tỉnh chúng tôi cũng cử cán bộ đến các cơ quan, xí nghiệp nói chuyện thời sự. Mà chủ yếu là tình hình ” Nhân văn - Giai phẩm”. Chi Đoàn thanh niên cơ quan chúng tôi tối nào cũng họp, để phê phán, đấu tố “bọn chống Đảng”, y như đấu tố vắng mặt bọn địa chủ hồi Cải cách ruộng đất vậy. Mà khi đã xem bói thì tất nhiên phải ra ma. Cho nên chẳng có tác phẩm nào đã bi coi là ”có vấn đề” mà còn trụ vững được. Kể cả những tác phẩm đã nổi tiếng trong kháng chiến cũng bị đưa ra phê phán như bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng, “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm, “Mầu tím hoa sim” của Hữu Loan v..v…
          Bài thơ “ Người không tên tuổi” của Tạ Hữu Thiện, bị Bộ giao thông vận tải kiện ra Tòa về “tội danh” vu khống. Vì nội dung bài thơ tác giả viết về một anh bộ đội đã hi sinh thân mình để cứu một em bé trong vụ tai nạn giao thông. Nguyên đơn khẳng định rằng, thời gian đó Hà Nội không xẩy ra vụ tai nạn nào như vậy. Bị cáo đã bào chữa rằng: “Căn cứ vào tính chất vì nhân dân quên mình của anh bộ đội Cụ Hồ, nên tác giả có quyền hư cấu trong sáng tác”. Phiên xử ấy, tuy bị cáo được trắng án, nhưng tác giả của bài thơ thì phải đi cải tạo lao động ba năm ở Nông trường Mộc Châu.
          Rồi một loạt tiểu thuyết và các tiểu thuyết gia cũng bị lôi ra phê phán (dân chúng gọi là bị “đánh”). Như tiểu thuyết “Người người lớp lớp” của Trần Dần, “Vào Đời” của Hà Minh Tuân. Thậm chí cả “Đống rác cũ” của nhà văn Nguyễn Công Hoan, một cây đại thụ của rừng văn Việt Nam, một vị lão thành cách mạng khả kính cũng bị lôi ra phê phán. Lũ con cháu xúm vào vặn hỏi ông: “Đống rác đã cũ, ông còn bới ra làm gì?”. Khiến cho thanh danh trong sáng của ông, từ đấy cũng bị lu mờ hoen ố !
          Tiếp đến là hàng loạt vụ xử lý. Những người bị coi là khởi xướng, cầm đầu nhóm “chống Đảng”, đều phải đi tập trung cải tạo (không thời hạn và không tuyên án). Số còn lại phải đi cải tạo lao động ít nhất là ba năm ở các hầm mỏ, hay các nông, lâm trường. Khi hết hạn trở về, họ đều phải chuyển đổi cơ quan và vị trí công tác. Tạ Hữu Thiện từ Tạp chí Văn nghệ Quân đội chuyển sang Nhà xuất bản Phổ Thông. Hà Minh Tuân, giám đốc Nhà xuất bản Văn học, chuyển sang làm chuyên viên ngành Thủy sản. Mặc dù ông chẳng hiểu gì về cái nghề sông nước cá mú ấy.
          Về nhà văn này, chúng tôi còn được nghe một giai thoại. A.. mà không! Có lẽ phải gọi là ”bi hài thoại” hay “đau thương thoại” thì mới đúng. Đó là chuyện ngày ông về nghỉ hưu, bị bệnh tâm thần. Những ngày bệnh kịch phát, ông thường cầm cái bát, ngơ ngẩn di đến cơ quan cũ. Gặp người quen hỏi đi đâu? Ông bảo đi họp. Rồi một hôm trời nhập nhoạng tối, ông cũng đi như vậy. Bỗng có kẻ xông đến đánh đập ông túi bụi. Sau một hồi đấm đá, hung thủ mới biết là nhầm. Ông không phải là kẻ trộm mà y rình bắt. Lập tức ông được y đưa đến bệnh viện. Nhưng tuổi già, sức yếu, trận đòn tinh thần còn chưa hồi phục, giờ lại thêm trận đòn thể xác nữa. Thê là ông hóa thành người thiên cổ !
          Còn những người không được cơ quan, đoàn thể nào tiếp nhận, họ phải về ở với vợ con và kiếm một việc gì đó để sinh sống. Như nhà thơ Hữu Loan về Thanh Hóa, vác xà beng lên núi đào đá hộc, bán cho người xây nhà. Nhà thơ Phùng Quán về Nghi Tàm, ra Hồ Tây.”câu cá trộm” và “làm thơ chui”. Vì từ khi bị “đánh” tất cả văn nghệ sĩ trong nhóm “Nhân văn” đều phải gác bút. Còn ai đó,  vì đời sống bắt buộc phải viết để kiếm chút nhuận bút “còm”, thì họ phải ký bằng những cái tên “mít”, tên “xoài” nào đó, chứ không dám dùng bút danh quen thuộc của mình. Có thế thì may ra tác phẩm của họ mới được sử dụng.
                                                          *
                                                     *          *
          Trên kia là câu chuyện buồn của quá khứ.
          Còn từ ngày “đổi mới” đến nay đã có nhiều thay đổi rất đáng kể. Cái tổ hợp từ “Bọn Nhân văn chống Đảng”, bây giờ không thấy ai nhắc đến nữa. Những tác phẩm trước đây coi là” độc hại” bị cấm, thì nay đang dần dần được tái bản. Và tác giả của những tác phẩm ấy cũng được Nhà nước tặng giải thưởng như các tác giả khác. Những người bị xóa tên hội viên Hội Nhà văn, thì nay được phục hồi hội tịch và bút danh như trước.Tất cả những việc làm đó chứng tỏ rằng cái tội “chống Đảng” của họ (nhóm Nhân văn) là không có thật, họ đã bị xử lý oan. Còn do nguyên nhân nào, Cá nhân hay nhóm người nào gây ra tai họa đó, thì chỉ những người lãnh đạo và lịch sử mới có câu trả lời chính xác.
          Bằng chứng đã quá rõ ràng như vậy, nhưng tiếc thay đến bây giờ vẫn có người còn tin rằng “thời xa xưa họ là nhóm chống Đảng”, mà đó lại là người lãnh đạo, người tiêu biểu của giới thí thức Văn nghệ sĩ, thì thật là một chuyện rất đáng buồn cười !
          Còn những người trong cuộc?
          Tất nhiên là họ hiểu hơn ai hết, rằng họ đã bị một trận đòn oan. Nhưng với tinh thần đoàn kết, vị tha, và tấm lòng bao dung, nhân hậu, họ đã sẵn sàng bỏ qua quá khứ, để hướng tới tương lai tươi sáng và tốt đẹp hơn. Cho nên mỗi khi vì một việc gì đó phải nhắc lại chuyện cũ thì họ lại khiêm tốn, kín đáo và tế nhị bảo: “Dạo ấy bọn chúng tôi bị tai nạn nghề nghiệp”./.

Uông Bí, tháng 4/2006
Đã in trong “Kiếp Luân Hồi”